Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nơi sự thờ phượng thật đụng độ với ngoại giáo

Nơi sự thờ phượng thật đụng độ với ngoại giáo

Nơi sự thờ phượng thật đụng độ với ngoại giáo

TÀN TÍCH của cổ thành Ê-phê-sô, ở miền duyên hải phía tây nước Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi các nhà khảo cổ miệt mài nghiên cứu hơn hàng trăm năm nay. Nhiều công trình kiến trúc được tái tạo; các khoa học gia đã xem xét và giải thích nhiều mẫu di tích. Kết quả là Ê-phê-sô trở thành một trong những nơi thu hút nhiều du khách nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người ta phát hiện được điều gì về Ê-phê-sô? Ngày nay chúng ta có thể hình dung được điều gì về cổ thành Ê-phê-sô đầy thu hút này? Một cuộc tham quan các tàn tích tại thành Ê-phê-sô và tại Bảo Tàng Viện Ê-phê-sô ở Vienna, Áo Quốc, sẽ giúp chúng ta hiểu làm thế nào sự thờ phượng thật đụng độ với ngoại giáo tại Ê-phê-sô xưa. Trước hết chúng ta hãy xem bối cảnh lịch sử của thành phố Ê-phê-sô.

Địa điểm mà nhiều nước thèm muốn

Biến động và sự di cư là đặc điểm của vùng Âu Á vào thế kỷ 11 TCN. Đó là lúc người Hy Lạp vùng Ionia bắt đầu chiếm lấy miền duyên hải phía tây của Tiểu Á. Những người định cư thời kỳ đầu ấy tiếp xúc với dân có tiếng về sự thờ mẫu thần, vị thần mà sau này được gọi là thần Đi-anh của người Ê-phê-sô.

Vào giữa thế kỷ thứ bảy TCN, dân du mục Cimmerian từ miền bắc Biển Đen đến cướp bóc Tiểu Á. Sau đó, vào khoảng năm 550 TCN, Vua Croesus của xứ Ly-đi nổi lên nắm quyền , ông là một nhà cai trị nhiều thế lực và nổi tiếng giàu có. Khi Đế Quốc Phe-rơ-sơ (Ba Tư) bành trướng, Vua Si-ru chinh phục các thành thuộc vùng Ionia, trong đó có thành Ê-phê-sô.

Vào năm 334 TCN, A-léc-xan-đơ của xứ Ma-xê-đoan khởi đầu chiến dịch chống Ba Tư, do đó trở thành người cai trị mới của Ê-phê-sô. Sau cái chết đột ngột của A-léc-xan-đơ năm 323 TCN, các tướng của ông tranh nhau đoạt lấy Ê-phê-sô. Năm 133 TCN, Attalus III, vị vua không con nối dòng này của Bẹt-găm, lúc sắp chết đã để lại Ê-phê-sô cho người La Mã, nên thành phố này đã trở thành một phần của tỉnh thuộc La Mã ở Châu Á.

Sự thờ phượng thật đụng độ với ngoại giáo

Thời thế kỷ thứ nhất, khi sứ đồ Phao-lô đến Ê-phê-sô lúc gần cuối chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, thành phố ấy có độ 300.000 cư dân. (Công-vụ 18:19-21) Vào chuyến hành trình truyền giáo thứ ba, sứ đồ Phao-lô trở lại thành Ê-phê-sô và lần nữa dạn dĩ rao giảng về Nước Trời tại nhà hội. Tuy nhiên, sau ba tháng, sự chống đối của người Giu-đa gia tăng nên Phao-lô quyết định giảng dạy hàng ngày tại trường học Ti-ra-nu. (Công-vụ 19:1, 8, 9) Ông rao giảng tại đó trong hai năm, cùng làm những phép lạ khác thường như chữa bệnh và trừ quỉ. (Công-vụ 19:10-17) Không lạ gì khi có nhiều người tin! Thật vậy, đạo của Đức Giê-hô-va được thắng thế đến độ có nhiều người trước kia làm nghề phù phép đã sẵn sàng đốt các sách vở quý giá của họ.—Công-vụ 19:19, 20.

Sự rao giảng có nhiều kết quả của sứ đồ Phao-lô không chỉ thúc đẩy nhiều người từ bỏ sự thờ nữ thần Đi-anh nhưng cũng khơi dậy sự tức giận của những người ủng hộ sự thờ phượng ngoại giáo đó. Nghề làm miễu thờ Đi-anh bằng bạc là một ngành thương mại sinh lợi. Và vì ngành nghề bị đe dọa nên Đê-mê-triu xúi giục những người thợ bạc nổi loạn.—Công-vụ 19:23-32.

Cuộc đối đầu lên đến tột đỉnh khi đám đông la hét cuồng loạn cả hai giờ đồng hồ: “Lớn thay nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!” (Công-vụ 19:34) Sau khi cuộc náo động lắng xuống, sứ đồ Phao-lô khuyến khích các anh em tín đồ Đấng Christ một lần nữa trước khi tiếp tục cuộc hành trình. (Công-vụ 20:1) Tuy nhiên, việc ông đi khỏi đó để đến Ma-xê-đoan đã không làm ngưng lại đà suy sụp của sự tôn thờ Đi-anh.

Đền thờ Đi-anh bị lung lay

Sự tôn thờ Đi-anh bám rễ rất sâu tại Ê-phê-sô. Trước thời Vua Croesus, mẫu thần Cybele giữ địa vị chính trong đời sống tôn giáo tại đó. Bằng cách dựng lên một liên hệ hoang đường giữa Cybele và các thần Hy Lạp, Vua Croesus mong dựng nên một hình ảnh tôn giáo được cả người Hy Lạp và người không phải Hy Lạp chấp nhận. Với sự hỗ trợ của ông, vào giữa thế kỷ thứ sáu TCN, công việc xây dựng đền thờ nữ thần kế vị Cybele là Đi-anh đã bắt đầu.

Đền thờ này là một công trình quan trọng của kiến trúc Hy Lạp. Trước đó người ta chưa hề dùng những tảng đá cẩm thạch để xây dựng một công trình nào thuộc loại này và với kích cỡ như thế. Đền thờ đó đã bị thiêu hủy vào năm 356 TCN. Một đền thờ không kém phần nguy nga đã được xây lại là một nguồn đem lại nhiều việc làm và là nơi thu hút nhiều người đi hành hương. Ngôi đền được xây lại này có chiều rộng khoảng 50 mét, chiều dài 105 mét; xây trên một nền rộng 73 mét và dài 127 mét. Đền này được xem là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Tuy nhiên không phải mọi người đều hài lòng về ngôi đền này. Triết gia Ê-phê-sô là Heracleitus đã so sánh lối đi tối tăm đến bàn thờ với sự tối tăm của tệ đoan, và ông xem luân lý đạo đức tại đền thờ còn tệ hơn của thú vật. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đền thờ Đi-anh tại Ê-phê-sô dường như sẽ không bao giờ bị suy sụp. Nhưng lịch sử cho thấy ngược lại. Sách Ephesos—Der neue Führer (Ê-phê-sôSự hướng dẫn mới) ghi: “Đến thế kỷ thứ hai, sự thờ phượng Đi-anh và những thần Hy Lạp khác đã đột nhiên suy sụp”.

Vào thế kỷ thứ ba CN, Ê-phê-sô bị rung chuyển bởi một trận động đất mạnh. Ngoài ra, đền thờ Đi-anh giàu có đã bị dân Goth từ vùng Biển Đen đến cướp bóc và rồi châm lửa đốt. Quyển sách trên cũng ghi: “Bị thất bại và không thể che chở đền của mình, làm sao Đi-anh còn có thể tiếp tục được xem là thần che chở cho thành phố?”—Thi-thiên 135:15-18.

Rồi vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ tư CN, Hoàng Đế Theodosius I đã công nhận “Đạo Đấng Christ” là quốc giáo. Không lâu sau, công trình xây cất bằng đá thật sang trọng của đền thờ Đi-anh đã bị đục đẽo để xây các thứ khác. Sự thờ phượng Đi-anh không còn gì nữa cả. Một người tham quan đã phát biểu cảm tưởng về bài thơ ca ngợi đền thờ là kỳ quan của thế giới xưa, ông nói: “Giờ đây đền thờ là một nơi hoang phế và điêu tàn nhất”.

Từ Đi-anh đến “Mẹ Thiên Chúa”

Sứ đồ Phao-lô cảnh báo các trưởng lão thuộc hội thánh ở Ê-phê-sô là sau khi ông đi, “muông-sói dữ-tợn” sẽ xuất hiện, và có những người trong vòng họ nổi lên “nói lời hung ác”. (Công-vụ 20:17, 29, 30) Điều đó đã xảy ra. Các sự kiện cho thấy sự thờ phượng giả đã vượt trội tại Ê-phê-sô dưới hình thức bội đạo, ngược lại đạo thật Đấng Christ.

Vào năm 431 CN, Ê-phê-sô là địa điểm tổ chức giáo hội nghị lần thứ ba, nơi bàn thảo về thể tính của Đấng Christ. Sách Ephesos—Der neue Führer giải thích: “Những người Alexandria tin rằng Đấng Christ chỉ có một thể tính, đó là thần tính,... họ đã toàn thắng”. Điều đó còn có hệ quả sâu rộng. “Phán quyết đó tại Ê-phê-sô đã nâng bà Ma-ri từ địa vị Người cưu mang Đấng Christ trở thành Người cưu mang Đức Chúa Trời, điều này không chỉ đặt nền tảng cho việc tôn thờ bà Ma-ri mà còn gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng lần đầu tiên trong giáo hội... Cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài cho đến nay”.

Như vậy, sự tôn thờ nữ thần Cybele và Đi-anh đã được thay thế bằng sự tôn thờ bà Ma-ri là “Người cưu mang Đức Chúa Trời” hay “Mẹ Thiên Chúa”. Và như quyển sách trên ghi tiếp: “Sự tôn thờ Ma-ri tại Ê-phê-sô... đến nay vẫn còn là một truyền thống được thực hành, và truyền thống ấy không thể giải thích được nếu không đề cập đến việc tôn thờ Đi-anh”.

Trong trang sử lãng quên

Sau khi sự thờ phượng Đi-anh xuống dốc thì đến sự suy sụp của chính thành phố Ê-phê-sô. Những trận động đất, bệnh sốt rét, và việc bến cảng dần dần bị nghẽn bùn làm cho đời sống tại đấy càng khó khăn hơn.

Đến thế kỷ thứ bảy CN, Hồi Giáo bắt đầu phát triển thật nhanh. Tôn giáo này không chỉ muốn thống nhất các bộ tộc Ả-rập về phe mình, nhưng còn đưa đoàn tàu Ả-rập đến cướp bóc Ê-phê-sô trong suốt thế kỷ thứ bảy và thứ tám CN. Số phận của Ê-phê-sô vĩnh viễn thay đổi khi bến cảng hoàn toàn nghẽn bùn và thành phố trở thành một đống đổ nát. Thành phố một thời tráng lệ đó nay chỉ còn lại một khu phố nhỏ mang tên Aya Soluk (nay là Selçuk).

Viếng thăm tàn tích của Ê-phê-sô

Để biết về một thời huy hoàng đã qua của Ê-phê-sô, người ta có thể đến thăm tàn tích của thành ấy. Nếu bạn bắt đầu cuộc tham quan từ cổng phía trên, thì ngay lập tức bạn được thưởng thức một cảnh quang tuyệt đẹp của con đường Curetes trải dài đến Thư Viện Celsus. Bên phải là tòa Odeum—một rạp hát nhỏ xây vào thế kỷ thứ hai CN—sẽ thu hút sự chú ý của bạn. Với sức chứa 1.500 chỗ ngồi, rạp này không chỉ là phòng hội họp mà còn là nơi giải trí công cộng. Dọc theo hai bên đường Curetes này là những tòa nhà như tòa nhà hội họp nơi người ta bàn những vấn đề quốc sự, đền thờ Hadrian, một số vòi phun nước công cộng và những nhà cửa trên triền đồi—nhà của những người Ê-phê-sô quyền thế.

Xây vào thế kỷ thứ hai CN, Thư Viện Celsus thanh lịch sẽ khiến bạn trầm trồ về vẻ đẹp của nó. Thật nhiều cuộn sách được đặt tại các hốc tường của phòng đọc sách rộng lớn. Bốn pho tượng ở mặt tiền nguy nga tượng trưng cho những đức tính tiêu biểu mà người ta mong đợi nơi những quan chức La Mã cao cấp như ông Celsus, đó là: Sophia (khôn ngoan), Arete (đức hạnh), Ennoia (tận tụy), and Episteme (hiểu biết). Có thể tìm thấy những pho tượng nguyên thủy tại Bảo Tàng Viện Ê-phê-sô ở Vienna. Đối ngang với sân trước của thư viện là một cánh cửa to lớn dẫn đến khu chợ Tetragonos. Tại quảng trường to lớn này, mà xung quanh có những khu dạo chơi với mái che, là nơi các sinh hoạt diễn ra thường ngày.

Kế đến bạn thấy con đường Marble đưa đến hí trường. Với lần nới rộng cuối cùng vào thời đế quốc La Mã, hí trường này có sức chứa 25.000 chỗ ngồi. Mặt tiền trang hoàng thật lộng lẫy với những hàng cột, hình đắp nổi và các pho tượng. Bạn có thể hình dung rõ nét cảnh rối loạn mà người thợ bạc Đê-mê-triu khơi dậy giữa đám đông tụ tập tại đó.

Con đường trải dài từ hí trường đến bến cảng của thành phố thật tráng lệ. Đường này dài độ 500 mét và rộng 11 mét, với hàng trụ dọc theo hai bên đường. Cả hai phòng thể dục của hí viện và của bến cảng đều nằm trên con đường này. Cánh cổng to lớn của bến cảng nằm ở cuối đường là cửa ngõ ăn thông với thế giới bên ngoài, và đến đấy là chấm dứt chuyến tham quan ngắn qua một trong những tàn tích hấp dẫn nhất thế giới. Viện Bảo Tàng Ê-phê-sô tại Vienna có trưng bày một mô hình bằng gỗ của cổ thành này cũng như nhiều vật kỷ niệm.

Khi viếng viện bảo tàng và nhìn thấy pho tượng Đi-anh của người Ê-phê-sô, người ta hẳn phải nghĩ đến sự nhịn nhục của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu tại Ê-phê-sô. Họ phải sống tại một thành phố chìm đắm trong thuật thông linh và mù quáng bởi những thành kiến về tôn giáo. Thông điệp Nước Trời gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ những người thờ phượng Đi-anh. (Công-vụ 19:19; Ê-phê-sô 6:12; Khải-huyền 2:1-3) Trong môi trường không thuận lợi đó, sự thờ phượng thật đã đâm rễ. Ngày nay sự thờ phượng thật này cũng sẽ thắng thế khi tôn giáo giả suy sụp như sự tôn thờ Đi-anh xưa.—Khải-huyền 18:4-8.

[Bản đồ/​Hình nơi trang 26]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

MA-XÊ-ĐOAN

Biển Đen

TIỂU Á

Ê-phê-sô

Địa Trung Hải

AI CẬP

[Hình nơi trang 27]

Tàn tích của đền thờ Đi-anh

[Các hình nơi trang 28, 29]

1. Thư Viện Celsus

2. Arete (nhìn gần)

3. Đường Marble, dẫn đến hí trường