Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân”

“Hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân”

“Hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân”

“Hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân... Hỡi con ta, tại sao con say mê người đàn bà dâm loạn?”—CHÂM-NGÔN 5:18, 20, Bản Dịch Mới.

1, 2. Tại sao có thể nói rằng tình cảm lãng mạn giữa vợ chồng là ân phước?

KINH THÁNH không mập mờ khi nói đến quan hệ tính dục. Châm-ngôn 5:18, 19, BDM, có ghi: “Nguyện nguồn nước của con được phước; hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân; như con hươu đáng yêu, như con nai duyên dáng; nguyện ngực nàng làm con vui thỏa luôn luôn và tình yêu nàng làm con say mê mãi mãi”.

2 Từ ngữ “nguồn nước” ở đây nói đến nguồn mang lại sự thỏa mãn về tính dục. Nguồn nước đó được phước vì ái tình và sự say mê giữa vợ chồng là món quà do Đức Chúa Trời ban. Tuy nhiên, chỉ được hưởng mối quan hệ mật thiết này trong hôn nhân mà thôi. Vì thế Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa, người viết sách Châm-ngôn, gợi sự suy nghĩ bằng câu hỏi sau: “Hỡi con ta, tại sao con say mê người đàn bà dâm loạn? Tại sao con ôm ấp người đàn bà xa lạ?”—Châm-ngôn 5:20, BDM.

3. (a) Trong nhiều cuộc hôn nhân, có thực tế đáng buồn nào? (b) Đức Chúa Trời có quan điểm nào về việc ngoại tình?

3 Trong ngày cưới, người nam và người nữ hứa nguyện yêu thương và chung thủy với nhau. Thế nhưng, nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì ngoại tình. Quả thật, sau khi phân tích 25 cuộc nghiên cứu, một chuyên gia kết luận rằng “có 25 phần trăm người vợ và 44 phần trăm người chồng đã ngoại tình”. Sứ đồ Phao-lô nói: “Chớ tự dối mình: Phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc... đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. (1 Cô-rinh-tô 6:10) Rõ ràng, ngoại tình là tội trọng trước mắt Đức Chúa Trời, và người thờ phượng chân chính phải cẩn thận tránh hành động không chung thủy. Điều gì sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên: “Phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế”?—Hê-bơ-rơ 13:4.

Hãy coi chừng lòng dối trá

4. Làm sao một tín đồ Đấng Christ đã có gia đình lại vô tình vướng vào quan hệ tình cảm với người khác?

4 Trong môi trường bại hoại ngày nay, nhiều người có ‘cặp mắt đầy sự gian-dâm, phạm tội không bao giờ chán’. (2 Phi-e-rơ 2:14) Họ chủ tâm theo đuổi những quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân. Ở một số nước, nhiều phụ nữ đi làm, và môi trường nam nữ làm việc với nhau dẫn đến những chuyện tình không đứng đắn tại sở làm. Thêm vào đó là những phòng tán gẫu trên Internet. Với phương tiện này, cả những người nhút nhát nhất cũng cảm thấy dễ dàng bắt đầu những quan hệ mật thiết qua trực tuyến. Dù đã có gia đình, nhiều người vẫn rơi vào cạm bẫy đó mà không biết.

5, 6. Một nữ tín đồ rơi vào một tình huống nguy hiểm như thế nào, và qua đó chúng ta học được gì?

5 Hãy xem trường hợp của một tín đồ mà chúng ta sẽ gọi là chị Mary. Chị rơi vào một tình huống khiến mình suýt phạm tội vô luân. Chồng chị không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va và ít khi nào bày tỏ tình cảm trìu mến đối với gia đình. Chị Mary nhớ lại thời gian cách đây nhiều năm, khi chị gặp một bạn đồng nghiệp của chồng. Người đàn ông ấy rất lịch sự, và trong lần gặp sau đó, ông còn tỏ ra chú ý đến tín ngưỡng của chị. Chị nói: “Anh ấy rất tử tế, khác hẳn chồng tôi”. Chẳng bao lâu, Mary và bạn đồng nghiệp của chồng yêu nhau. Chị lý luận: “Tôi chưa phạm tội gian dâm, vả lại người đó chú ý đến Kinh Thánh. Biết đâu, tôi giúp được anh ấy”.

6 Trước khi tình cảm đó dẫn đến việc gian dâm, chị Mary đã tỉnh ngộ. (Ga-la-ti 5:19-21; Ê-phê-sô 4:19) Lương tâm chị bắt đầu lên tiếng và chị điều chỉnh lại tình trạng đó. Trường hợp của chị Mary cho thấy “lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa”. (Giê-rê-mi 17:9) Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết”. (Châm-ngôn 4:23) Chúng ta có thể làm điều này như thế nào?

‘Người khôn-ngoan ẩn mình’

7. Khi giúp một người đang gặp khó khăn trong hôn nhân, làm theo lời khuyên nào của Kinh Thánh sẽ là biện pháp che chở?

7 Sứ đồ Phao-lô viết: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. (1 Cô-rinh-tô 10:12) Và Châm-ngôn 22:3 nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình”. Thay vì quá tự tin nghĩ rằng ‘sẽ không có chuyện gì xảy ra cho tôi’, bạn nên khôn ngoan nhận biết trước những tình huống có thể dẫn đến vấn đề. Chẳng hạn, hãy tránh làm người bạn tâm sự riêng của một người khác phái đang gặp rắc rối trong hôn nhân. (Châm-ngôn 11:14) Hãy nói với người đó rằng vấn đề hôn nhân là điều nên bàn với người hôn phối, hoặc bàn với một tín đồ thành thục cùng phái muốn hôn nhân họ thành công, hoặc với các trưởng lão. (Tít 2:3, 4) Trưởng lão trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va nêu gương tốt về phương diện này. Khi cần nói chuyện riêng với một chị tín đồ, anh trưởng lão sẽ chọn một nơi công cộng, chẳng hạn như Phòng Nước Trời.

8. Ở nơi làm việc, chúng ta cần phải cảnh giác điều gì?

8 Ở nơi làm việc cũng như những nơi khác, hãy coi chừng những tình huống có thể dẫn đến sự thân mật. Thí dụ, làm việc ngoài giờ và gần gũi với người khác phái có thể tạo điều kiện cho cám dỗ. Là người đã có gia đình, bạn nên biểu lộ qua lời nói và thái độ, cho thấy rõ là bạn không thích lăng nhăng. Là người đeo đuổi sự tin kính, chắc chắn bạn không muốn khêu gợi sự chú ý của người khác bằng cách đùa cợt hoặc ăn mặc khiếm nhã. (1 Ti-mô-thê 4:8; 6:11; 1 Phi-e-rơ 3:3, 4) Khi trưng hình người hôn phối và con cái ở nơi làm việc, điều này sẽ nhắc nhở bạn cũng như người khác rằng gia đình bạn là quan trọng. Hãy cương quyết không bao giờ khuyến khích, ngay cả dung túng, sự gạ gẫm của người khác.—Gióp 31:1.

“Hãy ở vui-vẻ cùng vợ mình yêu-dấu”

9. Những bước nào có thể làm mối quan hệ tình cảm mới nảy sinh có sức lôi cuốn?

9 Việc giữ gìn tấm lòng không chỉ đòi hỏi phải tránh những tình huống nguy hiểm. Có cảm tình với một người khác ngoài người hôn phối có thể là điều cho thấy vợ chồng không quan tâm đến nhau. Có thể là từ lâu người vợ đã bị bỏ bê hoặc người chồng luôn bị chỉ trích. Bất ngờ người đó gặp một người khác—dù ở sở làm hoặc ngay cả trong hội thánh—dường như có đúng những đức tính mà người hôn phối mình không có. Chẳng bao lâu, giữa hai người nảy sinh tình cảm, và mối quan hệ mới này có sức hút kỳ lạ. Những bước này diễn ra một cách tinh vi, chứng thực lời sau đây của Kinh Thánh: “Mỗi người bị cám-dỗ là bị tư-dục mình lôi-kéo câu nhử”.—Gia-cơ 1:14, Ghi-đê-ôn.

10. Làm thế nào vợ chồng có thể thắt chặt mối quan hệ của họ?

10 Thay vì đi tìm một nguồn bên ngoài hôn nhân để thỏa mãn ước muốn mình—dù đó là sự trìu mến, tình bạn hoặc sự nâng đỡ khi gặp gian nan thử thách—người vợ và người chồng nên cố gắng thắt chặt mối quan hệ yêu thương với người bạn đời. Vậy hãy cố dành thì giờ cho nhau và gần gũi nhau hơn. Hãy nghĩ về những điều đã khiến bạn bắt đầu yêu người hôn phối. Hãy cố làm sống lại cảm xúc nồng nàn mà bạn từng có đối với người mình đã kết hôn. Hãy hồi tưởng những kỷ niệm vui ở bên nhau. Hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời về vấn đề này. Một người viết Thi-thiên là Đa-vít đã cầu khẩn Đức Giê-hô-va: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng”. (Thi-thiên 51:10) Hãy cương quyết ‘ở vui-vẻ cùng vợ mình yêu-dấu trọn các ngày của đời mình, mà Đức Chúa Trời ban cho bạn dưới mặt trời’.—Truyền-đạo 9:9.

11. Sự hiểu biết, khôn ngoan và thông sáng có vai trò nào trong việc thắt chặt tình nghĩa vợ chồng?

11 Trong việc thắt chặt tình nghĩa vợ chồng, cũng không nên quên lợi ích của tri thức, tức sự hiểu biết, sự khôn ngoan và thông sáng. Châm-ngôn 24:3, 4 nói: “Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, và được vững-vàng bởi sự thông-sáng; nhờ sự tri-thức, các phòng-vi đều được đầy-đủ các thứ tài-vật quí-báu và đẹp-đẽ”. Nằm trong số các thứ quí báu tràn đầy một “nhà” hạnh phúc là tình yêu thương, tính chung thủy, sự kính sợ Đức Chúa Trời và đức tin. Để có những đức tính này, cần phải hiểu biết về Đức Chúa Trời. Vậy, các cặp vợ chồng phải siêng năng học hỏi Kinh Thánh. Còn sự khôn ngoan và thông sáng quan trọng như thế nào? Muốn biết cách đối phó với các vấn đề hàng ngày, chúng ta cần sự khôn ngoan, khả năng áp dụng sự hiểu biết Kinh Thánh. Người thông sáng có thể hiểu được ý nghĩ và cảm xúc của người hôn phối. (Châm-ngôn 20:5) Qua Sa-lô-môn, Đức Giê-hô-va phán: “Hỡi con, hãy chăm-chỉ về sự khôn-ngoan ta, khá nghiêng tai qua nghe lời thông-sáng ta”.—Châm-ngôn 5:1.

Khi có “khó-khăn”

12. Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi vợ chồng gặp vấn đề?

12 Không có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo. Thậm chí Kinh Thánh nói rằng vợ chồng sẽ có “khó-khăn về xác-thịt”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Sự lo âu, bệnh tật, bắt bớ và những yếu tố khác có thể gây căng thẳng trong hôn nhân. Tuy nhiên, vì vợ chồng muốn chung thủy với nhau và muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va nên khi có vấn đề nảy sinh, họ cần hợp tác để tìm giải pháp.

13. Người vợ và người chồng có thể tự xét mình trong những khía cạnh nào?

13 Nói gì nếu hôn nhân bị căng thẳng vì cách vợ chồng đối xử với nhau? Muốn tìm giải pháp cần phải cố gắng nhiều. Thí dụ, vấn đề có thể là do cách nói năng thiếu nhã nhặn đã dần dần trở thành thói quen trong cuộc sống hôn nhân. (Châm-ngôn 12:18) Như đã thảo luận trong bài trước, vấn đề này có thể gây nhiều tác hại. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Thà ở nơi vắng-vẻ, hơn là ở với một người đàn-bà hay tranh-cạnh và nóng-giận”. (Châm-ngôn 21:19) Nếu bạn là người vợ trong cuộc hôn nhân như thế, hãy tự hỏi: ‘Tính khí của tôi có làm cho chồng tôi thấy khó gần không?’ Kinh Thánh bảo những người làm chồng: “Hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người”. (Cô-lô-se 3:19) Nếu bạn là người chồng, hãy tự hỏi: ‘Thái độ của tôi có hờ hững, lạnh nhạt khiến vợ tôi muốn tìm nguồn an ủi nơi khác không?’ Dĩ nhiên, không điều gì có thể bào chữa cho hành vi vô luân. Thế nhưng, thảm kịch như thế có thể xảy ra, bởi vậy vợ chồng nên thẳng thắn thảo luận về các vấn đề.

14, 15. Tại sao việc tìm nguồn khuây khỏa nơi người khác không phải là giải pháp cho vấn đề hôn nhân?

14 Tìm niềm khuây khỏa qua một cuộc tình với người khác không phải là giải pháp cho những vấn đề trong hôn nhân. Mối quan hệ như thế đem lại điều gì? Một cuộc hôn nhân mới, tốt hơn chăng? Một số người có lẽ nghĩ vậy. Họ cho rằng ‘dù gì, người này cũng có đúng những đức tính tôi cần nơi một người hôn phối’. Nhưng lập luận như thế là sai, vì bất cứ ai sẵn sàng bỏ người hôn phối—hay khuyến khích bạn làm thế—là xem thường tính ràng buộc thiêng liêng của hôn nhân. Việc trông mong mối quan hệ như thế dẫn đến một cuộc hôn nhân tốt hơn là điều phi lý.

15 Chị Mary, người đã được nói đến ở trên, suy nghĩ nghiêm túc về những hậu quả của điều mình đang làm, kể cả việc chị hoặc người khác có thể bị mất ân huệ của Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 6:7) Chị nói: “Khi bắt đầu xem xét tình cảm của tôi đối với bạn đồng nghiệp của chồng, tôi nhận thức rõ rằng nếu có khả năng người đàn ông này hiểu được lẽ thật, thì tôi đang cản trở điều đó. Hành vi sai trái sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi người liên quan và làm người khác vấp phạm!”—2 Cô-rinh-tô 6:3.

Động cơ mạnh nhất

16. Một số hậu quả của sự vô luân là gì?

16 Kinh Thánh cảnh báo: “Môi kẻ dâm-phụ đặt ra mật, và miệng nó dịu hơn dầu; nhưng rốt lại đắng như ngải-cứu, bén như gươm hai lưỡi”. (Châm-ngôn 5:3, 4) Sự vô luân dẫn đến những hậu quả đau đớn và có thể làm chết người. Trong số những hậu quả có thể là mặc cảm tội lỗi, bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục và gây nhiều đau khổ cho người hôn phối. Chắc chắn đây là lý do để tránh con đường dẫn đến ngoại tình.

17. Lý do vững chắc nhất để giữ lòng chung thủy là gì?

17 Là Đấng đã sáng lập hôn nhân và ban cho loài người khả năng sinh dục, Đức Giê-hô-va lên án việc ngoại tình. Đó là lý do chính cho thấy tại sao việc ngoại tình là sai trái. Qua tiên tri Ma-la-chi, Ngài phán: “Ta sẽ đến gần các ngươi đặng làm sự đoán-xét, và ta sẽ vội-vàng làm chứng nghịch cùng những kẻ... tà-dâm”. (Ma-la-chi 3:5) Về những gì Đức Giê-hô-va thấy, Châm-ngôn 5:21 nói: “Các đường của loài người ở trước mặt Đức Giê-hô-va; Ngài ban bằng [“xem xét”, BDM] các lối của họ”. Đúng thế, “thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”. (Hê-bơ-rơ 4:13) Do đó, dù một hành động không chung thủy được giữ bí mật đến đâu, và dường như không có hậu quả đáng kể nào về mặt thể chất hay ảnh hưởng đến người xung quanh, hành vi ô uế đó về tính dục cũng làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Ý thức điều này là động cơ mạnh nhất để giữ lòng chung thủy.

18, 19. Qua kinh nghiệm của Giô-sép với vợ Phô-ti-pha, chúng ta học được gì?

18 Gương của Giô-sép, con trai tộc trưởng Gia-cốp, là một bằng chứng cho thấy rằng ước muốn gìn giữ mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời là động cơ rất mạnh. Vì được ơn trước mặt Phô-ti-pha, một quan thị vệ của Pha-ra-ôn, Giô-sép được giữ chức vụ đặc biệt trong nhà Phô-ti-pha. Giô-sép cũng có “hình-dung đẹp-đẽ, mặt-mày tốt-tươi”, khiến vợ Phô-ti-pha để ý. Ngày này sang ngày khác, bà cố cám dỗ Giô-sép nhưng không được. Điều gì khiến Giô-sép cưỡng lại mọi lời gạ gẫm của bà? Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Chàng từ-chối và đáp rằng: Chủ đã... không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”—Sáng-thế Ký 39:1-12.

19 Người thanh niên độc thân Giô-sép giữ được sự trong trắng khi nhất quyết không dan díu với vợ người khác. Châm-ngôn 5:15 nói với những người đã có vợ: “Hãy uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con”. Hãy cẩn thận tránh việc vô tình bước vào những quan hệ lãng mạn ngoài hôn nhân. Hãy cố gắng củng cố tình yêu với người hôn phối, và giải quyết mọi khó khăn trong hôn nhân. Quả vậy, “hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân”.—Châm-ngôn 5:18, BDM.

Bạn học được gì?

• Làm thế nào một tín đồ Đấng Christ có thể vô tình vướng vào mối quan hệ lãng mạn?

• Để tránh có quan hệ lãng mạn ngoài hôn nhân, những điều nào có thể giúp ích?

• Khi gặp vấn đề, vợ chồng nên làm gì?

• Động cơ mạnh nhất để giữ lòng chung thủy là gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Thật đáng buồn, nơi làm việc có thể là môi trường dẫn đến một chuyện tình không đứng đắn

[Hình nơi trang 28]

‘Nhờ sự tri-thức, các phòng-vi đều được đầy-đủ các thứ đẹp-đẽ’