Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép lạ của Chúa Giê-su—Chúng ta học được gì?

Phép lạ của Chúa Giê-su—Chúng ta học được gì?

Phép lạ của Chúa Giê-su—Chúng ta học được gì?

CÓ LẼ bạn ngạc nhiên khi biết các lời tường thuật về cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp không hề dùng từ “phép lạ”. Từ Hy Lạp (dyʹna·mis) đôi khi được dịch là “phép lạ”, có nghĩa đen là “năng-lực”. (Lu-ca 8:46, Ghi-đê-ôn) Cũng có thể dịch là “việc quyền-năng” hoặc “tài”. (Ma-thi-ơ 11:20, Ghi; 25:15) Theo một học giả, từ Hy Lạp này “nhấn mạnh công việc lớn lao đã được thực hiện, nhất là quyền năng dùng để thực hiện công việc đó. Biến cố được mô tả như một sự thể hiện quyền năng của Đức Chúa Trời”.

Một từ Hy Lạp khác (teʹras) thường được dịch là “sự lạ-lùng” hoặc “điềm lạ”. (Công-vụ 2:19; Giăng 4:48) Từ này nhấn mạnh hiệu quả trên những người quan sát. Rất nhiều lần, đám đông và môn đồ sững sờ và kinh ngạc trước các công việc đầy quyền phép Chúa Giê-su làm.—Mác 2:12; 4:41; 6:51; Lu-ca 9:43.

Một từ Hy Lạp thứ ba (se·meiʹon) ám chỉ các phép lạ của Chúa Giê-su là “dấu chỉ” được Đức Chúa Trời ban cho quyền phép. Theo học giả Robert Deffinbaugh, từ này “làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc của phép lạ”. Ông nói thêm: “Dấu chỉ là phép lạ truyền đạt một lẽ thật về Chúa Giê-su của chúng ta”.

Ảo thuật hay quyền năng từ Đức Chúa Trời?

Kinh Thánh không miêu tả các phép lạ của Chúa Giê-su như những mánh khóe hoặc ảo thuật nhằm làm trò vui cho người ta. Các phép lạ ấy là sự biểu hiện “quyền-phép cao-trọng của Đức Chúa Trời”, như trong trường hợp Chúa Giê-su đuổi quỉ ra khỏi một bé trai. (Lu-ca 9:37-43) Đối với Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng được tả là có ‘sức-mạnh lớn lắm’, thì những việc quyền phép như thế có quá khó đối với Ngài không? (Ê-sai 40:26) Dĩ nhiên không!

Các cuốn Phúc Âm tường thuật khoảng 35 phép lạ của Chúa Giê-su. Nhưng tổng số các phép lạ thì không được biết rõ. Chẳng hạn, Ma-thi-ơ 14:14 nói: “[Chúa Giê-su] thấy đoàn dân đông-đúc, động lòng thương-xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành”. Chúng ta không được biết có bao nhiêu người bệnh được chữa lành vào dịp đó.

Những công việc quyền phép ấy cần thiết để Chúa Giê-su có cơ sở tuyên bố ngài là Con Đức Chúa Trời và là Đấng Mê-si theo lời hứa. Thật vậy, Kinh Thánh xác nhận rằng Chúa Giê-su làm được phép lạ nhờ quyền phép Đức Chúa Trời ban cho. Sứ đồ Phi-e-rơ nói Chúa Giê-su là “Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền-phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết”. (Công-vụ 2:22) Vào một dịp khác, Phi-e-rơ nói rõ là “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh-Linh và quyền-phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma-quỉ ức-hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài”.—Công-vụ 10:37, 38.

Các phép lạ của Chúa Giê-su gắn liền với sự dạy dỗ của ngài. Mác 1:21-27 cho thấy phản ứng của đám đông trước sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và một trong các phép lạ của ngài. Mác 1:22 nói rằng đám đông “đều cảm-động về sự dạy-dỗ của Ngài” và câu 27 tả rõ là người ta “đều lấy làm lạ” khi ngài đuổi quỉ. Cả công việc quyền phép lẫn sự dạy dỗ của Chúa Giê-su là các bằng chứng cho thấy ngài là Đấng Mê-si đã được hứa trước.

Chúa Giê-su không chỉ nhận ngài là Đấng Mê-si, nhưng cùng với lời nói, việc làm, quyền phép Đức Chúa Trời ban mà ngài biểu lộ trong các phép lạ, đã cung cấp bằng chứng ngài thật là Đấng Mê-si. Khi bị chất vấn về vai trò và sứ mạng của mình, Chúa Giê-su mạnh dạn trả lời: “Ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng [Báp-tít]; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta”.—Giăng 5:36.

Bằng chứng về sự xác thực

Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng các phép lạ của Chúa Giê-su là có thật, đáng tin cậy? Chúng ta hãy xem xét một số bằng chứng về sự xác thực.

Khi làm phép lạ, Chúa Giê-su không bao giờ lôi kéo sự chú ý về ngài. Ngài lo sao để kết quả các phép lạ và sự vinh hiển được qui về cho Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, trước khi chữa một người mù, Chúa Giê-su nhấn mạnh việc chữa lành này là “để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người”.—Giăng 9:1-3; 11:1-4.

Không giống những ảo thuật gia, thuật sĩ và những người chữa bệnh bằng đức tin, Chúa Giê-su không bao giờ dùng đến thôi miên, xảo thuật, dàn cảnh, đọc thần chú, hoặc các nghi lễ gây xúc động. Ngài không lợi dụng sự mê tín của người ta hoặc dùng vật linh thiêng. Hãy lưu ý ngài khiêm nhường như thế nào khi chữa lành hai người mù. Lời tường thuật cho biết: “Chúa Giê-su động lòng thương-xót, bèn rờ đến mắt họ; tức thì hai người thấy được và đi theo Ngài”. (Ma-thi-ơ 20:29-34) Không lễ nghi, không phô trương. Chúa Giê-su làm phép lạ công khai, thường là trước nhiều nhân chứng. Ngài không dùng ánh sáng đặc biệt, sự dàn dựng, hoặc đạo cụ. Trái lại, những cái được gọi là phép lạ tân thời thường không có tài liệu chứng minh.—Mác 5:24-29; Lu-ca 7:11-15.

Thỉnh thoảng Chúa Giê-su công nhận đức tin của những người được lợi ích từ phép lạ ngài làm. Tuy vậy, ngài làm phép lạ cho cả những người chưa bày tỏ đức tin. Trong khi ngài ở Ca-bê-na-um xứ Ga-li-lê, “người ta đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh”.—Ma-thi-ơ 8:16, chúng tôi viết nghiêng.

Chúa Giê-su làm phép lạ để đáp ứng nhu cầu thật sự về thể chất của người ta, chứ không phải để thỏa mãn sự hiếu kỳ của một người nào đó. (Mác 10:46-52; Lu-ca 23:8) Chúa Giê-su cũng không bao giờ làm phép lạ để trục lợi dưới bất cứ hình thức nào.—Ma-thi-ơ 4:2-4; 10:8.

Các sách Phúc Âm có đáng tin cậy không?

Qua lời tường thuật trong bốn cuốn Phúc Âm, chúng ta mới biết các phép lạ của Chúa Giê-su. Khi xem xét tính xác thực của các phép lạ Chúa Giê-su làm, chúng ta có lý do nào để tin các lời tường thuật đó không? Có.

Như đã đề cập ở trên, Chúa Giê-su làm phép lạ công khai, trước nhiều nhân chứng. Vào lúc các sách Phúc Âm đầu tiên được viết ra, phần lớn các nhân chứng này còn sống. Về tính lương thiện của những người viết các sách Phúc Âm, sách Các phép lạ và sự sống lại (Anh ngữ) ghi nhận: “Quả hết sức bất công khi buộc tội những người viết sách Phúc Âm là đã cố tình giấu giếm sự kiện lịch sử trong các phép lạ với ý đồ truyền đạo... Họ thật sự muốn là những người ghi chép lương thiện”.

Những người Do Thái chống đạo Đấng Christ không bao giờ nghi ngờ các phép lạ mô tả trong sách Phúc Âm. Họ chỉ tranh cãi về quyền phép thực hiện các phép lạ đó. (Mác 3:22-26) Những nhà phê bình chỉ trích sau này cũng không thể chối bỏ các phép lạ của Chúa Giê-su. Trái lại, vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai CN, có những tài liệu tham khảo nói tới các phép lạ Chúa Giê-su đã làm. Rõ ràng, chúng ta có mọi lý do để xem lời tường thuật trong các sách Phúc Âm về phép lạ Chúa Giê-su làm là xác thực.

Đấng làm phép lạ

Khảo sát về các phép lạ của Chúa Giê-su sẽ không đầy đủ nếu chỉ cãi lý về tính xác thực của chúng. Khi mô tả về phép lạ của Chúa Giê-su, các sách Phúc Âm tiết lộ một con người có cảm xúc sâu xa, có lòng thương xót cao độ và quan tâm tận tình đến phúc lợi của người đồng loại.

Hãy xem xét trường hợp một người mắc bệnh phung đến nài xin Chúa Giê-su: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được”. “Động lòng thương-xót”, Chúa Giê-su đưa tay ra, sờ vào người bệnh và nói: “Ta khứng, hãy sạch đi”. Người bệnh được lành tức thì. (Mác 1:40-42) Qua cách này, Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thấu cảm thúc đẩy ngài dùng quyền năng Đức Chúa Trời ban cho để làm phép lạ.

Điều gì đã xảy ra khi Chúa Giê-su gặp đám ma từ thành Na-in đi ra? Người chết là con trai duy nhất của một bà góa. “Động lòng thương-xót” người đàn bà này, Chúa Giê-su tiến về phía bà và phán: “Đừng khóc!” Rồi ngài làm cho con trai bà sống lại.—Lu-ca 7:11-15.

Chúng ta có thể rút ra một bài học đầy an ủi từ các phép lạ của Chúa Giê-su. Đó là ngài “động lòng thương-xót” và hành động để giúp đỡ người khác. Nhưng những phép lạ đó không chỉ có tính cách lịch sử. Hê-bơ-rơ 13:8 nói: “Đức Chúa Jêsus-Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay-đổi”. Hiện nay ngài đang cai trị với tư cách Vua ở trên trời, sắp sửa dùng quyền năng lạ lùng mà Đức Chúa Trời ban cho ở một mức độ rộng lớn hơn rất nhiều so với lúc ngài làm người trên đất. Chẳng bao lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ dùng quyền năng ấy để chữa lành nhân loại biết vâng lời. Nhân Chứng Giê-hô-va vui sướng muốn giúp bạn học hỏi thêm về tương lai huy hoàng này.

[Các hình nơi trang 4, 5]

Phép lạ của Chúa Giê-su là một biểu hiện “quyền-phép cao-trọng của Đức Chúa Trời”

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su là người có cảm xúc sâu xa