Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tưởng nhớ Chúa Giê-su Christ theo cách nào?

Tưởng nhớ Chúa Giê-su Christ theo cách nào?

Tưởng nhớ Chúa Giê-su Christ theo cách nào?

Chúa Giê-su Christ “chắc chắn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất từ xưa đến nay”.—“The World Book Encyclopedia”.

CÁC vĩ nhân thường được nhớ đến bởi những việc làm của họ. Vậy tại sao nhiều người nhớ đến sự ra đời của Chúa Giê-su hơn là những gì ngài đã làm? Trong khối đạo xưng theo Đấng Christ, hầu như ai cũng có thể kể lại những sự kiện xoay quanh sự ra đời của ngài. Nhưng có bao nhiêu người nhớ và cố gắng áp dụng những dạy dỗ siêu việt của ngài trong Bài Giảng trên Núi?

Tuy sự ra đời của Chúa Giê-su là một sự kiện đáng chú ý, nhưng các môn đồ thời ban đầu xem những gì ngài làm và dạy quan trọng hơn nhiều. Chắc chắn Đức Chúa Trời không muốn sự ra đời của Chúa Giê-su làm lu mờ cuộc đời của ngài lúc trưởng thành. Thế nhưng Lễ Giáng Sinh đã biến cả cuộc đời Đấng Christ chỉ còn là những truyền thuyết về Chúa giáng sinh.

Tính chất của Lễ Giáng Sinh còn đặt ra một vấn đề bức xúc khác. Ngày nay, nếu Chúa Giê-su trở lại trái đất, ngài sẽ nghĩ gì về tính thương mại trắng trợn của Lễ Giáng Sinh? Cách đây hai ngàn năm, khi viếng thăm đền thờ Giê-ru-sa-lem, ngài đã nổi giận với những người đổi tiền và buôn bán lợi dụng những dịp lễ tôn giáo của người Do Thái để kiếm tiền. Ngài nói: “Hãy cất-bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn-bán”. (Giăng 2:13-16) Rõ ràng, Chúa Giê-su không chấp nhận sự pha trộn giữa thương mại và tôn giáo.

Nhiều người Công Giáo Tây Ban Nha có lòng thành thật đã bày tỏ sự lo ngại trước tính thương mại ngày càng nhiều của Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, xu hướng đó có lẽ là điều khó tránh khỏi do nguồn gốc của nhiều phong tục trong lễ này. Phóng viên Juan Arias nói: “Nhiều người có đạo phê phán Lễ Giáng Sinh đã bị ‘ngoại giáo hóa’ và trở thành một dịp để vui chơi và mua sắm hơn là một nghi lễ tôn giáo. Nói chung, những người đó đều không hề hay biết rằng ngay những Lễ Giáng Sinh đầu tiên... cũng đã mang nhiều đặc điểm của lễ ngoại giáo [thờ mặt trời] của người La Mã”.—Báo El País, số ra ngày 24-12-2001.

Trong những năm gần đây, nhiều phóng viên và bách khoa tự điển của Tây Ban Nha đã bình luận về nguồn gốc ngoại giáo của Lễ Giáng Sinh truyền thống, cũng như tính thương mại của nó. Cuốn Enciclopedia de la Religión Católica (Bách khoa tự điển Công Giáo) viết thẳng thắn về ngày cử hành Lễ Giáng Sinh như sau: “Lý do Giáo Hội La Mã chọn ngày này để mừng lễ dường như là vì muốn thay thế các lễ ngoại giáo bằng lễ của Ki-tô Giáo... Chúng ta đều biết rằng ở La Mã thời đó, người ngoại dành ngày 25 tháng 12 để mừng natalis invicti, tức sinh nhật của ‘thần mặt trời vô địch’ ”.

Cuốn Enciclopedia Hispánica (Bách khoa tự điển Tây Ban Nha) cũng nhận xét tương tự: “Việc cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 không phải dựa trên sự tính toán niên lịch chính xác, mà đúng hơn là nhằm Ki-tô hóa các lễ mừng đông chí ở La Mã”. Người La Mã đã ăn mừng ngày mặt trời mọc trên bầu trời mùa đông như thế nào? Bằng tiệc tùng, vui chơi và tặng quà cho nhau. Vì không muốn loại bỏ một lễ lớn như thế, hàng giáo phẩm đã “Ki-tô hóa” lễ này, gọi đó là sinh nhật Chúa Giê-su thay vì sinh nhật mặt trời.

Ngay từ thời ban đầu, khoảng thế kỷ thứ tư và thứ năm, đã khó cho người ta từ bỏ việc thờ thần mặt trời cùng những phong tục liên hệ. “Thánh” Augustine của Công Giáo (354-430 CN) đã cảm thấy cần khuyến khích những người đồng đạo ngưng cử hành ngày 25 tháng 12 theo cách người ngoại tôn vinh thần mặt trời. Cả cho đến ngày nay, những phong tục La Mã cổ xưa dường như vẫn còn in đậm dấu vết.

Dịp lễ lý tưởng để vui chơi và buôn bán

Trải qua các thế kỷ, nhiều yếu tố khác nhau đã đóng vai trò quyết định biến Lễ Giáng Sinh thành lễ hội quốc tế phổ biến nhất để vui chơi và buôn bán. Cách tổ chức Lễ Giáng Sinh theo kiểu La Mã dần dần bị ảnh hưởng bởi những phong tục mừng các lễ mùa đông, đặc biệt là lễ của các nước Bắc Âu. * Đến thế kỷ 20, các nhà kinh doanh và chuyên gia tiếp thị sẵn sàng nhiệt tình ủng hộ bất kỳ phong tục nào mang lại siêu lợi nhuận cho họ.

Kết quả là gì? Người ta chú trọng hình thức cử hành sinh nhật Chúa Giê-su hơn là nhớ đến ý nghĩa sự ra đời của ngài. Thậm chí nhiều khi người ta hoàn toàn không nhắc đến Đấng Christ trong Lễ Giáng Sinh. Tờ báo Tây Ban Nha El País nhận xét: “[Giáng Sinh] là một lễ quốc tế mang tính gia đình và mỗi người tổ chức nó theo cách họ cảm nhận”.

Lời bình luận trên phản ánh một xu hướng ngày càng thịnh hành ở Tây Ban Nha và nhiều nước khác trên thế giới. Tuy việc ăn mừng Giáng Sinh ngày càng phổ biến nhưng sự hiểu biết về Đấng Christ lại ngày càng mai một. Thực chất Lễ Giáng Sinh ngày nay hầu như không khác gì với nguồn gốc của nó vào thời La Mã—vui chơi, tiệc tùng và tặng quà cho nhau.

Một con trẻ sinh cho chúng ta

Nếu Lễ Giáng Sinh truyền thống thật sự không có liên quan gì đến Chúa Giê-su, vậy tín đồ Đấng Christ nên tưởng nhớ sự sinh ra và cuộc đời của ngài như thế nào? Bảy thế kỷ trước khi Chúa Giê-su giáng thế, Ê-sai đã tiên tri: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài”. (Ê-sai 9:5) Tại sao Ê-sai cho biết sự sinh ra và vai trò sau đó của Chúa Giê-su là vô cùng quan trọng? Bởi vì ngài sẽ là vị vua hùng mạnh. Ngài sẽ được gọi là “Chúa Bình-an”, và sự bình an cùng quyền cai trị của ngài sẽ không bao giờ chấm dứt. Hơn thế nữa, sự cai trị đó sẽ được duy trì “trong sự chánh-trực công-bình”.—Ê-sai 9:6.

Thiên sứ Gáp-ri-ên đã nhắc lại lời của Ê-sai khi báo cho bà Ma-ri biết trước về sự ra đời của Chúa Giê-su. Thiên sứ báo trước: “Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa [Đức Giê-hô-va], là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng”. (Lu-ca 1:32, 33) Rõ ràng, chính công việc Chúa Giê-su sẽ thực hiện với tư cách là Vua được bổ nhiệm của Nước Trời khiến sự sinh ra của ngài có ý nghĩa. Sự cai trị của Đấng Christ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó có bạn và những người thân yêu của bạn. Thật thế, các thiên sứ đã nói sự sinh ra của ngài sẽ đem lại “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.—Lu-ca 2:14, Tòa Tổng Giám Mục.

Ai lại không ao ước sống trong một thế giới công bằng và yên ổn? Nhưng muốn được hưởng sự bình an dưới sự cai trị của Đấng Christ, chúng ta phải sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và có mối quan hệ tốt với Ngài. Chúa Giê-su nói bước đầu tiên để có mối quan hệ đó là phải học biết về Đức Chúa Trời và chính ngài. Ngài nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”.—Giăng 17:3.

Một khi đã hiểu rõ về Chúa Giê-su, chúng ta không còn thắc mắc ngài muốn người ta tưởng nhớ ngài như thế nào. Phải chăng bằng tiệc tùng và tặng quà cho nhau vào đúng ngày lễ ngoại giáo thời xưa? Dường như không phải vậy. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giê-su đã cho các môn đồ biết điều ngài muốn. “Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người”.—Giăng 14:21.

Nhân Chứng Giê-hô-va đã tra cứu Kinh Thánh sâu xa và nhờ đó hiểu được các điều răn của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. Họ sẽ vui sướng giúp bạn hiểu rõ những điều răn quan trọng đó để có thể tưởng nhớ Chúa Giê-su đúng cách.

[Chú thích]

^ đ. 11 Cây thông và nhân vật Ông già Nô-en là hai điển hình nổi bật.

[Khung/​Các hình nơi trang 6, 7]

Kinh Thánh có phê phán tiệc tùng hay việc tặng quà không?

Tặng quà

Việc tặng quà được Kinh Thánh chấp nhận và chính Đức Giê-hô-va được gọi là Đấng ban “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. (Gia-cơ 1:17) Chúa Giê-su cho thấy cha mẹ thương con thường tặng quà cho chúng. (Lu-ca 11:11-13) Bạn bè và người thân của Gióp đã tặng quà cho ông khi sức khỏe ông hồi phục. (Gióp 42:11) Tuy nhiên, việc tặng quà không nhất thiết phải trùng vào những ngày lễ đặc biệt mà điều quan trọng là xuất phát từ tấm lòng.—2 Cô-rinh-tô 9:7.

Họp mặt gia đình

Các cuộc họp mặt gia đình có thể giúp các thành viên gắn bó với nhau, đặc biệt là khi không còn ở chung nữa. Chúa Giê-su và các môn đồ đã dự tiệc cưới ở Ca-na, hẳn phải là một cuộc họp mặt lớn gồm các thành viên trong gia đình và bạn bè. (Giăng 2:1-10) Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng của Chúa Giê-su, người cha cũng đã tổ chức tiệc mừng trong gia đình khi đứa con trở về, có cả âm nhạc và nhảy múa.—Lu-ca 15:21-25.

Vui hưởng bữa ăn ngon

Kinh Thánh thường nói đến việc tôi tớ Đức Chúa Trời thưởng thức một bữa ăn ngon với gia đình, bạn bè và anh em tín hữu. Khi ba thiên sứ đến thăm Áp-ra-ham, ông đã chuẩn bị một bữa thịnh soạn để tiếp họ, gồm thịt bò, sữa, bơ và bánh nhỏ. (Sáng-thế Ký 18:6-8) Sa-lô-môn nói ‘ăn, uống, và vui vẻ’ là sự ban cho của Đức Chúa Trời.—Truyền-đạo 3:13; 8:15.

Rõ ràng, Đức Chúa Trời muốn chúng ta thưởng thức đồ ăn ngon cùng với bạn bè và gia đình. Ngài cũng tán thành việc tặng quà. Chúng ta có thể làm điều đó bất cứ lúc nào trong năm.