Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự giúp đỡ đến từ “Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi”

Sự giúp đỡ đến từ “Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi”

Sự giúp đỡ đến từ “Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi”

KHOẢNG 2.000 năm trước đây, Phao-lô, một người viết Kinh Thánh, đã miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi”, hoặc theo một bản dịch khác, Ngài “là nguồn kiên nhẫn và an ủi”. (Rô-ma 15:5; Bản Dịch Mới) Vì Kinh Thánh cam kết với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ thay đổi, chúng ta có thể tin chắc Đức Chúa Trời vẫn an ủi những người phụng sự Ngài. (Gia-cơ 1:17) Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va an ủi những người đang đau khổ qua nhiều cách. Một vài cách này là gì? Thứ nhất, Đức Chúa Trời ban sức mạnh cho những ai cầu xin Ngài giúp đỡ. Thứ hai, Đức Chúa Trời động lòng những tín đồ Đấng Christ chân chính để an ủi anh em đồng đạo. Thứ ba, Đức Giê-hô-va cho ghi lại những lời tường thuật ấm lòng trong Lời Ngài, tức Kinh Thánh. Những lời tường thuật này đặc biệt thêm sức cho các bậc cha mẹ đang than khóc vì con qua đời. Chúng ta hãy xem xét từng cách an ủi này.

‘Đức Giê-hô-va nhậm lời’

Vua Đa-vít viết về Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, như sau: “Khá nhờ-cậy nơi Ngài luôn luôn, hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Đức Chúa Trời là nơi nương-náu của chúng ta”. (Thi-thiên 62:8) Tại sao Đa-vít tin cậy Đức Giê-hô-va như thế? Đa-vít viết về chính trường hợp của mình: “Kẻ khốn-cùng nầy có kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải-cứu người khỏi các điều gian-truân”. (Thi-thiên 34:6) Trong mọi tình huống gian nan mà ông đã trải qua, Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và Ngài luôn luôn nhậm lời ông. Qua kinh nghiệm, Đa-vít biết Đức Chúa Trời ủng hộ và giúp ông nhịn nhục chịu đựng.

Cha mẹ có con qua đời cần biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ chịu đựng trong những lúc đau buồn sâu xa, cũng như Ngài đã giúp Đa-vít. Họ có thể đến với “Đấng nghe lời cầu-nguyện” và tin rằng Ngài sẽ hỗ trợ họ. (Thi-thiên 65:2) Ông William, được đề cập ở bài trước, cho biết: “Nhiều lần tôi cảm thấy tôi không thể sống thêm một giây phút nào nữa mà không có con bên cạnh, và tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi khuây khỏa. Ngài luôn luôn thêm sức và cho tôi can đảm để tiếp tục sống”. Nếu bạn cũng tin cậy và cầu nguyện Ngài, Đức Chúa Trời cao cả sẽ gìn giữ bạn. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va hứa với những người cố gắng phụng sự Ngài: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:13.

Sự hỗ trợ từ những người bạn chân thật

Các cha mẹ có con qua đời cần thời gian ở riêng một mình để ngẫm nghĩ và thương nhớ con. Tuy nhiên, tránh gặp người khác trong một thời gian dài là điều thiếu khôn ngoan. Theo Châm-ngôn 18:1, ‘người nào ở riêng’ có thể làm cho tình huống càng tồi tệ hơn. Vì thế, những người đang đau buồn nên cẩn thận, chớ tự cô lập mình.

Những người bạn kính sợ Đức Chúa Trời có thể giúp đỡ rất nhiều cho những ai đang đau buồn. Châm-ngôn 17:17 cho biết: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. Bà Lucy—người mà bài trước cũng đề cập đến—đã được những người bạn chân thật an ủi sau khi con trai bà qua đời. Bà nói về những người bạn trong hội thánh như sau: “Những lần họ viếng thăm đã thật sự an ủi chúng tôi, dù có những lúc họ không nói gì nhiều. Một người bạn đến thăm vào những ngày tôi ở nhà một mình. Chị ấy biết những ngày đó tôi sẽ ở nhà và khóc, nên chị đến chia buồn và cùng khóc với tôi. Một người bạn khác điện thoại mỗi ngày để khuyến khích tôi. Ngoài ra, những người khác mời chúng tôi đến nhà dùng bữa, và đến nay họ vẫn còn mời chúng tôi”.

Mặc dầu nỗi đau đớn của cha mẹ khi con qua đời không dễ dàng tan biến, nhưng cầu nguyện với Đức Chúa Trời và kết hợp với những người bạn đồng đạo sẽ đem lại niềm an ủi thật sự. Nhiều cha mẹ đạo Đấng Christ có con qua đời cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va ở với họ. Thật vậy, Ngài “chữa lành người có lòng đau-thương, và bó vít [“băng bó những vết thương”, BDM] của họ”.—Thi-thiên 147:3.

Niềm an ủi từ lời tường thuật trong Kinh Thánh

Ngoài việc cầu nguyện và kết hợp với anh em đồng đạo, Kinh Thánh cũng là nguồn an ủi cho những ai đang than khóc. Các lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su thật sự muốn và có khả năng xóa bỏ nỗi đau đớn của cha mẹ bằng cách làm cho những người con sống lại. Các lời tường thuật đó thật sự an ủi những người đang đau buồn. Chúng ta hãy xem xét hai trường hợp.

Chương 7 trong sách Lu-ca miêu tả chuyện xảy ra khi Chúa Giê-su gặp một đám tang tại thành Na-in. Người ta sắp chôn người con trai duy nhất của một bà góa. Câu 13 ghi lại: “Chúa thấy, động lòng thương-xót người, mà phán rằng: Đừng khóc!”

Ít ai dám bảo người mẹ đừng khóc khi đưa đám tang con trai mình. Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại nói vậy? Vì ngài biết chỉ một lát nữa, người mẹ sẽ không còn đau buồn. Câu chuyện kể tiếp: “Ngài lại gần, rờ quan-tài, thì kẻ khiêng dừng lại. Ngài bèn phán rằng: Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy. Người chết vùng ngồi dậy và khởi-sự nói. Đức Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ”. (Lu-ca 7:14, 15) Lúc đó, người mẹ hẳn đã khóc òa lên, nhưng lần này bà khóc vì vui mừng.

Vào một dịp khác, một người đàn ông tên là Giai-ru đến gặp Chúa Giê-su để xin ngài chữa bệnh cho đứa con gái 12 tuổi đang đau nặng. Không lâu sau, người ta báo tin là em đó đã chết. Tin này làm Giai-ru vô cùng đau khổ, nhưng Chúa Giê-su bảo ông: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi”. Tại nhà của Giai-ru, Chúa Giê-su vào chỗ em nằm. Ngài nắm tay em và nói: ‘Hỡi con gái nhỏ, hãy chờ dậy’. Chuyện gì đã xảy ra? “Tức thì đứa gái chờ dậy mà bước đi”. Cha mẹ em phản ứng ra sao? Họ “rất lấy làm lạ [“vui mừng khôn xiết”, NW]”. Khi Giai-ru và vợ ôm con gái vào lòng, họ cảm thấy sung sướng vô cùng. Điều đó như thể là một giấc mơ.—Mác 5:22-24, 35-43.

Những lời tường thuật ghi trên cho biết rõ những người trẻ qua đời đã được sống lại. Sự kiện này cho thấy điều mà ngày nay các bậc cha mẹ có con qua đời có thể trông mong. Chúa Giê-su nói: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Đức Giê-hô-va có ý định là cho Con của Ngài làm những người chết sống lại. Hàng triệu người trẻ đã qua đời sẽ “nghe tiếng” Chúa Giê-su khi ngài gọi họ: “Hãy chờ dậy”! Cha mẹ sẽ được gặp lại con mình. Cũng như Giai-ru và vợ ông, các bậc cha mẹ của những người trẻ đó sẽ “vui mừng khôn xiết”.

Nếu bạn có con qua đời, xin nhớ rằng Đức Giê-hô-va có thể biến nỗi đau buồn của bạn thành sự vui mừng bằng cách cho con bạn sống lại. Để có được triển vọng tươi sáng này, hãy làm theo lời khuyên của người viết Thi-thiên: “Hãy cầu Đức Giê-hô-va và quyền-phép Ngài, hãy tìm-kiếm mặt Ngài luôn luôn. . . Hãy nhớ lại những việc lạ-lùng [“những việc diệu kỳ”, BDM] Ngài đã làm”. (Thi-thiên 105:4-6) Đúng vậy, hãy phụng sự và thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời theo cách Ngài chấp nhận.

Nếu “cầu Đức Giê-hô-va”, bạn nhận được lợi ích nào ngay bây giờ? Bạn sẽ được thêm sức qua lời cầu nguyện, được những anh chị đồng đạo đầy yêu thương an ủi và được khuây khỏa nhờ học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Hơn nữa, trong tương lai gần đây, bạn sẽ thấy “những việc diệu kỳ” mà Đức Giê-hô-va thực hiện vì lợi ích vô tận của bạn và con bạn.

[Khung nơi trang 5]

“Bà nhớ dẫn cô đó đến”

Anh Kehinde và chị Bintu, một cặp vợ chồng Nhân Chứng Giê-hô-va người Nigeria, có hai người con bị chết trong tai nạn giao thông. Kể từ đó, họ luôn đau khổ vì sự mất mát to lớn này. Dù thế, lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp họ chịu đựng, và họ tiếp tục chia sẻ thông điệp đầy hy vọng trong Kinh Thánh với những người hàng xóm.

Những người khác nhận thấy hai vợ chồng này có sự thanh thản và can đảm. Một ngày nọ, một bà tên là Ukoli nói với bạn của chị Bintu: “Bà nhớ dẫn cô đó đến. Cái cô đã mất hai đứa con cùng một lúc mà vẫn còn đi rao giảng về Kinh Thánh. Tôi muốn biết làm sao mà cô đó có đủ sức để chịu đựng”. Khi chị Bintu đến nhà, bà Ukoli nói: “Tôi muốn biết tại sao cô vẫn đi rao giảng về ông Trời, trong khi ông đó đã làm cho hai đứa con cô chết. Ông Trời đã cướp đi đứa con gái duy nhất của tôi. Từ lúc đó trở đi, tôi không còn muốn biết gì về ông Trời nữa”. Chị Bintu dùng Kinh Thánh cho bà biết lý do tại sao người ta chết và tại sao có hy vọng chắc chắn là những người thân yêu đã qua đời sẽ được sống lại.—Công-vụ 24:15; Rô-ma 5:12.

Sau đó, bà Ukoli nói: “Trước đây tôi nghĩ là Đức Chúa Trời làm người ta chết, nhưng bây giờ tôi mới biết sự thật”. Bà quyết định học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va để biết thêm về những lời hứa của Đức Chúa Trời.

[Khung nơi trang 6]

‘Tôi muốn giúp nhưng không biết phải làm gì’

Khi một người trẻ qua đời, cha mẹ và anh chị em của người đó cảm thấy đau buồn vô vàn trong khi bạn bè của họ có lẽ cảm thấy bối rối. Những người này muốn giúp nhưng sợ lỡ khi nói hoặc làm điều gì không phải, họ sẽ làm tình thế đau buồn hơn. Sau đây là một vài lời đề nghị cho những ai nghĩ: ‘Tôi muốn giúp nhưng không biết phải làm gì’.

❖ Không nên tránh những người đang đau buồn chỉ vì bạn không biết mình nên nói hay nên làm gì. Sự hiện diện của bạn an ủi họ rất nhiều. Phải chăng bạn không biết phải nói gì? Bạn có thể bày tỏ một hành động trìu mến và nói một lời chân tình như: “Tôi thành thật xin chia buồn với gia đình”. Điều này cho họ biết là bạn quan tâm đến họ. Phải chăng bạn sợ là nếu bạn khóc, bạn sẽ làm cho họ buồn thêm? Kinh Thánh nói: ‘Hãy khóc với kẻ khóc’. (Rô-ma 12:15) Nước mắt của bạn cho thấy bạn cũng đau lòng, và điều này làm họ cảm thấy được an ủi.

❖ Hãy chủ động. Bạn có thể làm một bữa ăn giản dị cho gia đình đó không? Bạn có thể rửa bát đũa còn để lại trong bếp không? Bạn có thể làm những việc vặt cho họ không? Tránh nói: “Khi nào cần thì cho tôi biết”. Dù thành thật, nhưng lời nói đó cho thấy bạn rất bận rộn, không có thì giờ cho họ. Tốt hơn, hãy hỏi: “Anh chị cần tôi giúp gì không?” và rồi làm những điều họ nhờ. Tuy nhiên, tránh vào phòng riêng hoặc xen vào chuyện riêng của họ.

❖ Mỗi người có cảm xúc khác nhau khi một người thân yêu qua đời. Ngay dù bạn cũng có con qua đời, bạn không thể hiểu thấu nỗi đau của người khác. Tuy có thiện ý và muốn an ủi, bạn hãy tránh nói những lời khiến người khác buồn thêm.

❖ Gia đình có người qua đời phải mất nhiều thời gian mới trở lại đời sống bình thường. Hãy tiếp tục hết sức giúp đỡ họ. Dù có nhiều người thường đến thăm viếng và giúp đỡ trong khoảng thời gian đầu, nhưng gia đình đó vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Hãy chú ý đến nhu cầu của họ trong những ngày tháng tới. *

[Chú thích]

^ đ. 29 Muốn biết thêm chi tiết về cách giúp những gia đình đau buồn vì mất đi một người thân, xin xem bài “Người khác có thể làm gì để giúp?” nơi trang 20-24 của sách mỏng Khi một người thân yêu chết đi, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Các hình nơi trang 7]

Các lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su có quyền năng và muốn làm những người trẻ sống lại