Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xơ-tê

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xơ-tê

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xơ-tê

KẾ HOẠCH không thể thất bại. Cuộc tàn sát người Giu-đa (Do Thái) phải được thực hiện đến nơi đến chốn. Vào một ngày đã định, tất cả người Giu-đa sống trong đế quốc, có lãnh thổ bao trùm từ Ấn Độ đến Ê-thi-ô-bi, phải bị tiêu diệt. Kẻ lập kế hoạch đã nghĩ như thế. Nhưng hắn đã quên một chi tiết trọng yếu. Đức Chúa Trời của các từng trời có khả năng giải cứu dân Ngài ra khỏi bất kỳ tình thế nguy ngập nào. Một sự giải cứu đã được ghi lại nơi sách Ê-xơ-tê trong Kinh Thánh.

Mạc-đô-chê, một người Giu-đa lớn tuổi, viết sách Ê-xơ-tê. Sách này ghi lại chuyện xảy ra trong một thời kỳ dài khoảng 18 năm dưới triều đại Vua A-suê-ru, hay Xerxes I, của nước Phe-rơ-sơ (Ba Tư). Câu chuyện đầy ấn tượng này cho thấy cách Đức Giê-hô-va giải cứu dân Ngài khỏi mưu kế độc ác của kẻ thù, dù các tôi tớ Ngài sống tản mác khắp nơi trên lãnh thổ rộng lớn ấy. Ngày nay, hiểu biết về điều đó quả củng cố đức tin của dân Đức Giê-hô-va, những người đang phụng sự Ngài trên 235 xứ. Hơn nữa, những nhân vật tiêu biểu trong sách Ê-xơ-tê cung cấp gương mẫu tốt cho chúng ta noi theo, và cả gương xấu mà chúng ta nên tránh. Quả thật, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

HOÀNG HẬU PHẢI CAN THIỆP

(Ê-xơ-tê 1:1–5:14)

Vào năm thứ ba triều Vua A-suê- ru (493 TCN), vua đãi một bữa tiệc yến. Lúc ấy Hoàng Hậu Vả-thi, một người nổi tiếng xinh đẹp, làm điều khiến vua giận nên bị truất phế. Một thiếu nữ Giu-đa tên là Ha-đa-sa được tuyển chọn trong tất cả các nữ đồng trinh xinh đẹp trên toàn lãnh thổ để lên thế ngôi vị đó. Theo lời khuyên của người anh họ là Mạc-đô-chê, nàng không tỏ cho ai biết mình là người Giu-đa và dùng tên Phe-rơ-sơ là Ê-xơ-tê.

Với thời gian, một người kiêu ngạo tên Ha-man được đưa lên địa vị cao trọng là làm tể tướng. Ha-man giận dữ khi Mạc-đô-chê ‘không cúi xuống, cũng không lạy hắn’, vì thế Ha-man lập mưu nhằm tiêu diệt toàn thể người Giu-đa trong lãnh thổ Đế Quốc Phe-rơ-sơ. (Ê-xơ-tê 3:2) Ha-man thuyết phục Vua A-suê-ru và xin vua ban chiếu chỉ nhằm thực hiện cuộc tàn sát. Mạc-đô-chê “mặc lấy một cái bao và phủ tro”. (Ê-xơ-tê 4:1) Giờ thì Ê-xơ-tê phải ra tay can thiệp. Bà làm tiệc riêng để đãi vua và tể tướng Ha-man. Cả hai hân hoan đến dự tiệc, sau đó bà mời họ trở lại dự một bữa tiệc khác vào ngày hôm sau. Ha-man rất hớn hở. Tuy nhiên, khi thấy Mạc-đô-chê không tôn vinh mình thì Ha-man hết sức giận dữ và lập mưu giết Mạc-đô-chê trước khi dự bữa tiệc ngày hôm sau.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:3-5—Phải chăng bữa tiệc kéo dài 180 ngày? Lời tường thuật không nói bữa tiệc kéo dài như thế nhưng nói là vua bày tỏ cho các quan thấy sự giàu có sang trọng của nước trong 180 ngày. Có lẽ vua đã lợi dụng biến cố kéo dài này để khoe sự sang trọng của đế quốc ông. Điều này nhằm gây ấn tượng với các bậc quý tộc để họ tin nơi khả năng hoàn thành kế hoạch của ông. Nếu thế, câu 3 và câu 5 có thể nói đến bữa tiệc 7 ngày diễn ra sau 180 ngày nói trên.

1:8—Câu ‘chẳng ai ép phải uống rượu tùy theo lịnh truyền’ có nghĩa gì? Vào những cuộc vui, dường như tập tục của người Phe-rơ-sơ thường ép nhau uống rượu tới một mức độ nào đó, nhưng vào dịp này, Vua A-suê-ru đã cho phép họ không phải theo tập tục đó. Một tài liệu tham khảo ghi “họ có thể uống nhiều hay ít là tùy ý họ”.

1:10-12—Vì sao Hoàng Hậu Vả-thi khăng khăng không chịu ra mắt vua? Một số học giả cho rằng hoàng hậu từ chối tuân lệnh vua vì bà không muốn bị hạ thấp phẩm giá trước những quan khách say sưa của vua. Hoặc có lẽ bà hoàng hậu xinh đẹp này không có tính phục tùng. Kinh Thánh không cho biết động lực của bà. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của các người thông luật pháp thời ấy, rõ ràng vấn đề ở đây là Vả-thi không vâng phục chồng và gương xấu của bà có thể ảnh hưởng đến tất cả những người vợ trong khắp các tỉnh của Đế Quốc Phe-rơ-sơ.

2:14-17—Ê-xơ-tê có phạm tội vô luân với vua không? Câu trả lời là không. Lời tường thuật cho biết những thiếu nữ khác sau khi đến cùng vua thì sớm mai trở về hầu cung thứ nhì dưới sự coi sóc của hoạn quan, “thái-giám các phi-tần”. Những thiếu nữ nào đến cùng vua qua đêm thì trở thành phi tần của vua, hay vợ thứ của vua. Còn Ê-xơ-tê thì không trở về hầu cung thứ hai sau khi ra mắt vua. Khi được đưa đến gặp vua thì “vua thương-mến Ê-xơ-tê nhiều hơn các cung-nữ khác, và nàng được ơn tại trước mặt vua hơn những nữ đồng-trinh”. (Ê-xơ-tê 2:17) Làm thế nào nàng “được ơn” của Vua A-suê-ru? Giống như cách mà nàng được ơn của những người khác. “Con gái trẻ đó đẹp lòng Hê-gai và được ơn trước mặt người”. (Ê-xơ-tê 2:8, 9) Hê-gai có thiện cảm với nàng hoàn toàn dựa vào những gì ông nhận thấy—dung nhan và đức tính tốt của nàng. Thật vậy, “Ê-xơ-tê được ơn trước mặt mọi người thấy nàng”. (Ê-xơ-tê 2:15) Tương tự thế, vua có ấn tượng tốt qua những gì ông thấy nơi Ê-xơ-tê nên đã thương yêu nàng.

3:2; 5:9—Tại sao Mạc-đô-chê không chịu cúi xuống trước mặt Ha-man? Không có gì sai khi người Y-sơ-ra-ên cúi xuống để tỏ lòng tôn trọng người có địa vị cao. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ha-man, vấn đề còn có liên hệ đến điều khác nữa. Ha-man là một người A-gát, có lẽ là người A-ma-léc, và Đức Giê-hô-va đã ra lệnh tận diệt dân đó. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:19) Đối với Mạc-đô-chê, cúi xuống trước mặt Ha-man là điều bất trung với Đức Giê-hô-va. Ông dứt khoát từ chối, nêu lý do ông là người Giu-đa.—Ê-xơ-tê 3:3, 4.

Bài học cho chúng ta:

2:10, 20; 4:12-16. Ê-xơ-tê chấp nhận theo sự hướng dẫn và lời khuyên của người thành thục thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta nên khôn ngoan “vâng lời kẻ dắt-dẫn [chúng ta] và chịu phục các người ấy”.—Hê-bơ-rơ 13:17.

2:11; 4:5. Chúng ta “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.—Phi-líp 2:4.

2:15. Ê-xơ-tê bày tỏ tính khiêm tốn và tự chủ, không xin thêm nữ trang hay quần áo đẹp ngoài những thứ Hê-gai ban. Chính “sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng” làm cho Ê-xơ-tê được ơn của vua.—1 Phi-e-rơ 3:4.

2:21-23. Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê nêu gương tốt về việc “vâng-phục các đấng cầm quyền”.—Rô-ma 13:1.

3:4. Trong một vài trường hợp, có lẽ là khôn ngoan khi không tiết lộ lý lịch gốc gác như Ê-xơ-tê đã làm. Tuy nhiên, khi phải chứng tỏ lập trường về một vấn đề quan trọng, chẳng hạn như vấn đề liên quan đến quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và sự trung kiên của chúng ta, thì chúng ta không nên ngần ngại cho người khác biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va.

4:3. Khi đương đầu với thử thách, chúng ta nên cầu nguyện Đức Giê-hô-va xin Ngài ban thêm sức và sự khôn ngoan.

4:6-8. Mạc-đô-chê tìm cách hợp pháp để đối phó với mối đe dọa do âm mưu của Ha-man gây ra.

4:14. Mạc-đô-chê nêu gương xuất sắc về lòng tin cậy Đức Giê-hô-va.

4:16. Hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ê-xơ-tê trung thành và can đảm đối phó với tình huống có thể khiến bà bị mất mạng. Điều trọng yếu là chúng ta tập nương cậy nơi Đức Giê-hô-va chứ không nương cậy chính mình.

5:6-8. Để được ơn của Vua A-suê-ru, Ê-xơ-tê mời vua đến bữa tiệc thứ hai. Bà đã hành động khôn khéo và chúng ta cũng nên làm như thế.—Châm-ngôn 14:15.

TÌNH THẾ ĐẢO NGƯỢC

(Ê-xơ-tê 6:1–10:3)

Theo diễn tiến của sự việc, tình thế đã đảo ngược. Ha-man bị treo trên mộc hình mà ông đã dựng để treo Mạc-đô-chê, và người tưởng sẽ là nạn nhân lại được làm tể tướng! Còn về âm mưu tàn sát người Giu-đa thì sao? Việc đó cũng bị lật ngược một cách lý thú.

Để tỏ lòng trung thành, Ê-xơ-tê lại một lần nữa lên tiếng. Bà liều mình xin diện kiến vua đặng tìm cách bãi mưu của Ha-man. Vua A-suê-ru biết cần phải làm gì. Đến ngày lẽ ra người Giu-đa bị tàn sát, thì ngược lại những người tìm giết họ lại bị giết. Mạc-đô-chê viết thư ban lệnh cho dân Giu-đa mỗi năm giữ Lễ Phu-rim để nhớ đến ngày giải cứu lớn này. Là người đứng hàng thứ nhì sau Vua A-suê-ru, Mạc-đô-chê “tìm việc tốt-lành cho dân-tộc mình, và nói sự hòa-bình cho cả dòng-dõi mình”.—Ê-xơ-tê 10:3.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

7:4—Làm thế nào việc người Giu-đa bị diệt gây “thiệt-hại cho vua”? Bằng cách khéo léo nêu việc có thể bán dân Giu-đa làm nô lệ, Ê-xơ-tê cho thấy rõ thiệt hại của vua nếu dân ấy bị diệt. Mười ngàn ta-lâng bạc mà Ha-man hứa dâng vào kho vua không là bao so với số bạc mà vua nhận được nếu Ha-man âm mưu bán dân Giu-đa làm nô lệ. Ngoài ra, âm mưu đó thành công thì có nghĩa là cả hoàng hậu cũng mất mạng.

7:8—Vì sao người ta che mặt Ha-man lại? Điều này thường có nghĩa là bị xấu hổ hoặc sắp bị kết án. Theo sách tham khảo, “người xưa đôi khi trùm đầu những người sắp bị hành quyết”.

8:17—Theo nghĩa nào “nhiều kẻ trong các dân-tộc của xứ lại nhập bọn với dân Giu-đa”? Nhiều người Phe-rơ-sơ hẳn đã cải sang đạo của người Giu-đa. Họ nghĩ rằng chiếu chỉ mới cho phép người Giu-đa tự bênh vực có nghĩa là Đức Chúa Trời ban ơn cho dân Giu-đa. Chúng ta thấy một nguyên tắc tương tự trong sự ứng nghiệm lời tiên tri sau đây nơi sách Xa-cha-ri: “Mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.—Xa-cha-ri 8:23.

9:10, 15, 16—Dù chiếu chỉ cho phép đoạt lấy tài sản hay hóa tài, vì sao người Giu-đa lại không làm thế? Hành động của họ cho thấy rõ mục tiêu của họ là bảo tồn nòi giống chứ không phải làm giàu.

Bài học cho chúng ta:

6:6-10. “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”.—Châm-ngôn 16:18.

7:3, 4. Chúng ta có can đảm nhận mình là Nhân Chứng Giê-hô-va dù làm thế sẽ bị ngược đãi không?

8:3-6. Chúng ta có thể và nên khiếu nại với nhà cầm quyền cũng như tòa án để được che chở khỏi kẻ thù.

8:5. Ê-xơ-tê khéo léo không nói đến việc vua hạ chiếu chỉ nhằm diệt dân tộc bà. Tương tự thế, chúng ta cũng cần phải khéo léo khi làm chứng cho giới chức cao cấp.

9:22. Chúng ta chớ quên những người nghèo trong vòng chúng ta.—Ga-la-ti 2:10.

Đức Giê-hô-va sẽ “tiếp-trợ và giải-cứu”

Mạc-đô-chê hàm ý nói việc Ê-xơ-tê được ngôi hoàng hậu là do ý của Đức Chúa Trời. Khi tính mạng bị đe dọa, người Giu-đa kiêng ăn và cầu nguyện xin giúp đỡ. Hoàng hậu ra chầu trước mặt vua dù không được mời, và lần nào cũng được vua ban ơn. Vua không ngủ được ngay vào đêm thật quan trọng ấy. Quyển sách Ê-xơ-tê quả là sách cho biết cách Đức Giê-hô-va lèo lái các sự việc vì lợi ích của dân ngài.

Lời tường thuật đầy hào hứng trong sách Ê-xơ-tê đặc biệt khuyến khích chúng ta là những người đang sống trong “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) “Trong những ngày sau-rốt”, hay phần chót của kỳ cuối cùng, Gót ở đất Ma-gốc, tức Sa-tan Ma-quỉ, sẽ dồn hết nỗ lực tấn công dân sự của Đức Giê-hô-va. Mục tiêu của hắn không gì khác hơn là tận diệt những người thờ phượng thật. Nhưng như thời của Ê-xơ-tê, Đức Giê-hô-va sẽ “tiếp-trợ và giải-cứu” những người thờ phượng Ngài.—Ê-xê-chi-ên 38:16-23; Ê-xơ-tê 4:14.

[Hình nơi trang 10]

Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê ra chầu trước Vua A-suê-ru