Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thể hiện lòng thương xót—Bằng cách nào?

Thể hiện lòng thương xót—Bằng cách nào?

Thể hiện lòng thương xót—Bằng cách nào?

“Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”.—GA-LA-TI 6:10.

1, 2. Minh họa về người Sa-ma-ri nhân lành dạy chúng ta điều gì về lòng thương xót?

KHI trò chuyện với Chúa Giê-su, một người thạo Luật Pháp hỏi ngài: “Ai là người lân-cận tôi?” Chúa Giê-su đáp lại bằng cách đưa ra một minh họa: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt-lột hết, đánh cho mình-mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế-lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn-sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn-sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả”. Đoạn, Chúa Giê-su hỏi thầy dạy luật ấy: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân-cận với kẻ bị cướp?” Ông trả lời: “Ấy là người đã lấy lòng thương-xót đãi người”.—Lu-ca 10:25, 29-37a.

2 Cách người Sa-ma-ri chăm sóc kẻ bị nạn minh họa thật sống động về lòng thương xót thật! Động lòng trắc ẩn, người Sa-ma-ri đã ra tay cứu giúp nạn nhân. Hơn nữa, người gặp nạn hoàn toàn xa lạ đối với người Sa-ma-ri. Lòng thương xót được thể hiện bất kể sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo hay văn hóa. Sau khi kể minh họa về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên: “Hãy đi, làm theo như vậy”. (Lu-ca 10:37b) Chúng ta có thể ghi nhớ lời khuyên này và cố gắng thể hiện lòng thương xót khi đối xử với người khác. Nhưng bằng cách nào? Chúng ta có thể bày tỏ lòng thương xót trong đời sống thường ngày qua những cách nào?

“Ví thử có anh em. . . không quần áo mặc”

3, 4. Tại sao chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc thể hiện lòng thương xót trong hội thánh đạo Đấng Christ?

3 Sứ đồ Phao-lô nói: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Vậy, trước tiên hãy xem xét làm thế nào chúng ta có thể luôn biểu lộ lòng thương xót đối với anh em cùng đức tin.

4 Khuyến khích các tín đồ Đấng Christ chân chính bày tỏ lòng thương xót đối với nhau, môn đồ Gia-cơ viết: “Sự đoán-xét không thương-xót kẻ chẳng làm sự thương-xót”. (Gia-cơ 2:13) Ngữ cảnh của lời được soi dẫn này cho chúng ta thấy một số cách để thể hiện lòng thương xót. Thí dụ, Gia-cơ 1:27 nói: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”. Gia-cơ 2:15, 16 viết: “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình-an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần-dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?”

5, 6. Chúng ta có thể biểu lộ lòng thương xót trong hội thánh địa phương qua nhiều cách nào?

5 Chăm sóc người khác và giúp đỡ những ai trong hoàn cảnh khó khăn là nét đặc trưng của tôn giáo thật. Sự thờ phượng chân chính không cho phép chúng ta chỉ tỏ lòng quan tâm với anh em bằng lời nói suông là mong mọi sự sẽ tốt đẹp với họ. Thay vì thế, lòng trắc ẩn sẽ thôi thúc chúng ta làm một điều gì đó cho những người cần được giúp đỡ. (1 Giăng 3:17, 18) Đúng thế, nấu một bữa ăn cho người bệnh, làm vài việc vặt trong nhà cho người cao tuổi, đưa đón một anh chị đến các buổi họp khi cần thiết, và không tỏ ra keo kiệt đối với những người xứng đáng, là một số việc làm thể hiện lòng thương xót.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7-10.

6 Giúp đỡ về vật chất là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là giúp đỡ về phương diện thiêng liêng cho các thành viên trong hội thánh đang phát triển. Chúng ta được khuyên hãy “yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) “Các bà già” được khuyến khích “lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo”. (Tít 2:3) Kinh Thánh nói về các giám thị đạo Đấng Christ là “người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp”.—Ê-sai 32:2.

7. Qua các môn đồ ở thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri, chúng ta học được gì về việc thể hiện lòng thương xót?

7 Ngoài việc chăm sóc người góa bụa, kẻ mồ côi cũng như những người cần sự giúp đỡ và khích lệ tại địa phương, các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất đôi khi tổ chức cứu trợ cho anh em đồng đạo ở nơi khác. Chẳng hạn, khi nhà tiên tri A-ga-bút báo trước về “sự đói-kém trên khắp đất”, các môn đồ tại thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri, “bàn định, mỗi người tùy sức riêng mình, gởi một món tiền bố-thí cho anh em ở trong xứ Giu-đê”. Quà cứu trợ được gửi cho các trưởng lão ở đấy “nhờ tay Ba-na-ba và Sau-lơ”. (Công-vụ 11:28-30) Ngày nay thì sao? “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” tổ chức các ủy ban cứu trợ để chăm sóc anh em gặp thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần. (Ma-thi-ơ 24:45) Tình nguyện đóng góp thời gian, công sức và tài chính theo sự sắp đặt này là cách rất tốt để chúng ta biểu lộ lòng thương xót.

“Nếu anh em tây-vị người ta”

8. Tính thiên vị cản trở lòng thương xót như thế nào?

8 Gia-cơ cảnh báo về một nét tính trái với lòng thương xót và “luật-pháp tôn-trọng”—tình yêu thương. Ông viết: “Nếu anh em tây-vị người ta, thì phạm tội, luật-pháp bèn định tội anh em như kẻ phạm phép”. (Gia-cơ 2:8, 9) Khi vị nể người giàu hoặc người có địa vị, chúng ta có thể thiếu nhạy cảm với “tiếng kêu-la của người nghèo-khổ”. (Châm-ngôn 21:13) Tính thiên vị cản trở lòng thương xót. Chúng ta biểu lộ lòng thương xót khi đối xử công bằng.

9. Tại sao không có gì sai khi quan tâm đặc biệt đến những người xứng đáng?

9 Phải chăng không thiên vị là không bao giờ quan tâm đặc biệt đến một người nào? Chắc chắn không. Khi nói về bạn cùng làm việc Ép-ba-phô-đích, sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp: “[Hãy] tôn-kính những người như vậy”. Tại sao? “Ấy là vì công-việc của Đấng Christ mà người đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi”. (Phi-líp 2:25, 29, 30) Những việc trung thành mà Ép-ba-phô-đích làm đáng được công nhận. Hơn nữa, 1 Ti-mô-thê 5:17 nói: “Các trưởng-lão khéo cai-trị Hội-thánh thì mình phải kính-trọng bội-phần, nhứt là những người chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ”. Người có những đức tính thiêng liêng cũng đáng được ghi nhận. Biểu lộ lòng quan tâm đến những người như thế không phải là thiên vị.

“Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì. . . đầy-dẫy lòng thương-xót”

10. Tại sao chúng ta nên kiềm giữ cái lưỡi?

10 Gia-cơ viết về cái lưỡi: “Không ai trị-phục được nó; ấy là một vật dữ. . . đầy-dẫy những chất độc giết chết. Bởi cái lưỡi chúng ta khen-ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa-sả loài người, là loài tạo theo hình-ảnh Đức Chúa Trời. Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen-ngợi và rủa-sả!” Trong văn cảnh này, Gia-cơ nói thêm: “Nếu anh em có sự ghen-tương cay-đắng và sự tranh-cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn-ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác-thịt và về ma-quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen-tương tranh-cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn-lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ, nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình”.—Gia-cơ 3:8-10a, 14-17.

11. Làm thế nào để thể hiện lòng thương xót trong việc dùng lưỡi?

11 Do đó, cách mà chúng ta dùng cái lưỡi cho thấy mình có sự khôn ngoan “đầy-dẫy lòng thương-xót” hay không. Nói gì nếu vì ghen tương hay tranh cạnh, chúng ta khoe khoang, nói dối, hoặc phổ biến những chuyện thày lay có hại? Thi-thiên 94:4 nói: “Những kẻ làm ác đều phô mình”. Và nói xấu người vô tội có thể nhanh chóng làm tổn thương thanh danh của người đó! (Thi-thiên 64:2-4) Hơn nữa, hãy nghĩ đến sự tai hại mà “kẻ làm chứng gian buông lời dối-trá” gây ra. (Châm-ngôn 14:5; 1 Các Vua 21:7-13) Sau khi bàn về việc lạm dụng cái lưỡi, Gia-cơ nói: “Hỡi anh em, không nên như vậy”. (Gia-cơ 3:10b) Lòng thương xót chân chính đòi hỏi chúng ta phải dùng lưỡi một cách thanh sạch, hòa thuận và tiết độ. Chúa Giê-su phán: “Ta bảo các ngươi, đến ngày phán-xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư-không mà mình đã nói”. (Ma-thi-ơ 12:36) Thể hiện lòng thương xót trong việc dùng lưỡi quả là điều quan trọng biết bao!

“Tha lỗi cho người ta”

12, 13. (a) Qua dụ ngôn về người đầy tớ nợ chủ một số tiền lớn, chúng ta học được gì về lòng thương xót? (b) Tha thứ anh em “đến bảy mươi lần bảy” có nghĩa gì?

12 Có lần, Chúa Giê-su kể dụ ngôn về người đầy tớ nợ chủ mình là một vị vua 60.000.000 đơ-ni-ê. Qua dụ ngôn này, ngài cho biết một cách khác để thể hiện lòng thương xót. Vì không có khả năng trả nợ, người đầy tớ nài xin chủ thương xót. Người chủ “động lòng thương-xót” và tha nợ cho ông. Nhưng khi ra về, người đầy tớ này gặp một bạn làm việc thiếu ông chỉ 100 đơ-ni-ê thì bỏ tù bạn mình cách không thương xót. Khi chủ nghe được chuyện bèn gọi người đầy tớ đã được tha nợ đến và phán: “Hỡi đầy-tớ độc-ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu-xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương-xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương-xót ngươi sao?” Sau đó, chủ giao ông ta cho người cai ngục. Chúa Giê-su kết luận: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”.—Ma-thi-ơ 18:23-35.

13 Dụ ngôn kể trên cho thấy rõ lòng thương xót bao hàm thái độ sẵn sàng tha thứ! Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho chúng ta món nợ rất lớn là tội lỗi. Chẳng lẽ chúng ta không “tha lỗi cho người ta” sao? (Ma-thi-ơ 6:14, 15) Trước khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn về người đầy tớ không thương xót, sứ đồ Phi-e-rơ đã hỏi ngài: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Chúa Giê-su đáp: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. (Ma-thi-ơ 18:21, 22) Thật vậy, người có lòng thương xót sẵn sàng tha thứ “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là không có giới hạn.

14. Theo Ma-thi-ơ 7:1-4, làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng thương xót trong đời sống thường ngày?

14 Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su cho thấy thêm một cách nữa để thể hiện lòng thương xót: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét. Vì các ngươi đoán-xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán-xét lại thể ấy. . . Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:1-4) Vì vậy, chúng ta có thể biểu lộ lòng thương xót trong đời sống thường ngày bằng cách kiên nhẫn chịu đựng những thiếu sót của người khác, không đoán xét hay chỉ trích gay gắt.

Hãy “làm điều thiện cho mọi người”

15. Tại sao chúng ta không chỉ thể hiện lòng thương xót đối với các anh em đồng đạo mà thôi?

15 Tuy sách của Gia-cơ nhấn mạnh đến lòng thương xót giữa các anh em tín đồ Đấng Christ, điều này không có nghĩa chúng ta chỉ thể hiện lòng thương xót đối với những người trong hội thánh. Thi-thiên 145:9 nói: “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ-bi [“thương xót”, Bản Dịch Mới] Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”. Chúng ta được khuyên “hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” và “làm điều thiện cho mọi người”. (Ê-phê-sô 5:1; Ga-la-ti 6:10) Dù không ‘yêu thế-gian, cũng không yêu các vật ở thế-gian’, chúng ta không dửng dưng trước nhu cầu của những người sống trong thế gian.—1 Giăng 2:15.

16. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến cách chúng ta thể hiện lòng thương xót với người khác?

16 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không ngần ngại làm bất cứ điều gì có thể để giúp những người gặp sự bất trắc hoặc cảnh khốn khó. (Truyền-đạo 9:11) Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm gì và làm nhiều hay ít là tùy hoàn cảnh. (Châm-ngôn 3:27) Khi giúp đỡ về vật chất, chúng ta phải cẩn thận để việc đó không vô tình khuyến khích người ta lười biếng. (Châm-ngôn 20:1, 4; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12) Do đó, việc thể hiện lòng thương xót là hành động phối hợp sự đồng cảm và lý trí.

17. Cách tốt nhất để thể hiện lòng thương xót đối với những người ngoài hội thánh là gì?

17 Cách tốt nhất để thể hiện lòng thương xót đối với những người ngoài hội thánh là chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh cho họ. Tại sao? Vì phần đông nhân loại ngày nay đang dò dẫm trong bóng tối về mặt thiêng liêng. Họ “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”, không biết cách đối phó với những vấn đề mà họ gặp, cũng không có hy vọng thật cho tương lai. (Ma-thi-ơ 9:36) Thông điệp của Lời Đức Chúa Trời có thể là ‘ngọn đèn cho chân họ’, giúp họ đối phó với những vấn đề trong cuộc sống. Thông điệp ấy cũng có thể là ‘ánh sáng cho đường-lối họ’, theo nghĩa Kinh Thánh báo trước ý định của Đức Chúa Trời cho tương lai, nhờ đó họ có một hy vọng tươi sáng. (Thi-thiên 119:105) Thật là một đặc ân để rao truyền thông điệp tuyệt diệu của lẽ thật cho những người rất cần nghe thông điệp ấy! Vì “hoạn-nạn lớn” gần đến, bây giờ là lúc phải sốt sắng tham gia vào việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:3-8, 21, 22, 36-41; 28:19, 20) Để thể hiện lòng thương xót, không có việc nào khác quan trọng hơn.

“Hãy bố thí những gì ở bên trong”

18, 19. Tại sao chúng ta nên cố gắng thể hiện lòng thương xót nhiều hơn trong đời sống?

18 Chúa Giê-su phán: “Hãy bố thí những gì ở bên trong”. (Lu-ca 11:41, Tòa Tổng Giám Mục) Hành động thể hiện lòng thương xót chân chính phải xuất phát từ bên trong—tấm lòng yêu thương và nhiệt tình. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Trong thế gian đầy dẫy sự tàn nhẫn, vị kỷ và thiếu lòng quan tâm trước sự đau khổ, khó khăn của người khác, lòng thương xót như thế làm ấm lòng biết bao!

19 Vậy, chúng ta hãy cố gắng thể hiện lòng thương xót nhiều hơn nữa trong đời sống. Càng có lòng thương xót, chúng ta càng theo sát gương của Đức Chúa Trời. Điều này sẽ giúp đời sống chúng ta thật sự có ý nghĩa và thỏa nguyện.—Ma-thi-ơ 5:7.

Bạn học được gì?

• Tại sao thể hiện lòng thương xót đối với anh em đồng đạo là đặc biệt quan trọng?

• Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể biểu lộ lòng thương xót qua cách nào?

• Chúng ta có thể làm điều thiện cho những người ngoài hội thánh như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Người Sa-ma-ri biểu lộ lòng thương xót

[Các hình nơi trang 27]

Tín đồ Đấng Christ luôn thể hiện lòng thương xót

[Hình nơi trang 30]

Cách tốt nhất để thể hiện lòng thương xót đối với những người ngoài hội thánh là chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh cho họ