Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy bày tỏ lòng yêu thương và tôn trọng bằng cách kiềm chế miệng lưỡi

Hãy bày tỏ lòng yêu thương và tôn trọng bằng cách kiềm chế miệng lưỡi

Hãy bày tỏ lòng yêu thương và tôn trọng bằng cách kiềm chế miệng lưỡi

“Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”.—Ê-PHÊ-SÔ 5:33.

1, 2. Tất cả những người đã lập gia đình cần đặt câu hỏi quan trọng nào, và tại sao?

GIẢ SỬ bạn nhận được một gói quà có dán nhãn: “Cẩn thận, dễ vỡ”. Bạn sẽ làm thế nào? Chắc chắn bạn sẽ rất cẩn thận để nó không bị hư hại. Còn về “món quà” hôn nhân thì sao?

2 Na-ô-mi, một quả phụ người Y-sơ-ra-ên, nói với hai thiếu phụ Ọt-ba và Ru-tơ: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình-yên ở nơi nhà chồng mới”. (Ru-tơ 1:3-9) Kinh Thánh nói về người vợ đảm đang: “Nhà cửa và tài-sản là cơ-nghiệp của tổ-phụ để lại; còn một người vợ khôn-ngoan do nơi Đức Giê-hô-va mà đến”. (Châm-ngôn 19:14) Nếu đã có gia đình, bạn cần xem người hôn phối là món quà từ Đức Chúa Trời. Bạn cư xử thế nào với “món quà” mà Đức Chúa Trời ban cho bạn?

3. Những người chồng và vợ nên làm theo lời khuyên nào của sứ đồ Phao-lô?

3 Trong lá thư gửi cho tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô nói: “Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”. (Ê-phê-sô 5:33) Hãy xem những người chồng và vợ có thể áp dụng thế nào lời khuyên về cách ăn nói.

Hãy coi chừng ‘một vật dữ không ai trị-phục được’

4. Lưỡi có thể tác động tốt hay xấu như thế nào?

4 Gia-cơ, một người viết Kinh Thánh, nói rằng cái lưỡi là “một vật dữ người ta không thể hãm-dẹp được: đầy-dẫy những chất độc giết chết”. (Gia-cơ 3:8) Gia-cơ biết rõ sự thật quan trọng này: Một cái lưỡi bất trị gây nhiều tác hại. Chắc chắn ông quen thuộc với câu châm ngôn trong Kinh Thánh ví lời nói thiếu suy nghĩ như ‘gươm đâm-xoi’. Ngược lại, câu châm ngôn đó cũng nói rằng “lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Thật vậy, lời nói có thể tác động mạnh mẽ. Nó có thể làm tổn thương hoặc chữa lành. Lời nói của bạn có tác động nào đối với người hôn phối? Nếu bạn hỏi người hôn phối câu đó, người ấy sẽ trả lời ra sao?

5, 6. Những yếu tố nào khiến một số người khó kiềm giữ miệng lưỡi?

5 Nếu giữa bạn và người hôn phối đã nảy sinh cách ăn nói gây tổn thương, bạn có thể cải thiện tình trạng đó. Tuy nhiên phải cố gắng rất nhiều. Tại sao thế? Một lý do là bạn phải phấn đấu với tính bất toàn. Tội lỗi di truyền có ảnh hưởng xấu đến cách chúng ta suy nghĩ và nói năng. Gia-cơ viết: “Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”.—Gia-cơ 3:2.

6 Ngoài tính bất toàn, môi trường gia đình cũng là một yếu tố dẫn đến việc dùng miệng lưỡi không đúng cách. Một số người lớn lên trong gia đình có cha mẹ “khó hòa-thuận... không tiết-độ, dữ-tợn”. (2 Ti-mô-thê 3:1-3) Trẻ con lớn lên trong môi trường như thế thường thể hiện những tính tương tự khi trưởng thành. Dĩ nhiên, tính bất toàn hay sự giáo dục thiếu sót không thể bào chữa cho cách ăn nói gây tổn thương. Tuy nhiên, nhờ biết rõ những yếu tố này, chúng ta sẽ hiểu tại sao kiềm giữ miệng lưỡi để không gây tổn thương là điều đặc biệt khó đối với một số người.

‘Hãy từ-bỏ sự nói hành’

7. Khi khuyên tín đồ Đấng Christ ‘từ-bỏ mọi sự nói hành’, Phi-e-rơ có ý nói gì?

7 Dù nguyên do là gì đi nữa, nói năng gây tổn thương có thể là biểu hiện của lòng thiếu yêu thương và tôn trọng đối với người hôn phối. Vì lý do chính đáng, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ Đấng Christ hãy ‘từ-bỏ mọi sự nói hành’. (1 Phi-e-rơ 2:1) Từ Hy Lạp dịch là “nói hành” có nghĩa “ngôn từ lăng mạ”. Từ này diễn đạt ý ‘văng ra những lời xúc phạm người khác’. Lời đó miêu tả thật chính xác tác hại của cái lưỡi bất trị!

8, 9. Dùng lời nói xúc phạm có thể dẫn đến hậu quả nào, và tại sao vợ chồng nên tránh dùng những lời đó?

8 Lời lẽ xúc phạm đôi khi có vẻ như không nghiêm trọng, nhưng hãy thử nghĩ chuyện gì xảy ra khi người chồng hoặc vợ dùng những lời đó. Gọi người hôn phối là đồ ngu, lười biếng hoặc ích kỷ chẳng khác nào cho rằng bản chất của người ấy nói chung là thế—đúng là một sự nhục mạ! Điều này quả rất tàn nhẫn. Còn những lời phóng đại các nhược điểm của người hôn phối thì sao? Chẳng phải những lời như “Em lúc nào cũng trễ” hay “Anh chẳng bao giờ chịu nghe em” đều là quá đáng hay sao? Những lời như thế thường khiến người kia chống chế, và có thể dẫn đến cãi nhau.—Gia-cơ 3:5.

9 Khi nói chuyện mà dùng những lời xúc phạm thì gây căng thẳng trong đời sống hôn nhân, và cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Châm-ngôn 25:24 nói: “Thà ở một góc trên mái nhà, hơn là ở chung nhà với người đàn-bà hay tranh-cạnh”. Tất nhiên câu này cũng áp dụng cho người chồng hay sinh sự. Dần dần, những lời gay gắt sẽ xói mòn mối quan hệ vợ chồng, có thể khiến người chồng hay vợ cảm thấy không được yêu thương, thậm chí khó thương. Rõ ràng, kiềm giữ miệng lưỡi là điều quan trọng. Nhưng có thể làm điều này như thế nào?

“Cầm-giữ lưỡi”

10. Tại sao cần phải kiềm chế cái lưỡi?

10 Gia-cơ 3:8 nói: “Cái lưỡi, không ai trị-phục được nó”. Tuy thế, như kỵ mã dùng dây cương để điều khiển ngựa, chúng ta cũng cần cố gắng hết sức để kiềm giữ lưỡi mình. “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm-giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa-dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô-ích”. (Gia-cơ 1:26; 3:2, 3) Những lời này cho thấy cách bạn dùng lưỡi là điều hệ trọng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với người hôn phối mà cả với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—1 Phi-e-rơ 3:7.

11. Để tránh làm một bất đồng nhỏ trở nên cuộc cãi lộn, một người có thể làm gì?

11 Điều khôn ngoan là nên để ý đến cách bạn nói chuyện với người hôn phối. Nếu nảy sinh căng thẳng, hãy cố giảm bớt tình trạng căng thẳng đó. Hãy xem một tình huống xảy ra trong cuộc đời của Y-sác và vợ là Rê-bê-ca, như ghi nơi Sáng-thế Ký 27:46–28:4. “Rê-bê-ca nói cùng Y-sác rằng: Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?” Lời tường thuật không hề nói Y-sác phản ứng gay gắt. Thay vì thế, ông bảo Gia-cốp đi tìm một người vợ kính sợ Đức Chúa Trời, một người không gây đau buồn cho Rê-bê-ca. Giả sử có sự bất đồng nảy sinh giữa vợ chồng. Hãy nói lên cảm nghĩ của mình mà không kết tội người hôn phối. Điều này có thể giúp tránh làm một sự bất đồng nhỏ trở nên một cuộc cãi lộn. Thí dụ, thay vì nói: “Anh không bao giờ dành thời gian cho em!”, tại sao không nói: “Em ước gì mình có thêm thì giờ để trò chuyện”? Hãy nhắm vào vấn đề thay vì chỉ nhắm vào người hôn phối. Hãy tránh khuynh hướng phân tích ai phải, ai trái. Rô-ma 14:19 nói: “Hãy tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau”.

Hãy loại bỏ “sự cay đắng, buồn giận, tức mình”

12. Để kiềm chế lưỡi mình, chúng ta nên cầu xin điều gì, và tại sao?

12 Kiềm giữ miệng lưỡi không chỉ đòi hỏi phải cẩn thận trong lời nói. Thật thế, lời nói phản ánh những gì chất chứa trong lòng. Chúa Giê-su nói: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra”. (Lu-ca 6:45) Vì thế, muốn kiềm chế cái lưỡi, có lẽ bạn cần phải cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng”.—Thi-thiên 51:10.

13. Làm thế nào sự cay đắng, buồn giận, tức mình có thể khiến một người thốt ra những lời mắng nhiếc?

13 Sứ đồ Phao-lô không chỉ khuyên các tín đồ ở Ê-phê-sô phải tránh những lời nói gây tổn thương mà còn phải khắc phục động cơ khiến một người thốt ra những lời như thế. Ông viết: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác”. (Ê-phê-sô 4:31) Hãy lưu ý là trước khi đề cập thói “kêu-rêu, mắng-nhiếc”, Phao-lô nói đến “sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình”. Chính sự giận dữ sôi sục trong lòng khiến một người dễ tuôn ra những lời gây tổn thương. Vậy hãy tự hỏi: ‘Tôi có nuôi lòng cay đắng và tức giận không? Tôi có tính “hay giận” không?’ (Châm-ngôn 29:22) Nếu thế, hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để khắc phục khuynh hướng này và có tính tự chủ để không nổi giận. Ê-phê-sô 4:26 nói: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”. Nếu thấy mình sắp nổi nóng và sợ mình không tự chủ được, hãy làm theo lời khuyên ghi nơi Châm-ngôn 17:14: “Hãy tránh xa trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ”. (Tòa Tổng Giám Mục) Hãy tạm tránh tình huống đó cho đến khi nguôi giận.

14. Lòng oán giận có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân như thế nào?

14 Kiềm chế sự phẫn nộ và giận dữ là việc khó, nhất là khi thái độ đó xuất phát từ tâm trạng mà Phao-lô gọi là “cay-đắng”. Từ Hy Lạp mà ông dùng ở đây được định nghĩa là “thái độ bất mãn, không chịu hòa giải” và ‘lòng oán hận luôn ghi nhớ lỗi lầm’. Đôi khi cảm giác thù ghét là bức tường lớn ngăn cách giữa vợ chồng, và kéo dài nhiều năm. Thái độ khinh khi lạnh nhạt có thể nảy sinh nếu mối bất bình chưa được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, căm giận về lỗi lầm đã qua là điều vô ích. Chuyện đã qua không thể làm gì được. Nên quên đi lỗi lầm đã tha thứ. Tình yêu thương “không nuôi hận thù”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5; TTGM.

15. Đối với những người quen dùng lời lẽ cộc cằn, điều gì sẽ giúp họ thay đổi cách nói năng?

15 Còn nếu đã lớn lên trong một gia đình thường nói năng cộc cằn, và bạn đã quen cách nói đó thì sao? Bạn có thể thay đổi về phương diện này. Trong một số khía cạnh của đời sống, bạn đã tự đặt giới hạn và nhất định không theo một lối cư xử nào đó. Còn về cách nói năng, bạn sẽ tự đặt giới hạn nào cho mình? Khi cảm thấy sắp thốt ra những lời mắng nhiếc, liệu bạn có kiềm chế lại không? Hẳn bạn sẽ muốn làm theo lời khuyên nơi Ê-phê-sô 4:29: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em”. Điều này đòi hỏi bạn “lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn”.—Cô-lô-se 3:9, 10.

Cần phải nói chuyện

16. Tại sao biện pháp chiến tranh lạnh lại gây tổn hại cho hôn nhân?

16 Khi vợ chồng áp dụng biện pháp chiến tranh lạnh thì chẳng có lợi gì mà còn gây thêm vấn đề. Việc này không nhất thiết nhằm mục đích trừng phạt người hôn phối, mà có thể do sự bất mãn hoặc chán nản. Tuy nhiên, không muốn nói chuyện với nhau chỉ gây thêm căng thẳng và không giải quyết được vấn đề trước mắt. Như một người vợ nói: “Khi trò chuyện lại với nhau, chúng tôi lại không bao giờ bàn đến vấn đề đó”.

17. Khi có vấn đề căng thẳng trong hôn nhân, tín đồ Đấng Christ nên làm gì?

17 Khi tình trạng căng thẳng giữa vợ chồng cứ tiếp tục, thì không có giải pháp nhanh chóng nào. Châm-ngôn 15:22 nói: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành”. Bạn cần bàn luận vấn đề với người hôn phối. Hãy cố gắng lắng nghe với tinh thần cởi mở. Nếu thấy khó làm điều đó, tại sao không nhờ đến các trưởng lão trong hội thánh? Họ có sự hiểu biết Kinh Thánh và kinh nghiệm về việc áp dụng các nguyên tắc trong đó. Những anh này “như nơi núp gió và chỗ che bão-táp”.—Ê-sai 32:2.

Bạn có thể khắc phục được

18. Rô-ma 7:18-23 miêu tả sự phấn đấu nào?

18 Cầm giữ lưỡi mình đòi hỏi nhiều nỗ lực. Kiểm soát hành động mình cũng vậy. Miêu tả thử thách mà ông đương đầu, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác-thịt tôi, bởi tôi có ý-muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội-lỗi ở trong tôi vậy”. Do ‘luật của tội-lỗi trong chi-thể’, chúng ta có khuynh hướng lạm dụng lưỡi mình cũng như những phần khác của thân thể. (Rô-ma 7:18-23) Tuy nhiên, chúng ta phải phấn đấu để khắc phục vấn đề—và chúng ta có thể thành công với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời.

19, 20. Qua gương của Chúa Giê-su, vợ chồng có thể học được gì để cầm giữ lưỡi mình?

19 Nếu yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, người ta sẽ không dùng những lời cộc cằn, thiếu suy nghĩ. Hãy nghĩ đến gương của Chúa Giê-su Christ về phương diện này. Ngài không bao giờ nặng lời với môn đồ. Ngay cả trong đêm cuối của cuộc đời trên đất, khi các sứ đồ tranh cãi xem ai lớn hơn hết, Con Đức Chúa Trời cũng không la rầy họ. (Lu-ca 22:24-27) Kinh Thánh khuyên: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”.—Ê-phê-sô 5:25.

20 Còn về phần người vợ thì sao? Vợ “phải kính chồng”. (Ê-phê-sô 5:33) Một người vợ kính chồng có la lối, mắng nhiếc chồng không? Phao-lô viết: “Tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Vợ phải vâng phục người làm đầu mình như Đấng Christ vâng phục Đấng làm đầu ngài. (Cô-lô-se 3:18) Mặc dù không người bất toàn nào có thể noi gương Chúa Giê-su một cách hoàn hảo, nhưng nếu cố gắng “noi dấu chân Ngài”, vợ chồng có thể khắc phục được việc lạm dụng lưỡi.—1 Phi-e-rơ 2:21.

Bạn học được gì?

• Làm thế nào cái lưỡi bất trị gây tổn hại cho hôn nhân?

• Tại sao khó cầm giữ miệng lưỡi?

• Điều gì giúp chúng ta giữ gìn lời nói?

• Bạn nên làm gì khi gặp tình trạng căng thẳng trong hôn nhân?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24]

Trưởng lão dựa vào Kinh Thánh để giúp đỡ