Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Cha các ngươi hay thương-xót”

“Cha các ngươi hay thương-xót”

“Cha các ngươi hay thương-xót”

“Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót”.—LU-CA 6:36.

1, 2. Làm thế nào lời của Chúa Giê-su nói với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cũng như với môn đồ ngài cho thấy lòng thương xót là đức tính đáng quý?

LUẬT PHÁP Đức Chúa Trời ban qua Môi-se có khoảng 600 quy định và luật lệ. Mặc dù phải tuân theo mọi điều luật này, dân Y-sơ-ra-ên cũng có bổn phận phải thể hiện lòng thương xót. Hãy xem những lời Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-si, là những kẻ không có lòng thương xót. Trong hai trường hợp, ngài đã quở trách họ, nêu ra lời Đức Chúa Trời: “Ta muốn sự thương-xót, nhưng chẳng muốn của-lễ”. (Ma-thi-ơ 9:10-13; 12:1-7; Ô-sê 6:6) Gần cuối thánh chức trên đất, Chúa Giê-su phán: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! Vì các ngươi nộp một phần mười bạc-hà, hồi-hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín”.—Ma-thi-ơ 23:23.

2 Rõ ràng, Chúa Giê-su xem tính thương xót là điều quan trọng. Ngài nói với các môn đồ: “Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót”. (Lu-ca 6:36) Tuy nhiên, để “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” về phương diện này, chúng ta cần phải hiểu thế nào là lòng thương xót thật. (Ê-phê-sô 5:1) Ngoài ra, hiểu rõ lợi ích của việc thể hiện lòng thương xót sẽ thúc đẩy chúng ta biểu lộ đức tính này trọn vẹn hơn trong đời sống.

Lòng thương xót đối với người khốn khổ

3. Tại sao chúng ta nên tìm hiểu và học nơi Đức Giê-hô-va để biết thế nào là lòng thương xót thật?

3 Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn, có lòng thương-xót, chậm nóng giận, và đầy sự nhân-từ. Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ-bi [“thương xót”, Bản Dịch Mới] Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”. (Thi-thiên 145:8, 9) Đức Giê-hô-va là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. (2 Cô-rinh-tô 1:3) Tỏ lòng thương xót là đối xử nhân từ với người khác vì lòng trắc ẩn. Đây là một khía cạnh chính trong cá tính của Đức Chúa Trời. Qua gương mẫu và lời hướng dẫn của Ngài, chúng ta có thể hiểu thế nào là lòng thương xót thật.

4. Ê-sai 49:15 dạy cho chúng ta điều gì về lòng thương xót?

4 Nơi Ê-sai 49:15, Đức Giê-hô-va phán: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao?” Những từ Hê-bơ-rơ liên hệ chặt chẽ với từ được dịch là “thương” ở đây có liên quan đến sự thương xót hay “từ-bi” được đề cập nơi Thi-thiên 145:8, 9. Cảm xúc thôi thúc Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót được ví như tình cảm nồng ấm của người mẹ nuôi con bú. Khi đứa bé đói hoặc có nhu cầu nào khác, bà đáp ứng ngay vì lòng thương cảm hay trắc ẩn. Đức Giê-hô-va cũng có cảm xúc trìu mến như thế đối với người mà Ngài thể hiện lòng thương xót.

5. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài “giàu lòng thương-xót” với dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

5 Động lòng trắc ẩn là một chuyện, nhưng hành động để giúp người khốn khổ lại là chuyện khác. Hãy xem Đức Giê-hô-va đã làm gì khi những người thờ phượng Ngài bị nô lệ ở xứ Ê-díp-tô khoảng 3.500 năm trước đây. Ngài phán với Môi-se: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7, 8) Khoảng 500 năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va nhắc họ: “Ta đã đem Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô; ta đã giải-cứu các ngươi khỏi tay dân Ê-díp-tô và khỏi tay mọi vua hà-hiếp các ngươi”. (1 Sa-mu-ên 10:18) Vì đi lệch các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên thường rơi vào những cảnh khốn khó. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va vẫn động lòng trắc ẩn và nhiều lần giải cứu họ. (Các Quan Xét 2:11-16; 2 Sử-ký 36:15) Điều này cho thấy cách mà Đức Chúa Trời yêu thương đáp ứng tình cảnh của người gặp khó khăn, nguy hiểm. Đức Giê-hô-va quả “giàu lòng thương-xót”.—Ê-phê-sô 2:4.

6. Chúa Giê-su đã noi gương Cha ngài như thế nào trong việc thể hiện lòng thương xót?

6 Trong thời gian ở trên đất, Chúa Giê-su cũng noi gương Cha ngài cách hoàn hảo trong việc thể hiện lòng thương xót. Ngài đã phản ứng thế nào khi hai người mù nài xin: “Lạy Chúa, Con cháu vua Đa-vít, xin thương-xót chúng tôi!”? Họ xin Chúa Giê-su làm cho họ sáng mắt bằng phép lạ. Chúa Giê-su đã làm điều đó, nhưng không phải một cách máy móc. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Jêsus động lòng thương-xót, bèn rờ đến mắt họ; tức thì hai người thấy được”. (Ma-thi-ơ 20:30-34) Lòng thương xót đã thôi thúc Chúa Giê-su thực hiện phép lạ để chữa lành người mù, người bị quỉ ám, người phung và giúp cha mẹ có con cái mắc những bệnh kể trên.—Ma-thi-ơ 9:27; 15:22; 17:15; Mác 5:18, 19; Lu-ca 17:12, 13.

7. Gương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài dạy cho chúng ta điều gì về lòng thương xót?

7 Gương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su cho thấy lòng thương xót có hai khía cạnh: lòng trắc ẩn hay thông cảm đối với người khốn khổ và hành động để giúp đỡ họ. Để được xem là có lòng thương xót, một người phải hội đủ hai khía cạnh này. Trong Kinh Thánh, lòng thương xót thường ám chỉ hành động tích cực biểu lộ sự quan tâm nhân từ với người cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, lòng thương xót được thể hiện như thế nào trong việc xét xử? Nó có bao gồm hành động có thể xem là tiêu cực, chẳng hạn như không trừng phạt?

Lòng thương xót đối với người phạm tội

8, 9. Đa-vít được thương xót như thế nào sau khi phạm tội với Bát-Sê-ba?

8 Hãy xem điều gì xảy ra sau khi nhà tiên tri Na-than kết tội Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa về quan hệ bất chính với Bát-Sê-ba. Đa-vít ăn năn và cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương-xót tôi tùy lòng nhân-từ của Chúa; xin hãy xóa các sự vi-phạm tôi theo sự từ-bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian-ác, và làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi. Vì tôi nhận-biết các sự vi-phạm tôi, tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa”.—Thi-thiên 51:1-4.

9 Lương tâm Đa-vít bị giày vò. Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi và giảm bớt án phạt cho Đa-vít và Bát-Sê-ba. Theo Luật Pháp Môi-se, cả hai người phải chết. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22) Dù không tránh khỏi mọi hậu quả của tội đã phạm, họ được tha mạng. (2 Sa-mu-ên 12:13) Khi thể hiện lòng thương xót, Đức Chúa Trời tha lỗi nhưng vẫn sửa phạt cách thích đáng.

10. Dù Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót khi đoán xét, tại sao chúng ta chớ nên lạm dụng lòng thương xót của Ngài?

10 Vì “một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian” và “tiền công của tội-lỗi là sự chết”, thế nên mọi người đều phải chết. (Rô-ma 5:12; 6:23) Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì Ngài biểu lộ lòng thương xót khi đoán xét chúng ta! Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận, chớ nên lạm dụng lòng thương xót của Ngài. Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4 nói: “Các đường-lối Ngài là công-bình”. Khi tỏ lòng thương xót, Đức Chúa Trời không bỏ qua những tiêu chuẩn hoàn hảo về công lý của Ngài.

11. Khi xét xử Đa-vít về tội ông đã phạm với Bát-Sê-ba, Đức Giê-hô-va có sự cân nhắc thích đáng nào về công lý?

11 Trong trường hợp của Đa-vít và Bát-Sê-ba, tội của họ phải được tha trước khi được miễn án chết. Các quan xét Y-sơ-ra-ên không có thẩm quyền làm điều này. Nếu phải xét xử, họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc tuyên án tử hình. Đây là điều Luật Pháp qui định. Tuy nhiên, vì giao ước đã lập với Đa-vít, Đức Giê-hô-va muốn xét xem có cơ sở nào để tha tội cho ông. (2 Sa-mu-ên 7:12-16) Vì thế, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”, Đấng “dò-xét lòng người ta”, quyết định tự xét xử vụ này. (Sáng-thế Ký 18:25; 1 Sử-ký 29:17) Đức Chúa Trời có thể đọc được lòng của Đa-vít, biết rõ ông có thành thật ăn năn không và tha thứ cho ông.

12. Làm thế nào con người tội lỗi có thể nhận được lợi ích từ lòng thương xót của Đức Chúa Trời?

12 Khi sắp đặt để chúng ta có thể được giải thoát khỏi án chết của tội lỗi di truyền, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót phù hợp với sự công bình. Nhằm tha thứ tội lỗi mà không vi phạm công lý của Ngài, Đức Giê-hô-va đã cung cấp của-lễ hy sinh làm giá chuộc qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ—hành động vĩ đại nhất thể hiện lòng thương xót. (Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 6:22, 23) Nhờ lòng thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thoát khỏi án phạt của tội lỗi. Muốn hưởng lợi ích này, chúng ta phải “tin Con ấy”.—Giăng 3:16, 36.

Đức Chúa Trời thương xót và công bình

13, 14. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời có làm giảm nhẹ sự công bình không? Hãy giải thích.

13 Dù không vi phạm tiêu chuẩn về công lý, lòng thương xót của Đức Giê-hô-va có ảnh hưởng đến công lý theo một cách nào đó không? Lòng thương xót có làm giảm nhẹ tác dụng của công lý không? Chắc chắn không.

14 Qua tiên tri Ô-sê, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công-bình và chánh-trực, nhân-từ và thương-xót”. (Ô-sê 2:19) Những lời này cho thấy rõ Đức Giê-hô-va luôn thể hiện lòng thương xót hòa hợp với các đức tính khác của Ngài, kể cả tính công bình. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót. . . xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót và công bình. Kinh Thánh nói: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Sự công bình của Đức Chúa Trời là hoàn hảo, lòng thương xót của Ngài cũng thế. Không đức tính nào trội hơn hoặc cần đức tính kia để dung hòa. Thay vì vậy, cả hai hoàn toàn hòa hợp với nhau.

15, 16. (a) Điều gì cho thấy công lý của Đức Chúa Trời không khe khắt? (b) Khi Đức Giê-hô-va thi hành án phạt trên thế gian ác này, những người thờ phượng Ngài có thể tin chắc điều gì?

15 Công lý của Đức Giê-hô-va không khe khắt. Công lý hầu như luôn bao hàm khía cạnh pháp luật, và việc xét xử thường đòi hỏi phải có hình phạt thích đáng đối với người phạm tội. Tuy nhiên, công lý của Đức Chúa Trời cũng bao hàm sự cứu rỗi cho những ai xứng đáng. Chẳng hạn, khi những kẻ ác ở thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt, tộc trưởng Lót và hai con gái đã được cứu.—Sáng-thế Ký 19:12-26.

16 Chúng ta có thể tin rằng khi Đức Giê-hô-va thi hành án phạt trên thế gian ác này, “vô-số người” thờ phượng thật “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” sẽ được sống sót. Như thế, họ sẽ “ra khỏi cơn đại-nạn”.—Khải-huyền 7:9-14.

Tại sao phải tỏ lòng thương xót?

17. Lý do cơ bản phải tỏ lòng thương xót là gì?

17 Gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su quả thật dạy chúng ta thế nào là lòng thương xót thật. Châm-ngôn 19:17 cho chúng ta thấy lý do cơ bản phải tỏ lòng thương xót: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người”. Khi noi gương Đức Giê-hô-va và Con Ngài, đối xử nhau với lòng thương xót, chúng ta làm Ngài vui lòng. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Nhờ đó, người khác cũng được khuyến khích bày tỏ lòng thương xót, vì ai thương xót sẽ được thương xót lại.—Lu-ca 6:38.

18. Tại sao chúng ta phải cố gắng tỏ lòng thương xót?

18 Lòng thương xót là sự kết hợp của nhiều đức tính. Nó bao hàm tính nhân từ, yêu thương và hiền lành. Lòng trắc ẩn hoặc đồng cảm thôi thúc một người biểu lộ lòng thương xót. Mặc dù lòng thương xót của Đức Giê-hô-va không giảm nhẹ công lý, nhưng Ngài chậm giận và kiên nhẫn cho người phạm tội có đủ thời gian để ăn năn. (2 Phi-e-rơ 3:9, 10) Như thế, lòng thương xót liên kết với tính kiên nhẫn và nhịn nhục. Là sự kết hợp của nhiều nét tính đáng quý—kể cả những khía cạnh khác nhau của trái thánh linh—lòng thương xót là nền tảng để vun trồng các đức tính ấy. (Ga-la-ti 5:22) Cố gắng tỏ lòng thương xót với người khác là điều quan trọng biết bao!

“Phước cho những kẻ hay thương-xót”

19, 20. Lòng thương xót thắng sự đoán xét theo nghĩa nào?

19 Môn đồ Gia-cơ cho biết tại sao chúng ta phải luôn thể hiện lòng thương xót trong đời sống. Ông viết: “Sự thương-xót thắng sự đoán-xét”. (Gia-cơ 2:13b) Điều này có nghĩa gì? Trong câu này, Gia-cơ nói về lòng thương xót mà một người thờ phượng Đức Giê-hô-va biểu lộ khi cư xử với người khác. Đến lúc người phải “khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”, Ngài sẽ lưu ý đến cách cư xử đầy lòng thương xót đó và tha thứ cho người dựa trên của-lễ hy sinh làm giá chuộc của Con Ngài. (Rô-ma 14:12) Chắc hẳn, một trong những lý do Đa-vít được thương xót sau khi phạm tội với Bát-Sê-ba là vì ông có tính hay thương xót. (1 Sa-mu-ên 24:5-8) Trái lại, “sự đoán-xét không thương-xót kẻ chẳng làm sự thương-xót”. (Gia-cơ 2:13a) Chẳng ngạc nhiên gì, người “không có lòng thương-xót” bị liệt kê trong số những người mà Đức Chúa Trời xem là “đáng chết”!—Rô-ma 1:31, 32.

20 Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su phán: “Phước cho những kẻ hay thương-xót, vì sẽ được thương-xót!” (Ma-thi-ơ 5:7) Những lời này cho thấy rõ ai muốn được Đức Chúa Trời thương xót thì phải có lòng thương xót! Bài tiếp theo sẽ bàn về đề tài làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng thương xót trong đời sống thường ngày.

Bạn học được gì?

• Lòng thương xót là gì?

• Lòng thương xót được thể hiện qua những cách nào?

• Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thương xót và công bình theo nghĩa nào?

• Tại sao chúng ta phải tỏ lòng thương xót?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Tình cảm trìu mến của Đức Giê-hô-va đối với người khốn cùng được ví như sự nồng ấm của người mẹ đối với con thơ

[Hình nơi trang 23]

Qua phép lạ của Chúa Giê-su, chúng ta học được gì về lòng thương xót?

[Hình nơi trang 24]

Khi thương xót Đa-vít, Đức Giê-hô-va có vi phạm công lý của Ngài không?

[Hình nơi trang 25]

Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với con người tội lỗi được thể hiện hòa hợp với công lý của Ngài