Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Cựu Ước” vẫn còn hợp thời không?

“Cựu Ước” vẫn còn hợp thời không?

“Cựu Ước” vẫn còn hợp thời không?

VÀO năm 1786, một bác sĩ người Pháp cho ra đời một tác phẩm mang tên Traité d’anatomie et de physiologie (Sách về cơ thể và chức năng sinh lý). Thời đó, quyển sách ấy được xem là chuẩn nhất về lãnh vực cơ thể học và thần kinh học. Gần đây, một trong những bản hiếm hoi của tác phẩm này được bán với giá trên 27.000 đô la Mỹ! Tuy nhiên, ngày nay nếu một bác sĩ phẫu thuật dùng thông tin từ cuốn sách y khoa hàng trăm tuổi này, thì ít có bệnh nhân nào dám tin vào ông. Tuy có giá trị lịch sử và văn chương, nhưng sách này không giúp ích gì cho một bệnh nhân thời nay.

Nhiều người cảm thấy như thế về phần Kinh Thánh được gọi là Cựu Ước. Họ nhận biết giá trị của lời tường thuật về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên và thán phục những bài thơ tuyệt tác trong phần này. Tuy nhiên, họ cho rằng làm theo sự chỉ dẫn của một quyển sách đã có từ hơn 2.400 năm trước là điều không hợp lý. Kiến thức khoa học, ngành thương mại và ngay cả đời sống gia đình hiện nay khác xa thời Kinh Thánh được viết ra. Ông Philip Yancey là cựu biên tập tạp chí Christianity Today (Đạo Đấng Christ ngày nay) và tác giả sách The Bible Jesus Read (Kinh Thánh Chúa Giê-su từng đọc). Ông viết trong sách này: “[Cựu Ước] thường tối nghĩa mà khi có nghĩa thì lại gây phản cảm cho độc giả thời nay. Đó là một trong những lý do người ta ít đọc Cựu Ước, là phần chiếm đến ba phần tư Kinh Thánh”. Quan điểm này không phải mới lạ.

Sứ đồ Giăng, người sống lâu nhất trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su, qua đời vào khoảng năm 100 CN. Không đầy 50 năm sau đó, một người đàn ông giàu có và trẻ tuổi tên là Marcion đưa ra lập luận rằng tín đồ Đấng Christ nên loại bỏ Cựu Ước. Theo sử gia người Anh là Robin Lane Fox, ông Marcion cho rằng: “Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là Đấng tàn ác, dung túng bọn cướp và những kẻ giết người chẳng hạn như Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Ngược lại, Chúa Giê-su là hình ảnh một Đức Chúa Trời hoàn toàn mới và khác biệt, ngài là Đấng cao thượng”. Ông Fox cho biết những tư tưởng này “đã hợp thành ‘thuyết Marcion’ và cả đến thế kỷ thứ tư vẫn có người tin theo, nhất là những người nói tiếng Sy-ri cổ ở phương Đông”. Một số tư tưởng của ông vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay, hơn 1.600 năm sau. Do đó, theo lời ông Philip Yancey, “tín đồ các đạo Ky-tô ngày càng hiểu hạn hẹp về Cựu Ước, và người ta nói chung thì hầu như không còn có ý niệm nào về phần này”.

Vậy thì phải chăng Cựu Ước đã lỗi thời? Làm sao Đức Chúa Trời có thể vừa là “Đức Giê-hô-va vạn-quân” trong Cựu Ước vừa là ‘Đức Chúa Trời của sự yêu-thương và sự bình-an’ trong Tân Ước? Có cách nào lý giải mâu thuẫn này không? (Ê-sai 13:13; 2 Cô-rinh-tô 13:11) Cựu Ước có giá trị gì cho chúng ta không?