Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mắt bạn có chăm chú nhìn giải thưởng không?

Mắt bạn có chăm chú nhìn giải thưởng không?

Mắt bạn có chăm chú nhìn giải thưởng không?

CĂN BỆNH dần dần tiến triển. Lúc đầu, thị lực người bệnh giảm sút ở vùng chu vi thị giác. Không chữa trị, nó có thể lan vào trung tâm thị giác. Cuối cùng, có thể bị khiếm thị hoàn toàn. Đó là bệnh gì? Bệnh tăng nhãn áp—một nguyên nhân gây mù quan trọng.

Tương tự như việc mất thị lực dần dần một cách ác hại và âm ỉ, chúng ta có thể mất một loại thị lực quý báu hơn nhiều—nhãn quan thiêng liêng. Vì vậy, điều thiết yếu là giữ cho các vấn đề thiêng liêng ở trung tâm của nhãn lực chúng ta.

Luôn hướng tâm trí vào giải thưởng

Trong số những điều mắt trần của chúng ta “không thấy được” là sự sống đời đời, một giải thưởng vinh quang mà Đức Giê-hô-va đặt ra cho những người trung thành với Ngài. (2 Cô-rinh-tô 4:18) Đương nhiên, tín đồ Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời chủ yếu là vì họ yêu thương Ngài. (Ma-thi-ơ 22:37) Song, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta mong đợi phần thưởng. Ngài muốn chúng ta nhận biết rằng Ngài là Cha rộng rãi, “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Vì thế, ai thật sự biết và yêu thương Đức Chúa Trời đều trân trọng những ân phước mà Ngài hứa, đồng thời ao ước thấy lời hứa ấy thành tựu.—Rô-ma 8:19, 24, 25.

Khi đọc tạp chí này và Tỉnh Thức!, nhiều độc giả thích thú hình vẽ miêu tả Địa Đàng sắp đến. Đương nhiên, chúng ta không biết chính xác Địa Đàng sẽ như thế nào, và những hình ảnh ấy chỉ là minh họa do họa sĩ vẽ ra, dựa vào những câu Kinh Thánh như Ê-sai 11:6-9. Dù sao đi nữa, một nữ tín đồ Đấng Christ nói: “Khi thấy những hình vẽ về Địa Đàng tương lai trong Tháp Canh Tỉnh Thức!, tôi xem xét kỹ như thể xem xét sách hướng dẫn du lịch. Tôi cố gắng hình dung chính bản thân đang ở trong Địa Đàng vì đây là nơi tôi thật sự hy vọng sẽ có mặt vào thời điểm Đức Chúa Trời đã định”.

Sứ đồ Phao-lô cũng có cảm nghĩ tương tự như thế về “sự kêu-gọi trên trời”. Ông không xem rằng mình đạt được nó rồi, vì ông đã phải chứng tỏ mình trung thành cho đến cuối cùng. Nhưng ông tiếp tục “bươn theo sự ở đằng trước”. (Phi-líp 3:13, 14) Tương tự như vậy, Chúa Giê-su chịu chết trên cây khổ hình “vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình”.—Hê-bơ-rơ 12:2.

Có khi nào bạn cảm thấy nghi hoặc, không biết mình có vào được thế giới mới không? Đương nhiên điều tốt là không quá tự tin, bởi lẽ chúng ta có nhận được phần thưởng sự sống đời đời hay không là tùy thuộc vào việc tiếp tục trung thành cho đến cuối cùng. (Ma-thi-ơ 24:13) Tuy nhiên, nếu cố gắng hết sức để đáp ứng các đòi hỏi của Đức Chúa Trời, chúng ta có mọi lý do để tin chắc rằng mình sẽ nhận được phần thưởng. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Nếu chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giúp chúng ta đạt mục tiêu. Thật vậy, Đức Chúa Trời không kiếm cớ để loại trừ những người chân thành cố gắng làm vui lòng Ngài; điều này trái với bản chất của Ngài.—Thi-thiên 103:8-11; Ê-xê-chi-ên 18:32.

Nhờ biết Đức Giê-hô-va nghĩ gì về dân Ngài, chúng ta có hy vọng—một điều có tầm quan trọng ngang với đức tin. (1 Cô-rinh-tô 13:13, Bản Dịch Mới) Từ ngữ Hy Lạp dịch là “hy vọng” trong Kinh Thánh bao hàm ý niệm háo hức “trông mong một điều tốt”. Sứ đồ Phao-lô nghĩ đến hy vọng như thế khi viết: “Chúng tôi mong muốn mỗi người trong anh chị em cũng bày tỏ lòng nhiệt thành như thế để nhận thức chắc chắn đầy đủ về niềm hy vọng cho đến cuối cùng, để anh chị em đừng biếng nhác, nhưng noi gương những người đã hưởng trọn lời hứa bởi đức tin và lòng kiên nhẫn”. (Hê-bơ-rơ 6:11, 12, BDM) Hãy lưu ý rằng nếu tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chắc chắn hy vọng của mình sẽ thành hiện thực. Không như nhiều điều ao ước của thế gian, hy vọng này “không bao giờ phải vỡ mộng”. (Rô-ma 5:5, Bản Diễn Ý) Vậy làm thế nào chúng ta giữ cho hy vọng mình luôn tươi sáng và rõ ràng trong tâm trí?

Cách cải thiện nhãn lực thiêng liêng

Mắt trần không thể cùng lúc tập trung vào hai vật. Nhãn lực thiêng liêng cũng thế. Tập trung vào những vật trong hệ thống hiện tại, chắc chắn hình ảnh của thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa sẽ phai mờ đi phần nào trong tâm trí chúng ta. Qua thời gian, hình ảnh mờ nhạt này có thể không còn sức lôi cuốn rồi mất hút. Điều đó thật là một thảm họa! (Lu-ca 21:34) Vì vậy, việc chúng ta giữ gìn cho ‘mắt sáng-sủa’—tức quy tụ vào Nước Đức Chúa Trời và giải thưởng sự sống đời đời—là điều quan trọng biết bao!—Ma-thi-ơ 6:22.

Giữ cho mắt sáng sủa không luôn luôn dễ dàng. Chúng ta phải bận tâm đến các vấn đề hàng ngày, và trong cuộc sống có những điều làm phân tâm—thậm chí cám dỗ. Trong những hoàn cảnh như vậy, làm thế nào chúng ta có thể tập trung sự chú ý vào Nước Trời và thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa nhưng lại không xao lãng các hoạt động cần thiết khác? Chúng ta hãy xem xét ba cách.

Học Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày. Đều đặn đọc Kinh Thánh và học hỏi các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh giúp chúng ta tập trung tâm trí vào các vấn đề thiêng liêng. Đúng, có thể chúng ta đã học Lời Đức Chúa Trời nhiều năm, nhưng phải tiếp tục học, tương tự như việc chúng ta cần tiếp tục ăn đồ ăn vật chất để bảo toàn sự sống. Chúng ta không ngừng ăn chỉ vì mình đã ăn hàng ngàn bữa trong quá khứ. Vậy, bất luận chúng ta đã quen thuộc với Kinh Thánh tới mức nào, cần liên tục và đều đặn hấp thu chất bổ dưỡng thiêng liêng trong đó, để giữ cho hy vọng chúng ta tươi sáng và đức tin cũng như tình yêu thương được vững mạnh.—Thi-thiên 1:1-3.

Suy ngẫm và biết ơn về Lời Đức Chúa Trời. Tại sao suy ngẫm là thiết yếu? Có hai lý do. Trước hết, suy ngẫm giúp chúng ta thấm nhuần điều mình đọc và phát triển lòng trân trọng chân thành về điều ấy. Thứ hai, suy ngẫm giúp chúng ta không quên Đức Giê-hô-va, các công việc lạ lùng của Ngài, và hy vọng mà Ngài đặt trước mặt chúng ta. Thí dụ: Những người Y-sơ-ra-ên cùng đi với Môi-se ra khỏi Ê-díp-tô đã nhìn thấy tận mắt Đức Giê-hô-va biểu dương quyền năng đáng sợ. Họ cũng cảm nhận sự che chở đầy yêu thương của Ngài khi Ngài đưa họ đến nhận sản nghiệp. Song trên đường đến Đất Hứa, vừa đến đồng vắng, họ bắt đầu phàn nàn, bộc lộ lòng thiếu đức tin trầm trọng. (Thi-thiên 78:11-17) Vấn đề của họ là gì?

Dân sự không còn tập trung tâm trí nghĩ đến Đức Giê-hô-va và hy vọng tuyệt diệu mà Ngài đặt trước mặt họ nhưng hướng vào những tiện nghị tức thì và ham muốn xác thịt. Dù chính họ chứng kiến những phép lạ kỳ diệu, nhiều người Y-sơ-ra-ên trở thành những người hay phàn nàn, thiếu đức tin. Thi-thiên 106:13 nói: “Họ lại mau mau quên các công-việc [của Đức Giê-hô-va]”. (Chúng tôi viết nghiêng). Sai lầm như thế không thể bào chữa được nên thế hệ ấy mất cơ hội vào Đất Hứa.

Do đó, khi đọc Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm giúp học Kinh Thánh, hãy dành thời giờ suy ngẫm về những gì bạn đọc. Nghiền ngẫm như thế là thiết yếu cho sức khỏe và sự tăng trưởng về thiêng liêng của bạn. Thí dụ, khi đọc bài Thi-thiên 106, mà ở trên đã trích một phần, hãy suy ngẫm về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Hãy nhận thức xem Ngài kiên nhẫn và khoan dung đến mức nào đối với người Y-sơ-ra-ên. Hãy nhận biết rằng Ngài đã làm hết mức để giúp họ nhận lấy Đất Hứa. Hãy để ý xem họ cứ mãi cãi lệnh Ngài như thế nào. Hãy hình dung nỗi đau lòng và khổ tâm của Đức Giê-hô-va khi dân chai lì, vô ơn thử thách lòng khoan dung và kiên nhẫn của Ngài đến mức tận cùng. Ngoài ra, khi suy ngẫm về hai câu 30 và 31 miêu tả lập trường can đảm, kiên quyết của Phi-nê-a về sự công bình, chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không quên những người trung thành và Ngài sẽ ban thưởng cho họ dồi dào.

Áp dụng các nguyên tắc của Kinh Thánh trong đời sống bạn. Khi tuân theo các nguyên tắc trong Kinh Thánh, chính chúng ta nghiệm thấy lời khuyên của Đức Giê-hô-va có hiệu quả. Châm-ngôn 3:5, 6 nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Hãy nghĩ đến những vấn đề về thể xác, tình cảm và tâm thần mà đường lối vô luân của nhiều người đã gây nên. Khi sống buông thả trong những khoái lạc nhất thời, những người như thế gặt lấy tai họa trong nhiều năm—thậm chí cả đời. Ngược hẳn lại, những ai đi trên con “đường chật” thấy trước được phần nào triển vọng về đời sống trong thế giới mới, và điều này khuyến khích họ tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống.—Ma-thi-ơ 7:13, 14; Thi-thiên 34:8.

Áp dụng các nguyên tắc trong Kinh Thánh không phải dễ. Nhiều khi, một giải pháp trái với Kinh Thánh dường như hứa hẹn sự giải thoát tức thì khỏi một tình huống gian nan. Thí dụ, khi tài chính khó khăn, một người có thể bị cám dỗ đặt quyền lợi Nước Trời xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, những ai hành động theo đức tin và tiếp tục tập trung vào những điều thiêng liêng đều được bảo đảm rằng “kẻ kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước”. (Truyền-đạo 8:12) Đôi lúc một tín đồ Đấng Christ có thể phải làm thêm giờ phụ trợ, nhưng chớ bao giờ trở nên như Ê-sau khinh thường hoặc không xem trọng những điều thiêng liêng.—Sáng-thế Ký 25:34; Hê-bơ-rơ 12:16.

Chúa Giê-su giải thích rõ ràng trách nhiệm của chúng ta là tín đồ Đấng Christ. Chúng ta phải ‘trước hết tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’. (Ma-thi-ơ 6:33) Nếu chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ biểu hiện lòng yêu thương như của người cha đối với chúng ta bằng cách lo liệu sao cho chúng ta có những nhu cầu vật chất. Chắc chắn Ngài không muốn chúng ta tự mang lấy gánh nặng vì lo lắng về những điều Ngài nói là Ngài sẽ lo liệu. Sự lo lắng thái quá như thế có thể như căn bệnh tăng nhãn áp theo nghĩa thiêng liêng—không chữa trị, nó có thể thu hẹp dần tầm thị lực của chúng ta, khiến chúng ta chỉ thấy những nhu cầu vật chất, cuối cùng làm chúng ta mù về thiêng liêng. Nếu cứ ở mãi trong tình trạng đó, ngày Đức Giê-hô-va sẽ ụp xuống chúng ta “như lưới bủa”. Đó quả là một thảm họa!—Lu-ca 21:34-36.

Hãy tiếp tục tập trung tâm trí như Giô-suê

Chúng ta hãy giữ cho niềm hy vọng vinh quang về Nước Trời rõ ràng trong tâm trí, đặt các trách nhiệm khác đúng chỗ. Bằng cách đều đặn kiên trì học hỏi, suy ngẫm và áp dụng các nguyên tắc trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tiếp tục tin chắc về niềm hy vọng của mình như Giô-suê. Sau khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, ông nói: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết”.​—Giô-suê 23:14.

Mong rằng hy vọng về Nước Trời làm bạn năng nổ và làm đời bạn thêm tươi sáng, trong khi tư tưởng, cảm nghĩ, quyết định và hoạt động của bạn phản ánh hy vọng ấy.—Châm-ngôn 15:15; Rô-ma 12:12.

[Hình nơi trang 21]

Có khi nào bạn nghi hoặc, không biết mình sẽ vào được thế giới mới không?

[Hình nơi trang 22]

Suy ngẫm là thành phần thiết yếu của việc học hỏi Kinh Thánh

[Các hình nơi trang 23]

Tiếp tục tập trung tâm trí vào quyền lợi Nước Trời