Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Lời đã chép để dạy-dỗ chúng ta’

‘Lời đã chép để dạy-dỗ chúng ta’

‘Lời đã chép để dạy-dỗ chúng ta’

“SÁCH VỞ viết ra nhiều, không bao giờ chấm dứt”. (Truyền-đạo 12:12, Bản Dịch Mới) Ngày nay, câu Kinh Thánh này vẫn đúng vì sách báo tràn ngập khắp mọi nơi. Thế thì làm sao một người biết suy xét có thể lựa chọn nên đọc sách báo nào?

Trước khi chọn đọc một quyển sách nào, chúng ta thường muốn biết về tác giả sách ấy. Vì thế, nhà xuất bản đôi khi cho in thêm vài nét về tiểu sử của tác giả, chẳng hạn như quê quán, trình độ học vấn và những tác phẩm do người ấy viết. Tên tuổi của nhà văn rất quan trọng. Chẳng hạn, cách đây vài thế kỷ, những nhà văn nữ thường lấy bút danh của phái nam để độc giả không xem thường tác phẩm của họ.

Như được đề cập trong bài trước, một số người không đọc Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (Do Thái cổ) chỉ vì họ nghĩ Đức Chúa Trời trong phần này là vị thần tàn ác, hủy diệt kẻ thù không thương tiếc. * Hãy cùng nhau xem những gì Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ và phần tiếng Hy Lạp cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời, Tác Giả của Kinh Thánh.

Tìm hiểu Tác Giả Kinh Thánh

Theo Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:6) Khoảng 500 năm sau, một trong những người viết Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp là Gia-cơ đã nói về Đức Chúa Trời như sau: “Trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. (Gia-cơ 1:17) Vậy thì tại sao một số người cảm thấy rằng hình ảnh của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ lại khác với Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp?

Đó là vì Kinh Thánh miêu tả nhiều đặc tính và vai trò khác nhau của Đức Chúa Trời. Chỉ riêng sách đầu của Kinh Thánh là Sáng-thế Ký cũng đã miêu tả Đức Chúa Trời dưới nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: Ngài cảm thấy “buồn-rầu trong lòng”, Ngài là “Chúa-Tể của trời và đất” và “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”. (Sáng-thế Ký 6:6; 14:22; 18:25) Có phải những lời này muốn nói đến nhiều Đấng khác nhau không? Hiển nhiên là không.

Chúng ta hãy thử hình dung về hình ảnh một quan tòa. Đối với người đứng trước vành móng ngựa, ông là một người nghiêm minh thi hành công lý. Đối với con cái, ông là người cha biết thông cảm và thương yêu gia đình. Còn bạn bè thì xem ông là người thân thiện và có tính khôi hài. Như vậy, ông vừa là quan tòa, vừa là người cha, vừa là người bạn. Đây là những đặc tính và vai trò của cùng một người, nhưng được thể hiện rõ nét tùy trường hợp.

Tương tự, Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. Mặt khác, Kinh Thánh cũng nói Ngài là Đấng “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Hai khía cạnh này đều nói lên ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời. Danh “Giê-hô-va” hàm ý là Đức Chúa Trời có thể trở thành bất cứ vai trò nào cần thiết để thực hiện lời hứa của Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-15, NW) Dù có nhiều vai trò, Ngài vẫn là một Đấng duy nhất. Chúa Giê-su khẳng định: “Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một”.—Mác 12:29.

Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có lỗi thời không?

Thông thường sách vở trở nên lỗi thời khi người ta thay đổi quan điểm hoặc phát hiện thông tin mới. Thế thì Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có lỗi thời không? Phải chăng Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp đã thay thế phần này? Câu trả lời là không.

Chúa Giê-su không muốn lời tường thuật về thánh chức của ngài và những sách của các môn đồ thay thế phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nếu ngài muốn vậy, hẳn ngài đã nói rõ. Trái lại, trước khi ngài lên trời, môn đồ Lu-ca cho biết: “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên-tri [trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ] mà cắt nghĩa cho hai [môn đồ] những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh-thánh”. Về sau, Chúa Giê-su hiện ra cho nhiều người, trong đó có các sứ đồ trung thành. Lu-ca tường thuật tiếp: “Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật-pháp Môi-se, các sách tiên-tri, cùng các thi-thiên phải được ứng-nghiệm”. (Lu-ca 24:27, 44) Nếu Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (gồm luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các thi thiên) đã lỗi thời, sao Chúa Giê-su vẫn nói đến phần Kinh Thánh này vào cuối cuộc đời trên đất của ngài?

Sau khi hội thánh của Chúa Giê-su được thành lập, các môn đồ ngài vẫn tiếp tục dùng Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Họ đặc biệt lưu ý đến những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm và những nguyên tắc trong Luật Pháp Môi-se dạy họ các bài học quý giá. Ngoài ra, họ cũng đề cập đến những lời tường thuật về gương mẫu các tôi tớ Đức Giê-hô-va thời xưa nhằm khuyến khích lẫn nhau giữ vững lòng trung thành. (Công-vụ 2:16-21; 1 Cô-rinh-tô 9:9, 10; Hê-bơ-rơ 11:1–12:1) Sứ đồ Phao-lô viết: ‘Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn và có ích’. * (2 Ti-mô-thê 3:16) Thời nay, Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có ích như thế nào?

Lời khuyên khôn ngoan cho mọi người

Chúng ta hãy bàn về vấn đề kỳ thị chủng tộc thời nay. Một thanh niên 21 tuổi gốc Ethiopia, châu Phi, đã đến sinh sống tại một thành phố ở Đông Âu. Anh cho biết: “Muốn đi đâu, chúng tôi phải đi cả nhóm. Khi đi chung như vậy, chúng tôi ít bị tấn công”. Anh nói tiếp: “Sau 6 giờ tối, chúng tôi không thể đi ra đường, nhất là đi tàu điện ngầm. Người ta nhìn chằm chằm vào chúng tôi chỉ vì màu da của chúng tôi”. Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có đề cập đến vấn đề nan giải này không?

Dân Y-sơ-ra-ên xưa được khuyên: “Khi kẻ khách nào kiều-ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà-hiếp người. Kẻ khách kiều-ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều-ngụ trong xứ Ê-díp-tô”. (Lê-vi Ký 19:33, 34) Vậy, luật của xứ Y-sơ-ra-ên đòi hỏi người dân phải tôn trọng “khách kiều-ngụ”, tức là người nước ngoài. Điều luật ấy nằm trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Hẳn bạn đồng ý rằng làm theo những nguyên tắc trong điều luật này là yếu tố cơ bản để giải quyết vấn đề kỳ thị chủng tộc thời nay.

Ngoài ra, dù không phải là sách cẩm nang về việc quản lý tiền bạc, Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cũng cho lời khuyên thiết thực về phương diện này. Chẳng hạn, Châm-ngôn 22:7 nói: “Kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn”. Ngày nay, nhiều nhà cố vấn cũng đồng ý rằng thiếu suy xét trong việc mua trả góp có thể khiến một người bị khánh kiệt.

Cố gắng làm giàu bằng mọi cách là chuyện thông thường trong xã hội đặt nặng vật chất ngày nay. Vua Sa-lô-môn, một trong những người giàu có nhất trong lịch sử, nhận xét thật đúng: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi. Điều đó cũng là sự hư-không”. (Truyền-đạo 5:10) Thật là một lời khuyên khôn ngoan!

Hy vọng tươi sáng cho tương lai

Cả Kinh Thánh khai triển một chủ đề duy nhất: Nước Trời dưới quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su sẽ biện minh cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời và làm thánh danh Ngài.—Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 11:15.

Qua Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta biết được đời sống sẽ ra sao khi Nước Trời cai trị. Nhờ thế, chúng ta cảm thấy được an ủi và muốn đến gần Đấng ban sự an ủi đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-sai báo trước rằng loài người và loài thú sẽ sống trong bình an: “Muông-sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư-tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi”. (Ê-sai 11:6-8) Thật là một triển vọng tươi đẹp!

Còn những ai là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc, những căn bệnh hiểm nghèo, hay tình trạng bất ổn về kinh tế thì sao? Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ báo trước về Chúa Giê-su: “Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn”. (Thi-thiên 72:12, 13) Những lời hứa trên không phải là thiếu thực tế vì khi người ta đặt niềm tin nơi chúng, họ có cái nhìn lạc quan và hy vọng chắc chắn cho tương lai.—Hê-bơ-rơ 11:6.

Không lạ gì khi sứ đồ Phao-lô viết những lời được soi dẫn sau: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Đúng vậy, Lời Đức Chúa Trời không thể thiếu phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Phần này vẫn hữu ích cho chúng ta ngày nay biết bao! Chúng tôi chân thành mời các bạn tìm hiểu về những gì mà toàn bộ Kinh Thánh dạy, nhờ thế các bạn có thể đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Tác Giả của Kinh Thánh.—Thi-thiên 119:111, 112.

[Chú thích]

^ đ. 4 Trong bài này, chúng tôi dùng cụm từ “Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ” để chỉ về Cựu Ước. (Xin xem khung “ ‘Cựu Ước’ hay ‘Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ’ ? ” nơi trang 6). Tương tự, cụm từ “Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp” được dùng để chỉ Tân Ước.

^ đ. 13 Tuy Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có nhiều nguyên tắc vô giá cho thời nay, nhưng Luật Pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa qua ông Môi-se không còn hiệu lực đối với môn đồ Chúa Giê-su.

[Khung nơi trang 6]

“CỰU ƯỚC” HAY “KINH THÁNH PHẦN TIẾNG HÊ-BƠ-RƠ”?

Từ “Cựu-ước” xuất hiện nơi 2 Cô-rinh-tô 3:14 và được dịch từ chữ Hy Lạp di·a·theʹke. Vậy từ “Cựu Ước” có nghĩa gì?

Nhà từ điển học Edward Robinson nói: “Vì giao ước xưa được đề cập nơi các sách của ông Môi-se, nên [di·a·theʹke] chỉ về quyển sách giao ước, tức các quyển sách của Môi-se, hoặc luật pháp [Môi-se]”. Vậy thì nơi 2 Cô-rinh-tô 3:14, sứ đồ Phao-lô chỉ muốn nói đến Luật Pháp Môi-se, một phần của Kinh Thánh trước thời Chúa Giê-su.

Vậy, chúng ta nên gọi 39 sách đầu của Kinh Thánh theo cách nào là thích hợp nhất? Thay vì dùng một từ hàm ý là phần Kinh Thánh này đã cũ và lỗi thời, Chúa Giê-su và các môn đồ dùng từ “Kinh-thánh” để nói đến phần này. (Ma-thi-ơ 21:42; Rô-ma 1:2) Do đó, phù hợp với những câu Kinh Thánh trên, Nhân Chứng Giê-hô-va gọi Cựu Ước là “Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ” vì hầu hết phần này được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Tương tự, họ gọi Tân Ước là “Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp” vì tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ mà những người được Đức Chúa Trời soi dẫn đã sử dụng để viết phần này.

[Các hình nơi trang 4]

Một người có thể vừa là quan tòa nghiêm minh, vừa là người cha yêu thương, vừa là người bạn thân thiện

[Hình nơi trang 5]

Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ trong suốt thời gian thi hành thánh chức

[Các hình nơi trang 7]

Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp một người quyết định khôn ngoan?