Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ

Giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ

Giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ

“Hãy đi nói tiên-tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta”.—A-MỐT 7:15.

1, 2. A-mốt là ai, và Kinh Thánh cho biết gì về ông?

TRONG KHI đang thi hành thánh chức, một tôi tớ của Đức Giê-hô-va bị thầy tế lễ chận lại. Thầy tế lễ này la lên: ‘Đừng giảng nữa! Đi khỏi đây!’ Người tôi tớ ấy đã làm gì? Ông có nhượng bộ làm theo đòi hỏi đó không, hay ông tiếp tục giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ? Bạn có thể biết được điều này vì người tôi tớ đó đã ghi lại kinh nghiệm của mình trong một cuốn sách mang tên ông. Đó là sách A-mốt trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, trước khi biết thêm về cuộc đối mặt với thầy tế lễ, chúng ta hãy xem xét một số chi tiết về A-mốt.

2 A-mốt là ai? Ông sống vào lúc nào và ở đâu? Chúng ta tìm thấy câu trả lời nơi A-mốt 1:1: “Lời của A-mốt, người trong bọn chăn ở Thê-cô-a ... đang đời Ô-xia, vua Giu-đa, và đang đời Giê-rô-bô-am, con trai Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên”. A-mốt là người xứ Giu-đa. Quê quán ở Thê-cô-a, cách Giê-ru-sa-lem 16 cây số về phía nam. Ông sống vào cuối thế kỷ thứ chín TCN khi Vua Ô-xia cai trị nước Giu-đa và Vua Giê-rô-bô-am II cai trị vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. A-mốt là người chăn chiên. Thật vậy, A-mốt 7:14 nói rằng A-mốt không những là “một kẻ chăn” mà còn là người “sửa-soạn những cây vả rừng” nữa. Vậy trong năm, có những tháng ông đi làm thuê theo thời vụ. Ông xăm, tức đâm lỗ, những trái vả; việc này nhằm làm trái vả chín nhanh hơn. Đây là một việc mệt nhọc.

“Hãy đi nói tiên-tri”

3. Học biết về A-mốt giúp ích chúng ta như thế nào nếu cảm thấy không đủ tư cách rao giảng?

3 A-mốt nói một cách thẳng thắn: “Ta không phải là đấng tiên-tri, cũng không phải con đấng tiên-tri”. (A-mốt 7:14) A-mốt không phải là con của một đấng tiên tri mà cũng chẳng được huấn luyện để thành một nhà tiên tri. Tuy vậy, trong tất cả những người sống ở Giu-đa, Đức Giê-hô-va đã chọn A-mốt để làm công việc của Ngài. Lúc đó, Đức Chúa Trời không chọn một vị vua hùng mạnh, một thầy tế lễ uyên bác, hoặc một quan trưởng giàu có. Đó là một bài học khích lệ chúng ta. Chúng ta có thể không có địa vị xã hội hoặc học vấn cao. Nhưng điều đó có khiến chúng ta cảm thấy mình không đủ tư cách rao giảng Lời Đức Chúa Trời không? Dĩ nhiên là không! Đức Giê-hô-va có thể trang bị chúng ta để công bố thông điệp của Ngài—ngay cả trong những khu vực khó rao giảng. Vì đó chính là điều mà Đức Giê-hô-va đã làm cho A-mốt, tất cả những ai mong muốn giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ sẽ học được nhiều điều khi xem xét gương mẫu của nhà tiên tri dũng cảm này.

4. Tại sao nói tiên tri ở Y-sơ-ra-ên là một trách nhiệm khó khăn cho A-mốt?

4 Đức Giê-hô-va ra lệnh cho A-mốt: “Hãy đi nói tiên-tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta”. (A-mốt 7:15) Đó là một trách nhiệm khó khăn. Lúc đó, vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái đang vui hưởng hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Nhiều người vừa có “nhà mùa đông” vừa có “nhà mùa hạ”, được xây không phải bằng gạch bùn thông thường mà bằng “đá vuông” đắt tiền. Một số người có đồ đạc khảm ngà voi sang trọng, và họ uống rượu làm từ “những vườn nho ngon-ngọt”. (A-mốt 3:15; 5:11) Do đó, nhiều người cảm thấy tự mãn. Quả thật, khu vực giao phó cho A-mốt có thể rất giống khu vực mà một số người trong chúng ta đang thi hành thánh chức ngày nay.

5. Một số người Y-sơ-ra-ên đã làm những việc bất công nào?

5 Việc dân Y-sơ-ra-ên có của cải không phải là điều sai. Tuy nhiên, một số người gom góp của cải bằng những việc làm bất lương. Người giàu “hiếp-đáp kẻ nghèo-nàn” và “hành-hạ kẻ thiếu-thốn”. (A-mốt 4:1) Những nhà buôn, các quan xét và thầy tế lễ cậy quyền thế hiệp nhau cướp đoạt của dân nghèo. Bây giờ chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian và quan sát xem những người này lúc đó đang làm gì.

Vi phạm Luật Pháp Đức Chúa Trời

6. Những nhà buôn Y-sơ-ra-ên bóc lột người khác như thế nào?

6 Trước hết chúng ta hãy đi đến khu chợ. Các con buôn bất lương “bớt ê-pha” và “thêm nặng siếc-lơ”, thậm chí bán “lép-lừng của lúa mì [“lúa nát gạo mục”, Tòa Tổng Giám Mục]”. (A-mốt 8:5, 6) Các nhà buôn lường gạt khách hàng về số lượng họ bán, giá thì quá cao còn chất lượng thì kém. Sau khi các con buôn bóc lột người nghèo đến mức tán gia bại sản, những người nghèo này phải bán thân mình làm nô lệ. Kế đến, các nhà buôn mua họ với giá “một đôi dép”. (A-mốt 8:6) Hãy thử tưởng tượng: các nhà buôn tham lam đó xem giá trị của người anh em Y-sơ-ra-ên không hơn gì đôi dép! Thật là một sự nhục nhã đối với những người nghèo khó, và quả là một sự vi phạm trắng trợn Luật Pháp của Đức Chúa Trời! Thế nhưng, chính những nhà buôn này lại giữ “ngày sa-bát”. (A-mốt 8:5) Đúng vậy, họ sùng đạo nhưng chỉ bề ngoài mà thôi.

7. Vì sao các nhà buôn Y-sơ-ra-ên lại có thể vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời?

7 Tuy nhiên, làm sao những nhà buôn đó lại tránh khỏi sự trừng phạt khi vi phạm Luật Pháp mà Đức Chúa Trời đã ban: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”? (Lê-vi Ký 19:18) Sở dĩ họ tránh được là vì những người đáng lẽ phải thi hành Luật Pháp—tức các quan xét—lại là những người đồng lõa với họ. Ở cổng thành, nơi xét xử các vụ kiện, các quan xét ‘nhận lấy của hối-lộ, và làm cong lẽ thẳng của những kẻ nghèo’. Thay vì che chở người nghèo, các quan xét này vì của hối lộ mà phụ lòng tin của họ. (A-mốt 5:10, 12) Vậy cả các quan xét cũng lờ đi Luật Pháp của Đức Chúa Trời.

8. Các thầy tế lễ tội lỗi nhắm mắt làm ngơ trước hành vi nào?

8 Lúc ấy, các thầy tế lễ trong nước Y-sơ-ra-ên đóng vai trò gì? Để biết điều này, chúng ta phải hướng sự chú ý đến một nơi khác. Hãy để ý xem các thầy tế lễ cho phép người ta phạm tội lỗi nào “trong miếu thần chúng nó”! Qua A-mốt, Đức Chúa Trời nói: “Con và cha cùng đến chung một đứa gái, như vậy làm cho ô danh thánh ta”. (A-mốt 2:7, 8) Hãy tưởng tượng, cả cha và con, người Y-sơ-ra-ên, phạm tội vô luân với cùng một gái mại dâm tại miếu thần. Và các thầy tế lễ tội lỗi đó nhắm mắt làm ngơ trước sự vô luân như thế.—Lê-vi Ký 19:29; Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:18; 23:17.

9, 10. Dân Y-sơ-ra-ên vi phạm luật pháp nào của Đức Chúa Trời, và có thể so sánh với thời nay như thế nào?

9 Về hành vi tội lỗi khác, Đức Giê-hô-va nói: “Chúng nó nằm gần mỗi bàn-thờ, trên những áo-xống đã nhận làm của-tin, và uống rượu của kẻ phải phạt trong miếu thần chúng nó”. (A-mốt 2:8) Đúng vậy, các thầy tế lễ và dân chúng nói chung cũng lờ đi luật ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 22:26, 27, nói rằng áo xống bị lấy làm của tin, tức vật thế chấp, phải được trả lại trước khi mặt trời lặn. Thay vì thế, họ dùng áo đó để lót chỗ nằm khi tiệc tùng và uống rượu chúc tụng tà thần. Với tiền phạt mà họ bòn rút từ người nghèo thì họ mua rượu để uống tại các lễ hội tà giáo. Họ thật sai lạc xa cách con đường thờ phượng thanh sạch biết bao!

10 Dân Y-sơ-ra-ên đã trơ tráo vi phạm hai điều răn quan trọng nhất của Luật Pháp—đó là yêu thương Đức Giê-hô-va và yêu thương người đồng loại. Vì thế, Đức Giê-hô-va phái A-mốt lên án sự bất trung của họ. Ngày nay, các nước thế gian, kể cả các nước xưng theo đạo Đấng Christ, phản ánh tình trạng đồi bại của nước Y-sơ-ra-ên xưa. Trong khi một số người phát đạt, nhiều người khác bị tán gia bại sản và đau khổ bởi các thực hành vô đạo đức của lớp lãnh đạo bất lương trong các công ty lớn, giới chính trị và tôn giáo giả. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người đang đau khổ và những người muốn tìm kiếm Ngài. Vì thế, Ngài giao phó cho các tôi tớ thời nay công việc giống như A-mốt đã làm—giảng Lời Ngài với lòng dạn dĩ.

11. Chúng ta có thể học được gì từ gương của A-mốt?

11 Vì công việc của A-mốt và công việc của chúng ta tương tự nhau, chúng ta sẽ được lợi ích rất nhiều khi xem xét gương của ông. Thật thế, A-mốt cho thấy: (1) chúng ta phải rao giảng thông điệp nào, (2) chúng ta phải rao giảng như thế nào, và (3) lý do tại sao kẻ chống đối không thể nào ngăn chận công việc rao giảng của chúng ta. Chúng ta hãy lần lượt xem xét những điểm này.

Làm thế nào để noi gương A-mốt?

12, 13. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy rằng Ngài phật lòng với dân Y-sơ-ra-ên, và họ phản ứng ra sao?

12 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, thánh chức của chúng ta tập trung vào việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Mác 13:10) Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý người ta đến những lời cảnh báo của Đức Chúa Trời, giống như A-mốt đã công bố rằng Đức Giê-hô-va sẽ phán xét kẻ ác. Chẳng hạn, A-mốt 4:6-11 cho thấy Đức Giê-hô-va đã nhiều lần tỏ rõ sự phật lòng với nước Y-sơ-ra-ên. Ngài đã làm cho dân sự “thiếu bánh”, “không xuống mưa” cho họ, đánh phạt họ bằng “gió nóng và sâu lúa”, và khiến “ôn-dịch” xảy ra trong vòng họ. Những điều này có thúc đẩy dân Y-sơ-ra-ên ăn năn không? “Các ngươi chẳng trở về cùng ta”, Đức Chúa Trời đã nói. Quả thật, dân Y-sơ-ra-ên từ chối Đức Giê-hô-va hết lần này đến lần khác.

13 Đức Giê-hô-va đã quyết định trừng trị những người Y-sơ-ra-ên không biết ăn năn. Tuy nhiên, trước hết họ sẽ nhận được lời cảnh báo có tính cách tiên tri. Phù hợp với điều này, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. (A-mốt 3:7) Đức Chúa Trời đã tiết lộ cho Nô-ê về trận Nước Lụt sắp đến và bảo ông lên tiếng cảnh báo. Cũng vậy, Đức Giê-hô-va bảo A-mốt đưa ra lời cảnh báo cuối cùng. Đáng buồn là dân Y-sơ-ra-ên đã lờ đi thông điệp của Đức Chúa Trời và không đáp ứng bằng hành động đúng.

14. Có những nét tương đồng nào giữa thời A-mốt và thời chúng ta?

14 Chắc chắn các anh chị đồng ý rằng có một số nét tương đồng đáng chú ý giữa thời A-mốt và thời chúng ta. Chúa Giê-su báo trước nhiều tai họa sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Ngài cũng báo trước về một công việc rao giảng trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 24:3-14) Dù vậy, giống như thời A-mốt, ngày nay đa số người ta đều làm ngơ trước dấu hiệu của thời kỳ này cũng như đối với thông điệp về Nước Trời. Hậu quả sẽ đến với những người ấy cũng giống như hậu quả mà dân Y-sơ-ra-ên không ăn năn đã phải chịu. Đức Giê-hô-va cảnh báo họ: “Ngươi khá sửa-soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi”. (A-mốt 4:12) Họ gặp Đức Chúa Trời theo nghĩa phải gánh chịu sự phán xét của Ngài khi quân A-si-ri chinh phục họ. Ngày nay, thế gian tội lỗi này sẽ “gặp Đức Chúa Trời” tại Ha-ma-ghê-đôn. (Khải-huyền 16:14, 16) Tuy nhiên, bao lâu Đức Giê-hô-va còn tiếp tục kiên nhẫn, thì bấy lâu chúng ta còn thôi thúc mọi người: ‘Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, thì sẽ được sống’.—A-mốt 5:6.

Đương đầu với sự chống đối như A-mốt

15-17. (a) A-ma-xia là ai, và ông phản ứng ra sao trước lời công bố của A-mốt? (b) A-ma-xia buộc cho A-mốt những tội nào?

15 Chúng ta có thể noi gương A-mốt không những về thông điệp mình rao giảng mà còn về cách rao giảng. Sự kiện ấy được làm nổi bật trong chương 7, nơi chúng ta thấy thầy tế lễ đã được nói đến ở đầu cuộc thảo luận này. Ông ấy là “A-ma-xia, thầy tế-lễ của Bê-tên”. (A-mốt 7:10) Thành Bê-tên là trung tâm của tôn giáo bội đạo trong nước Y-sơ-ra-ên, thực hành việc thờ bò. Vậy thì A-ma-xia là thầy tế lễ của quốc giáo. Ông đã phản ứng ra sao trước lời công bố dạn dĩ của A-mốt?

16 A-ma-xia bảo A-mốt: “Hỡi kẻ tiên-kiến, khá đi khỏi đây. Hãy trốn trong đất Giu-đa, tại đó ăn bánh và nói tiên-tri. Nhưng chớ cứ nói tiên-tri tại Bê-tên nữa; vì ấy là một nơi thánh của vua, và ấy là nhà vua”. (A-mốt 7:12, 13) A-ma-xia chẳng khác nào nói rằng: ‘Hãy về nhà đi! Chúng tôi có đạo rồi’. A-ma-xia cũng cố xúi giục chính quyền cấm đoán các hoạt động của A-mốt, ông tâu với Vua Giê-rô-bô-am II rằng: “A-mốt tập-lập nghịch cùng vua, ở giữa nhà Y-sơ-ra-ên”. (A-mốt 7:10) Đúng vậy, A-ma-xia buộc cho A-mốt tội mưu phản! Ông đã tâu với vua: “Thật vậy, nầy, A-mốt nói rằng: Giê-rô-bô-am sẽ chết bởi gươm, và Y-sơ-ra-ên chắc sẽ bị đày đi làm phu-tù khỏi đất mình”.—A-mốt 7:11.

17 Qua những lời đó, A-ma-xia đưa ra ba lời tuyên bố sai lạc. Ông nói: “A-mốt nói rằng”. Thế nhưng, A-mốt đã không bao giờ tự nhận mình là nguồn của lời tiên tri đó. Thay vì thế, A-mốt luôn tuyên bố rằng: “Đức Giê-hô-va phán như vầy”. (A-mốt 1:3) A-mốt cũng bị buộc tội là đã nói: “Giê-rô-bô-am sẽ chết bởi gươm”. Tuy nhiên, như ghi nơi A-mốt 7:9, ông đã tiên tri: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ dấy lên dùng gươm đánh nhà Giê-rô-bô-am”. Đức Chúa Trời đã báo trước về tai họa cho “nhà” Giê-rô-bô-am, tức con cháu vua. Hơn nữa, A-ma-xia cho rằng A-mốt đã nói: “Y-sơ-ra-ên chắc sẽ bị đày đi làm phu-tù”. Nhưng A-mốt cũng đã tiên tri rằng bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào trở lại với Đức Chúa Trời sẽ nhận được ân phước. Rõ ràng, A-ma-xia đã cố dùng những lời xuyên tạc, nửa hư nửa thật để có được lệnh chính thức cấm công việc rao giảng của A-mốt.

18. Có sự tương đồng nào giữa phương cách A-ma-xia dùng với phương cách của giới giáo phẩm ngày nay?

18 Bạn có để ý những nét tương đồng rõ rệt giữa phương cách A-ma-xia dùng với phương cách mà ngày nay những kẻ chống đối dân của Đức Giê-hô-va dùng không? Giống như A-ma-xia đã cố bắt A-mốt phải im lặng thì một số linh mục, giới giáo phẩm cấp cao và những giáo trưởng của thời chúng ta cũng cố ngăn chận công việc rao giảng của các tôi tớ Đức Giê-hô-va. A-ma-xia vu cáo A-mốt tội mưu phản. Ngày nay, một số tu sĩ cũng vu cáo Nhân Chứng Giê-hô-va là mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Và giống như A-ma-xia đã tìm cầu đến vua để chống lại A-mốt, giới giáo phẩm cũng thường dựa vào các đồng minh chính trị để ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va.

Kẻ chống đối không thể ngăn chận công việc rao giảng của chúng ta

19, 20. A-mốt phản ứng ra sao trước sự chống đối của A-ma-xia?

19 A-mốt đã phản ứng ra sao trước sự chống đối của A-ma-xia? Trước hết, A-mốt hỏi thầy tế lễ đó: “Ngươi nói rằng: Chớ nói tiên-tri nghịch cùng Y-sơ-ra-ên”? Không ngần ngại, nhà tiên tri dũng cảm của Đức Chúa Trời sau đó đã nói những lời mà A-ma-xia chắc chắn không muốn nghe. (A-mốt 7:16, 17) A-mốt đã không run sợ. Quả là một gương mẫu xuất sắc cho chúng ta! Về việc giảng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không cãi lệnh Đức Chúa Trời, ngay cả trong những xứ mà các A-ma-xia thời nay đang kích động sự ngược đãi tàn bạo. Như A-mốt, chúng ta tiếp tục công bố: “Đức Giê-hô-va phán như vầy”. Và kẻ chống đối không bao giờ có thể ngăn chận công việc rao giảng của chúng ta vì “tay Chúa” ở cùng chúng ta.—Công-vụ 11:19-21.

20 A-ma-xia đáng lẽ phải biết rằng những lời đe dọa của mình là vô ích. A-mốt đã giải thích rồi về lý do tại sao không ai trên đất có thể ngăn cản ông nói—và đó là điểm thứ ba mà chúng ta xem xét. Theo A-mốt 3:3-8, A-mốt dùng một loạt câu hỏi và minh họa để cho thấy rằng mọi kết quả đều có nguyên nhân. Rồi ông đưa ra cách áp dụng: “Khi sư-tử gầm-thét, thì ai mà chẳng sợ? Khi Chúa Giê-hô-va đã phán-dạy, thì ai mà chẳng nói tiên-tri?” Nói cách khác, A-mốt bảo người nghe: ‘Giống như các ngươi không thể không sợ khi nghe sư tử rống, thì ta không thể không rao giảng Lời Đức Chúa Trời khi đã nghe mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va’. Sự kính sợ, tức lòng sùng kính sâu xa, đối với Đức Giê-hô-va thôi thúc A-mốt phải nói với lòng dạn dĩ.

21. Làm thế nào chúng ta đáp ứng mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là rao giảng tin mừng?

21 Chúng ta cũng nghe Đức Giê-hô-va giao sứ mệnh rao giảng. Chúng ta phản ứng như thế nào? Như A-mốt và các tín đồ của Chúa Giê-su vào thời ban đầu, với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va chúng ta giảng lời Ngài với lòng dạn dĩ. (Công-vụ 4:23-31) Cả sự ngược đãi do những kẻ chống đối kích động lẫn thái độ tự mãn của những người mà chúng ta rao giảng sẽ không làm chúng ta im lặng. Biểu lộ lòng hăng hái như A-mốt, Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn cầu cảm thấy cần phải tiếp tục công bố tin mừng với lòng dạn dĩ. Chúng ta có trách nhiệm cảnh báo người ta về sự phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va. Sự phán xét đó bao hàm điều gì? Câu hỏi đó sẽ được trả lời trong bài kế tiếp.

Bạn trả lời ra sao?

• A-mốt thi hành sứ mệnh Đức Chúa Trời giao phó trong hoàn cảnh nào?

• Như A-mốt, chúng ta phải rao giảng điều gì?

• Chúng ta phải rao giảng với thái độ nào?

• Tại sao kẻ chống đối không thể ngăn chận hoạt động làm chứng của chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Đức Chúa Trời chọn A-mốt, người chăm sóc cây vả, để làm công việc Ngài

[Các hình nơi trang 13]

Như A-mốt, bạn có đang dạn dĩ công bố thông điệp của Đức Giê-hô-va không?