Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao!”

“Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao!”

Sự sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va

“Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao!”

DÙ SỐNG ở thôn quê hay thành phố, trên núi hay gần biển, quanh chúng ta đâu đâu cũng có sự sáng tạo tuyệt diệu và đáng thán phục. Lịch 2004 của Nhân Chứng Giê-hô-va trình bày một cách thích hợp những hình ảnh về công trình sáng tạo lạ lùng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Những người có lòng cảm kích luôn chú ý đến các công trình của Đức Chúa Trời. Thí dụ, hãy xem trường hợp của Sa-lô-môn, người có sự khôn ngoan “trổi hơn sự khôn-ngoan của mọi người phương-đông”. Kinh Thánh nói: “Người luận về cây-cối, từ cây bá-hương của Li-ban cho đến chùm kinh-giới mọc ra nơi vách; người cũng có luận về loài vật, chim, loài côn-trùng, và cá”. (1 Các Vua 4:30, 33) Cha của Sa-lô-môn là Vua Đa-vít thường suy ngẫm về những kiệt tác của Đức Chúa Trời. Ông cảm động thốt lên những lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”.—Thi-thiên 104:24. *

Chúng ta cũng nên quan sát và suy ngẫm về sự sáng tạo. Thí dụ chúng ta có thể “ngước mắt lên cao” và hỏi: “Ai đã tạo những vật này?” Hiển nhiên ấy là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, quả thật “sức-mạnh Ngài lớn lắm và quyền-năng Ngài rất cao”!—Ê-sai 40:26.

Việc ngẫm nghĩ về công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va tác động đến chúng ta như thế nào? Ít nhất là qua ba cách. Việc đó có thể (1) nhắc nhở chúng ta quý trọng sự sống, (2) thôi thúc chúng ta giúp người khác học hỏi từ sự sáng tạo, và (3) thúc đẩy chúng ta tìm hiểu và biết ơn Đấng Tạo Hóa một cách sâu xa hơn.

Đời sống con người vượt trội hẳn “con vật không biết chi”. Chúng ta có thể quan sát và thưởng thức các kỳ quan sáng tạo. (2 Phi-e-rơ 2:12) Mắt chúng ta có thể ngắm nhìn phong cảnh hữu tình. Tai chúng ta nghe được tiếng chim hót lảnh lót. Ý thức về thời gian và nơi chốn giúp gợi lại trong chúng ta những kỷ niệm êm đềm. Dù đời sống hiện tại không hoàn hảo, nhưng hẳn rất đáng sống!

Cha mẹ vui thích khi thấy con cái có bẩm tính say mê những cảnh vật trong thiên nhiên. Chúng thích nhặt vỏ sò trên bãi biển, nuôi thú vật và thích leo trèo trên cây biết mấy! Cha mẹ nên giúp con nghĩ đến Đấng Tạo Hóa khi ngắm nhìn công trình sáng tạo. Mãi trong suốt cuộc đời con cái sẽ không mất đi lòng thán phục và quý trọng sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 111:2, 10.

Thật vô cùng thiển cận nếu chúng ta thán phục sự sáng tạo nhưng lại thiếu lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa. Nhà tiên tri Ê-sai giúp chúng ta suy ngẫm về điều này khi ông nói: “Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu-cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn-ngoan Ngài không thể dò”.—Ê-sai 40:28.

Thật vậy, các công trình của Đức Giê-hô-va minh chứng cho sự khôn ngoan và sức mạnh vô song của Ngài, cũng như tình yêu thương sâu xa Ngài dành cho chúng ta. Khi thấy vẻ đẹp của thiên nhiên chung quanh và khi nhận biết những đức tính của Đấng đã tạo ra mọi vật, mong sao những điều đó thôi thúc chúng ta hưởng ứng lời của Đa-vít: “Không có ai giống như Chúa; cũng chẳng có công-việc gì giống như công-việc Chúa”.—Thi-thiên 86:8.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng những người biết vâng phục Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục say mê những gì Ngài sáng tạo. Cho đến muôn đời chúng ta sẽ có cơ hội bất tận học biết thêm về Đức Giê-hô-va. (Truyền-đạo 3:11) Càng biết về Đấng Tạo Hóa của chúng ta, chúng ta càng yêu mến Ngài hơn.

[Chú thích]

^ đ. 4 Xem Lịch 2004 của Nhân Chứng Giê-hô-va, Tháng Mười Một/Tháng Mười Hai.

[Khung nơi trang 9]

Ca ngợi Đấng Tạo Hóa

Nhiều nhà khoa học nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo. Sau đây là vài thí dụ:

“Tôi tìm được niềm vui và ý nghĩa trong ngành khoa học của mình vào những dịp khám phá một điều mới mẻ, những lúc ấy tôi tự nhủ: ‘Ồ, thì ra đây là cách Thượng Đế đã tạo ra nó’. Mục tiêu của tôi là đạt được một phần hiểu biết nhỏ bé về thiết kế của Thượng Đế”.—Henry Schaefer, giáo sư hóa học.

“Về căn nguyên của vũ trụ, liên quan đến sự mở rộng, độc giả có thể tự rút ra kết luận riêng, nhưng bức tranh của chúng ta sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu Ngài [Đức Chúa Trời]”.—Edward Milne, nhà vũ trụ học Anh Quốc.

“Chúng ta biết rằng thiên nhiên được miêu tả bằng toán học chính xác nhất, đó là vì chính Đức Chúa Trời đã tạo ra nó”.—Alexander Polyakov, nhà toán học Nga.

“Khi nghiên cứu những vật thể trong thiên nhiên, chúng ta đang tìm tòi các ý tưởng của Đấng Tạo Hóa, làm quen với các ý niệm của Ngài, giải thích về một hệ thống của Đức Chúa Trời chứ không phải của chúng ta”.—Louis Agassiz, nhà sinh vật học Mỹ.

[Hình nơi trang 8, 9]

Chim cánh cụt papua, Bán Đảo Nam Cực

[Hình nơi trang 9]

Công Viên Quốc Gia Grand Teton, Wyoming, Hoa Kỳ

[Nguồn tư liệu]

Jack Hoehn/Index Stock Photography