Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ma-la-chi

Những điểm nổi bật trong sách Ma-la-chi

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ma-la-chi

CÔNG CUỘC tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem đã được hoàn tất hơn 70 năm rồi. Thế nhưng, thời gian trôi qua, tình trạng thiêng liêng của dân Do Thái ngày càng suy yếu trầm trọng. Ngay cả các thầy tế lễ cũng bị tha hóa. Ai sẽ giúp họ nhận ra tình trạng của mình và phục hồi mối quan hệ với Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ đó cho nhà tiên tri Ma-la-chi.

Với giọng văn mạnh mẽ, cuốn sách cuối cùng của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ này đã ghi lại lời tiên tri đến từ Đức Chúa Trời. Chú ý đến lời tiên tri của Ma-la-chi có thể giúp chúng ta sẵn sàng cho “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”, ngày mà thế gian hung ác này bị hủy diệt.—Ma-la-chi 4:5.

NHỮNG THẦY TẾ LỄ “LÀM CHO NHIỀU NGƯỜI VẤP-NGÔ

(Ma-la-chi 1:1–2:17)

Đức Giê-hô-va bày tỏ cảm nghĩ của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta yêu các ngươi”. Nhưng các thầy tế lễ đã xem thường danh Đức Chúa Trời. Như thế nào? Họ đã “dâng bánh ô-uế trên bàn-thờ” và “con vật què hoặc đau” để làm của-lễ cho Ngài.—Ma-la-chi 1:2, 6-8.

Các thầy tế lễ đã “làm cho nhiều người vấp-ngã trong luật-pháp”. Dân sự thì “đãi anh em mình cách gian-dối”. Một số người lấy vợ ngoại. Những người khác thì lừa dối “vợ [mình] lấy lúc tuổi trẻ”.—Ma-la-chi 2:8, 10, 11, 14-16.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:2—Bằng cách nào Đức Giê-hô-va “rủa-sả những phước-lành” của các thầy tế lễ ương ngạnh? Bằng cách là Ngài làm cho những phước lành của các thầy tế lễ này trở thành tai họa.

2:3—“Rải phân” trên mặt thầy tế lễ có nghĩa gì? Theo Luật Pháp, người ta phải đem phân của các con vật hy sinh ra ngoài trại quân để thiêu hủy (Lê-vi Ký 16:27). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va “rải phân” trên mặt thầy tế lễ có nghĩa là Ngài khinh thường và không chấp nhận của-lễ cũng như kẻ dâng của-lễ đó.

2:13—Nước mắt của ai đã che lấp bàn thờ Đức Giê-hô-va? Đó là nước mắt của những người vợ đến đền thờ để dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va. Tại sao họ đau buồn đến thế? Vì chồng họ là những người Giu-đa đã bỏ họ một cách bất hợp pháp, dường như để cưới những người nữ ngoại bang trẻ tuổi.

Bài học cho chúng ta:

1:10. Đức Giê-hô-va không vui lòng về của-lễ dâng lên bởi các thầy tế lễ tham lam, vì họ lấy tiền công cho những việc đơn giản như đóng các cửa hoặc nhen lửa nơi bàn thờ. Vì vậy, điều quan trọng chúng ta nên ghi nhớ là việc thờ phượng, bao gồm những gì chúng ta làm trong thánh chức, phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương bất vị kỷ với Đức Chúa Trời và người đồng loại, chứ không phải vì tiền bạc!—Ma-thi-ơ 22:37-39; 2 Cô-rinh-tô 11:7.

1:14; 2:17. Đức Giê-hô-va không chấp nhận sự giả hình.

2:7-9. Những người có đặc ân giảng dạy trong hội thánh cần chắc chắn rằng những gì họ dạy phù hợp với Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh và với các ấn phẩm của “người quản-gia ngay-thật”.—Lu-ca 12:42; Gia-cơ 3:11.

2:10, 11. Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng Ngài xem trọng lời khuyên về việc kết hôn “theo ý Chúa”.—1 Cô-rinh-tô 7:39.

2:15, 16. Những người thờ phượng thật phải xem trọng giao ước hôn nhân với vợ mình đã lấy khi còn trẻ.

‘CHÚA SẼ THÌNH-LÌNH VÀO TRONG ĐỀN-THỜ NGÀI’

(Ma-la-chi 3:1–4:6)

“Chúa [Giê-hô-va Đức Chúa Trời]. . . sẽ thình-lình vào trong đền-thờ Ngài” cùng với “thiên-sứ của sự giao-ước [Chúa Giê-su]”. * Đức Chúa Trời “sẽ đến gần [dân Ngài] đặng làm sự đoán-xét” và “vội-vàng làm chứng” nghịch cùng tất cả những kẻ ác. Ngược lại, những ai kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được ghi tên vào “một sách để ghi-nhớ”.—Ma-la-chi 3:1, 3, 5, 16.

Ngày “cháy như lò lửa” sẽ đến và thiêu đốt tất cả những kẻ ác. Trước khi ngày ấy xảy ra, một nhà tiên tri sẽ được sai đến để “làm cho lòng cha trở lại cùng con-cái, lòng con-cái trở lại cùng cha”.—Ma-la-chi 4:1, 5, 6.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

3:1-3—Khi nào “Chúa” và “thiên-sứ của sự giao-ước” đến đền thờ, và ai được sai đi trước họ? Đức Giê-hô-va đến đền thờ theo nghĩa là Ngài sai một người đại diện đến để tẩy sạch đền thờ vào ngày 10 Nisan, năm 33 CN. Đó là lúc Chúa Giê-su vào đền thờ và đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi nơi ấy (Mác 11:15). Lúc này đã là ba năm rưỡi kể từ khi Chúa Giê-su được chọn làm Vua. Tương tự thế, dường như ba năm rưỡi sau khi lên ngôi vua trên trời, Chúa Giê-su cùng Đức Giê-hô-va đến đền thờ thiêng liêng và nhận ra rằng dân Đức Chúa Trời cần được tẩy sạch. Vào thế kỷ thứ nhất, Giăng Báp-tít được sai đi để chuẩn bị cho dân Do Thái đón nhận Chúa Giê-su. Thời nay, một sứ giả được sai đến trước để dọn đường cho việc Đức Giê-hô-va đến thanh tra đền thờ thiêng liêng của Ngài. Ngay từ thập niên 1880, một nhóm học viên Kinh Thánh đã bắt đầu tham gia một chương trình giáo dục giúp nhiều người có lòng thành thật hiểu biết những lẽ thật căn bản của Kinh Thánh.

3:10—Việc đem “hết thảy phần mười” vào kho, hay đóng thuế thập phân, có mang ý nghĩa là dâng hết tất cả cho Đức Giê-hô-va không? Không. Dân Y-sơ-ra-ên phải nộp thuế thập phân mỗi năm. Ngày nay, khi dâng mình và biểu trưng sự dâng mình đó qua việc báp têm trong nước, chúng ta dâng hết tất cả những gì mình có cho Đức Giê-hô-va chỉ một lần. Kể từ lúc đó, mọi thứ chúng ta có đều thuộc về Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, Luật Pháp Môi-se bị bãi bỏ dựa trên căn bản sự hy sinh của Chúa Giê-su, nên những người thờ phượng Đức Chúa Trời ngày nay không còn buộc phải đóng thuế thập phân theo nghĩa đen nữa (Ê-phê-sô 2:15). Vì thế, chúng ta đóng thuế theo nghĩa tượng trưng. Đức Giê-hô-va cho phép chúng ta chọn một phần trong những gì mình có để phụng sự Ngài, tùy theo hoàn cảnh và động lực trong lòng. Của-lễ chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va bao gồm việc dùng thời gian, năng lực và của cải cho công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Ngoài ra, của-lễ này cũng gồm việc tham dự nhóm họp, thăm viếng những anh chị đồng đạo bị bệnh và già yếu, cũng như đóng góp tài chính cho sự thờ phượng thật.

4:3—Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ “giày-đạp những kẻ ác” theo nghĩa nào? Dân Đức Chúa Trời không “giày-đạp những kẻ ác” theo nghĩa đen, tức là tham gia vào việc thi hành sự phán xét trên họ. Thay vì thế, điều này cho thấy tôi tớ của Đức Giê-hô-va trên đất sẽ “giày-đạp” theo nghĩa bóng bằng cách tham gia hết mình vào việc ăn mừng chiến thắng vĩ đại sau khi thế gian của Sa-tan bị hủy diệt.—Thi-thiên 145:20; Khải-huyền 20:1-3.

4:4—Tại sao chúng ta nên ‘nhớ lại luật-pháp của Môi-se’? Tín đồ Đấng Christ không buộc phải giữ Luật Pháp này, nhưng đó là “bóng của sự tốt-lành ngày sau” (Hê-bơ-rơ 10:1). Vì thế, chú ý đến Luật Pháp Môi-se có thể giúp chúng ta biết những gì được viết trong đó đã ứng nghiệm như thế nào (Lu-ca 24:44, 45). Hơn nữa, Luật Pháp này có “những tượng [“hình bóng tượng trưng”, An Sơn Vị] chỉ về các vật trên trời”. Học biết về Luật Pháp này là điều quan trọng để hiểu những dạy dỗ và tiêu chuẩn của đạo Đấng Christ.—Hê-bơ-rơ 9:23.

4:5, 6—“Đấng tiên-tri Ê-li” tượng trưng cho ai? Theo lời tiên tri, “Ê-li” sẽ làm công việc phục hồi, tức chuẩn bị lòng cho dân sự. Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su nhận diện Giăng Báp-tít là “Ê-li” (Ma-thi-ơ 11:12-14; Mác 9:11-13). Ê-li thời nay được sai đến “trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”, và đó chính là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45). Lớp tín đồ Đấng Christ được xức dầu này đang sốt sắng làm công việc giúp người ta phục hồi lại mối liên lạc với Đức Chúa Trời.

Bài học cho chúng ta:

3:10. Nếu không hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể mất ân phước của Ngài.

3:14, 15. Gương xấu của các thầy tế lễ khiến cho dân Giu-đa bắt đầu xem nhẹ việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế, các anh có trách nhiệm trong hội thánh phải nêu gương mẫu tốt cho người khác.—1 Phi-e-rơ 5:1-3.

3:16. Đức Giê-hô-va ghi lại tên của những người trung thành và kính sợ Ngài. Đức Chúa Trời luôn nhớ đến và sẽ bảo vệ họ khi thế gian hung ác của Sa-tan bị hủy diệt. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ để cho lòng quyết tâm giữ sự trung kiên với Ngài bị suy yếu đi.—Gióp 27:5.

4:1. Trong ngày phải khai trình với Đức Giê-hô-va, cả “nhành” lẫn “rễ” đều có chung một kết cuộc—con trẻ cũng chịu sự phán xét giống như cha mẹ. Thế nên, trách nhiệm của cha mẹ với các con nhỏ của họ thật quan trọng biết bao! Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ phải nỗ lực để được Đức Chúa Trời chấp nhận và giữ vị thế tốt trước mặt Ngài.—1 Cô-rinh-tô 7:14.

“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời”

Ai sẽ được cứu trong “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”? (Ma-la-chi 4:5). Đức Giê-hô-va phán: “Về phần các ngươi là kẻ kính-sợ danh ta, thì mặt trời công-bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy-nhót như bò tơ của chuồng”.—Ma-la-chi 4:2.

“Mặt trời công-bình” là Chúa Giê-su sẽ chiếu sáng trên những người kính sợ danh Đức Chúa Trời. Nhờ thế, họ sẽ nhận được ân phước của Ngài (Giăng 8:12). Đối với họ, “trong cánh nó có sự chữa bịnh” nghĩa là họ được chữa lành về thiêng liêng ngay từ bây giờ, và sẽ trở nên hoàn toàn về thể chất, tâm trí và tình cảm trong thế giới mới của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 22:1, 2). Họ vui mừng và hân hoan “nhảy-nhót như bò tơ của chuồng”. Trong khi chờ đợi những ân phước đó, chúng ta hãy khắc ghi vào lòng lời khuyên của vua Sa-lô-môn: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.—Truyền-đạo 12:13.

[Hình nơi trang 26]

Nhà tiên tri Ma-la-chi là một tôi tớ sốt sắng và tận tụy của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 29]

Những điều chúng ta dạy phải phù hợp với Kinh Thánh

[Hình nơi trang 29]

Tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải xem trọng giao ước hôn nhân

[Chú thích]

^ đ. 6 Bản Nguyễn Thế Thuấn dịch Ma-la-chi 3:1 như sau: “Này Ta sai thần sứ của Ta, kẻ sẽ vén đường bạt lối trước nhan Ta. Và thình lình sẽ đến nơi Đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi. Và thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến—Yavê các cơ binh đã phán”.