Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ “nhóm tòa công-luận”

Họ “nhóm tòa công-luận”

Họ “nhóm tòa công-luận”

THẦY tế lễ thượng phẩm và những người đứng đầu dân Do Thái đang lúng túng. Họ phải làm gì đây để dập tắt sự bàn tán xôn xao về Chúa Giê-su? Họ đã thành công trong âm mưu hành quyết Chúa Giê-su, nhưng giờ đây các môn đồ ngài lại đang truyền bá khắp thành Giê-ru-sa-lem về sự sống lại của ngài. Làm sao để buộc những người này im lặng? Để tìm giải pháp, thầy tế lễ thượng phẩm và các phụ tá của ông đã “nhóm tòa công-luận”, tòa án tối cao của người Do Thái.—Công-vụ 5:21.

Ở nước Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ thứ nhất, Quan Tổng Trấn La Mã Bôn-xơ Phi-lát là người nắm quyền lực tối cao. Vậy, Tòa Công Luận giữ vị trí nào so với Phi-lát? Quyền hạn của mỗi bên là gì? Tòa án này bao gồm những ai và hoạt động như thế nào?

Sự hình thành của Tòa Công Luận

Trong tiếng Hy Lạp, từ “Tòa Công Luận” có nghĩa đen là “cùng ngồi xuống”. Đây là danh từ chung chỉ một cuộc họp hay hội nghị. Người Do Thái thường dùng từ này để nói đến một hội đồng xét xử về tôn giáo, hay một tòa án.

Những người viết kinh Talmud, bộ kinh được sưu tập trong các thế kỷ sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 70 CN, cho rằng Tòa Công Luận là một hội đồng đã có từ xa xưa. Theo họ, thành viên tòa án này chỉ gồm các học giả và thường họp lại để tranh luận về luật Do Thái. Các nhà viết kinh Talmud cũng cho rằng mô hình này đã có kể từ thời Môi-se, khi ông nhóm hiệp 70 trưởng lão để giúp ông dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên. (Dân-số Ký 11:16, 17) Tuy nhiên, các sử gia lại bác bỏ giả thuyết đó. Họ nói rằng mô hình sơ khởi của Tòa Công Luận thời thế kỷ thứ nhất xuất hiện sớm nhất là vào thời đế quốc Ba Tư (Phe-rơ-sơ) cai trị xứ Y-sơ-ra-ên. Họ cũng cho rằng khái niệm của các nhà viết kinh Talmud về một hội đồng học giả uyên bác giống với hội các thầy ra-bi vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, hơn là Tòa Công Luận thời thế kỷ thứ nhất. Vậy, Tòa Công Luận thật sự hình thành khi nào?

Kinh Thánh cho biết khi những người Do Thái hồi hương từ Ba-by-lôn vào năm 537 TCN, họ có một hàng lãnh đạo riêng. Cả Nê-hê-mi và E-xơ-ra đều nhắc tới các quan trưởng, trưởng lão và người tước vị — có thể là nền tảng của Tòa Công Luận sau này.—E-xơ-ra 10:8; Nê-hê-mi 5:7.

Khoảng thời gian từ khi phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được hoàn tất cho đến khi Phúc Âm Ma-thi-ơ được viết ra là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Do Thái. Vào năm 332 TCN, A-léc-xan-đơ Đại Đế xâm chiếm xứ Giu-đê. Sau khi ông chết, Giu-đê lần lượt rơi vào tay của hai vương triều Hy Lạp, là Ptolemy và Seleucus. Hội đồng của người Do Thái được nhắc tới lần đầu tiên trong các tài liệu lịch sử về thời kỳ đô hộ của nhà Seleucus, bắt đầu vào năm 198 TCN. Hội đồng này hẳn chỉ có quyền lực giới hạn, nhưng lại cho dân Do Thái cảm giác tự trị.

Vào năm 167 TCN, Vua Antiochus IV (Epiphanes), thuộc dòng Seleucus, tìm cách áp đặt văn hóa Hy Lạp lên người Do Thái. Ông sỉ nhục đền thờ Giê-ru-sa-lem bằng cách dâng một con heo cho thần Zeus trên bàn thờ. Hành động này đã kích động một cuộc nổi dậy, với kết quả là dòng họ Mác-ca-bê giải phóng người Do Thái khỏi sự đô hộ của nhà Seleucus, và thiết lập triều đại Hasmoneus. * Song song với cuộc lật đổ đó, các thầy thông giáo và phái Pha-ri-si—nhờ là lãnh đạo của tầng lớp quần chúng ủng hộ cuộc nổi dậy—bắt đầu được nắm quyền lực trong hệ thống quản lý nhà nước, lấn át tầng lớp thầy tế lễ.

Mô hình Tòa Công Luận trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bắt đầu hình thành, và sau đó trở thành hội đồng quản lý nhà nước, đồng thời cũng là tòa án tối cao có thẩm quyền diễn giải luật Do Thái.

Sự phân chia quyền lực

Đến thế kỷ thứ nhất, Giu-đê rơi vào tay La Mã. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn được phần nào tự do. Chính sách của La Mã là cho các dân bị đô hộ được hưởng một số quyền tự trị đáng kể. Do đó, các quan quyền La Mã không can thiệp vào phận sự của các tòa án địa phương, đồng thời tránh những vấn đề có thể nảy sinh do sự khác biệt văn hóa. Mục đích của La Mã là giữ vững nền hòa bình và chiếm lấy lòng trung thành của dân bản địa, bằng cách cho phép họ giữ các phong tục riêng và nói chung là có quyền tự trị. Ngoài việc bổ nhiệm và bãi miễn chức tế lễ thượng phẩm—người đứng đầu Tòa Công Luận—và quy định về các loại thuế, La Mã hầu như chỉ can thiệp vào việc nội bộ của người Do Thái khi quyền cai trị và quyền lợi của họ bị đe dọa. Như phiên tòa xử Chúa Giê-su cho thấy, La Mã dường như cũng dành riêng cho mình quyền tuyên án tử hình.— Giăng 18:31.

Như vậy, Tòa Công Luận hầu như định đoạt mọi việc nội bộ của người Do Thái. Tòa án này có quân lính riêng để thi hành việc bắt giữ. (Giăng 7:32) Các tòa án cấp thấp xét xử những vụ án hình sự nhỏ và các vụ án dân sự, mà không cần sự can thiệp của quan quyền La Mã. Những trường hợp tòa cấp thấp không thể quyết định sẽ được chuyển lên Tòa Công Luận, cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết cuối cùng.

Để giữ những đặc quyền đó, Tòa Công Luận phải bảo đảm trật tự trong dân chúng và cộng tác với chính quyền La Mã. Nhưng La Mã sẽ can thiệp và xử lý tùy ý những trường hợp mà họ nghi ngờ là có liên quan đến việc chống đối hay xúc phạm đến chính quyền La Mã. Một trong những trường hợp đó là vụ bắt giữ sứ đồ Phao-lô.—Công-vụ 21:31- 40.

Thành viên Tòa Công Luận

Tòa Công Luận có 71 thành viên, gồm thầy tế lễ thượng phẩm và 70 người danh tiếng trong cả nước. Vào thời La Mã, thành viên tòa án này bao gồm các nhà quý tộc thuộc hàng tế lễ (chủ yếu là người thuộc đảng Sa-đu-sê), quý tộc không thuộc hàng tế lễ, và các thầy thông giáo uyên bác thuộc đảng Pha-ri-si. Được sự ủng hộ của các quý tộc không thuộc hàng tế lễ, đảng Sa-đu-sê chiếm ưu thế hơn trong Tòa Công Luận. * Đảng Sa-đu-sê này theo khuynh hướng bảo thủ. Trong khi đó, những người Pha-ri-si lại chủ trương tự do. Đa số họ đều xuất thân từ thường dân và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Theo sử gia Josephus, người Sa-đu-sê thường đáp ứng các yêu cầu của người Pha-ri-si một cách miễn cưỡng. Phao-lô đã lợi dụng sự đố kỵ và bất đồng trong niềm tin giữa hai bên khi bênh vực cho mình trước Tòa Công Luận.—Công-vụ 23:6-9.

Vì đa số các thành viên Tòa Công Luận đều thuộc giới quý tộc nên tư cách thành viên có thể được giữ vĩnh viễn, và việc chọn người mới bổ sung vào các vị trí khuyết là do các thành viên đương nhiệm quyết định. Theo sách Mishnah, thành viên mới phải là “thầy tế lễ, người Lê-vi hay người Y-sơ-ra-ên có con gái được phép lấy thầy tế lễ”, tức những người Do Thái có thể chứng minh bằng gia phả là mình mang dòng máu Do Thái thuần khiết. Vì tòa án tối cao giám sát hệ thống tư pháp trên toàn quốc, nên có vẻ hợp lý để kết luận là những người có uy tín trong các tòa án cấp thấp có thể được bổ nhiệm làm thành viên Tòa Công Luận.

Thẩm quyền và tầm ảnh hưởng

Người Do Thái rất kính trọng Tòa Công Luận, và các quan án của tòa cấp thấp phải tuân thủ phán quyết từ đây, nếu không, có thể bị xử tử hình. Tòa án này đặc biệt xét những vấn đề liên quan đến điều kiện làm thầy tế lễ, đến thành Giê-ru-sa-lem, đền thờ, cùng các sắp đặt thờ phượng tại đền thờ. Nói một cách chính xác, về mặt dân sự, Tòa Công Luận chỉ có thẩm quyền ở Giu-đê. Tuy nhiên, vì được xem là có thẩm quyền tối cao trong việc thông giải Luật Pháp, Tòa Công Luận rất có uy lực đối với các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới. Chẳng hạn, thầy tế lễ thượng phẩm và hội đồng của ông đã chỉ thị cho những người đứng đầu các nhà hội ở Đa-mách phải hợp tác trong việc bắt giữ các môn đồ của Đấng Christ. (Công-vụ 9:1, 2; 22:4, 5; 26:12) Tương tự, những người Do Thái sau khi đến Giê-ru-sa-lem dự lễ, hẳn cũng mang về nơi họ sinh sống các thông báo hay quyết định mới của Tòa Công Luận.

Theo sách Mishnah, chỉ Tòa Công Luận mới có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng mang tầm cỡ quốc gia, và xét xử các tiên tri giả hay quan án dám chống lại phán quyết của tòa. Chúa Giê-su và Ê-tiên đã bị đưa ra tòa án này vì tội lộng ngôn, Phi-e-rơ và Giăng thì bị khép vào tội làm loạn, còn Phao-lô thì vì tội sỉ nhục đền thờ.—Mác 14:64; Công-vụ 4:15-17; 6:11; 23:1; 24:6.

Các phiên tòa xét xử Chúa Giê-su và môn đồ

Ngoại trừ ngày Sa-bát và các ngày lễ thánh, ngày nào Tòa Công Luận cũng họp mặt từ giờ dâng tế lễ buổi sáng cho đến giờ dâng tế lễ buổi chiều. Các phiên tòa luôn diễn ra vào ban ngày. Án tử hình thường được công bố một ngày sau phiên tòa. Vì thế, Tòa Công Luận không xử những trường hợp có thể bị kết án tử hình vào hôm trước ngày Sa-bát hay ngày lễ. Các nhân chứng luôn được nhắc nhở nghiêm nhặt về tính nghiêm trọng của việc làm đổ huyết vô tội. Do đó, phiên tòa xử và tuyên án Chúa Giê-su tại nhà Cai-phe vào đêm trước ngày lễ là bất hợp pháp. Tệ hơn nữa, chính các quan án lại đưa ra những người làm chứng giả và thúc ép Phi-lát kết án tử hình Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 26:57-59; Giăng 11:47-53; 19:31.

Theo kinh Talmud, trong các phiên xử tử hình, các quan án luôn tìm cách cứu bị can nên sẽ xem xét vụ án một cách kỹ càng. Nhưng Ê-tiên, cũng như Chúa Giê-su, đã không được xét xử như thế. Lời biện hộ của Ê-tiên trước Tòa Công Luận đã dẫn tới việc ông bị đám đông ném đá chết. Nếu không có sự can thiệp của quân đội La Mã, có thể sứ đồ Phao-lô cũng đã bị giết như thế. Thực tế, các thành viên Tòa Công Luận đã lập mưu giết ông.— Công-vụ 6:12; 7:58; 23:6-15.

Có lẽ ít nhất một số thành viên Tòa Công Luận cũng là người ngay thẳng. Viên quan trẻ người Do Thái đã nói chuyện với Chúa Giê-su có thể là một thành viên của Tòa Công Luận. Mặc dù sự giàu có đã ngăn ông lại, nhưng vị quan này hẳn có nhiều phẩm chất tốt vì Chúa Giê-su đã mời ông theo ngài.—Ma-thi-ơ 19:16-22; Lu-ca 18:18, 22.

Có thể vì sợ những thành viên khác mà Ni-cô-đem, “một người trong những kẻ cai-trị dân Giu-đa”, đã viếng thăm Chúa Giê-su vào ban đêm. Dù vậy, Ni-cô-đem đã bênh vực ngài trước Tòa Công Luận khi đặt câu hỏi: “Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra-hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao?” Sau đó, ông cũng đem “một trăm cân một-dược hòa với lư-hội” để ướp xác Chúa Giê-su.—Giăng 3:1, 2; 7:51, 52; 19:39.

Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê, một thành viên khác của Tòa Công Luận, đã can đảm đến xin Phi-lát cho mang xác Chúa Giê-su về chôn trong phần mộ mới của chính mình. Ông “trông-đợi nước Đức Chúa Trời”, nhưng vì sợ người Do Thái nên không dám nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su. Tuy nhiên, điều đáng khen là ông đã không đồng ý và cũng không dự vào việc Tòa Công Luận âm mưu giết Chúa Giê-su.—Mác 15:43-46; Ma-thi-ơ 27:57- 60; Lu-ca 23:50-53; Giăng 19:38.

Ga-ma-li-ên, một thành viên khác của Tòa Công Luận, đã khôn ngoan khuyên các đồng sự của mình hãy để mặc môn đồ của Chúa Giê-su. Ông nói: “Nếu [công-cuộc nầy] bởi Đức Chúa Trời ra, thì các ngươi... liều mình đánh giặc cùng Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 5:34-39) Điều gì khiến tòa án tối cao này không thể nhận ra rằng Đức Chúa Trời ủng hộ Chúa Giê-su và các môn đồ ngài? Thay vì thừa nhận các phép lạ của Chúa Giê-su, Tòa Công Luận lại đưa ra lý lẽ: “Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa”. (Giăng 11:47, 48) Tham vọng quyền lực đã khiến tòa án tối cao của người Do Thái đánh mất công lý. Cũng chính vì thế mà khi các môn đồ Chúa Giê-su chữa lành bệnh cho người ta, thay vì vui mừng, các nhà lãnh đạo tôn giáo này lại “đầy lòng ghen-tương”. (Công-vụ 5:17) Là quan án, lẽ ra họ phải là những người kính sợ Đức Chúa Trời và công chính. Song trên thực tế, phần đông họ lại tham nhũng và gian dối.—Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18-20.

Sự phán xét của Đức Chúa Trời

Vì dân Y-sơ-ra-ên bất tuân Luật Pháp Đức Chúa Trời và từ chối Đấng Mê-si, cuối cùng Đức Giê-hô-va đã từ bỏ dân tộc đó, không còn xem họ là dân riêng của Ngài nữa. Vào năm 70 CN, quân La Mã đã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ, vĩnh viễn xóa sổ toàn bộ hệ thống Do Thái và cuối cùng cả Tòa Công Luận.

Chính Chúa Giê-su Christ, Quan Xét được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm, sẽ quyết định thành viên nào của Tòa Công Luận vào thế kỷ thứ nhất xứng đáng được sống lại, và thành viên nào đã phạm đến thánh linh. (Mác 3:29; Giăng 5:22) Chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ hoàn toàn công minh khi phán xét điều đó.—Ê-sai 11:3-5.

[Chú thích]

^ đ. 9 Để biết thêm về dòng họ Mác-ca-bê và triều đại Hasmoneus, xin xem Tháp Canh ngày 15 -11-1998, trang 21-24Tháp Canh ngày 15 - 6 -2001, trang 27- 30.

^ đ. 16 Cụm từ “các thầy tế-lễ cả” trong Kinh Thánh ám chỉ thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm, các bậc tiền nhiệm và cả thành viên của những gia đình hội đủ tiêu chuẩn để sau này đảm nhận những trách nhiệm quan trọng trong chức tế lễ.—Ma-thi-ơ 21:23.