Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dùng mục tiêu thiêng liêng để tôn vinh Đấng Tạo Hóa

Dùng mục tiêu thiêng liêng để tôn vinh Đấng Tạo Hóa

Dùng mục tiêu thiêng liêng để tôn vinh Đấng Tạo Hóa

“KHI một người không biết đi đến bến bờ nào, thì không có ngọn gió nào thổi thuyền đi đúng hướng”. Những lời này được quy cho một triết gia La Mã thế kỷ thứ nhất, cho thấy một chân lý hiển nhiên: Muốn đời sống có định hướng thì phải có mục tiêu.

Kinh Thánh cho thấy gương của những người ý thức về việc đặt mục tiêu. Gắng sức nỗ lực khoảng 50 năm, Nô-ê “đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. Tiên tri Môi-se “ngửa trông sự ban-thưởng”. (Hê-bơ-rơ 11:7, 26) Đức Chúa Trời ban cho Giô-suê, người kế nhiệm Môi-se, mục tiêu chinh phục xứ Ca-na-an.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:21, 22, 28; Giô-suê 12:7-24.

Vào thế kỷ thứ nhất CN, lời của Chúa Giê-su—“tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất”—hẳn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những mục tiêu thiêng liêng của sứ đồ Phao-lô. (Ma-thi-ơ 24:14) Được phấn khích nhờ nhận được những thông điệp riêng từ Chúa Giê-su và sự hiện thấy về ngài, kể cả nhiệm vụ “đem danh [Chúa Giê-su] đồn ra trước mặt các dân ngoại”, Phao-lô đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một loạt hội thánh khắp Tiểu Á và sang đến tận Âu Châu.—Công-vụ 9:15; Cô-lô-se 1:23.

Đúng vậy, qua các thời đại tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã lập và đạt được những mục tiêu cao quý, mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta có thể đặt những mục tiêu thiêng liêng như thế nào? Chúng ta có thể vươn tới những mục tiêu nào, và có thể thực hiện những bước thực tiễn nào để đạt những mục tiêu đó?

Động cơ đúng đắn là thiết yếu

Có thể đặt mục tiêu hầu như trong bất cứ khía cạnh nào của đời sống, và thế gian này cũng có những người ý thức về việc đặt mục tiêu. Tuy nhiên, mục tiêu thần quyền khác với những tham vọng của thế gian. Động cơ chính yếu đằng sau nhiều mục tiêu trong thế gian là ham muốn mãnh liệt được giàu sang và khao khát địa vị và quyền thế không biết chán. Theo đuổi một mục tiêu để được quyền thế và danh vọng thì sai lầm làm sao! Những mục tiêu mang lại sự vinh hiển cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời liên hệ trực tiếp đến sự thờ phượng Ngài và quyền lợi Nước Trời. (Ma-thi-ơ 6:33) Những mục tiêu như thế xuất phát từ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại, và tập trung vào sự tin kính.—Ma-thi-ơ 22:37-39; 1 Ti-mô-thê 4:7.

Mong sao chúng ta có động cơ trong sạch khi đặt và theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, dù là để có thêm đặc ân phụng sự hay tiến bộ cá nhân về thiêng liêng. Dầu vậy, ngay cả những mục tiêu có động cơ đúng đắn đôi khi không thực hiện được. Làm thế nào chúng ta có thể đặt mục tiêu và gia tăng khả năng để đạt được những mục tiêu ấy?

Phải có ước muốn mạnh mẽ

Hãy xem cách Đức Giê-hô-va tạo ra vũ trụ. Với những lời “có buổi chiều và buổi mai”, Đức Giê-hô-va phân chia sự sáng tạo thành những giai đoạn nối tiếp. (Sáng-thế Ký 1:5, 8, 13, 19, 23, 31) Vào đầu mỗi giai đoạn sáng tạo, Ngài biết rõ mục tiêu hay mục đích của Ngài cho ngày sáng tạo đó. Và Đức Chúa Trời đã thực hiện ý định tạo nên muôn vật. (Khải-huyền 4:11) Tộc trưởng Gióp nói: “Điều gì lòng [Đức Giê-hô-va] muốn, ắt Ngài làm cho thành”. (Gióp 23:13) Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy “các việc Ngài đã làm” và tuyên bố “thật rất tốt-lành”!—Sáng-thế Ký 1:31.

Muốn mục tiêu của chúng ta thành hiện thực, chúng ta cũng phải có ước muốn mạnh mẽ thực hiện chúng. Điều gì sẽ giúp chúng ta phát triển một ước muốn mãnh liệt như thế? Ngay dù trái đất lúc đó vô hình thể và trống không, Đức Giê-hô-va có thể thấy trước kết quả—một hòn ngọc đẹp đẽ trong không gian, mang lại sự ngợi khen và vinh hiển cho Ngài. Tương tự thế, chúng ta có thể vun trồng ước muốn thực hiện những gì chúng ta quyết tâm làm, bằng cách suy ngẫm về kết quả và lợi ích khi mục tiêu ấy thành hiện thực. Đó là kinh nghiệm của Tony, 19 tuổi. Anh không bao giờ quên ấn tượng ban đầu khi viếng thăm một trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Tây Âu. Kể từ đó, câu hỏi chiếm trọn tâm trí của Tony là: ‘Được sinh sống và phục vụ tại một nơi như thế sẽ ra sao?’ Tony luôn nghĩ đến khả năng được phục vụ ở đấy, và anh tiếp tục vươn tới mục tiêu đó. Vài năm sau, khi đơn xin phục vụ tại chi nhánh được chấp thuận, anh quả vui mừng làm sao!

Việc kết hợp với những người đã đạt được mục tiêu nào đó cũng có thể tạo nơi chúng ta ước muốn đạt cho được mục tiêu của mình. Jayson, 30 tuổi, đã không thích đi rao giảng khi còn ở tuổi niên thiếu. Nhưng sau khi xong trung học, anh hăng hái tham gia thánh chức tiên phong, trở thành người rao giảng Nước Trời trọn thời gian. Điều gì đã giúp Jayson vun trồng ước muốn tiên phong? Anh trả lời: “Nói chuyện với những anh chị tiên phong và đi rao giảng chung với họ đã có tác động mạnh mẽ đối với tôi”.

Viết ra mục tiêu có thể giúp ích

Một ý tưởng trừu tượng trở nên rõ rệt và cụ thể khi chúng ta lựa chọn từ ngữ để diễn đạt. Sa-lô-môn ghi nhận rằng những lời lẽ thích đáng có sức mạnh như đót, tức gậy thúc bò, để hướng dẫn trong đời sống. (Truyền-đạo 12:11) Khi được viết ra, những lời này tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm trí. Ấy chính là lý do Đức Giê-hô-va bảo các vua Y-sơ-ra-ên chép một bản Luật Pháp cho riêng mình. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18) Vì vậy, chúng ta cũng muốn viết ra mục tiêu và kế hoạch để đạt đến chúng, ghi ra những trở ngại có thể xảy ra và phương cách để vượt qua. Điều cũng có thể giúp ích là nhận ra những đề tài mà chúng ta cần biết, những kỹ năng chúng ta cần luyện tập, và những người có thể giúp và ủng hộ chúng ta.

Đặt những mục tiêu thiêng liêng cho chính mình đã có tác dụng ổn định đời sống anh Geoffrey, một tiên phong đặc biệt đã phục vụ lâu năm trong khu vực hẻo lánh tại một xứ Á Châu. Anh gặp thảm kịch gia đình khi vợ anh bất ngờ qua đời. Sau một thời gian thích nghi với hoàn cảnh mới, anh Geoffrey quyết định dồn hết tâm trí vào công việc tiên phong bằng cách đặt mục tiêu. Sau khi viết ra các dự định, anh cầu nguyện và đặt mục tiêu bắt đầu ba học hỏi Kinh Thánh mới trong tháng đó. Mỗi ngày, anh xem lại hoạt động của mình, và cách mười ngày, anh kiểm lại mức tiến triển. Anh có đạt được mục tiêu không? Qua báo cáo bốn học hỏi Kinh Thánh mới, anh vui mừng đáp “có”!

Đặt những mục tiêu ngắn hạn làm mốc

Một số mục tiêu lúc đầu có vẻ quá khó đạt được. Đối với Tony, người đề cập ở trên, được phục vụ tại một trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va có vẻ là một giấc mơ vì anh đã từng có lối sống ngỗ nghịch và thậm chí chưa dâng mình cho Đức Chúa Trời. Nhưng Tony quyết định sống phù hợp với đường lối của Đức Giê-hô-va và đặt mục tiêu là hội đủ điều kiện để làm báp têm. Sau khi đạt được mục tiêu đó, anh vươn tới việc làm tiên phong phụ trợ và rồi đều đều, ghi trên lịch ngày bắt đầu. Sau khi anh đã tiên phong được một thời gian, thì công việc phục vụ tại trụ sở chi nhánh không còn có vẻ là một mục tiêu viển vông nữa.

Chúng ta cũng nên chia mục tiêu dài hạn thành một vài cái ngắn hạn. Những mục tiêu trung gian có thể dùng làm mốc trong tiến trình đạt một mục tiêu dài hạn. Đều đặn đối chiếu sự tiến bộ với những mốc ấy có thể giúp chúng ta tập trung tâm trí. Thường xuyên cầu nguyện, nói với Đức Giê-hô-va về những dự định cũng sẽ giúp chúng ta tiếp tục đi đúng hướng. “Cầu-nguyện không thôi”, sứ đồ Phao-lô khuyến giục như thế.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

Cần quyết tâm và kiên trì

Dù hoạch định kỹ và rất muốn thực hiện, một số mục tiêu vẫn nằm ngoài tầm tay. Môn đồ Giăng Mác hẳn đã thất vọng làm sao khi sứ đồ Phao-lô đã không muốn đem ông đi theo trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai! (Công-vụ 15:37-40) Mác đã muốn phụng sự nhiều hơn, nhưng ông phải học từ sự thất vọng này và điều chỉnh mục tiêu đó. Rõ ràng Mác đã làm thế, vì sau này Phao-lô đã nói tốt về ông, và ở Ba-by-lôn ông đã sát cánh phục vụ cùng sứ đồ Phi-e-rơ. (2 Ti-mô-thê 4:11; 1 Phi-e-rơ 5:13) Có lẽ đặc ân lớn nhất của ông là được soi dẫn để ghi chép lời tường thuật về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su.

Trong việc theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, chúng ta cũng có thể gặp những trở ngại. Thay vì bỏ cuộc, chúng ta nên xem xét lại, kiểm lại, và điều chỉnh. Khi khó khăn nảy sinh, chúng ta cần quyết tâm và kiên trì vươn lên. “Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu-ý mình sẽ được thành-công”, vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đảm bảo với chúng ta như thế.—Châm-ngôn 16:3.

Tuy nhiên, đôi khi hoàn cảnh khiến cho việc theo đuổi những mục tiêu nào đó trở nên không thực tế. Thí dụ, sức khỏe kém hoặc trách nhiệm gia đình có thể khiến cho một số mục tiêu nào đó ngoài tầm tay chúng ta. Mong sao chúng ta chớ bao giờ quên rằng phần thưởng cao quý nhất là sự sống đời đời—trên trời hay dưới đất trong Địa Đàng. (Lu-ca 23:43; Phi-líp 3:13, 14). Làm sao đạt được điều đó? “Ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”, sứ đồ Giăng viết. (1 Giăng 2:17) Dù cảnh ngộ có thể không cho phép chúng ta đạt một mục tiêu nhất định, chúng ta vẫn có thể “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”. (Truyền-đạo 12:13) Những mục tiêu thiêng liêng giúp chúng ta tiếp tục tập trung vào việc thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Thế nên, chúng ta hãy dùng những mục tiêu đó để tôn vinh Đấng Tạo Hóa.

[Khung nơi trang 22]

Những mục tiêu thiêng liêng đáng xem xét

○ Đọc Kinh Thánh hằng ngày

○ Đọc mỗi số Tháp Canh Tỉnh Thức!

○ Trau dồi phẩm chất của lời cầu nguyện

○ Thể hiện bông trái thánh linh

○ Vươn tới để phụng sự nhiều hơn

○ Rao giảng và dạy dỗ hữu hiệu hơn

○ Phát triển những kỹ năng như làm chứng bằng điện thoại, bán chính thức và tại khu thương mại