Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tưởng nhớ “những nạn nhân bị quên lãng”

Tưởng nhớ “những nạn nhân bị quên lãng”

Những người rao giảng về Nước Trời kể lại

Tưởng nhớ “những nạn nhân bị quên lãng”

ĐẦU năm 2001, một em Nhân Chứng Giê-hô-va 15 tuổi tên là Haykaz đi xem cuộc trưng bày về “Những nạn nhân bị quên lãng”, ở Bern, Thụy Sĩ. Cuộc trưng bày này cho thấy Đức Quốc Xã đàn áp và bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va. Cuối cuộc thăm viếng, Haykaz nói: “Trước đây em có nghe nói về Nhân Chứng Giê-hô-va bị đối xử dã man và chịu nhiều đau khổ dưới chế độ Quốc Xã, nhưng đây là lần đầu tiên em được xem hình ảnh và tài liệu đích thực của thời đó. Những gì trưng bày và lời tường thuật của những người chứng kiến cùng với lời bình luận của các sử gia tại cuộc trưng bày đó đã gây một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí em”.

Ít lâu sau, Haykaz được chỉ định viết một bài tường thuật cho lớp ở trường trung học. Em chọn đề tài “Nhân Chứng Giê-hô-va—Những nạn nhân bị quên lãng dưới thời Quốc Xã”. Đề tài được chấp thuận nhưng thầy bảo Haykaz cần phải có cả tài liệu không thuộc về tôn giáo. Haykaz vui vẻ đồng ý. Em nói: “Em viết một bài tóm tắt những sách nói về Nhân Chứng Giê-hô-va trong thời Quốc Xã mà em đã đọc qua. Em cũng ghi cảm tưởng của mình về cuộc trưng bày ‘Những nạn nhân bị quên lãng’. Bài tường thuật dài 43 trang, có cả minh họa và hình ảnh”.

Vào tháng 11 năm 2002, Haykaz trình bày trước mặt các bạn cùng trường, các giáo viên, gia đình và bạn bè. Sau đó em có dịp giải thích về niềm tin của mình dựa trên Kinh Thánh trong một cuộc thảo luận bằng lối vấn đáp. Khi một nữ sinh trong cử tọa hỏi tại sao em chọn đề tài này, Haykaz giải thích rằng nhiều sách lịch sử đã không đề cập đến Nhân Chứng Giê-hô-va và em muốn mọi người biết đến Nhân Chứng đã can đảm bênh vực đức tin của mình như thế nào. Kết quả là gì?

Haykaz nói: “Các bạn học của em rất ngạc nhiên vì không biết Nhân Chứng Giê-hô-va với tư cách là một đoàn thể đã bị đàn áp, bắt bớ một cách tàn nhẫn. Nhiều người cũng không biết Nhân Chứng trong trại tập trung của Quốc Xã đã đeo một dấu hiệu riêng biệt để được nhận diện—đó là tam giác tím”.

Sau buổi tường trình đó, Haykaz có thêm những cơ hội khác để nói chuyện và thảo luận với bạn cùng lớp về lập trường của Nhân Chứng dựa trên Kinh Thánh đối với vấn đề tiếp máu, uống rượu và đạo đức. Haykaz nói: “Không một người nào trong trường chế giễu hay nhạo báng em”. Ngoài ra, bài tường thuật của em được lưu trữ ở thư viện của trường. Điều đó góp phần vào việc đảm bảo là lập trường can đảm của Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ không bị quên lãng.