Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Loài vật ngợi khen Đức Giê-hô-va

Loài vật ngợi khen Đức Giê-hô-va

Loài vật ngợi khen Đức Giê-hô-va

SỰ OAI NGHI của Đức Giê-hô-va được thể hiện rõ qua thế giới động vật. Đức Chúa Trời nuôi thú vật cũng như cung cấp thực phẩm cho loài người. (Thi-thiên 145:16) Con người sẽ phạm sai lầm lớn nếu tìm cách bắt lỗi Đấng đã tạo ra loài người và loài vật! Dù Gióp là người công bình, nhưng ông đã cho “mình là công-bình hơn là Đức Chúa Trời”. Vậy nên Gióp cần phải học nhiều điều!—Gióp 32:2; 33:8-12; 34:5.

Nhiều thí dụ trong giới động vật cho Gióp thấy là loài người không đủ tư cách chất vấn việc làm của Đức Chúa Trời. Điều này thật đúng khi chúng ta xem xét lời Đức Giê-hô-va nói với tôi tớ Ngài là Gióp!

Loài vật không cần con người giúp

Gióp không thể trả lời những câu hỏi Đức Chúa Trời nêu ra về đời sống động vật. (Gióp 39:1-3) Rõ ràng, Đức Giê-hô-va không cần con người giúp để nuôi sư tử và quạ. Dù loài quạ phải bay đi khắp nơi kiếm mồi, nhưng thật ra chúng có được thức ăn là nhờ Đức Chúa Trời.—Lu-ca 12:24.

Gióp không thốt lên được lời nào khi Đức Chúa Trời hỏi ông về những động vật hoang dã. (Gióp 39:4-11) Không một người nào có thể bảo vệ dê rừng và nai cái. Thật vậy, ngay cả đến gần dê rừng thôi cũng là khó rồi! (Thi-thiên 104:18) Nhờ được Đức Chúa Trời ban cho bản năng tự nhiên nên nai cái mới biết lánh vào rừng khi gần đến thời kỳ sinh con. Nai cái biết nuôi con nhỏ, nhưng khi nai con “trở nên mạnh-mẽ” thì chúng “lìa mẹ mình, chẳng còn trở lại nữa”. Rồi nai con tự lực cánh sinh.

Ngựa vằn * chạy thong dong, và đồng vắng là nhà của lừa rừng. Gióp không thể bắt lừa rừng mang đồ nặng cho ông. Nó tìm “mọi vật gì xanh-tươi” và đi khắp núi đồi tìm kiếm đồng cỏ. Con vật này không chịu đánh đổi tự do để lấy thức ăn dễ kiếm được nơi thành thị. Nó “không nghe tiếng của kẻ coi dắt” vì sẽ nhanh chóng bỏ chạy nếu con người xâm nhập lãnh địa của nó.

Kế tiếp Đức Chúa Trời nói về bò tót. (Gióp 39:12-15) Bàn về bò tót, Austen Layard, nhà khảo cổ người Anh viết: “Hình ảnh bò tót thường được xuất hiện trong các bức phù điêu, dường như chúng cũng được xem là đáng sợ và bị săn bắt không thua gì sư tử. Vua chúa thường được tả trong cảnh đấu với bò tót, và chiến binh chạy bộ hay cưỡi ngựa đuổi theo nó”. (Nineveh and Its Remains, năm 1849, Tập 2, trang 326) Tuy vậy, không ai dám cả gan thử chế ngự loài bò tót bất trị này.—Thi-thiên 22:21.

Loài vật có cánh tán dương Đức Giê-hô-va

Rồi Đức Chúa Trời hỏi Gióp về loài vật có cánh. (Gióp 39:16-21) Chim hạc hay cò có thể bay cao nhờ đôi cánh khỏe mạnh. (Giê-rê-mi 8:7) Chim đà điểu dù biết đập cánh nhưng không bay được. Khác với loài cò, đà điểu không ấp trứng trong ổ trên cành cây. (Thi-thiên 104:17) Nó đào lỗ trong cát và đẻ trứng tại đó. Đà điểu không bỏ trứng của nó mà lấy cát lấp lại để giữ trong nhiệt độ vừa phải rồi cả con trống và mái đều canh chừng trứng.

Việc đà điểu bỏ chạy như để thoát thân khi thấy một con thú săn mồi, khiến người ta có cảm tưởng nó bị “cất sự khôn-ngoan”. Tuy nhiên, một bách khoa tự điển về thú vật trong Kinh Thánh (Encyclopedia of Bible Animals) ghi: “Đây là kế đánh lạc hướng: [đà điểu] sẽ đập cánh thu hút sự chú ý của người hay con vật có vẻ đe dọa để dụ địch đi xa khỏi ổ trứng”.

Đà điểu “nhạo-báng ngựa và người cỡi ngựa” như thế nào? The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) ghi nhận: “Tuy đà điểu không biết bay nhưng nổi tiếng là chạy nhanh. Đôi chân dài của nó có thể sải bước dài đến 4,6 mét với vận tốc lên đến 64 cây số một giờ”.

Đức Chúa Trời cho loài ngựa sức mạnh

Sau đó Đức Chúa Trời hỏi Gióp về loài ngựa. (Gióp 39:22-28) Vào thời xưa, chiến binh đánh giặc trên lưng ngựa. Ngựa cũng kéo xe chở người đánh xe và có thể thêm hai người lính nữa. Ngựa chiến thường hí vang và dậm chân xuống đất như tỏ vẻ nôn nóng muốn xông trận. Nó không sợ hãi gì và cũng chẳng chùn bước ngay cả trước lưỡi gươm. Vừa khi nghe tiếng kèn thổi, ngựa chiến hí lên, phóng tới trước và chạy như “lướt dậm”. Tuy vậy nó vẫn biết vâng phục lệnh của kỵ binh.

Nhà khảo cổ Layard cũng miêu tả tương tự: “Tuy con vật này hiền hòa như cừu non và chỉ cần một sợi dây để chế ngự nó, nhưng khi ngựa cái Ả-rập nghe tiếng hô xung trận và thấy ngọn giáo của người cưỡi ngựa rung lên thì mắt nó rực lửa, lỗ mũi đỏ nở phồng ra, cổ uốn cong lên một cách hùng dũng, đuôi và bờm dựng lên phất phơ trước gió”.—Discoveries Among the Ruins of Nineveh and Babylon, năm 1853, trang 330.

Tìm hiểu về chim ưng và đại bàng

Đức Giê-hô-va hướng sự chú ý đến vài loại chim khác. (Gióp 39:29-33) Con chim ưng “vùng bay đi, và sè cánh nó”. Theo The Guinness Book of Records (Sách Kỷ Lục Guinness), chim cắt lớn là loại chim bay nhanh nhất, nó “đạt đến tốc lực cao nhất là khi từ trên cao tít sà xuống bay lượn trong lãnh thổ của nó, hay lúc từ không trung lao xuống con mồi”. Chim này có thể đạt đến vận tốc 349 cây số một giờ với 45 độ bay nghiêng!

Đại bàng có thể bay nhanh hơn 130 cây số một giờ. Gióp so sánh đời sống con người chóng qua với tốc độ của đại bàng khi bay đi tìm mồi. (Gióp 9:25, 26) Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta tiếp tục chịu đựng như thể Ngài nâng chúng ta trên đôi cánh đại bàng và bay cao vút mà không mệt nhọc. (Ê-sai 40:31) Khi bay lượn, đại bàng tận dụng những cột không khí bốc hơi ấm gọi là luồng khí nóng. Đại bàng lượn vòng trong luồng khí nóng, luồng khí này đưa nó càng lúc càng cao hơn. Khi đạt đến một độ cao nào đó thì nó lượn đi tìm luồng khí khác, nhờ vậy nó có thể bay cao nhiều giờ mà không tốn nhiều sức.

Chim đại bàng “đóng ổ nó tại nơi cao”, ở những chỗ cao chót vót không ai leo lên được, nó đặt chim non ở nơi an toàn. Nó làm điều này theo bản năng tự nhiên do Đức Giê-hô-va ban cho. Được Đức Chúa Trời phú cho thị lực sắc bén nên “mắt [đại bàng] thấy mồi ở xa”. Nhờ có khả năng nhanh chóng điều chỉnh độ tập trung của mắt nên đại bàng có thể nhìn chằm chằm con mồi hay xác chết trong lúc từ trên cao vút bay bổ xuống. Đại bàng có thể ăn xác chết súc vật, vì thế “hễ nơi nào có xác chết, thì nó bèn có tại đó”. Chim này săn bắt những con thú nhỏ đem về nuôi chim non.

Đức Giê-hô-va sửa dạy Gióp

Trước khi hỏi Gióp thêm một số câu hỏi khác về thú vật, Đức Chúa Trời đã sửa dạy ông. Gióp phản ứng thế nào? Ông khiêm nhường hạ mình xuống và sẵn lòng nhận thêm lời khuyên.—Gióp 39:34–40:9.

Đến phần này trong lời tường thuật được soi dẫn về kinh nghiệm của Gióp, chúng ta rút ra được một bài học vô cùng quan trọng. Đó là không một người nào có lý do chính đáng để bắt lỗi Đấng Toàn Năng. Mọi lời nói lẫn hành động của chúng ta phải làm Cha trên trời vui lòng. Ngoài ra, điều chúng ta phải quan tâm trước nhất là làm thánh danh Đức Giê-hô-va và biện minh cho quyền tối thượng của Ngài.

Bê-hê-mốt đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời

Một lần nữa Đức Chúa Trời lại hướng sự chú ý của Gióp đến thú vật. Đức Chúa Trời hỏi Gióp về Bê-hê-mốt, thường được gọi là hà mã. (Gióp 40:10-19; 40:10, cước chú) Một con hà mã trưởng thành có thể dài từ 4 đến 5 mét và cân nặng đến 3.600 kilôgam. “Sức nó ở nơi lưng”, tức ở các bắp thịt lưng. Da bụng dày cộm của Bê-hê-mốt chân ngắn này là một lợi điểm cho nó vì nhờ đó nó có thể lê cả thân mình trên đá sỏi ở lòng sông. Chắc chắn con người không tài nào đọ sức được với Bê-hê-mốt có thân hình khổng lồ, miệng to lớn và quai hàm mạnh mẽ này.

Bê-hê-mốt bò từ dưới sông lên để “ăn cỏ”. Dường như phải cần đến tất cả mọi cây cỏ của cả đồi núi mới đủ để nuôi nó! Mỗi ngày nó cần ăn từ 90 đến 180 kilôgam cây cỏ. Sau khi ăn no bụng rồi thì Bê-hê-mốt đến nằm ngủ dưới cây sen hay dưới bóng cây dương liễu. Nếu nước sông nơi hà mã sống dâng cao thì nó có thể ngoi đầu ra khỏi nước đồng thời bơi ngược dòng nước lũ. Trước cái miệng to lớn và răng nanh ghê gớm của nó thì Gióp sẽ không dám cả gan xoi mũi nó.

Lê-vi-a-than tôn vinh Đức Chúa Trời

Kế tiếp Gióp được nghe kể về Lê-vi-a-than. (Gióp 40:20–41:25; 40:20, cước chú) Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “con vật nhăn nheo”—có lẽ là cá sấu. Gióp có thể nào bắt Lê-vi-a-than cho con ông chơi được không? Tất nhiên là không! Những người cố bắt nó đều thấy là rất nguy hiểm. Đúng vậy, nếu có người nào dám thử bắt nó thì sẽ phải đọ sức rất gay go đến nỗi sẽ không bao giờ dám đụng đến nó nữa!

Vào lúc mặt trời mọc, Lê-vi-a-than nhô đầu lên khỏi mặt nước và mắt nó lóe sáng như “mí mắt của rạng-đông”. Vảy Lê-vi-a-than dính sát nhau và dưới da là những mảnh xương chắc đến nỗi đạn khó xuyên thủng được, huống hồ gì gươm hay giáo. Dưới bụng nó có lớp vảy nhọn tạo những vết như trục lăn trên đất bùn. Lúc giận dữ ở dưới nước, nó khuấy động nước sủi bọt như dầu đang sôi. Vì kích thước, bộ áo giáp và vũ khí của nó—cái miệng đáng sợ và cái đuôi mạnh vũ bão—Lê-vi-a-than chẳng sợ gì cả.

Gióp rút lại lời nói

Gióp công nhận rằng ông ‘đã nói những điều mình không hiểu đến’. (Gióp 42:1-3) Ông chấp nhận sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, rút lại lời nói và ăn năn. Những người bạn của ông bị quở trách còn ông thì được Đức Chúa Trời ban phước dồi dào.—Gióp 42:4-17.

Ghi nhớ kinh nghiệm của Gióp thật là khôn ngoan thay! Chúng ta không thể nào trả lời hết mọi câu hỏi mà Đức Chúa Trời nêu ra cho ông. Tuy nhiên, chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn về các loài vật đa dạng và lạ lùng, là những tạo vật ngợi khen Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 13]

Dê rừng

[Hình nơi trang 13]

Quạ

[Hình nơi trang 13]

Sư tử cái

[Hình nơi trang 14]

Ngựa vằn

[Hình nơi trang 14]

Đà điểu chạy ra xa khỏi trứng nhưng nó không bỏ trứng

[Hình nơi trang 14]

Trứng đà điểu

[Hình nơi trang 14, 15]

Chim cắt lớn

[Nguồn tư liệu]

Chim cắt: © Joe McDonald/Visuals Unlimited

[Hình nơi trang 15]

Ngựa cái Ả-rập

[Hình nơi trang 15]

Đại bàng vàng

[Hình nơi trang 16]

Bê-hê-mốt thường được gọi là hà mã

[Hình nơi trang 16]

Lê-vi-a-than được xem là loài cá sấu mạnh mẽ

[Chú thích]

^ đ. 7 Trong bài này chúng tôi dùng tên thú vật dựa theo bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures.