Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi gương Đấng đào tạo môn đồ

Hãy noi gương Đấng đào tạo môn đồ

Hãy noi gương Đấng đào tạo môn đồ

“Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”.—LU-CA 8:18.

1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến cách Chúa Giê-su đối xử với người khác khi thi hành thánh chức?

CHÚA GIÊ-SU đã làm tròn vai trò của ngài là Thầy Vĩ Đại và Đấng đào tạo môn đồ khi bảo những người theo ngài: “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:16-18) Là một tín đồ Đấng Christ, bạn cũng phải áp dụng nguyên tắc này trong thánh chức. Nếu chú tâm đến những gì mình học được về Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài, bạn sẽ làm theo và trở thành một người rao giảng Nước Trời hữu hiệu. Dĩ nhiên, ngày nay bạn không thể nghe tiếng của Chúa Giê-su nhưng qua Kinh Thánh, bạn có thể đọc về những gì ngài đã nói và làm. Những điều Kinh Thánh ghi lại cho biết gì về cách Chúa Giê-su đối xử với người khác khi thi hành thánh chức?

2 Chúa Giê-su là người giảng tin mừng xuất sắc và là bậc thầy trong việc dạy dỗ lẽ thật Kinh Thánh. (Lu-ca 8:1; Giăng 8:28) Đào tạo môn đồ bao gồm cả việc rao giảng lẫn dạy dỗ. Tuy nhiên, một số tín đồ Đấng Christ thấy việc dạy dỗ hữu hiệu không phải là dễ, dù họ là những người rao giảng giỏi. Khi rao giảng, người đào tạo môn đồ phải công bố một thông điệp. Nhưng khi dạy dỗ người khác về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài, người ấy phải tạo mối quan hệ tốt với họ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách noi theo gương Chúa Giê-su, là Thầy Vĩ Đại và Đấng đào tạo môn đồ.—Giăng 13:13.

3. Noi theo Chúa Giê-su có thể giúp bạn như thế nào khi cố gắng đào tạo môn đồ?

3 Khi noi theo phương pháp dạy dỗ của Chúa Giê-su, bạn hành động phù hợp với lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại, và lợi-dụng thì-giờ. Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:5, 6) Noi theo Chúa Giê-su trong việc đào tạo môn đồ đòi hỏi phải cố gắng, nhưng nhờ thế, cách dạy dỗ của bạn sẽ hữu hiệu hơn vì bạn biết “nên đối-đáp mỗi người” thế nào tùy theo nhu cầu của họ.

Chúa Giê-su khuyến khích người khác nói lên quan điểm của họ

4. Tại sao có thể nói rằng Chúa Giê-su là người biết lắng nghe?

4 Ngay từ nhỏ, Chúa Giê-su đã có thói quen lắng nghe và khuyến khích người khác nói lên quan điểm của họ. Chẳng hạn, khi ngài được 12 tuổi, cha mẹ tìm thấy ngài ngồi giữa những thầy thông thái trong đền thờ, “vừa nghe vừa hỏi”. (Lu-ca 2:46) Dù hiểu biết nhiều, Chúa Giê-su không đến đền thờ để làm cho những thầy thông thái bị ngượng. Ngài cũng có đặt câu hỏi, nhưng mục đích ngài đến đó là để lắng nghe. Biết lắng nghe có thể là một yếu tố khiến ngài được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.—Lu-ca 2:52.

5, 6. Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su lắng nghe lời của những người ngài dạy?

5 Sau khi báp têm và được bổ nhiệm làm Đấng Mê-si, Chúa Giê-su vẫn thích lắng nghe người khác. Chúa Giê-su không quá mải mê trong việc dạy dỗ đến nỗi quên đi những người nghe ngài. Thông thường, ngài ngừng lại, hỏi họ nghĩ gì và lắng nghe câu trả lời của họ. (Ma-thi-ơ 16:13-15) Chẳng hạn, sau khi La-xa-rơ qua đời, Chúa Giê-su nói với Ma-thê: “Ai sống và tin ta thì không hề chết”. Rồi ngài hỏi: “Ngươi tin điều đó chăng?”. Chắc chắn Chúa Giê-su đã lắng nghe khi Ma-thê trả lời: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 11:26, 27) Ngài hẳn vui lòng biết bao khi nghe Ma-thê nói lên đức tin của bà!

6 Khi nhiều môn đồ từ bỏ Chúa Giê-su, ngài muốn biết quan điểm của các sứ đồ. Ngài hỏi họ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”. Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”. (Giăng 6:66-69) Những lời này đẹp lòng Chúa Giê-su biết bao! Chắc chắn bạn cũng sẽ cảm nhận được niềm vui khi một người học Kinh Thánh bày tỏ đức tin như thế.

Chúa Giê-su tôn trọng và lắng nghe người khác

7. Tại sao nhiều người Sa-ma-ri đặt đức tin nơi Chúa Giê-su?

7 Một lý do khác cho thấy tại sao Chúa Giê-su đào tạo môn đồ một cách hữu hiệu là vì ngài quan tâm, tôn trọng và lắng nghe người khác. Chẳng hạn vào một dịp nọ, Chúa Giê-su làm chứng cho một người đàn bà Sa-ma-ri gần giếng Gia-cốp ở Si-kha. Trong cuộc trò chuyện, Chúa Giê-su cũng để cho người đàn bà nói và lắng nghe bà. Ngài để ý đến mối quan tâm của bà về sự thờ phượng và cho bà biết rằng Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Chúa Giê-su tôn trọng và quan tâm đến bà. Kết quả là bà chạy đi nói cho người khác biết về Chúa Giê-su, và ‘có nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin ngài, vì cớ lời đàn-bà đã làm chứng về ngài’.—Giăng 4:5-29, 39-42.

8. Trong thánh chức, làm thế nào việc người ta thích bày tỏ quan điểm giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện?

8 Người ta thường thích bày tỏ quan điểm của họ. Chẳng hạn, cư dân thành A-thên cổ xưa cũng thích nói lên ý kiến của mình và lắng nghe những điều mới. Nhờ vậy, sứ đồ Phao-lô có thể nói một bài giảng thuyết phục trên đồi A-rê-ô-ba ở thành phố này. (Công-vụ 17:18-34) Ngày nay, trong thánh chức bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng cách nói: “Ông/Bà nghĩ sao về [một đề tài]?”. Rồi lắng nghe, và thảo luận hoặc đặt câu hỏi để biết quan điểm của người đối thoại. Sau đó, bạn nên nhã nhặn cho thấy Kinh Thánh nói gì về đề tài này.

Chúa Giê-su biết phải nói điều gì

9. Chúa Giê-su làm gì trước khi “cắt nghĩa Kinh-thánh” cho Cơ-lê-ô-ba và bạn ông?

9 Không chỉ là người biết lắng nghe, Chúa Giê-su còn để ý xem người ta nghĩ gì và ngài luôn biết những điều phải nói. (Ma-thi-ơ 9:4; 12:22-30; Lu-ca 9:46, 47) Chúng ta hãy xem một thí dụ. Không lâu sau khi Chúa Giê-su sống lại, hai môn đồ ngài đang đi từ Giê-ru-sa-lem đến Em-ma-út. Lời tường thuật trong Phúc Âm cho biết: “Đang khi nói và cãi lẽ nhau, chính Đức Chúa Jêsus đến gần, cùng đi đường với họ. Nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được. Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi đương đi đường, nói chuyện gì cùng nhau vậy? Họ dừng lại, buồn-bực lắm. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-ba, trả lời rằng: Có phải chỉ ngươi là khách lạ ở thành Giê-ru-sa-lem, không hay việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao? Ngài hỏi rằng: Việc gì vậy?”. Thầy Vĩ Đại lắng nghe khi họ giải thích rằng Chúa Giê-su người Na-xa-rét đã dạy dỗ người ta, làm phép lạ và bị xử tử. Giờ đây, một số người nói rằng ngài đã từ kẻ chết sống lại. Chúa Giê-su để cho Cơ-lê-ô-ba và bạn ông nói lên quan điểm của mình. Sau đó, ngài giải thích những điều họ cần phải biết và “cắt nghĩa Kinh-thánh” cho họ.—Lu-ca 24:13-27, 32.

10. Làm thế nào để biết một người bạn gặp trong thánh chức nghĩ gì về tôn giáo?

10 Có lẽ bạn không biết một người nào đó nghĩ gì về tôn giáo. Bạn có thể nói rằng bạn muốn biết quan điểm của người ta về việc cầu nguyện. Sau đó, hãy hỏi người nghe: “Theo ông/bà, thật sự có ai nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không?”. Câu trả lời có thể cho chúng ta biết tôn giáo và quan điểm của người ấy. Nếu người nghe quan tâm đến tôn giáo, bạn có thể hỏi thêm: “Ông/Bà nghĩ Đức Chúa Trời có nghe mọi lời cầu nguyện không? Hay là Ngài chỉ nhậm một số lời cầu nguyện nào đó?”. Những câu hỏi như thế có thể mang lại một cuộc trò chuyện thoải mái. Vào lúc thích hợp, bạn hãy khéo léo chia sẻ một ý tưởng trong Kinh Thánh, nhưng đừng công kích niềm tin của người nghe. Nếu thích nghe bạn, người đó sẽ mời bạn trở lại. Nhưng nói sao nếu người ấy đặt câu hỏi mà bạn không trả lời được? Bạn có thể hẹn lần sau, rồi về nghiên cứu thêm và trở lại để trả lời về ‘sự trông-cậy của mình, song phải hiền-hòa và kính-sợ’.—1 Phi-e-rơ 3:15.

Chúa Giê-su dạy những người xứng đáng

11. Điều gì sẽ giúp bạn tìm thấy người xứng đáng để được dạy dỗ?

11 Là người hoàn toàn, Chúa Giê-su có khả năng biết ai là người xứng đáng để được dạy dỗ. Tuy nhiên, chúng ta thì khó nhận ra người nào “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”. (Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý) Các sứ đồ cũng cảm thấy như thế. Chúa Giê-su nói với họ: “Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình”. (Ma-thi-ơ 10:11) Giống như các sứ đồ, bạn phải tìm những người sẵn lòng lắng nghe và học hỏi lẽ thật Kinh Thánh. Bạn có thể tìm được người xứng đáng bằng cách chăm chú lắng nghe những người bạn rao giảng, và chú ý đến thái độ của từng người.

12. Làm thế nào bạn có thể tiếp tục giúp đỡ một người chú ý đến thông điệp Nước Trời?

12 Sau khi nói chuyện với người chú ý đến thông điệp Nước Trời, điều tốt là tiếp tục nghĩ xem người ấy cần biết những lẽ thật Kinh Thánh nào. Ngoài ra, ghi chép lại những điều bạn biết về người đối thoại sẽ giúp bạn tiếp tục giúp đỡ người ấy về mặt tâm linh. Trong những lần viếng thăm lại, bạn nên chăm chú lắng nghe để biết thêm về niềm tin, quan điểm hoặc hoàn cảnh của người ấy.

13. Điều gì có thể giúp bạn biết cảm nghĩ của một người về Kinh Thánh?

13 Làm thế nào bạn có thể khuyến khích người khác nói lên cảm nghĩ của họ về Lời Đức Chúa Trời? Tại một số nơi, bạn có thể gợi chuyện bằng cách hỏi: “Theo ông/bà, Kinh Thánh có khó hiểu không?”. Câu trả lời thường cho biết quan điểm của một người về vấn đề tâm linh. Cách khác là đọc một câu Kinh Thánh, rồi hỏi: “Ông/Bà thấy câu Kinh Thánh này thế nào?”. Giống như Chúa Giê-su, bạn có thể đạt được nhiều kết quả tốt trong thánh chức khi đặt những câu hỏi thích hợp. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn thận trong vấn đề này.

Chúa Giê-su dùng câu hỏi một cách hữu hiệu

14. Làm thế nào bạn có thể cho thấy mình quan tâm đến quan điểm của người khác mà không chất vấn họ?

14 Chúng ta nên cho thấy mình quan tâm đến quan điểm của người khác mà không làm họ cảm thấy khó chịu. Hãy noi theo phương pháp của Chúa Giê-su. Ngài đặt những câu hỏi gợi suy nghĩ, chứ không chất vấn người khác. Chúa Giê-su cũng là người biết tử tế lắng nghe, và những người thành thật đến gần ngài luôn cảm thấy thoải mái và khoan khoái. (Ma-thi-ơ 11:28) Người thuộc mọi tầng lớp xã hội cảm thấy dễ nói với ngài về mối quan tâm lo lắng của họ. (Mác 1:40; 5:35, 36; 10:13, 17, 46, 47) Nếu muốn người ta cảm thấy dễ nói lên cảm nghĩ của họ về Kinh Thánh, bạn đừng nên chất vấn họ.

15, 16. Làm thế nào bạn có thể cuốn hút người khác vào cuộc nói chuyện về vấn đề tôn giáo?

15 Ngoài việc đặt câu hỏi thích hợp, bạn có thể bắt chuyện bằng một đề tài gợi sự chú ý, rồi lắng nghe người đối thoại. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đem: “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời”. (Giăng 3:3) Đề tài này khiến Ni-cô-đem chú ý đến độ ông phải hỏi thêm và lắng nghe Chúa Giê-su. (Giăng 3:4-20) Bạn cũng có thể cuốn hút người khác vào cuộc nói chuyện bằng cách tương tự như thế.

16 Ngày nay, tại nhiều nơi như châu Phi, Đông Âu và Châu Mỹ La Tinh, nhiều tôn giáo mới xuất hiện là một đề tài đáng lưu ý. Ở những nơi đó, bạn có thể nói như sau để bắt đầu cuộc trò chuyện: “Tôi thấy ngày nay có rất nhiều đạo. Tôi mong rằng một ngày gần đây mọi người đều hợp nhất trong sự thờ phượng thật. Ông/Bà có muốn thấy điều đó xảy ra không?”. Nhiều điều chúng ta tin có thể khiến người nghe ngạc nghiên, nên nêu lên một điều như thế sẽ thúc đẩy người ấy bày tỏ quan điểm của mình. Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi có hai lựa chọn để người nghe dễ trả lời. (Ma-thi-ơ 17:25) Sau khi người ấy trả lời, bạn có thể dùng một hoặc hai câu Kinh Thánh để thảo luận thêm về đề tài đó. (Ê-sai 11:9; Sô-phô-ni 3:9) Chăm chú lắng nghe và lưu ý đến phản ứng của người đối thoại sẽ giúp bạn biết lần tới mình sẽ thảo luận điều gì.

Chúa Giê-su lắng nghe trẻ em

17. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su quan tâm đến trẻ em?

17 Chúa Giê-su không chỉ quan tâm đến người lớn mà còn trẻ em nữa. Ngài biết những trò chơi của trẻ em và những điều chúng nói. Đôi khi ngài còn mời các em đến với ngài. (Lu-ca 7:31, 32; 18:15-17) Trong đoàn dân đến nghe Chúa Giê-su giảng cũng có nhiều trẻ em. Chúa Giê-su để ý khi các em nhỏ tung hô Đấng Mê-si, và ngài cho biết Kinh Thánh đã tiên tri về điều này. (Ma-thi-ơ 14:21; 15:38; 21:15, 16) Ngày nay, có nhiều trẻ em trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Làm sao bạn có thể giúp các em ấy?

18, 19. Làm thế nào bạn có thể giúp con mình về mặt thiêng liêng?

18 Để giúp con cái về mặt thiêng liêng, bạn phải lắng nghe con. Bạn cần biết lối suy nghĩ của con có phù hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va hay không. Dù con nói gì chăng nữa, trước tiên bạn nên khen con, rồi có thể dùng những câu Kinh Thánh thích hợp để giúp con biết Đức Giê-hô-va nghĩ gì về điều đó.

19 Câu hỏi có thể giúp bạn biết con mình nghĩ gì. Tuy nhiên, giống như người lớn, trẻ em không thích bị tra hỏi. Thay vì buộc con phải trả lời nhiều câu hỏi khó, tốt hơn bạn nên nói sơ qua về mình. Tùy vào đề tài đang thảo luận, bạn có thể kể về cảm nghĩ của mình trước kia và cho con biết tại sao mình nghĩ thế. Rồi bạn có thể hỏi: “Còn con thì sao? Con có bao giờ cảm thấy như vậy không?”. Câu trả lời của con bạn có thể mở đường cho một cuộc thảo luận hữu ích và khích lệ dựa trên Kinh Thánh.

Hãy tiếp tục noi gương Đấng đào tạo môn đồ

20, 21. Tại sao bạn nên lắng nghe khi làm công việc đào tạo môn đồ?

20 Dù bạn đang thảo luận một vấn đề với con cái hay một người nào khác, biết lắng nghe là yếu tố then chốt. Thật vậy, đó là cách bày tỏ tình yêu thương. Khi lắng nghe, bạn thể hiện tính khiêm nhường, còn người đối thoại sẽ cảm thấy được tôn trọng và quan tâm. Dĩ nhiên, lắng nghe có nghĩa là bạn chú ý đến những gì người khác nói.

21 Khi tham gia thánh chức, bạn hãy tiếp tục chăm chú lắng nghe. Nếu chú ý đến những gì người khác nói, bạn có thể biết điểm nào trong Kinh Thánh sẽ đặc biệt thu hút họ. Sau đó, hãy cố gắng giúp họ bằng cách áp dụng các phương pháp dạy dỗ của Chúa Giê-su. Khi làm thế, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và sự thỏa nguyện vì bạn đang noi gương Đấng đào tạo môn đồ.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúa Giê-su khuyến khích người khác bày tỏ cảm nghĩ bằng cách nào?

• Tại sao Chúa Giê-su lắng nghe những người ngài dạy?

• Làm thế nào bạn có thể dùng câu hỏi trong thánh chức?

• Bạn có thể làm gì để giúp trẻ em trở thành môn đồ Chúa Giê-su?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Khi rao giảng, hãy biết lắng nghe

[Hình nơi trang 30]

Chúng ta noi gương Chúa Giê-su khi giúp trẻ em trở thành môn đồ ngài