Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục

Chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục

Chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục

“Phải gắng hết sức thêm cho đức tin. . . sự nhịn-nhục”.—2 PHI-E-RƠ 1:5, 6.

1, 2. Nhịn nhục là gì, và tại sao tín đồ Đấng Christ cần nhịn nhục?

NGÀY LỚN của Đức Giê-hô-va đã đến gần. (Giô-ên 1:15; Sô-phô-ni 1:14) Là tín đồ Đấng Christ kiên quyết giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, chúng ta mong chờ ngày mà quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh. Trong thời gian này, vì đức tin, chúng ta phải đương đầu với sự ghen ghét, mắng nhiếc, bắt bớ và cái chết. (Ma-thi-ơ 5:10-12; 10:22; Khải-huyền 2:10) Điều này đòi hỏi phải có tính nhịn nhục—khả năng chịu đựng nghịch cảnh. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên chúng ta: “Phải gắng hết sức thêm cho đức tin. . . sự nhịn-nhục”. (2 Phi-e-rơ 1:5, 6) Chúng ta cần nhịn nhục, vì Chúa Giê-su phán: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”.—Ma-thi-ơ 24:13.

2 Ngoài ra, chúng ta phải đương đầu với bệnh tật, nỗi đau buồn vì mất người thân cũng như nhiều thử thách khác. Sa-tan hẳn sẽ vui mừng biết bao nếu chúng ta mất đức tin! (Lu-ca 22:31, 32) Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chịu đựng nhiều gian nan thử thách. (1 Phi-e-rơ 5:6-11) Hãy xem vài kinh nghiệm thực tế cho thấy chúng ta có thể chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục và đức tin không suy giảm.

Bệnh tật không khiến họ chùn bước

3, 4. Hãy nêu một thí dụ cho thấy chúng ta có thể trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể bệnh tật.

3 Ngày nay, Đức Chúa Trời không dùng phép lạ để chữa lành chúng ta, nhưng Ngài ban sức mạnh để chúng ta chịu đựng bệnh tật. (Thi-thiên 41:1-3) Chị Sharon nói: “Từ lâu, chiếc xe lăn là bạn đồng hành của tôi. Kể từ khi chào đời, chứng liệt não đã cướp đi của tôi niềm vui thời thơ ấu”. Học biết về Đức Giê-hô-va và lời hứa của Ngài về một sức khỏe hoàn toàn đã cho chị Sharon niềm hy vọng. Dù phát âm và đi lại rất khó khăn, chị tìm được niềm vui trong thánh chức đạo Đấng Christ. Khoảng 15 năm trước, chị nói: “Sức khỏe tôi có thể ngày càng suy yếu, nhưng niềm tin nơi Đức Chúa Trời và mối quan hệ với Ngài là phao cứu sinh của tôi. Tôi thật hạnh phúc khi thuộc về dân Đức Giê-hô-va và luôn được Ngài hỗ trợ!”

4 Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca hãy “yên-ủi những kẻ ngã lòng”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Nỗi thất vọng sâu xa có thể là một yếu tố gây ra chứng trầm cảm. Năm 1993, chị Sharon viết: “Cảm thấy thất bại hoàn toàn, tôi. . . bị trầm cảm nặng trong ba năm. . . Tôi nhận được sự an ủi và lời khuyên từ các trưởng lão. . . Qua tạp chí Tháp Canh, Đức Giê-hô-va nhân từ cho chúng ta sự hiểu biết về chứng trầm cảm. Thật vậy, Ngài hay săn sóc dân Ngài và hiểu cảm xúc của chúng ta”. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Chị Sharon vẫn đang trung thành phụng sự trong khi chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va.

5. Bằng chứng nào cho thấy tín đồ Đấng Christ có thể chịu đựng nhiều căng thẳng?

5 Một số tín đồ Đấng Christ phải chịu nhiều căng thẳng vì những trải nghiệm trong quá khứ. Anh Harley đã thấy những cảnh giao tranh ác liệt trong Thế Chiến II và hay gặp ác mộng về chiến tranh. Khi ngủ, anh thường la hét: “Coi chừng! Hãy cẩn thận!” Khi thức giấc, người anh ướt đẫm mồ hôi. Tuy nhiên anh theo đuổi một lối sống tin kính, và với thời gian, những cơn ác mộng ấy thưa dần và bớt căng thẳng.

6. Một tín đồ Đấng Christ đã đương đầu với vấn đề về cảm xúc như thế nào?

6 Một tín đồ Đấng Christ bị chứng rối loạn thần kinh lưỡng cực cảm thấy rất khó đi rao giảng từng nhà. Tuy nhiên, anh kiên trì trong hoạt động này vì nhận thức rằng thánh chức mang lại sự sống cho anh và cho những người hưởng ứng thông điệp. (1 Ti-mô-thê 4:16) Anh nói: “Đôi khi tôi cảm thấy không thể bấm chuông. Nhưng sau một lúc, tôi kiềm chế được xúc cảm, đi đến nhà kế tiếp và bắt đầu lại. Nhờ tiếp tục tham gia thánh chức, tôi có sức khỏe thiêng liêng tương đối tốt”. Việc tham dự các buổi nhóm cũng là một thách đố, nhưng anh này tin rằng sự kết hợp với anh em đồng đạo mang lại lợi ích. Vì thế, anh luôn cố gắng để có mặt.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

7. Một số người tuy sợ nói trước đám đông hay tham dự buổi họp nhưng vẫn biểu lộ tính chịu đựng như thế nào?

7 Một số tín đồ có những nỗi ám ảnh—sợ hãi quá mức về một tình huống hoặc đối tượng nào đó. Chẳng hạn, họ sợ nói trước đám đông hoặc ngay cả tham dự buổi họp. Hãy hình dung nỗi khó khăn của họ khi bình luận tại các buổi họp hay nói bài giảng trong Trường Thánh Chức Thần Quyền! Thế nhưng, họ vẫn tiếp tục chịu đựng. Sự hiện diện và tham gia của họ khích lệ chúng ta rất nhiều.

8. Điều gì đặc biệt hữu ích khi đương đầu với những vấn đề về cảm xúc?

8 Nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn có thể giúp một người chịu đựng những vấn đề về cảm xúc. Người đó có lẽ cũng nên tìm cách điều trị theo y khoa. Tuy nhiên, điều đặc biệt hữu ích là nương cậy nơi Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Thi-thiên 55:22 nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”. Vậy, “hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va”.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Chịu đựng nỗi đau mất người thân

9-11. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau buồn khi người thân qua đời? (b) Làm thế nào gương của bà An-ne có thể giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau mất người thân?

9 Khi người thân yêu qua đời, sự mất mát to lớn ấy có thể khiến một người cảm thấy hết sức đau buồn. Áp-ra-ham đã than khóc khi người vợ yêu dấu là Sa-ra từ trần. (Sáng-thế Ký 23:2) Ngay cả người hoàn toàn Giê-su cũng “khóc” khi bạn ngài là La-xa-rơ qua đời. (Giăng 11:35) Như thế, đau buồn khi mất người thân yêu là điều tự nhiên. Tuy vậy, tín đồ Đấng Christ biết rằng sẽ có sự sống lại. (Công-vụ 24:15) Thế nên, họ không “buồn-rầu như người khác không có sự trông-cậy”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13.

10 Làm sao đối phó được với nỗi đau mất người thân? Có lẽ minh họa sau đây sẽ giúp ích. Nỗi buồn của chúng ta thường không kéo dài khi tiễn một người bạn đi xa một thời gian, vì biết người đó sẽ trở về. Có cùng quan điểm như thế về cái chết của một tín đồ trung thành có thể giúp chúng ta vơi đi nỗi đau vì biết người đó sẽ được sống lại.—Truyền-đạo 7:1.

11 Tin cậy hoàn toàn nơi “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” sẽ giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau mất người thân. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Suy ngẫm về gương của góa phụ An-ne vào thế kỷ thứ nhất cũng có ích. Chỉ bảy năm sau khi kết hôn, bà trở nên góa bụa. Nhưng ở tuổi 84, bà vẫn hầu việc Đức Giê-hô-va trong đền thờ. (Lu-ca 2:36-38) Một đời sống tin kính như thế chắc chắn đã giúp bà đương đầu với nỗi đau buồn và sự cô đơn. Đều đặn tham gia các hoạt động của đạo Đấng Christ, kể cả việc rao giảng về Nước Trời, có thể giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau mất người thân.

Đối phó với gian nan thử thách

12. Một số tín đồ Đấng Christ phải chịu đựng thử thách nào liên quan đến đời sống gia đình?

12 Một số tín đồ Đấng Christ phải chịu đựng thử thách liên quan đến đời sống gia đình. Chẳng hạn, nếu người hôn phối phạm tội ngoại tình, điều đó có thể gây biết bao đau khổ! Vì cú sốc và nỗi sầu khổ, người hôn phối bị phản bội có thể mất ngủ và hay khóc. Làm những công việc đơn giản người đó cũng căng thẳng đến mức dễ phạm sai sót hoặc gây ra sự cố. Người hôn phối vô tội trở nên biếng ăn, sụt cân và tâm thần bất định. Người đó cảm thấy khó tham gia các hoạt động đạo Đấng Christ. Và con cái chịu ảnh hưởng nặng nề biết bao!

13, 14. (a) Bạn nhận được sự khích lệ nào qua lời cầu nguyện của Sa-lô-môn tại buổi lễ khánh thành đền thờ? (b) Tại sao chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh?

13 Khi chúng ta trải qua những thử thách như thế, Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ mà chúng ta cần. (Thi-thiên 94:19) Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của dân Ngài; điều này được thấy rõ qua lời cầu nguyện của Vua Sa-lô-môn tại buổi lễ khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va: “Nếu có một người hoặc cả dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, ai nấy đã nhận-biết tai-họa của lòng mình, mà giơ tay ra hướng về đền nầy, và cầu-nguyện, khẩn-xin vô-luận điều gì, thì xin Chúa ở trên trời, là nơi Chúa ngự, dủ nghe, và tha-thứ cho, đối-đãi, báo-ứng mỗi người tùy theo công-việc họ, vì Chúa thông-biết lòng của họ (thật chỉ một mình Chúa biết lòng của con-cái loài người), để khiến họ kính-sợ Chúa trọn đời họ sống ở trên đất mà Chúa đã ban cho tổ-phụ chúng tôi”.—1 Các Vua 8:38-40.

14 Tiếp tục cầu xin thánh linh là điều đặc biệt hữu ích. (Ma-thi-ơ 7:7-11) Trái của thánh linh bao gồm những đức tính như vui mừng và bình an. (Ga-la-ti 5:22) Thật nhẹ nhõm biết bao khi Cha trên trời nhậm lời cầu nguyện của chúng ta—sự vui mừng và bình an thay thế cho nỗi đau buồn và thống khổ!

15. Các câu Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta bớt lo lắng?

15 Khi phải chịu đựng tình trạng hết sức căng thẳng, chúng ta không thể tránh được một số lo âu. Nhưng ít ra mối lo âu này có thể giảm bớt phần nào nếu chúng ta nhớ lời của Chúa Giê-su: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. . . Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:25, 33, 34) Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên hãy “trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc” chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Tất nhiên chúng ta nên cố gắng giải quyết vấn đề. Nhưng, sau khi đã làm hết sức mình thì lời cầu nguyện, chứ không phải sự lo lắng, sẽ giúp ích cho chúng ta. Người viết Thi-thiên hát: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”.—Thi-thiên 37:5.

16, 17. (a) Tại sao chúng ta không thể tránh khỏi mọi lo lắng? (b) Chúng ta sẽ cảm nhận được điều gì nếu áp dụng Phi-líp 4:6, 7?

16 Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Tất nhiên, con cháu bất toàn của A-đam không thể tránh khỏi mọi lo lắng. (Rô-ma 5:12) Các vợ người Hê-tít của Ê-sau “là một sự cay-đắng lòng” cho Y-sác và Rê-be-ca, cha mẹ tin kính của ông. (Sáng-thế Ký 26:34, 35) Bệnh tật hẳn là điều khiến các tín đồ Đấng Christ như Ti-mô-thê và Trô-phim lo lắng. (1 Ti-mô-thê 5:23; 2 Ti-mô-thê 4:20) Phao-lô cũng lo lắng cho các anh em đồng đạo. (2 Cô-rinh-tô 11:28) Nhưng “Đấng nghe lời cầu-nguyện” luôn sẵn sàng giúp đỡ những người yêu mến Ngài.—Thi-thiên 65:2.

17 Trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta được “Đức Chúa Trời của sự bình-an” hỗ trợ và an ủi. (Phi-líp 4:9) Đức Giê-hô-va “nhân-từ, thương-xót”, Ngài là “thiện, sẵn tha-thứ cho”, và “Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Thi-thiên 86:5; 103:13, 14) Vậy hãy “trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời”, nhờ đó chúng ta sẽ có được “sự bình-an của Đức Chúa Trời”—sự bình an vượt quá hiểu biết của con người.

18. Như ghi nơi Gióp 42:5, làm sao chúng ta có thể “thấy” Đức Chúa Trời?

18 Khi lời cầu nguyện được nhậm, chúng ta biết Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Sau khi chịu đựng thử thách, Gióp nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài”. (Gióp 42:5) Với cặp mắt hiểu biết, đức tin và lòng biết ơn, chúng ta có thể suy ngẫm về cách Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta và “thấy” Ngài rõ hơn bao giờ hết. Mối quan hệ mật thiết như thế quả thật mang lại cho chúng ta sự bình an tâm trí!

19. Nếu “trao mọi điều lo-lắng của mình cho Đức Giê-hô-va”, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều gì?

19 Nếu “trao mọi điều lo-lắng của mình cho Đức Giê-hô-va”, chúng ta có thể chịu đựng thử thách với sự bình tĩnh, là điều giúp gìn giữ lòng và trí. Tận đáy lòng, chúng ta sẽ cảm nhận được trạng thái không còn băn khoăn, sợ hãi, hốt hoảng. Tinh thần chúng ta sẽ không bối rối hay lo lắng nữa.

20, 21. (a) Trường hợp của Ê-tiên cung cấp bằng chứng nào về sự bình tĩnh khi bị ngược đãi? (b) Hãy nêu một gương thời nay về sự điềm tĩnh khi chịu đựng thử thách.

20 Môn đồ Ê-tiên biểu lộ sự bình tĩnh khi chịu thử thách gay go vì đức tin. Trước khi ông làm chứng lần cuối cùng, tất cả những người tại Tòa Công Luận “thấy mặt người như mặt thiên-sứ”. (Công-vụ 6:15) Vẻ mặt của ông rất điềm tĩnh—như nét mặt thiên sứ. Sau khi Ê-tiên vạch trần tội lỗi của họ về cái chết của Chúa Giê-su, các quan án “giận trong lòng, và nghiến răng với Ê-tiên”. ‘Được đầy-dẫy Thánh-Linh’, Ê-tiên “ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời”. Nhờ sự hiện thấy đó, Ê-tiên được vững mạnh và trung thành cho đến chết. (Công-vụ 7:52-60) Dù không nhận được sự hiện thấy, chúng ta vẫn có thể được Đức Chúa Trời ban cho sự điềm tĩnh khi bị ngược đãi.

21 Hãy xem xét cảm nghĩ của một số tín đồ Đấng Christ đã chết dưới tay Quốc Xã trong Thế Chiến II. Kể lại kinh nghiệm trước tòa án, một anh nói: “Tòa đã tuyên bố bản án tử hình. Con nghe bản án rồi tự nhủ lời này ‘hãy trung thành cho đến chết’, và vài lời khác của Chúa chúng ta, thế là xong. Nhưng bây giờ xin ba mẹ chớ bận tâm. Con có sự bình an, thanh thản mà ba mẹ khó tưởng tượng nổi!” Một tín đồ trẻ sắp lên máy chém đã viết thư cho ba mẹ: “Đã quá nửa đêm rồi. Con vẫn còn thời gian để đổi ý. Ôi! Có thể nào con lại hạnh phúc trong thế gian này sau khi đã chối bỏ Chúa chúng ta sao? Chắc chắn không! Nhưng giờ đây ba mẹ hãy yên tâm là con lìa thế gian này trong niềm hạnh phúc và bình an”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va hỗ trợ những tôi tớ trung thành của Ngài.

Bạn có thể nhịn nhục!

22, 23. Bạn có thể tin chắc điều gì khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục?

22 Có thể bạn không phải đương đầu với những thử thách đã xem xét ở trên. Tuy nhiên, người kính sợ Đức Chúa Trời là Gióp đã nói đúng: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Có lẽ bạn là bậc cha mẹ đang cố gắng hướng dẫn con cái về mặt thiêng liêng. Chúng phải chịu thử thách ở trường, nhưng bạn hạnh phúc biết bao khi chúng trung thành với Đức Giê-hô-va và các nguyên tắc công bình của Ngài! Có thể bạn gặp khó khăn và cám dỗ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, bạn có thể nhịn nhục, chịu đựng những hoàn cảnh này hoặc những hoàn cảnh khác vì ‘Đức Giê-hô-va hằng ngày gánh gánh-nặng của bạn’.—Thi-thiên 68:19.

23 Có thể bạn nghĩ mình chỉ là người bình thường, nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên công việc và lòng yêu thương mà bạn tỏ ra vì danh Ngài. (Hê-bơ-rơ 6:10) Với sự trợ giúp của Ngài, bạn có thể chịu đựng thử thách về đức tin. Vậy, trong lời cầu nguyện và trong các dự định của mình, hãy luôn nghĩ đến việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Rồi bạn có thể tin chắc sẽ được Ngài ban phước và hỗ trợ trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao tín đồ Đấng Christ cần phải nhịn nhục?

• Điều gì giúp chúng ta chịu đựng bệnh tật và nỗi đau mất người thân?

• Làm thế nào lời cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng thử thách?

• Làm sao chúng ta có thể chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va với lòng nhịn nhục?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

Nương cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau mất người thân

[Hình nơi trang 31]

Chân thành cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng thử thách về đức tin