Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người khác có cảm thấy khoan khoái khi đến gần bạn không?

Người khác có cảm thấy khoan khoái khi đến gần bạn không?

Người khác có cảm thấy khoan khoái khi đến gần bạn không?

NẰM tận cùng phía nam của dãy núi Anti-Lebanon là ngọn núi Hẹt-môn hùng vĩ, có đỉnh cao đến 2.814 mét. Gần như quanh năm, đỉnh núi Hẹt-môn phủ tuyết trắng xóa. Nhờ đó, vào những đêm ấm áp, hơi nước đi qua ngọn núi ngưng tụ lại tạo thành sương. Những giọt sương ấy rơi xuống rừng thông và vườn cây ăn trái trên sườn núi. Chúng cũng đọng lại nơi những vườn nho được trồng trong trũng bên dưới. Suốt mùa khô kéo dài ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa, những giọt sương tươi mát ấy là nguồn hơi ẩm chính cho cây cối nơi đây.

Trong một bài hát được Đức Chúa Trời soi dẫn, sự hợp nhất lành mạnh giữa những người thờ phượng Ngài được ví như “sương-móc Hẹt-môn sa xuống các núi Si-ôn”. (Thi-thiên 133:1, 3) Giống như núi Hẹt-môn cung cấp những giọt sương tươi mát cho cây cối, chúng ta có thể khiến những người mình gặp cảm thấy khoan khoái. Chúng ta làm thế bằng cách nào?

Gương mẫu của Chúa Giê-su

Chúa Giê-su có ảnh hưởng sâu sắc đến người khác. Chỉ gặp ngài một chút cũng khiến họ cảm thấy dễ chịu. Chẳng hạn, sách Phúc Âm Mác ghi lại: “[Chúa Giê-su] lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. (Mác 10:16) Những đứa trẻ ấy hẳn cảm thấy thoải mái biết bao!

Vào đêm cuối cuộc đời trên đất, Chúa Giê-su đã rửa chân cho các sứ đồ. Tính khiêm nhường của ngài hẳn đã động đến lòng họ. Chúa Giê-su nói với họ: “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi”. (Giăng 13:1-17) Đúng vậy, họ cũng cần phải khiêm nhường. Nhưng các sứ đồ không hiểu ngay điều Chúa Giê-su muốn dạy và cũng trong đêm ấy, họ lại cãi cọ nhau xem ai là người lớn hơn hết. Dù vậy, ngài không giận dữ mà kiên nhẫn lý luận với họ. (Lu-ca 22:24-27) Thật thế, “[Chúa Giê-su] bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”. Ngài quả là gương mẫu cho chúng ta noi theo.—1 Phi-e-rơ 2:21, 23.

Chúa Giê-su phán: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”. (Ma-thi-ơ 11:29) Hãy hình dung bạn trực tiếp được Chúa Giê-su dạy! Sau khi ngài nói bài giảng tại nhà hội ở quê hương ngài, những người dân vùng đó vô cùng ngạc nhiên và thốt lên: “Bởi đâu mà người nầy được khôn-ngoan và những phép lạ nầy?”. (Ma-thi-ơ 13:54) Đọc về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta trở thành nguồn khoan khoái cho người khác. Chúng ta hãy cùng nhau xem làm thế nào Chúa Giê-su nêu gương mẫu tuyệt hảo trong việc nói những điều tích cực và có tinh thần giúp đỡ người khác.

Tiếp tục nói những điều tích cực

Người ta đều biết phá nhà dễ hơn xây nhà. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho lời nói của chúng ta. Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều thiếu sót và phạm lỗi. Vua Sa-lô-môn nói: “Chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội”. (Truyền-đạo 7:20) Thường thì chúng ta rất dễ thấy lỗi lầm của người khác, rồi dùng những lời tiêu cực để chỉ trích họ. (Thi-thiên 64:2-4) Ngược lại, nói những điều tích cực đòi hỏi chúng ta phải cố gắng và suy nghĩ kỹ càng.

Chúa Giê-su dùng lời nói của mình để xây dựng người khác. Ngài khiến họ cảm thấy khoan khoái về thiêng liêng khi rao giảng tin mừng Nước Trời cho họ. (Lu-ca 8:1) Chúa Giê-su cũng làm cho các môn đồ ngài vui mừng khi nói với họ về Cha trên trời. (Ma-thi-ơ 11:25-27) Vì thế, không ngạc nhiên gì khi người ta muốn đến gần Chúa Giê-su!

Ngược lại, các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si không quan tâm đến lợi ích của người khác. Chúa Giê-su phán: “[Họ] ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhứt trong nhà hội”. (Ma-thi-ơ 23:6) Thật vậy, họ khinh thường người dân và nói rằng: “Lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!”. (Giăng 7:49) Thái độ này chắc chắn không làm người khác cảm thấy khoan khoái chút nào!

Lời nói thường cho thấy con người bề trong và quan điểm của chúng ta về người khác. Chúa Giê-su đã từng nói: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra”. (Lu-ca 6:45) Vậy thì chúng ta có thể làm gì để lời nói của mình khiến người khác cảm thấy khoan khoái?

Thứ nhất, chúng ta có thể suy nghĩ trước khi nói. Châm-ngôn 15:28 nói: “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”. Tuy nhiên, đó không nhất thiết là một quá trình dài. Khi suy nghĩ trước một chút, chúng ta có thể đoán người khác sẽ cảm thấy thế nào khi nghe mình nói. Hãy tự hỏi: ‘Điều tôi sắp nói có yêu thương không? Đó là sự thật hay chỉ là tin đồn? Đó có là “lời nói phải thì” không? Người nghe tôi có được khích lệ không?’. (Châm-ngôn 15:23) Nếu nhận thấy suy nghĩ của mình tiêu cực hoặc không đúng lúc, chúng ta cần phải cố gắng loại bỏ nó. Tốt hơn chúng ta nên nghĩ đến những điều tích cực và thích hợp. Những lời thiếu suy nghĩ “đâm-xoi khác nào gươm”, nhưng lời nói tích cực vốn là “thuốc hay”.—Châm-ngôn 12:18.

Thứ hai, chúng ta nên tập trung vào những điểm tốt của anh em mình, là những điều quý trước mắt Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Đức Giê-hô-va thấy những điểm tốt nơi mỗi tôi tớ trung thành của Ngài, ngay cả những người mà chúng ta nghĩ là có tính cách khó chịu. Khi cố gắng nhìn vào điểm tốt của các anh chị, chúng ta sẽ có nhiều điều tích cực để nói về họ.

Giúp đỡ người khác

Chúa Giê-su hiểu rõ cảnh ngộ của những người dân bị áp bức. Thật vậy, “khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Chúa Giê-su không chỉ nhìn hoàn cảnh đáng thương của họ, mà còn ra tay giúp đỡ họ. Ngài mời gọi mọi người: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”. Ngài cũng đoan chắc với họ rằng: “Ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28, 30.

Ngày nay, chúng ta sống trong “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Nhiều người bị đè nặng bởi “sự lo-lắng về đời nầy”. (Ma-thi-ơ 13:22) Những người khác thì chịu đựng hoàn cảnh khó khăn trong đời sống riêng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ cảm thấy khoan khoái? Giống như Chúa Giê-su, chúng ta có thể làm nhẹ bớt gánh nặng của họ.

Một số người cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi kể với người khác về những vấn đề của họ. Nếu một người nản lòng đến với chúng ta, chúng ta có dành thời gian để lắng nghe người ấy không? Để là một người biết lắng nghe và cảm thông, chúng ta cần tự chủ. Điều này có nghĩa là chăm chú nghe người ấy nói thay vì nghĩ cách trả lời hoặc cách giải quyết vấn đề. Trong lúc lắng nghe như thế, hãy tiếp tục nhìn họ và mỉm cười khi thích hợp. Khi làm vậy, chúng ta cho thấy mình quan tâm đến họ.

Trong hội thánh, chúng ta có nhiều cơ hội để khuyến khích các anh chị. Chẳng hạn, khi tham dự nhóm họp tại Phòng Nước Trời, chúng ta có thể nhận thấy ai đang đương đầu với bệnh tật. Có thể chúng ta chỉ cần dành vài phút trước hoặc sau buổi họp để nói chuyện và khích lệ họ. Chúng ta cũng có thể lưu ý đến những anh chị vắng mặt trong Buổi Học Cuốn Sách của mình, rồi gọi điện thoại hỏi thăm hoặc tìm cách giúp đỡ họ.—Phi-líp 2:4.

Những trưởng lão trong hội thánh có nhiều trách nhiệm nặng nề. Chúng ta có thể làm nhẹ bớt gánh của họ bằng cách hợp tác và khiêm nhường thực hiện những công việc được giao phó. Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em”. (Hê-bơ-rơ 13:17) Khi thể hiện tinh thần sẵn lòng, chúng ta có thể làm cho những trưởng lão “khéo cai-trị Hội-thánh” được khoan khoái.—1 Ti-mô-thê 5:17.

Luôn nói những điều tích cực và giúp đỡ người khác

Giọt sương tươi mát được hình thành từ hàng ngàn giọt nước li ti và vô hình. Tương tự thế, chỉ làm một điều tốt thì có thể chưa đủ để khiến người khác cảm thấy khoan khoái. Nhưng cố gắng luôn thể hiện những đức tính như Đấng Christ sẽ dần dần giúp chúng ta trở thành nguồn khoan khoái cho người xung quanh.

Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”. (Rô-ma 12:10) Chúng ta hãy áp dụng lời khuyên của Phao-lô. Mong sao qua lời nói và hành động, chúng ta thật sự làm người khác cảm thấy khoan khoái!

[Các hình nơi trang 16]

Những giọt sương tươi mát từ núi Hẹt-môn là nguồn hơi ẩm cho cây cối

[Hình nơi trang 17]

Một người biết lắng nghe và cảm thông khiến người khác cảm thấy khoan khoái