Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Can đảm nhờ có đức tin và lòng kính sợ Đức Chúa Trời

Can đảm nhờ có đức tin và lòng kính sợ Đức Chúa Trời

Can đảm nhờ có đức tin và lòng kính sợ Đức Chúa Trời

“Hãy mạnh dạn và can đảm lên... Đức Chúa Trời con sẽ ở với con”.​—GIÔ-SUÊ 1:9, Bản Dịch Mới.

1, 2. (a) Theo quan điểm của loài người, dân Y-sơ-ra-ên có triển vọng chiến thắng dân Ca-na-an không? (b) Giô-suê đã nhận được lời cam đoan nào?

VÀO năm 1473 TCN, dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị vào Đất Hứa. Môi-se nhắc nhở dân chúng về những thử thách sắp đến: “Ngày nay ngươi sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh, đặng chiếm lấy các dân-tộc lớn và mạnh hơn ngươi, những thành lớn và tường cao đến trời, một dân to-lớn và tác cao, là con-cháu A-na-kim, mà ngươi... có nghe nói rằng: ‘Ai sẽ đương-địch nổi trước mặt con-cháu A-nác?’ ” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:1, 2) Thật vậy, ai cũng nghe nói đến những quân binh cao lớn đó! Ngoài ra, một số dân trong xứ Ca-na-an có quân đội được trang bị đầy đủ với ngựa và xe sắt, bánh xe có lưỡi hái nhọn.—Các Quan Xét 4:13.

2 Mặt khác, dân Y-sơ-ra-ên từng là một dân nô lệ và vừa mới lang thang 40 năm trong đồng vắng. Vì thế, theo quan điểm loài người, dường như họ không thể chiến thắng. Thế nhưng Môi-se có đức tin; ông có thể “thấy” Đức Giê-hô-va hướng dẫn họ. (Hê-bơ-rơ 11:27) Môi-se nói với dân chúng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi trước ngươi... sẽ tiêu-diệt và hạ xuống các dân nầy trước mặt ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:3; Thi-thiên 33:16, 17) Sau khi Môi-se qua đời, Đức Giê-hô-va cam đoan với Giô-suê về sự hỗ trợ của Ngài. Ngài nói: “Bây giờ ngươi và cả dân-sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Trót đời ngươi sống, sẽ chẳng ai chống-cự được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se”.—Giô-suê 1:2, 5.

3. Điều gì đã giúp Giô-suê có đức tin và lòng can đảm?

3 Để được Đức Giê-hô-va hỗ trợ và hướng dẫn, Giô-suê phải đọc và suy ngẫm Luật Pháp Đức Chúa Trời cũng như sống theo đó. Đức Giê-hô-va phán: “Vì như vậy đường lối con mới được thịnh vượng và thành công. Ta há không có truyền lệnh cho con sao? Hãy mạnh dạn và can đảm lên. Đừng sợ hãi, đừng nản lòng, vì CHÚA, Đức Chúa Trời con sẽ ở với con trong mọi nơi con đi”. (Giô-suê 1:8, 9, BDM) Nhờ vâng theo lời Đức Chúa Trời, Giô-suê chứng tỏ là người can đảm, mạnh dạn và thành công. Tuy nhiên, hầu hết thế hệ của ông đã không vâng lời Ngài. Hậu quả là họ không thành công, và đã chết trong đồng vắng.

Một dân không có can đảm vì thiếu đức tin

4, 5. (a) Thái độ của mười người do thám khác với thái độ của Giô-suê và Ca-lép như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi dân chúng tỏ ra thiếu đức tin?

4 Bốn mươi năm trước đó, khi dân Y-sơ-ra-ên lần đầu tiên đến gần xứ Ca-na-an, Môi-se sai 12 người đi do thám xứ ấy. Mười người sợ hãi khi trở về. Họ kêu than: “Hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ có hình-vóc cao-lớn. Chúng tôi có thấy kẻ cao-lớn, tức là con-cháu của A-nác, thuộc về giống giềnh-giàng; chúng tôi thấy mình khác nào con cào-cào”. Có phải ‘hết thảy những người họ thấy’—không riêng con cháu A-nác—đều là người khổng lồ không? Không. Có phải dân này là con cháu của những người khổng lồ trước thời Nước Lụt không? Tất nhiên không! Tuy thế, vì những lời phóng đại lệch lạc đó mà làn sóng sợ hãi lan ra cả trại. Thậm chí dân chúng còn muốn trở về Ê-díp-tô (Ai Cập), xứ mà họ đã từng làm nô lệ!—Dân-số Ký 13:31–14:4.

5 Tuy nhiên, hai người do thám là Giô-suê và Ca-lép rất mong muốn vào Đất Hứa. Họ nói dân Ca-na-an “là đồ nuôi chúng ta, bóng che-chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi”. (Dân-số Ký 14:9) Có phải Giô-suê và Ca-lép quá lạc quan đến độ khờ dại không? Chắc chắn không! Cùng với dân cả nước, họ đã thấy Đức Giê-hô-va hạ nhục xứ Ai Cập hùng mạnh và các thần của chúng bằng Mười Tai Vạ. Rồi họ cũng thấy Đức Giê-hô-va nhận chìm Pha-ra-ôn và cả đạo binh của ông xuống Biển Đỏ. (Thi-thiên 136:15) Rõ ràng thái độ sợ hãi của mười người do thám và những người nghe họ không thể tha thứ được. Đức Giê-hô-va rất đau lòng, Ngài nói: “Dân nầy... không tin ta cho đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ ta làm giữa chúng nó?”—Dân-số Ký 14:11.

6. Tính can đảm và đức tin liên quan với nhau như thế nào, và ngày nay điều này được thấy rõ ra sao?

6 Đức Giê-hô-va đi thẳng vào nguồn gốc của vấn đề—thái độ hèn nhát của dân chúng cho thấy họ thiếu đức tin. Thật vậy, đức tin và tính can đảm liên quan chặt chẽ với nhau, đến độ sứ đồ Giăng có thể viết về hội thánh và về cuộc chiến thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ như sau: “Sự thắng hơn thế-gian, ấy là đức-tin của chúng ta”. (1 Giăng 5:4) Ngày nay, nhờ có đức tin như Giô-suê và Ca-lép mà hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va, già lẫn trẻ, mạnh lẫn yếu, rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp đất. Không kẻ thù nào có thể khiến đoàn quân hùng hậu và can đảm này im lặng được.—Rô-ma 8:31.

Chớ “lui đi”

7. “Lui đi” có nghĩa gì?

7 Ngày nay, tôi tớ của Đức Giê-hô-va can đảm rao giảng tin mừng vì họ có cùng suy nghĩ như sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư-mất đâu, bèn là kẻ giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 10:39) “Lui đi” ở đây không có ý nói đến việc lùi lại trong những lúc sợ hãi, vì nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đôi khi cũng sợ hãi. (1 Sa-mu-ên 21:12; 1 Các Vua 19:1-4) Nhưng theo một từ điển về Kinh Thánh, “lui đi” trong nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “xao lãng không bền giữ lẽ thật”. Từ điển ấy cho biết thêm rằng từ này có thể mang nghĩa ẩn dụ, dựa vào việc “hạ buồm xuống và vì vậy đi chậm lại” trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Tất nhiên, những người có đức tin mạnh không nghĩ đến việc “đi chậm lại” khi gặp khó khăn—dù là bắt bớ, sức khỏe kém, hoặc những thử thách khác. Thay vì vậy, họ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va, nhận thức rằng Ngài hết lòng quan tâm đến họ và biết giới hạn của họ. (Thi-thiên 55:22; 103:14) Bạn có đức tin như thế không?

8, 9. (a) Đức Giê-hô-va củng cố đức tin của các tín đồ thời ban đầu như thế nào? (b) Chúng ta có thể làm gì để xây đắp đức tin?

8 Có lần vì cảm thấy thiếu đức tin, các sứ đồ nói với Chúa Giê-su: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi!” (Lu-ca 17:5) Lời cầu xin chân thành của họ đã được nhậm, đặc biệt là vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi thánh linh đã được hứa trước giáng xuống các môn đồ và giúp họ hiểu sâu thêm về Lời và ý định của Đức Chúa Trời. (Giăng 14:26; Công-vụ 2:1-4) Được củng cố đức tin, các môn đồ bắt đầu công việc rao giảng bất chấp sự chống đối, và họ đã đem tin mừng đến “mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23; Công-vụ 1:8; 28:22.

9 Để xây đắp đức tin và tiếp tục thánh chức rao giảng, chúng ta cũng phải học hỏi và suy ngẫm về Kinh Thánh và cầu xin được ban cho thánh linh. Chỉ khi nào ghi tạc lẽ thật của Đức Chúa Trời vào lòng và trí—như Giô-suê, Ca-lép và các môn đồ đấng Christ thời ban đầu đã làm—chúng ta mới có được đức tin. Nhờ đó, chúng ta có được sự can đảm cần thiết để kiên trì trong cuộc chiến thiêng liêng và thắng trận.—Rô-ma 10:17.

Chỉ tin có Đức Chúa Trời thì chưa đủ

10. Đức tin thật bao hàm những gì?

10 Như đã thấy qua gương những người trung kiên thời xưa, đức tin dẫn đến sự can đảm và nhịn nhục. Đức tin như thế bao hàm nhiều hơn là chỉ tin có Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 2:19) Chúng ta cần phải biết rõ về Đức Giê-hô-va và tin tưởng trọn vẹn nơi Ngài. (Thi-thiên 78:5-8; Châm-ngôn 3:5, 6) Điều này có nghĩa là chúng ta hết lòng tin rằng việc chú ý nghe theo luật pháp và nguyên tắc của Ngài đem lại lợi ích nhiều nhất cho chúng ta. (Ê-sai 48:17, 18) Đức tin cũng bao hàm việc hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện tất cả lời hứa của Ngài, và trở thành “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:1, 6; Ê-sai 55:11.

11. Nhờ có đức tin và lòng can đảm, Giô-suê và Ca-lép được ban phước như thế nào?

11 Đức tin như thế không đứng một chỗ, nhưng tiếp tục gia tăng khi chúng ta sống theo lẽ thật, “nếm” được những lợi ích, “xem” thấy lời cầu nguyện chúng ta được nhậm và đồng thời qua những cách khác cảm nhận được sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong đời sống. (Thi-thiên 34:8; 1 Giăng 5:14, 15) Chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin của Giô-suê và Ca-lép càng sâu đậm thêm khi họ “nếm” được sự tốt lành của Đức Chúa Trời. (Giô-suê 23:14) Hãy xem xét những điều này: Họ sống sót qua cuộc hành trình 40 năm trong đồng vắng, như Đức Chúa Trời đã hứa. (Dân-số Ký 14:27-30; 32:11, 12) Họ được giao vai trò tích cực trong sáu năm chinh phục đất Ca-na-an. Cuối cùng, họ sống lâu, có sức khỏe dồi dào và còn nhận được sản nghiệp riêng. Những người trung thành và can đảm phụng sự Đức Giê-hô-va được Ngài ban thưởng nhiều biết bao!—Giô-suê 14:6, 9-14; 19:49, 50; 24:29.

12. Đức Giê-hô-va ‘tôn cao lời Ngài’ như thế nào?

12 Lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời đối với Giô-suê và Ca-lép nhắc chúng ta nhớ đến những lời này của người viết Thi-thiên: “Chúa đã làm cho lời Chúa được tôn cao hơn cả danh-thinh Chúa”. (Thi-thiên 138:2) Khi Đức Giê-hô-va dùng danh Ngài mà hứa, lời hứa đó được “tôn cao” khi nó được thực hiện cách hoàn hảo, vượt quá sự mong đợi của chúng ta. (Ê-phê-sô 3:20) Quả thật, Đức Giê-hô-va không hề làm thất vọng những người ‘khoái-lạc nơi Ngài’.—Thi-thiên 37:3, 4.

Một người “ở vừa lòng Đức Chúa Trời”

13, 14. Tại sao Hê-nóc cần đức tin và lòng can đảm?

13 Chúng ta có thể học được nhiều về đức tin và lòng can đảm bằng cách xem xét gương của một nhân chứng trước thời Đấng Christ. Đó là Hê-nóc. Ngay cả trước khi bắt đầu nói tiên tri, Hê-nóc hẳn biết rằng đức tin và lòng can đảm của ông sẽ bị thử thách. Như thế nào? Bởi vì Đức Giê-hô-va đã nói trong vườn Ê-đen sẽ có sự thù nghịch giữa những người phụng sự Đức Chúa Trời và những người theo Sa-tan Ma-quỉ. (Sáng-thế Ký 3:15) Hê-nóc cũng biết rằng sự thù nghịch này đã xảy ra ngay từ lúc đầu của lịch sử nhân loại khi Ca-in giết em mình là A-bên. Thật vậy, cha của họ là A-đam sống thêm gần 310 năm sau khi Hê-nóc sinh ra.—Sáng-thế Ký 5:3-18.

14 Tuy nhiên, bất kể những sự kiện này, Hê-nóc can đảm “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” và lên án “mọi lời sỉ-hổ” mà người ta nói nghịch lại Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 5:22; Giu-đe 14, 15) Bởi lòng can đảm bênh vực sự thờ phượng thật nên Hê-nóc có nhiều kẻ thù, và khiến tính mạng ông bị đe dọa. Trong trường hợp này, Đức Giê-hô-va không muốn nhà tiên tri của Ngài phải chịu một cái chết đau đớn. Vì thế, sau khi cho Hê-nóc biết ông là người “ở vừa lòng Đức Chúa Trời”, Đức Giê-hô-va “cất” mạng sống của ông, có lẽ trong lúc ông nhận được một sự hiện thấy.—Hê-bơ-rơ 11:5, 13; Sáng-thế Ký 5:24.

15. Hê-nóc đã nêu gương tốt nào cho các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va?

15 Ngay sau khi nói về việc Hê-nóc được “cất lên”, Phao-lô một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin. Ông nói: “Vả, không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Đức Chúa Trời]”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Thật vậy, nhờ có đức tin, Hê-nóc đã can đảm cùng đi với Đức Giê-hô-va và công bố thông điệp phán xét của Ngài cho thế gian không tin kính. Về phương diện này, Hê-nóc nêu một gương tốt cho chúng ta, vì chúng ta cũng có một công việc tương tự để làm trong thế gian chống đối sự thờ phượng thật và đầy dẫy điều gian ác xấu xa.—Thi-thiên 92:7; Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 12:17.

Can đảm nhờ kính sợ Đức Chúa Trời

16, 17. Áp-đia là ai, và ông ở trong hoàn cảnh nào?

16 Ngoài đức tin, còn có một đức tính tốt khác giúp phát huy sự can đảm. Đó là lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem xét gương xuất sắc của một người kính sợ Đức Chúa Trời. Người này sống vào thời nhà tiên tri Ê-li và triều đại Vua A-háp của vương quốc Y-sơ-ra-ên phương bắc. Trong triều đại của A-háp, sự thờ phượng Ba-anh đã làm băng hoại vương quốc này ở mức độ chưa từng thấy. Thật vậy, 450 tiên tri của Ba-anh và 400 tiên tri thờ trụ thánh đã “ăn tại bàn Giê-sa-bên”, vợ A-háp.—1 Các Vua 16:30-33; 18:19.

17 Là kẻ thù độc ác của Đức Giê-hô-va, Giê-sa-bên cố diệt trừ sự thờ phượng thật ra khỏi xứ. Bà giết một số tiên tri của Đức Giê-hô-va và thậm chí còn tìm cách giết cả Ê-li. Nhờ nghe theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Ê-li chạy thoát bằng cách băng qua Sông Giô-đanh. (1 Các Vua 17:1-3; 18:13) Bạn có thể tưởng tượng việc ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch ở vương quốc phương bắc thời bấy giờ là điều khó khăn đến mức nào không? Còn tệ hơn nữa, nếu bạn phải làm việc ngay trong hoàng cung thì sao? Đó là trường hợp của người kính sợ Đức Chúa Trời là Áp-đia, * người quản đốc hoàng cung của A-háp.—1 Các Vua 18:3.

18. Điều gì khiến Áp-đia trở nên nổi bật trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va?

18 Chắc chắn Áp-đia đã thận trọng và khôn ngoan trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, ông không nhượng bộ. Thật vậy, 1 Các Vua 18:3 cho chúng ta biết: “Áp-đia rất kính-sợ Đức Giê-hô-va”. Quả thật, lòng kính sợ của Áp-đia đối với Đức Chúa Trời rất hiếm có! Nhờ đó, ông có lòng can đảm phi thường, như được thấy rõ ngay sau khi Giê-sa-bên giết các tiên tri của Đức Giê-hô-va.

19. Áp-đia đã làm gì cho thấy lòng can đảm của ông?

19 Chúng ta đọc: “Xảy ra khi Giê-sa-bên diệt hết các đấng tiên-tri của Đức Giê-hô-va, thì Áp-đia có đem một trăm đấng tiên-tri đi giấu trong hai hang đá, mỗi hang năm mươi người, dùng bánh và nước mà nuôi họ”. (1 Các Vua 18:4) Như bạn có thể tưởng tượng, bí mật nuôi một trăm người là việc làm rất nguy hiểm. Trong hoàng cung, Áp-đia phải rất cẩn thận để không bị phát giác, vì ngoài A-háp và Giê-sa-bên, còn có 850 tiên tri giả thường lui tới cung điện. Ngoài ra, nhiều người thờ phượng giả trong xứ, từ dân quê cho tới giới quan quyền, chắc hẳn sẵn sàng nắm lấy bất cứ cơ hội nào để tố giác Áp-đia hầu cầu cạnh ân huệ của vua và hoàng hậu. Tuy nhiên, ngay trước mắt những kẻ thờ hình tượng này, Áp-đia đã can đảm chăm sóc các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời quả là động lực mạnh mẽ biết bao!

20. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp Áp-đia ra sao, và gương của ông giúp bạn như thế nào?

20 Vì Áp-đia biểu lộ lòng can đảm qua việc kính sợ Đức Chúa Trời, hẳn Ngài đã che chở ông khỏi những kẻ thù. Châm-ngôn 29:25 nói: “Sự sợ loài người gài bẫy; nhưng ai nhờ-cậy Đức Giê-hô-va được yên-ổn vô-sự”. Áp-đia không phải là siêu nhân; ông cũng sợ bị bắt và bị giết, giống như chúng ta. (1 Các Vua 18:7-9, 12) Tuy nhiên, lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp ông có được can đảm, vượt qua sự sợ hãi loài người. Áp-đia là một gương tốt cho tất cả chúng ta, nhất là cho những người vẫn thờ phượng Đức Giê-hô-va dù có thể bị bắt hay mất mạng. (Ma-thi-ơ 24:9) Mong rằng tất cả chúng ta cố gắng “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 12:28.

21. Điều gì sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?

21 Đức tin và lòng kính sợ Đức Chúa Trời không phải là hai đức tính duy nhất giúp xây đắp lòng can đảm; tình yêu thương có thể là một động lực mạnh hơn nữa. Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ”. (2 Ti-mô-thê 1:7) Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ hiểu tình yêu thương có thể giúp chúng ta như thế nào để can đảm phụng sự Đức Giê-hô-va trong những ngày cuối cùng đầy khó khăn này.—2 Ti-mô-thê 3:1.

[Chú thích]

^ đ. 17 Không phải là nhà tiên tri Áp-đia.

Bạn có thể trả lời không?

• Điều gì đã giúp Giô-suê và Ca-lép có lòng can đảm?

• Đức tin thật bao hàm điều gì?

• Tại sao Hê-nóc dũng cảm công bố thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời?

• Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp phát huy tính can đảm như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16, 17]

Đức Giê-hô-va phán dặn Giô-suê: “Hãy mạnh dạn và can đảm lên”

[Hình nơi trang 18]

Áp-đia chăm sóc và bảo vệ các tiên tri của Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 19]

Hê-nóc dạn dĩ công bố lời Đức Chúa Trời