Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể đối phó với sự bất công!

Bạn có thể đối phó với sự bất công!

Bạn có thể đối phó với sự bất công!

CÓ AI trên đời này chưa từng bị đối xử bất công? Có lẽ có những cảnh người ta nghĩ hoặc cho là bất công, nhưng cũng có những cảnh bất công thật sự.

Khi bị đối xử bất công, chúng ta cảm thấy bực tức và có thể để tâm trạng đó ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta mong muốn sửa đổi tình trạng bất công đó. Tại sao? Một lý do là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “là công-bình và chánh-trực” nên Ngài đã đặt vào lòng loài người đức tính yêu chuộng sự công bình. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Sáng-thế Ký 1:26) Tuy nhiên, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp mà chúng ta cảm thấy bất công. Một người khôn ngoan từng nhận xét: “Ta xây lại, xem-xét mọi sự hà-hiếp làm ra ở dưới mặt trời; kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp!” (Truyền-đạo 4:1) Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với sự bất công?

Bất công thật sự là gì?

Sự bất công là tình trạng hoặc hành động vi phạm tiêu chuẩn công bình. Tiêu chuẩn công bình cho nhân loại là gì? Rõ ràng, Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đấng công bình và không thay đổi, có quyền ấn định điều gì là công bình hoặc không công bình. Theo quan điểm của Ngài, bước theo “lệ-luật của sự sống” liên quan đến việc “không phạm sự gian-ác [“bất công”, Tòa Tổng Giám Mục]”. (Ê-xê-chi-ên 33:15) Vì thế, khi tạo nên người đầu tiên, Đức Giê-hô-va khắc ghi vào lòng ông một lương tâm—tiếng nói nội tâm để giúp ông phân biệt phải, trái. (Rô-ma 2:14, 15) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn cho ghi lại trong Kinh Thánh những điều công bình hoặc không công bình.

Nếu chúng ta cảm thấy mình bị đối xử bất công thì sao? Điều khôn ngoan là xem xét vấn đề một cách khách quan để biết chúng ta có thật sự bị đối xử bất công hay không. Thí dụ, hãy xem trường hợp của nhà tiên tri người Hê-bơ-rơ là Giô-na. Ông được Đức Giê-hô-va giao sứ mạng là rao báo cho dân ở thành Ni-ni-ve biết về tai vạ sắp đến. Thoạt đầu, Giô-na bỏ chạy, không thi hành nhiệm vụ được giao phó. Tuy nhiên, về sau, ông đến Ni-ni-ve và báo cho dân ở đó biết là họ sắp bị diệt vong. Khi thấy họ ăn năn, Đức Giê-hô-va quyết định không hủy diệt thành và cho họ được sống. Giô-na phản ứng ra sao? “Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ”. (Giô-na 4:1) Ông cảm thấy Đức Giê-hô-va không công bình chút nào.

Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va không lầm lẫn vì Ngài là Đấng có thể dò xét được lòng người ta và cũng là Đấng “chuộng sự công-bình và sự chánh-trực”. (Thi-thiên 33:5) Giô-na cần phải hiểu rằng quyết định của Đức Giê-hô-va là hoàn toàn công bình. Khi bị đối xử bất công, có lẽ chúng ta nên tự hỏi: ‘Có thể nào quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự việc này khác với quan điểm của chúng ta không?’

Khi bị đối xử bất công

Kinh Thánh tường thuật trường hợp của một số người bị đối xử bất công. Chúng ta có thể rút tỉa được nhiều kinh nghiệm khi xem xét cách họ xử sự trước những khó khăn. Hãy xem Giô-sép, người bị anh em ghen ghét đem bán làm nô lệ ở Ê-díp-tô. Nơi đó, Giô-sép bị vợ của chủ quyến rũ, và khi ông nhất định từ chối, bà vu cho ông tội quấy nhiễu tình dục. Hậu quả là Giô-sép bị bỏ tù. Tuy nhiên, gông cùm đã không thể lay chuyển cũng như không làm suy giảm được đức tin của ông.—Sáng-thế Ký 37:18-28; 39:4-20; Thi-thiên 105:17-19.

Một người khác cũng gặp cảnh bất công là Na-bốt. Ông là nạn nhân của sự lừa lọc hiểm độc do Giê-sa-bên, vợ Vua A-háp của nước Y-sơ-ra-ên, chủ mưu. Nhà vua ao ước có được mảnh đất bên cạnh cung điện. Mảnh đất này do tổ phụ của Na-bốt để lại. Vì Luật Pháp không cho phép dân Y-sơ-ra-ên sang nhượng cơ nghiệp của tổ phụ, nên Na-bốt từ chối khi vua muốn mua mảnh đất của ông. (Lê-vi Ký 25:23) Vì thế, người vợ gian ác của A-háp âm mưu đưa người làm chứng dối để vu cho Na-bốt tội phỉ báng Đức Chúa Trời và nhà vua. Hậu quả là Na-bốt và các con trai ông bị giết. Hãy tưởng tượng Na-bốt nghĩ gì khi thấy người ta nhặt đá lên để ném mình!—1 Các Vua 21:1-14; 2 Các Vua 9:26.

Tuy thế, những trường hợp trên không sánh bằng sự bất công mà Chúa Giê-su phải chịu. Những lời vu khống và phiên tòa xét xử trái phép đã khiến ngài bị chết. Vị thống đốc La Mã ngồi trên ghế phán xét đó không đủ nghị lực để bênh vực cho những điều mình thấy là đúng. (Giăng 18:38-40) Thật thế, Sa-tan xui khiến người ta đối xử rất bất công với Chúa Giê-su. Quả thật, đây là sự bất công lớn nhất mà Sa-tan từng gây ra!

Phải chăng những trường hợp trên cho thấy Đức Giê-hô-va chẳng màng gì đến sự công bình? Không phải vậy! Đức Giê-hô-va không xem những trường hợp đó theo quan điểm của loài người. (Ê-sai 55:8, 9) Trong trường hợp của Giô-sép, vì bị bán làm nô lệ nên ông mới có cơ hội cứu gia đình. Ông trở thành người quản lý lương thực của xứ Ê-díp-tô trước khi xảy ra nạn đói lớn ảnh hưởng đến gia đình ông. Hãy nghĩ xem, nếu Đức Giê-hô-va không để sự bất công xảy ra, Giô-sép ắt đã không bị tù. Chính nơi này, Giô-sép giải giấc mơ của hai tù nhân, và một trong hai người đó về sau đã nói cho Pha-ra-ôn biết về Giô-sép. Kết quả là Giô-sép được trở thành người quản lý lương thực.—Sáng-thế Ký 40:1; 41:9-14; 45:4-8.

Còn Na-bốt thì sao? Một lần nữa, chúng ta hãy xem xét vấn đề đó theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Đối với Đức Giê-hô-va, Đấng có thể làm người chết sống lại, thì Na-bốt vẫn sống trong ký ức Ngài, dù ông đã chết. (1 Các Vua 21:19; Lu-ca 20:37, 38) Na-bốt phải đợi đến khi Đức Giê-hô-va cho ông sống lại. Tuy nhiên, khoảng thời gian chờ đợi đó như thể chỉ trong chốc lát vì người chết không biết gì hết. (Truyền-đạo 9:5) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va đã báo thù cho Na-bốt bằng cách trừng phạt A-háp và gia đình ông.—2 Các Vua 9:21, 24, 26, 35, 36; 10:1-11; Giăng 5:28, 29.

Riêng trường hợp Chúa Giê-su, tuy ngài bị chết nhưng Đức Chúa Trời đã cho ngài sống lại và nâng ngài lên vị thế “cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế-lực, mọi quân-chủ cùng mọi danh vang ra”. (Ê-phê-sô 1:20, 21) Sự bất công mà Sa-tan gây cho Chúa Giê-su đã không thể ngăn cản Đức Giê-hô-va ban thưởng cho Con của Ngài. Chúa Giê-su tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể lập tức ngăn chặn cảnh bắt giam bất công nếu đó là ý muốn của Cha ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng biết rằng Đức Giê-hô-va có thời điểm để làm ứng nghiệm các lời trong Kinh Thánh và xóa tan mọi bất công.

Đành rằng những người công bình nói trên là nạn nhân của sự bất công do Sa-tan và những kẻ đại diện hắn gây ra, nhưng rốt cuộc Đức Giê-hô-va đã giải quyết tất cả các vấn đề đó. Ngài đã hoặc sẽ vĩnh viễn xóa bỏ cảnh bất công. Vì vậy, để xóa bỏ mọi bất công, chúng ta phải chờ đợi Đức Chúa Trời.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:16; Rô-ma 12:17-19.

Vì sao Đức Giê-hô-va để cho bất công xảy ra?

Có thể Đức Giê-hô-va còn có những lý do khác khiến Ngài không sửa đổi tình trạng nào đó. Ngài có thể để cảnh bất công xảy ra nhằm huấn luyện chúng ta. Hiển nhiên, Đức Chúa Trời không dùng sự ác để thử bất cứ ai. (Gióp 34:10) Dầu vậy, có thể Ngài không can thiệp nhưng vẫn gìn giữ những ai chịu huấn luyện khi trải qua một tình huống khó khăn nào đó. Kinh Thánh cam kết rằng: ‘Sau khi chúng ta tạm chịu khổ, chính Đức Chúa Trời ban mọi ơn sẽ làm cho chúng ta trọn-vẹn, vững-vàng, và thêm sức cho’.—1 Phi-e-rơ 5:10.

Hơn nữa, lý do Đức Giê-hô-va để một sự bất công nào đó xảy ra có thể là cho những người gây ra sự bất công thời gian để ăn năn. Chỉ vài tuần sau khi Chúa Giê-su bị hành quyết, vài người Do Thái cảm thấy “đau đớn trong lòng” khi nghe lời khuyên của Phi-e-rơ. Họ vui vẻ tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời và được làm báp têm.—Công-vụ 2:36-42, TTGM.

Sự thật là không phải tất cả mọi người gây ra sự bất công sẽ đều ăn năn. Một số có lẽ còn trắng trợn làm những điều bất công. Tuy nhiên, Châm-ngôn 29:1 nói: “Người nào bị quở-trách thường, lại cứng cổ mình, sẽ bị bại-hoại thình-lình, không phương cứu-chữa”. Thật vậy, cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ ra tay diệt sạch những ai tiếp tục cư xử bất công.—Truyền-đạo 8:11-13.

Dù phải mất bao lâu đi nữa để quên việc người ta đối xử bất công với mình, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết cách giúp chúng ta. Và Ngài chắc chắn sẽ xóa tan bất cứ sự bất công nào làm chúng ta khổ sở trong thế gian đầy gian ác này. Hơn nữa, Ngài hứa ban cho chúng ta phần thưởng sau chót: đời sống vĩnh cửu trong thế giới mới, là “nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

[Hình nơi trang 16, 17]

Na-bốt cảm thấy thế nào khi bị rơi vào cảnh vô cùng bất công?