Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nỗi đau sâu xa và dai dẳng

Nỗi đau sâu xa và dai dẳng

Nỗi đau sâu xa và dai dẳng

GẦN ĐÂY, một nhà nghiên cứu muốn biết thời gian ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc của những người đã mất đi người thân. Ông gửi bản thăm dò đến các bậc cha mẹ có con qua đời nhiều năm trước. Nhà nghiên cứu này chỉ nhận được thư hồi âm của vài cha mẹ. Ông Vladimir, một người cha mất con trai 5 năm về trước, cho biết ông vẫn còn nghẹn lời khi nói về con mình. *

Nỗi đau buồn dai dẳng như thế là cảm xúc thường thấy nơi cha mẹ có con qua đời. Mười năm trước, ông William có một con trai 18 tuổi bị chết đuối. Ông viết: “Tôi vẫn còn cảm thấy đau buồn, và nỗi đau đó sẽ tiếp tục theo tôi cho đến khi tôi chết”. Bà Lucy có một con trai bị bệnh qua đời. Khoảng 5 năm sau, bà ghi lại: “Trong những ngày đầu, tôi cứ nghĩ: ‘Chuyện này không thể nào xảy ra được’. Tôi cảm thấy như thể đó chỉ là cơn ác mộng và tôi sẽ tỉnh dậy trong chốc lát thôi. Sau một thời gian, tôi bắt đầu nhận ra sự thật là con tôi đã chết và nó sẽ không về nhà nữa. Con tôi đã chết 5 năm rồi, nhưng có nhiều lúc, khi ở một mình, tôi vẫn khóc vì nhớ con”.

Tại sao những bậc cha mẹ mất con như ông Vladimir, William và bà Lucy lại có nỗi đau sâu xa và dai dẳng đến thế? Chúng ta hãy xem qua vài lý do.

Vì sao có quá nhiều đau đớn?

Khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ có một cảm xúc đặc biệt mà không hề thấy trong bất cứ mối quan hệ nào khác. Chỉ ôm con vào lòng, nhìn con ngủ hay thấy con tươi cười, cha mẹ cũng cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Với lòng yêu thương, cha mẹ săn sóc và yêu quý con mình. Họ dạy dỗ con biết cách cư xử và lễ phép. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 11) Khi con cái làm theo lời dạy dỗ, cha mẹ cảm thấy hãnh diện và bắt đầu ấp ủ hy vọng về tương lai của con.

Cha mẹ làm việc siêng năng để nuôi nấng con cái. Có lẽ cha mẹ thường dành dụm hoặc mua sắm đồ đạc để có thể giúp con cái khi chúng lập gia đình. (2 Cô-rinh-tô 12:14) Cha mẹ dồn tất cả thì giờ, công sức, tiền bạc và tình cảm cho con cái với một ý định: muốn con lớn lên và thành tài. Cha mẹ không bao giờ nghĩ con mình sẽ qua đời. Khi con mất đi, ý định đó không còn nữa và mọi hy vọng đều tan biến. Cha mẹ không còn có thể cho con tình yêu thương dạt dào như trước. Giữa cha mẹ và con cái có một hố sâu ngăn cách. Cha mẹ giờ đây thấy vắng bóng con. Không gì có thể làm cha mẹ dễ dàng vơi đi nỗi đau đớn này.

Kinh Thánh công nhận rằng các bậc cha mẹ mất con phải chịu đựng nỗi đau đớn không nguôi. Kinh Thánh tường thuật những điều đã xảy ra khi tộc trưởng Gia-cốp nghe tin con mình là Giô-sép chết như sau: “Người xé quần áo mình ra, lấy bao quấn ngang hông, và để tang lâu ngày cho con trai mình. Hết thảy con trai, con gái hiệp lại an-ủi người, nhưng không chịu; bèn nói rằng: Ta để tang luôn xuống chốn âm-phủ [hoặc mồ mả] cùng con ta!” Nhiều năm sau, Gia-cốp vẫn còn than khóc con mình vì nghĩ rằng Giô-sép đã chết. (Sáng-thế Ký 37:34, 35; 42:36-38) Kinh Thánh cũng ghi lại một trường hợp khác về một người đàn bà trung thành với Đức Chúa Trời tên là Na-ô-mi. Bà có hai người con trai qua đời. Vì quá sầu khổ, bà muốn đổi tên Na-ô-mi, nghĩa là “ngọt-ngào”, thành Ma-ra, nghĩa là “cay-đắng”.—Ru-tơ 1:3-5, 20, 21, cước chú.

Tuy nhiên, Kinh Thánh không những nhìn nhận rằng cha mẹ đau khổ khi con cái qua đời mà còn cho biết cách Đức Giê-hô-va thêm sức cho họ. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét một vài cách mà Đức Chúa Trời dùng để an ủi những người đang ở trong hoàn cảnh như thế.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã được đổi.