Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy theo đuổi đời sống thật sự có ý nghĩa

Hãy theo đuổi đời sống thật sự có ý nghĩa

Hãy theo đuổi đời sống thật sự có ý nghĩa

“Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!”—THI-THIÊN 150:6.

1. Hãy kể lại câu chuyện của một thanh niên đi tìm đời sống thật sự có ý nghĩa.

“TÔI học y khoa vì muốn giúp người. Tôi nghĩ rằng địa vị cũng như tiền bạc của nghề bác sĩ sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi”. Đó là quan điểm của anh Seung Jin, một thanh niên người Hàn Quốc. * Anh nói tiếp: “Tôi vỡ mộng khi nhận ra rằng một bác sĩ không giúp người khác được bao nhiêu. Vì thế, tôi chuyển sang con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, những bức tranh của tôi cũng chẳng đem lại lợi ích gì mấy cho người khác. Tôi cảm thấy mình thật ích kỷ. Sau đó, tôi chuyển sang nghề dạy học. Không lâu sau, tôi cảm thấy mình chỉ biết truyền đạt kiến thức nhưng không hướng dẫn người khác tìm được hạnh phúc thật”. Cũng như nhiều người, anh Seung Jin đang đi tìm đời sống thật sự có ý nghĩa.

2. (a) Làm thế nào đạt được đời sống thật sự có ý nghĩa? (b) Làm sao chúng ta biết Đấng Tạo Hóa có lý do khi để con người sống trên trái đất?

2 Để đạt được một đời sống thật sự có ý nghĩa, chúng ta phải có lý do để sống, có mục đích rõ ràng và một tiêu điểm để cố gắng vươn tới. Con người có thể đạt được đời sống như thế không? Có. Việc chúng ta được phú cho trí thông minh, lương tâm và khả năng suy luận chứng tỏ Đấng Tạo Hóa có lý do chính đáng khi để con người sống trên trái đất. Thế nên, điều hợp lý là khi sống phù hợp với ý định của Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể tìm thấy và đạt được đời sống thật sự có ý nghĩa.

3. Ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại bao hàm những gì?

3 Kinh Thánh cho biết ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ý định này bao hàm nhiều điều. Chẳng hạn, việc chúng ta được tạo nên một cách tuyệt diệu là biểu hiện tình yêu thương bất vị kỷ của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 40:5; 139:14) Vì thế, lối sống phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời là chúng ta noi gương Ngài yêu thương người khác một cách bất vị kỷ. (1 Giăng 4:7-11) Lối sống này cũng có nghĩa là vâng theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Nhờ sự dạy dỗ ấy, chúng ta có thể sống phù hợp với ý định đầy yêu thương của Ngài.—Truyền-đạo 12:13; 1 Giăng 5:3.

4. (a) Để đạt được đời sống thật sự có ý nghĩa, chúng ta cần gì? (b) Mục tiêu cao quý nhất mà mọi người có thể theo đuổi là gì?

4 Đức Chúa Trời cũng có ý định cho con người sống hạnh phúc, hòa thuận với nhau và với các tạo vật khác. (Sáng-thế Ký 1:26; 2:15) Vậy, chúng ta cần phải làm gì để cảm thấy được an toàn, hạnh phúc và bình an? Như một đứa trẻ cần biết có cha mẹ đang ở gần thì mới cảm thấy yên tâm và vui vẻ, chúng ta cũng cần có mối quan hệ mật thiết với Cha trên trời thì mới tìm được đời sống thật sự có ý nghĩa. (Hê-bơ-rơ 12:9) Ngài cho chúng ta cơ hội đó bằng cách để chúng ta đến gần Ngài và Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. (Gia-cơ 4:8; 1 Giăng 5:14, 15) Nếu “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” bởi đức tin và được làm bạn với Ngài, chúng ta có thể ngợi khen và làm hài lòng Ngài. (Sáng-thế Ký 6:9; Châm-ngôn 23:15, 16; Gia-cơ 2:23) Đó là mục tiêu cao quý nhất mà mọi người có thể theo đuổi. Người viết Thi-thiên nói: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!”—Thi-thiên 150:6.

Bạn có mục tiêu nào?

5. Tại sao đặt của cải vật chất lên hàng đầu là điều thiếu khôn ngoan?

5 Việc chúng ta chăm sóc bản thân và gia đình cũng nằm trong ý định Đức Chúa Trời. Điều này bao hàm cả nhu cầu thể chất lẫn thiêng liêng. Tuy nhiên, chúng ta cần có quan điểm thăng bằng, đừng để sở thích và những lo lắng của đời này lấn át những điều thiêng liêng quan trọng hơn. (Ma-thi-ơ 4:4; 6:33) Đáng buồn thay, nhiều người dành gần hết cuộc đời để tìm kiếm của cải vật chất. Nhưng, tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu chỉ bằng vật chất là điều thiếu khôn ngoan. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các triệu phú ở châu Á, nhiều người “thấy bất an và lo lắng dù có địa vị xã hội và có cảm giác thành đạt nhờ sự giàu sang”.—Truyền-đạo 5:11.

6. Chúa Giê-su cho lời khuyên nào về việc theo đuổi của cải vật chất?

6 Chúa Giê-su đề cập đến “sự mê-đắm về giàu-sang”. (Mác 4:19) Sự giàu sang làm chúng ta mê đắm như thế nào? Nó làm cho người ta có cảm tưởng là mình hạnh phúc nhưng thật ra không phải thế. Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn nhận xét: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc”. (Truyền-đạo 5:10) Nhưng, có thể nào vừa theo đuổi của cải vật chất mà vẫn hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời không? Không thể nào. Chúa Giê-su giải thích: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”. Ngài khuyên các môn đồ đừng chứa của cải trên đất, nhưng hãy chứa “của-cải ở trên trời”, tức tạo danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời, là Đấng ‘biết họ cần sự gì trước khi chưa xin Ngài’.—Ma-thi-ơ 6:8, 19-25.

7. Làm sao chúng ta có thể “cầm lấy sự sống thật”?

7 Trong thư gửi cho bạn cùng làm việc là Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên thẳng thắn về vấn đề này. Ông bảo Ti-mô-thê: “Hãy răn-bảo kẻ giàu. . . đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng. . . kíp ban-phát và phân-chia của mình có, vậy thì dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật”.—1 Ti-mô-thê 6:17-19.

“Sự sống thật” là gì?

8. (a) Tại sao nhiều người gắng sức để có tiền tài và địa vị? (b) Những người đó không nhận thức được điều gì?

8 Đa số người ta hình dung “sự sống thật” là cuộc sống xa hoa và đầy lạc thú. Một tạp chí ở châu Á ghi nhận: “Những người xem phim ảnh hoặc truyền hình thường ao ước những gì họ thấy, và mơ mộng mình sẽ được những điều đó”. Nhiều người đặt mục tiêu là phải có tiền tài và địa vị. Để theo đuổi mục tiêu này, nhiều người phải hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe, hạnh phúc gia đình và các giá trị về thiêng liêng. Ít ai nghĩ rằng những hình ảnh trên phương tiện truyền thông chỉ phản ánh “thần [“tinh thần”, An Sơn Vị] thế-gian”. Tinh thần này ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của hàng tỉ người và khiến họ đi ngược lại ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 2:12; Ê-phê-sô 2:2) Vì thế, không lạ gì khi ngày nay chúng ta thấy rất nhiều người đang đau khổ!—Châm-ngôn 18:11; 23:4, 5.

9. Nhân loại không làm được điều gì, và tại sao?

9 Nói sao về những người nỗ lực mang lại hạnh phúc cho người khác cũng như cố gắng loại bỏ đói kém, bệnh tật và bất công? Sự hy sinh cao cả của họ thường mang lại lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, dù cố gắng đến mức nào đi nữa, họ cũng không thể biến thế giới này thành một thế giới công bình và tốt đẹp. Tại sao vậy? Vì thực tế là “cả thế-gian đều phục dưới quyền [Sa-tan] ma-quỉ”. Hắn không muốn thế giới này thay đổi.—1 Giăng 5:19.

10. Khi nào những người trung thành với Đức Chúa Trời sẽ hưởng “sự sống thật”?

10 Thật đáng buồn nếu người ta không có hy vọng nào khác ngoài đời sống hiện tại! Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu chúng ta chỉ có sự trông-cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn-nạn hơn hết”. Quan điểm của những người cho rằng đời sống chỉ có thế là: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô-rinh-tô 15:19, 32) Nhưng chúng ta có một tương lai tốt đẹp vì “theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) Lúc ấy, tín đồ Đấng Christ có thể hưởng “sự sống thật”, tức là “sự sống đời đời” trong tình trạng hoàn toàn. Họ sẽ ở trên trời hoặc trên trái đất dưới sự cai trị đầy yêu thương của Nước Trời.—1 Ti-mô-thê 6:12.

11. Tại sao việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời là điều có ý nghĩa?

11 Chỉ Nước Trời mới hoàn toàn giải quyết được mọi vấn đề của nhân loại. Vì thế, việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời là điều có ý nghĩa nhất mà mọi người có thể gắng công theo đuổi. (Giăng 4:34) Khi làm thế, chúng ta vui vì có mối quan hệ quý báu với Cha trên trời. Chúng ta cũng vui vì được phụng sự Ngài với hàng triệu anh em đồng đạo, là những người có cùng mục tiêu trong đời sống.

Thể hiện tinh thần hy sinh đúng cách

12. Hãy nêu lên sự tương phản giữa đời sống trong thế gian này và “sự sống thật”.

12 Kinh Thánh cho biết thế gian hiện nay “với sự tham-dục nó đều qua đi”. Những gì thuộc về thế gian của Sa-tan, kể cả tiền tài và danh vọng, sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt, “song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:15-17) Trái với của cải nay còn mai mất, danh vọng phù du cùng những vui thú nhất thời của thế gian này, “sự sống thật”—đời sống vĩnh cửu dưới quyền cai trị của Nước Trời—mới thật sự bền vững và đáng để chúng ta thể hiện tinh thần hy sinh, miễn là đúng cách.

13. Một cặp vợ chồng đã thể hiện tinh thần hy sinh đúng cách như thế nào?

13 Hãy xem trường hợp của anh Henry và chị Suzanne. Họ hoàn toàn tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ trợ giúp những ai đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. (Ma-thi-ơ 6:33) Vì thế, họ quyết định sống trong một căn nhà không đắt tiền. Nhờ vậy, hai vợ chồng không phải đi làm nhiều để trả tiền nhà và có thêm thời gian cùng với hai con gái tham gia các hoạt động về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Một người bạn có ý tốt đã không hiểu tại sao họ lại quyết định như thế. Chị ấy nói với chị Suzanne: “Suzanne ơi! Nếu muốn ở nhà đẹp hơn, em phải hy sinh điều gì đó”. Tuy nhiên, anh Henry và chị Suzanne biết rằng nếu đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu thì họ sẽ nhận được “lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa”. (1 Ti-mô-thê 4:8; Tít 2:12) Khi lớn lên, hai cô con gái trở thành những người rất sốt sắng trong công việc rao giảng trọn thời gian. Cả gia đình đều cảm nghiệm rằng họ không thiếu thốn gì. Ngược lại, họ nhận được nhiều lợi ích nhờ đặt mục tiêu theo đuổi “sự sống thật”.—Phi-líp 3:8; 1 Ti-mô-thê 6:6-8.

Chớ “dùng của thế-gian”

14. Chúng ta sẽ gặp hậu quả nào nếu quên hướng đến đời sống thật sự có ý nghĩa?

14 Tuy nhiên, thật nguy hiểm nếu chúng ta không chăm chú vào mục tiêu nói trên và không “cầm lấy sự sống thật”. Chúng ta có thể bị “sự lo-lắng, giàu-sang, sung-sướng đời nầy làm cho đạo phải nghẹt-ngòi”. (Lu-ca 8:14) Nếu không kiềm chế, lòng ham muốn vật chất và “sự lo-lắng đời nầy” có thể cuốn hút chúng ta vào các hoạt động của thế gian hiện nay. (Lu-ca 21:34) Đáng buồn thay, một số người đã rơi vào vòng xoáy của hệ thống kinh tế chạy theo vật chất ngày nay và trở thành kẻ “bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”, thậm chí đánh mất mối quan hệ quý báu với Đức Giê-hô-va. Thật là một giá quá đắt khi không giữ “sự sống đời đời”!—1 Ti-mô-thê 6:9, 10, 12; Châm-ngôn 28:20.

15. Một gia đình đã nhận được lợi ích nào khi không “dùng của thế-gian”?

15 Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Kẻ dùng của thế-gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy”. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Anh Keith và chị Bonnie ghi nhớ lời này. Anh Keith kể: “Tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va khi vừa tốt nghiệp nha khoa. Tôi có quyền chọn lựa. Tôi có thể nhận thêm bệnh nhân và kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi sẽ không còn đủ thời gian cho việc thiêng liêng. Tôi quyết định giảm bớt giờ làm việc để có thêm thời gian chăm sóc vợ và năm con gái về mặt thiêng liêng lẫn tình cảm. Dù không dư dả nhưng chúng tôi tập tiết kiệm và luôn có đủ những thứ cần dùng. Gia đình tôi luôn đầm ấm, vui vẻ và gần gũi với nhau. Cuối cùng, cả nhà đều phụng sự trọn thời gian. Hiện nay, năm con gái tôi đều lập gia đình và ba người đã có con. Tất cả sống hạnh phúc vì chúng vẫn đặt ý định Đức Giê-hô-va lên hàng đầu”.

Đặt ý định Đức Chúa Trời lên hàng đầu

16, 17. Kinh Thánh tường thuật về những người nào, và người ta nhớ đến họ vì điều gì?

16 Kinh Thánh tường thuật về những người từng sống để làm theo ý định của Đức Chúa Trời và những người không làm thế. Bài học từ những gương ấy có thể áp dụng cho người thuộc mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa và mọi hoàn cảnh. (Rô-ma 15:4; 1 Cô-rinh-tô 10:6, 11) Chẳng hạn, Nim-rốt đã xây những thành lớn nhằm chống lại Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 10:8-12) Dù vậy, Kinh Thánh cũng tường thuật về nhiều gương tốt. Thí dụ, Môi-se là một nhà quý tộc của xứ Ê-díp-tô, nhưng mục tiêu trong đời ông không phải là cố giữ địa vị ấy. Ngược lại, ông xem trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó là điều “quí hơn của châu-báu xứ Ê-díp-tô”. (Hê-bơ-rơ 11:26) Rất có thể y sĩ Lu-ca đã chữa bệnh cho sứ đồ Phao-lô và nhiều người khác, nhưng sự đóng góp lớn nhất của ông là công việc truyền giáo và viết Kinh Thánh. Về phần Phao-lô, dù là một người thông thạo Luật Pháp nhưng ông nổi tiếng là giáo sĩ, một “sứ-đồ cho dân ngoại”.—Rô-ma 11:13.

17 Đa-vít được người ta nhớ đến không phải vì ông là một vị tướng cầm quân, nhạc sĩ, hoặc nhà soạn nhạc, nhưng là “người theo lòng [Đức Chúa Trời]”. (1 Sa-mu-ên 13:14) Chúng ta biết đến Đa-ni-ên không phải vì ông là một vị quan trong triều Ba-by-lôn, nhưng vì ông là nhà tiên tri trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Về phần Ê-xơ-tê, bà nổi tiếng vì gương can đảm và đức tin chứ không phải vì địa vị hoàng hậu xứ Phe-rơ-sơ. Còn Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng thì sao? Họ được biết đến là các sứ đồ của Chúa Giê-su chứ không phải là những ngư phủ tài ba. Gương nổi bật nhất là của Chúa Giê-su. Chúng ta không nhớ đến ngài như là người “thợ mộc” nhưng là “Đấng Christ”. (Mác 6:3; Ma-thi-ơ 16:16) Tất cả những người này đều hiểu rõ rằng dù có tiền tài, danh vọng và địa vị nào đi nữa, họ phải chú tâm vào việc phụng sự Đức Chúa Trời chứ không phải sự nghiệp trong xã hội. Họ biết rằng mục tiêu cao quý và đáng giá nhất mà họ có thể đạt được là trở thành người phụng sự Đức Chúa Trời.

18. Một tín đồ trẻ đã quyết định theo lối sống nào, và anh nhận ra điều gì?

18 Anh Seung Jin, người được đề cập nơi đầu bài, cũng nhận ra điều này. Anh cho biết: “Thay vì cống hiến hết năng lực cho ngành y, nghệ thuật và nghề giáo, tôi quyết định sống theo lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời. Hiện nay, tôi phụng sự ở nơi cần có nhiều người hướng dẫn Kinh Thánh nhằm giúp người ta bước trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Tôi từng nghĩ rằng công việc phụng sự trọn thời gian là quá đơn điệu. Nhưng giờ đây, tôi gặp rất nhiều thách đố khi cố gắng cải thiện nhân cách và khả năng để hướng dẫn Kinh Thánh cho người thuộc các dân khác. Tôi hiểu rằng đặt mục tiêu làm theo ý định của Đức Giê-hô-va là cách duy nhất để có một đời sống đầy ý nghĩa”.

19. Làm sao chúng ta có thể tìm được đời sống thật sự có ý nghĩa?

19 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được ban cho sự hiểu biết mang lại sự sống và hy vọng được cứu rỗi. (Giăng 17:3) Vậy chúng ta “chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không”. (2 Cô-rinh-tô 6:1) Thay vì thế, chúng ta hãy tận dụng những năm tháng quý báu của đời mình để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Hãy rao truyền sự hiểu biết mang lại hạnh phúc thật sự ngày nay và dẫn đến sự sống vĩnh cửu trong tương lai. Làm thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự thật của lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Chúng ta sẽ tìm được đời sống thật sự có ý nghĩa.

[Chú thích]

^ đ. 1 Một số tên đã đổi.

Bạn có thể giải thích không?

• Mục tiêu cao quý nhất chúng ta có thể đạt được là gì?

• Tại sao sống theo vật chất là điều thiếu khôn ngoan?

• “Sự sống thật” mà Đức Chúa Trời hứa là gì?

• Để sống phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể theo lối sống nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 18]

Tín đồ Đấng Christ cần thể hiện tinh thần hy sinh đúng cách