Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhờ Đức Giê-hô-va, chúng tôi sống sót dưới chế độ chuyên chế

Nhờ Đức Giê-hô-va, chúng tôi sống sót dưới chế độ chuyên chế

Tự Truyện

Nhờ Đức Giê-hô-va, chúng tôi sống sót dưới chế độ chuyên chế

Do Henryk Dornik kể lại

TÔI sinh năm 1926 trong một gia đình Công Giáo mộ đạo. Gia đình tôi sống ở Ruda Slaska, một thị trấn khai thác mỏ gần Katowice, ở miền nam Ba Lan. Tôi có một người anh là Bernard, hai em gái là Róża và Edyta. Cha mẹ hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện, đi lễ và chịu phép bí tích rửa tội.

Lẽ thật đến với gia đình tôi

Vào một ngày tháng Giêng năm 1937, khi tôi lên mười, cha trở về nhà với vẻ mặt hớn hở. Cha cầm một cuốn sách lớn và dày cộm do Nhân Chứng Giê-hô-va phát hành. Cha nói: “Các con ơi, các con có biết đây là sách gì không? Đây là Kinh Thánh!” Trước đó, tôi chưa từng thấy cuốn Kinh Thánh.

Từ lâu, giáo hội Công Giáo đã có ảnh hưởng lớn đối với người dân ở Ruda Slaska và những vùng xung quanh. Các linh mục thích làm quen với các chủ hầm mỏ và yêu cầu thợ mỏ cùng gia đình phải tuyệt đối vâng lời. Nếu một thợ mỏ không đi lễ hay xưng tội thì bị xem là kẻ phản Chúa và bị đuổi việc. Không lâu sau, cha tôi cũng bị đe dọa như thế vì kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi một linh mục đến nhà tôi, cha tôi đã vạch trần những tín lý giả dối của giáo hội trước mặt nhiều người. Vị linh mục cảm thấy ngượng và không muốn gặp thêm rắc rối, vì vậy cha tôi không bị đuổi việc.

Khi chứng kiến cuộc đối thoại đó, tôi càng muốn học Kinh Thánh. Với thời gian, tôi bắt đầu yêu mến Đức Giê-hô-va và tạo mối quan hệ mật thiết với Ngài. Vài tháng sau cuộc nói chuyện với vị linh mục đó, hai cha con tôi cùng đi dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Vào dịp ấy, cha được giới thiệu trước một nhóm 30 người: “Đây là một thành viên thuộc lớp người Giô-na-đáp”. Không lâu sau tôi biết rằng lớp người Giô-na-đáp là những tín đồ có hy vọng sống trên đất và nhóm người này sẽ gia tăng. *2 Các Vua 10:15-17.

“Này cháu! Cháu có biết báp têm nghĩa là gì không?”

Sau khi học Kinh Thánh, cha bỏ rượu và trở thành người chồng, người cha tốt. Tuy nhiên, mẹ vẫn không đồng quan điểm tôn giáo với cha. Mẹ thường nói rằng thà cha giữ lối sống trước kia mà vẫn là người Công Giáo. Tuy nhiên, sau khi Thế Chiến II bùng nổ, mẹ biết vị linh mục từng cầu nguyện cho Ba Lan chiến thắng quân xâm lược Đức, giờ đây chính ông lại cảm tạ Chúa đã cho Hitler thắng trận! Sau đó, vào năm 1941, mẹ cùng với mọi thành viên trong gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va.

Trước đó, tôi xin làm báp têm để biểu lộ ước muốn dâng mình cho Đức Chúa Trời, nhưng các trưởng lão nói rằng tôi còn quá nhỏ. Các anh bảo tôi chờ thêm một thời gian nữa. Vào ngày 10-12-1940, anh Konrad Grabowy (một anh sau này đã chết trong trại tập trung vì giữ lòng trung thành) đã kín đáo đến một căn hộ nhỏ để phỏng vấn tôi. Anh hỏi tôi năm câu và hài lòng với các câu trả lời của tôi. Sau đó, anh đồng ý làm báp têm cho tôi. Trong số những câu anh hỏi, tôi còn nhớ một câu là: “Này cháu! Cháu có biết báp têm nghĩa là gì không?” Tôi cũng nhớ một câu khác: “Bây giờ là thời chiến, chừng vài tuổi nữa cháu sẽ phải quyết định trung thành với Hitler hay với Đức Giê-hô-va, và quyết định của cháu có thể phải trả giá bằng mạng sống. Cháu có biết điều đó không?” Không ngần ngại, tôi trả lời: “Dạ cháu biết”.

Sự bắt bớ bắt đầu

Vì sao anh Konrad Grabowy thẳng thắn hỏi tôi những câu đó? Vì quân đội Đức đã chiếm được Ba Lan vào năm 1939, và chúng tôi sẽ phải đương đầu với những thử thách gay go để giữ đức tin và lòng trung kiên. Mỗi ngày trôi qua, tình hình càng căng thẳng khi chúng tôi nghe tin các anh chị đồng đạo bị bắt, bị đi đày, bị bỏ tù hoặc bị đưa đến các trại tập trung. Không lâu nữa sẽ tới phiên chúng tôi.

Đức Quốc Xã muốn biến thế hệ trẻ, kể cả bốn anh em tôi, trở thành những người trung thành ủng hộ Đệ Tam Quốc Xã. Vì cha mẹ tôi đã nhiều lần từ chối ký tên vào Volkslist (danh sách những người đã hoặc muốn trở thành công dân Đức) nên bị tước mất quyền nuôi dạy anh em chúng tôi. Cha bị đưa đến trại tập trung ở Auschwitz. Vào tháng 2 năm 1944, tôi và anh trai bị đưa đến trại giáo huấn ở Grodków (Grottkau), gần Nysa. Hai em gái tôi bị đưa vào một tu viện ở Czarnowąsy (Klosterbrück), gần Opole. Mục tiêu của họ là tẩy khỏi não chúng tôi tư tưởng mà họ gọi là “quan điểm sai lầm của cha mẹ”. Tuy nhiên, họ không bắt mẹ tôi.

Trong sân của trại giáo huấn, mỗi sáng lá cờ quốc xã được kéo lên và chúng tôi được lệnh phải giơ tay chào cờ và hô lớn “Heil Hitler” để tôn vinh Hitler. Đây quả là một thử thách gay go về đức tin, nhưng anh Bernard và tôi vẫn kiên quyết không thỏa hiệp. Hậu quả là chúng tôi bị đánh đập tàn nhẫn vì tội “bất kính”. Sau đó, lính cai tù SS đã nhiều lần cố áp đảo tinh thần chúng tôi. Tuy nhiên, khi thấy không lay chuyển được đức tin của chúng tôi, họ buộc chúng tôi phải chọn giải pháp cuối cùng: “Một là ký vào bản tuyên ngôn thề trung thành với nước Đức và gia nhập Wehrmacht (quân đội Đức), hai là bị đưa vào trại tập trung”.

Tháng 8 năm 1944, khi những người cai tù chính thức đề nghị giải chúng tôi đến trại tập trung, họ ghi trên tờ đơn những lời như sau: “Không thể buộc bọn chúng làm gì. Chúng thà tử vì đạo còn hơn. Lập trường của bọn chúng là mối đe dọa cho cả trại”. Dù không hề muốn trở thành người tử vì đạo, nhưng tôi cảm thấy vui khi can đảm chịu đựng và kiên quyết trung thành với Đức Giê-hô-va. (Công-vụ 5:41) Nếu chỉ nhờ sức riêng, tôi không thể nào chịu nổi những thử thách sắp tới. Nhưng nhờ cầu nguyện tha thiết, tôi cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va, và Ngài đã chứng tỏ là Đấng giúp đỡ đáng tin cậy.—Hê-bơ-rơ 13:6.

Trong trại tập trung

Không lâu sau, tôi bị đưa đến trại tập trung Gross-Rosen ở Silesia. Tôi có mã số tù và một tam giác tím, dấu hiệu để nhận ra tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Lính SS cho tôi một cơ hội. Tôi sẽ được ra trại, thậm chí có thể trở thành một sĩ quan của quân đội Quốc Xã, nhưng họ đưa ra một điều kiện: “Mày phải tuyên bố từ bỏ tư tưởng của bọn Học Viên Kinh Thánh, cái tư tưởng trái ngược với Đệ Tam Quốc Xã”. Không tù nhân nào có được cơ hội này. Chỉ Nhân Chứng Giê-hô-va mới có cơ hội được thoát khỏi trại tập trung. Tuy nhiên, như hàng ngàn anh chị khác, tôi đã thẳng thắn từ chối “ân huệ” đó. Những người lính cai tù nói: “Hãy nhìn kỹ cái ống khói của lò hỏa thiêu kia và nghĩ lại đi. Cách duy nhất để mày có tự do là bay ra từ đường đó!” Tôi lại kiên quyết từ chối, và ngay lúc đó, lòng tôi tràn đầy “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”.—Phi-líp 4:6, 7.

Tôi cầu xin được liên lạc với anh em đồng đạo ở cùng trại, và Đức Giê-hô-va đã nhậm lời. Trong số đó có một anh rất trung thành tên là Gustaw Baumert, người đã ân cần và thương yêu chăm sóc tôi. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va chứng tỏ là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” cho tôi.—2 Cô-rinh-tô 1:3.

Sau vài tháng, quân đội Nga tiến đến gần thành phố và buộc Đức Quốc Xã phải nhanh chóng rời khỏi trại tập trung này. Khi đang chuẩn bị di tản, anh em chúng tôi đánh liều chạy đến trại giam nữ để biết tình trạng an toàn của khoảng 20 chị, trong đó có chị Elsa Abt và Gertrud Ott. * Khi thấy chúng tôi, họ vội chạy đến đón, và sau một hồi khích lệ lẫn nhau, họ cùng nhau hát bài thánh ca có đoạn như sau: “Ai người có trung tín, ai người có tâm huyết, sẽ không bao giờ lo sợ gì”. * Thật khó mà cầm được nước mắt!

Đến trại kế tiếp

Đức Quốc Xã dồn khoảng 100 đến 150 tù nhân vào các toa xe lửa dùng để chở than. Chúng tôi đi dưới làn sương giá và mưa băng mà không có thức ăn hay nước uống. Chúng tôi gần như chết khát và bị sốt cao. Các khoang tàu ngày một trống trải vì nhiều người bị mất mạng do bệnh tật và kiệt sức. Chân và khớp bị sưng tấy đến độ tôi không thể nào đứng dậy được. Sau mười ngày đường, chúng tôi đến trại Mittelbau-Dora, ở thành phố Nordhausen, gần Weimar thuộc Thuringia, nhưng chỉ còn ít người sống sót. Thật ngạc nhiên là không một anh em Nhân Chứng nào bị chết trong chuyến đi kinh hoàng này.

Khi vừa phục hồi sức khỏe sau chuyến đi đó, tôi lại phải đương đầu với dịch tiêu chảy lây lan khắp trại. Một số anh khác cũng mắc bệnh này. Vì thế, chúng tôi được căn dặn là nên kiêng ăn xúp một thời gian và chỉ ăn bánh mì cháy. Nhờ vậy, tôi đã nhanh chóng bình phục. Tháng 3 năm 1945, chúng tôi được biết câu Kinh Thánh của năm đó là Ma-thi-ơ 28:19: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. Câu này cho thấy rằng không lâu nữa những cánh cổng trại giam sẽ mở toang và tin mừng tiếp tục được rao truyền khắp đất! Điều này khiến lòng chúng tôi ngập tràn niềm vui và hy vọng vì nghĩ rằng Thế Chiến II là khởi điểm dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn. Trong những lúc khó khăn như thế, chúng tôi nhận ra Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ chúng tôi nhiều biết bao!

Được giải phóng khỏi trại

Ngày 1-4-1945, quân Đồng Minh thả bom các trại lính SS và trại giam gần chỗ chúng tôi. Nhiều người thiệt mạng và bị thương. Ngày hôm sau thì chỗ chúng tôi bị dội bom liên tục, lúc ấy sức nổ khủng khiếp của quả bom hất tung tôi lên không trung.

Một anh tên Fritz Ulrich chạy đến giúp tôi. Anh đào bới đống gạch vụn, hy vọng tôi vẫn còn sống. Khi tìm thấy tôi, anh kéo tôi ra khỏi đống đổ nát. Khi tỉnh lại, tôi thấy trên thân thể, mặt mũi đầy những vết thương và không nghe được gì. Tiếng nổ của quả bom đã làm tôi bị thủng màng nhĩ. Trước khi được chữa lành, tôi gặp vấn đề nghiêm trọng về thính giác trong nhiều năm.

Trong số hàng ngàn tù nhân, chỉ có vài người sống sót sau trận dội bom đó. Một số anh em Nhân Chứng đã mất mạng, có cả anh Gustaw Baumert, một anh rất đáng mến. Các vết thương bị nhiễm trùng và hành tôi sốt cao. Tuy nhiên, không lâu sau thì quân Đồng Minh đã phát hiện và giải phóng chúng tôi. Trong thời gian ấy, thi thể của các tù nhân bị giết hoặc bị chết bắt đầu thối rữa và gây nên dịch sốt ban Rickettsia. Tôi cũng không thoát khỏi căn bệnh đó. Tôi cùng những bệnh nhân khác được đưa đến bệnh viện. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, nhưng chỉ có ba người sống sót. Tôi thật cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài đã giúp tôi giữ lòng trung thành trong những lúc khó khăn như thế! Qua kinh nghiệm bản thân, tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va đã tìm cách cứu tôi qua khỏi “trũng bóng chết”.—Thi-thiên 23:4.

Cuối cùng tôi cũng về được nhà!

Sau khi quân Đức đầu hàng, tôi hy vọng sẽ sớm được về nhà, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như tôi tưởng. Tôi bị một số cựu tù nhân thuộc hội Công Giáo Tiến Hành phát hiện. Sau khi hô hào: “Giết nó đi!”, họ quật tôi xuống đất rồi đạp lên tôi. Một người đàn ông chạy đến cứu tôi thoát khỏi tay họ, nhưng mãi lâu sau tôi mới bình phục vì bị thương và vẫn còn yếu do bệnh sốt ban. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng về được nhà. Được đoàn tụ gia đình, tôi mừng khôn tả! Cả nhà đều mừng rỡ khi gặp lại tôi vì tưởng tôi đã chết.

Không lâu sau, chúng tôi trở lại công việc rao giảng, và nhiều người có lòng thành thật đã đồng ý học Kinh Thánh. Lúc ấy, tôi được giao trách nhiệm phân phát sách báo cho hội thánh. Cùng với những anh khác, tôi được gặp các anh đại diện của chi nhánh Đức tại Weimar. Sau đó, chúng tôi đem về Ba Lan vài số Tháp Canh bằng tiếng Đức. Nhân Chứng ở đây liền bắt tay vào việc dịch những số Tháp Canh này. Họ đánh giấy xtăngxin và quay ra các bản bằng tiếng Ba Lan. Khi trách nhiệm trông coi công việc của nước Ba Lan được giao lại cho văn phòng ở Lodz, các hội thánh bắt đầu nhận đều đặn ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tôi bắt đầu làm tiên phong đặc biệt, tức người truyền giáo trọn thời gian, và phụ trách cả vùng Silesia, một khu vực rộng lớn. Lúc đó, nhiều vùng đất ở Silesia thuộc về lãnh thổ Ba Lan.

Tuy nhiên, không lâu sau, Nhân Chứng Giê-hô-va lại bị bắt bớ, lần này do chính phủ mới được thành lập tại Ba Lan. Vào năm 1948, tôi bị kết án hai năm tù vì kiên quyết giữ vị thế trung lập. Trong khám, tôi có dịp giúp nhiều tù nhân đến gần Đức Chúa Trời. Trong số đó có một người chấp nhận lẽ thật, dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm.

Năm 1952, tôi lại phải ngồi tù vì bị vu là gián điệp của Mỹ! Trong khi chờ đợi được xét xử, tôi bị biệt giam và tra khảo cả ngày lẫn đêm. Một lần nữa, Đức Giê-hô-va lại giải cứu tôi khỏi tay những kẻ chống đối. Trong những năm sau đó, tôi không còn phải chịu cảnh đó nữa.

Điều giúp tôi chịu đựng

Khi nhìn lại những năm tháng đầy gian truân và thử thách, tôi có thể nhận ra những nguồn khích lệ giúp tôi chịu đựng. Trước nhất, nguồn sức mạnh giúp tôi chịu đựng đến từ Đức Giê-hô-va và Lời Ngài, tức Kinh Thánh. Tôi và các anh chị khác đã giữ vững đức tin nhờ hằng ngày học hỏi Kinh Thánh và hết lòng cầu nguyện với Đức Chúa Trời, Đấng “ban mọi sự yên-ủi”. Bên cạnh đó, những bản Tháp Canh chép tay cũng góp phần củng cố đức tin của chúng tôi. Trong trại tập trung, tôi được thêm sức nhờ lòng quan tâm của các anh em đồng đạo. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi.

Đức Giê-hô-va ban cho tôi một người vợ yêu dấu là Maria. Chúng tôi kết hôn vào tháng 10 năm 1950, và sau đó chúng tôi có một con gái tên là Halina. Lớn lên, cháu cũng yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va. Sau 35 năm chung sống, Maria đã qua đời sau một thời gian dài vật lộn với bệnh tật. Sự mất mát ấy để lại trong tôi nỗi đau buồn khôn tả. Tuy có lúc tôi cảm thấy như thể mình “bị đánh-đập”, nhưng “không đến chết mất”. (2 Cô-rinh-tô 4:9) Vào những lúc khó khăn như thế, tôi cảm thấy nguôi ngoai nhờ con gái, con rể và những đứa cháu dễ thương. Tất cả đều trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Từ năm 1990, tôi phụng sự ở chi nhánh Ba Lan. Quả là một ân phước khi hằng ngày cùng làm việc trong gia đình Bê-tên ấm cúng. Vì sức khỏe ngày càng suy yếu, nên đôi khi tôi cảm thấy mình như con chim ưng không đủ sức bay mà chỉ đủ sức lượn. Tuy vậy, tôi vẫn tự tin hướng tới tương lai và “hát ngợi-khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi” đến tận ngày hôm nay. (Thi-thiên 13:6) Tôi mong đến lúc Đức Giê-hô-va, Đấng giúp đỡ tôi, sẽ loại bỏ mọi hậu quả do Sa-tan gây ra.

[Chú thích]

^ đ. 8 Xem Tháp Canh ngày 1-1-1998, trang 13, đoạn 6.

^ đ. 20 Xin xem tự truyện của chị Elsa Abt trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-4-1980, trang 12-15.

^ đ. 20 Bài số 101 trong sách Songs of Praise to Jehovah (Bài hát ca ngợi Đức Giê-hô-va), ấn bản năm 1928, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Theo ấn bản hiện nay là bài số 56.

[Hình nơi trang 10]

Mã số tù nhân và tam giác tím của tôi

[Hình nơi trang 12]

Với vợ tôi vào năm 1980