Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời nguyện cầu trên khắp thế giới

Lời nguyện cầu trên khắp thế giới

Lời nguyện cầu trên khắp thế giới

Bạn hãy thử hình dung hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người cùng cầu nguyện với Đấng Tối Cao của cả vũ trụ. Họ cầu xin Ngài đáp ứng một điều cụ thể. Tuy nhiên, ít ai trong số họ biết chính xác điều mình đang cầu xin có ý nghĩa gì. Lẽ nào lại như thế? Nhưng đó là sự thật diễn ra mỗi ngày. Thế thì những người này cầu nguyện về điều gì? Họ xin cho Nước Trời trị đến!

Theo một thống kê, có khoảng 37.000 tôn giáo với hơn hai tỉ giáo dân công nhận Chúa Giê-su là Đấng Lãnh Đạo của họ. Nhiều người trong số họ thường đọc Kinh Lạy Cha. Bạn có biết lời cầu nguyện này không? Đây là lời cầu nguyện Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ, và được mở đầu như sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Trong nhiều thế kỷ qua, những người thờ Đức Chúa Trời kính cẩn lặp đi lặp lại những lời này trong nhà thờ. Họ cũng đọc thuộc lòng bài kinh này một mình hoặc với gia đình vào những lúc vui lẫn lúc buồn. Họ hết lòng, thậm chí thành khẩn đọc lời cầu nguyện này. Nhưng nhiều người khác chỉ học thuộc lòng Kinh Lạy Cha, rồi đọc lên mà không suy nghĩ gì đến ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, không chỉ những người tự nhận là theo Chúa Giê-su mới hy vọng và cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời trị đến.

Các tôn giáo khác và lời cầu xin về Nước Trời

Một lời cầu nguyện nổi tiếng của người Do Thái là bài kinh cầu cho người chết. Dù bài kinh này không nói gì nhiều về sự chết và đau khổ, nhưng nó thường được đọc khi một người thân yêu qua đời. Trong bài kinh có phần như sau: “Cầu xin Người [Đức Chúa Trời] thành lập Nước Người trong đời chúng con. . . đến thật nhanh chóng”. * Một lời cầu nguyện khác trong nhà hội cổ xưa cũng nói lên hy vọng về Nước của Đấng Mê-si, vị vua đến từ nhà Đa-vít.

Những người khác không theo Chúa Giê-su cũng xem Nước Đức Chúa Trời là điều tuyệt diệu. Một nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc của Ấn Độ vào thế kỷ 19 đã chú ý đến sự tương đồng giữa Ấn Độ giáo, Hồi giáo và niềm tin của những người theo Chúa Giê-su. Theo tờ The Times of India, ông cho biết: “Vương quốc thật của Thượng Đế không thể cai trị nếu phương Đông và phương Tây không hòa hợp với nhau”. Và mới đây, hiệu trưởng của một trường Hồi giáo ở Strathfield, Úc, viết cho một tờ báo: “Như mọi tín đồ Hồi giáo khác, tôi tin [rằng] Đức Giê-su sẽ trở lại và thành lập Vương quốc thật của Thượng Đế”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có đến hàng tỉ người đang trông chờ và cầu nguyện cho Nước Trời. Nhưng chúng ta hãy cùng xem một sự thật đáng chú ý.

Có lẽ bạn biết Nhân Chứng Giê-hô-va, những người xuất bản tạp chí này, thường đến thăm người ta trong cộng đồng của bạn để mời họ thảo luận về Kinh Thánh. Khi bài này được viết ra, chúng tôi đang làm công việc này trên 236 nước cũng như hải đảo, và trong hơn 400 ngôn ngữ. Chủ đề chính của công việc rao giảng là Nước Đức Chúa Trời. Thật vậy, bạn hãy lưu ý đến tên đầy đủ của tạp chí này là Tháp Canh thông báo Nước của Đức Giê-hô-va. Chúng tôi thường hỏi người khác rằng họ có cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời được đến hay không. Phần đông trả lời là có. Tuy nhiên, khi được hỏi Nước Trời là gì thì hầu hết họ đều nói: “Tôi không biết”, hoặc họ trả lời rất mơ hồ và không chắc chắn.

Tại sao có quá nhiều người cầu xin cho một điều mà họ không biết? Có phải vì Nước Trời là một khái niệm mơ hồ và phức tạp không? Không phải vậy. Kinh Thánh giải thích rõ ràng và thấu đáo về Nước Trời. Hơn nữa, thông điệp về nước ấy trong Kinh Thánh có thể giúp bạn có được niềm hy vọng thật sự trong thời kỳ u ám hiện tại. Bài kế tiếp sẽ xem xét Kinh Thánh giải thích thế nào về hy vọng này. Rồi chúng ta sẽ biết khi nào lời Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện về Nước Trời được nhậm.

[Chú thích]

^ đ. 6 Như lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su, bài kinh cầu cho người chết của Do Thái giáo cũng cầu xin cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh. Dù người ta vẫn còn tranh cãi về việc có phải bài kinh này xuất hiện từ thời Chúa Giê-su hay thậm chí trước đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy nó có điểm tương đồng với lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su. Lời cầu nguyện ngài dạy không mới mẻ. Mỗi điều cầu xin đều hoàn toàn dựa trên phần Kinh Thánh mà dân Do Thái thời đó thường sử dụng. Chúa Giê-su khuyến khích người Do Thái cầu nguyện về những điều mà họ từng cầu xin bấy lâu nay.