Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người bảo vệ sự thờ phượng thật

Người bảo vệ sự thờ phượng thật

Hãy noi theo đức tin của họ

Người bảo vệ sự thờ phượng thật

Ê-li nhìn về phía đám đông đang lê từng bước nặng nhọc lên sườn núi Cạt-mên. Ngay cả trong ánh sáng tờ mờ của buổi bình minh, ông vẫn nhìn thấy rõ sự nghèo nàn, thiếu thốn và khổ sở nơi những con người này. Ba năm rưỡi hạn hán đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống họ.

Tuy nhiên, trong số đó có 450 người làm tiên tri và thầy tế của thần Ba-anh. Họ bước đi cách ngạo mạn và lộ rõ vẻ căm ghét Ê-li, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Hoàng hậu Giê-sa-bên đã hành quyết những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời, thế mà người đàn ông này vẫn kiên quyết chống lại sự thờ phượng thần Ba-anh. Nhưng được bao lâu? Có lẽ các thầy tế của Ba-anh nghĩ một người đơn độc như thế sẽ không bao giờ chiến thắng họ được (1 Các Vua 18:3, 19, 20). Vua A-háp cũng đến đó trên một cỗ xe ngựa hoàng gia. Ông cũng chẳng thích gì nhà tiên tri Ê-li.

Đối với nhà tiên tri đơn độc này, đây là ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời của ông. Ê-li nhìn thấy một cảnh tượng chưa từng xảy ra trên thế giới. Đó là một cuộc đối đầu gây cấn nhất giữa điều thiện và điều ác. Ông cảm thấy thế nào khi ngày ấy bắt đầu? “Là người yếu-đuối như chúng ta”, ông không phải là người không biết sợ (Gia-cơ 5:17). Chúng ta có thể chắc chắn ít nhất một điều: Khi bị bao quanh là những người không có đức tin cùng với vị vua bội đạo và các thầy tế đầy sát khí, Ê-li hẳn phải cảm thấy rất cô độc!—1 Các Vua 18:22.

Điều gì khiến dân Y-sơ-ra-ên rơi vào tình trạng tồi tệ đến thế? Ngày nay, chúng ta học được bài học nào từ lời tường thuật này? Kinh Thánh khuyến khích chúng ta xem xét kỹ gương mẫu của những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời để “học-đòi đức-tin họ” (Hê-bơ-rơ 13:7). Chúng ta hãy cùng xem gương của Ê-li.

Cuộc chiến dai dẳng nay lên đến đỉnh điểm

Gần như cả cuộc đời, Ê-li đã bất lực đứng nhìn điều tốt đẹp nhất của quê hương và dân tộc ông bị loại bỏ và chà đạp. Như bạn có thể thấy, từ lâu dân Y-sơ-ra-ên ở trong một cuộc chiến dai dẳng giữa tôn giáo thật và tôn giáo sai lầm, giữa sự thờ phượng Đức Giê-hô-va và việc thờ hình tượng của các dân tộc xung quanh. Vào thời Ê-li, cuộc chiến này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vua A-háp đã cưới Giê-sa-bên, con gái của vua Si-đôn. Giê-sa-bên quyết tâm bành trướng việc thờ thần Ba-anh ra khắp xứ và diệt trừ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. A-háp nhanh chóng rơi vào ảnh hưởng của bà. Ông xây một ngôi đền và bàn thờ cho thần Ba-anh, đồng thời dẫn đầu trong việc quỳ lạy vị thần ngoại giáo này. Ông đã hoàn toàn xúc phạm Đức Giê-hô-va.—1 Các Vua 16:30-33.

Tại sao việc thờ thần Ba-anh là một điều đáng ghê tởm? Vì nó lừa dối dân Y-sơ-ra-ên, khiến nhiều người không còn thờ phượng Đức Chúa Trời. Đây cũng là một tôn giáo bại hoại và tàn ác. Nó bao gồm các thực hành mãi dâm của nam lẫn nữ nơi đền thờ, các cuộc truy hoan trác táng và ngay cả dâng con tế thần. Đức Giê-hô-va đã sai nhà tiên tri Ê-li đến báo cho A-háp biết sẽ có một cơn hạn hán kéo dài cho đến khi nào nhà tiên tri nói là kết thúc (1 Các Vua 17:1). Vài năm đã trôi qua, giờ đây Ê-li lại gặp A-háp và bảo vua nhóm họp dân sự và các tiên tri Ba-anh tại núi Cạt-mên.

Cuộc chiến này có ý nghĩa gì với chúng ta? Một số người có thể cho rằng câu chuyện về việc thờ Ba-anh không phù hợp với thời đại này vì chúng ta không thấy đền đài hay bàn thờ thần này ở đâu cả. Nhưng lời tường thuật này không chỉ là lịch sử xa xưa (Rô-ma 15:4). Từ Ba-anh có nghĩa là “chủ”. Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên nên chọn Ngài làm “ba-anh” của họ, tức là chồng họ (Ê-sai 54:5). Bạn có đồng ý rằng người ta đang phụng sự rất nhiều chủ khác nhau thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời toàn năng không? Thật vậy, khi dùng đời sống để theo đuổi tiền bạc, nghề nghiệp, thú vui, dục vọng hoặc thờ bất cứ vị thần nào khác thay vì Đức Giê-hô-va, người ta đã chọn cho mình một người chủ (Ma-thi-ơ 6:24; Rô-ma 6:16). Vì thế, có thể nói những đặc điểm của việc thờ Ba-anh vẫn còn tồn tại và phát triển đến thời nay. Cuộc chiến giữa Đức Giê-hô-va và thần Ba-anh thời xưa có thể giúp chúng ta khôn ngoan lựa chọn ai là Đấng chúng ta nên thờ phượng.

“Đi giẹo hai bên”—Như thế nào?

Đứng trên đỉnh núi Cạt-mên lồng lộng gió, người ta có thể nhìn thấy toàn thể vùng đất của dân Y-sơ-ra-ên—từ thung lũng Ki-sôn bên dưới cho đến Biển Lớn (Địa Trung Hải) gần đó, kéo dài đến rặng núi Lebanon ở tận chân trời phía bắc. * Nhưng khi mặt trời dần dần ló dạng vào ngày đặc biệt ấy, cảnh tượng thật khủng khiếp. Không khí chết chóc bao trùm trên vùng đất một thời rất màu mỡ mà Đức Giê-hô-va đã ban cho con cháu của Áp-ra-ham. Mảnh đất này giờ trở nên khô hạn dưới cái nắng khắc nghiệt của mặt trời, và bị tàn phá bởi sự dại dột của những người thuộc dân Đức Chúa Trời! Khi mọi người đã tụ họp đông đủ, nhà tiên tri Ê-li tiến đến gần họ và nói: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”.—1 Các Vua 18:21.

Ê-li có ý gì khi nói dân sự “đi giẹo hai bên”? Dân sự không nhận ra rằng họ phải chọn lựa giữa việc phụng sự Đức Giê-hô-va hoặc việc thờ Ba-anh. Họ nghĩ họ có thể thờ phượng cả hai—vừa thực hành các nghi lễ ghê tởm để làm nguôi cơn giận của Ba-anh, vừa cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời giúp đỡ. Có lẽ họ lý luận rằng Ba-anh sẽ ban phước cho mùa màng và súc vật của họ, còn “Đức Giê-hô-va vạn binh” sẽ bảo vệ họ trong chiến trận (1 Sa-mu-ên 17:45). Tuy nhiên, những người này, ngay cả nhiều người thời nay, đã quên đi một sự thật cơ bản là Đức Giê-hô-va chỉ chấp nhận sự thờ phượng chuyên độc mà thôi. Ngài không chỉ đòi hỏi mà còn xứng đáng để được như thế. Việc pha trộn sự thờ phượng Đức Giê-hô-va với những sự thờ phượng khác đều không được Ngài chấp nhận, thậm chí còn bị Ngài xem là ghê tởm!—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5.

Vì thế, những người Y-sơ-ra-ên đã “đi giẹo hai bên” giống như một người cố gắng đi hai con đường cùng một lúc. Nhiều người ngày nay cũng nhầm lẫn như thế. Họ để cho những “ba-anh” khác dần dần xâm chiếm đời sống họ, và không còn chú trọng đến sự thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa. Ê-li đã đưa ra lời kêu gọi cấp bách và rõ ràng cho dân sự để chấm dứt việc “đi giẹo hai bên”. Lời kêu gọi đó có thể giúp chúng ta xem xét lại sự thờ phượng và những điều mình đặt ưu tiên trong đời sống.

Cuộc thử nghiệm mang tính quyết định

Kế tiếp, Ê-li đề nghị họ làm một thử nghiệm rất đơn giản. Các thầy tế của Ba-anh lập một bàn thờ và đặt một con vật hiến tế lên đó. Rồi họ phải cầu xin thần của họ giáng lửa xuống bàn thờ. Nhà tiên tri Ê-li cũng làm y như vậy. Ông nói: “Thần đáp lời bằng lửa, ấy quả là Đức Chúa Trời”. Ê-li đã biết chắc chắn ai là Đức Chúa Trời thật. Vì thế, với đức tin mạnh mẽ, ông đã không ngần ngại để cho các tiên tri Ba-anh kêu cầu thần của họ trước. Ông cho những kẻ thù của mình hưởng mọi thuận lợi, đó là tự chọn con bò để tế lễ và được kêu cầu Ba-anh trước. *1 Các Vua 18:24, 25.

Chúng ta không còn sống trong thời kỳ có phép lạ nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Vì thế, chúng ta cũng có thể vững tin vào Ngài như Ê-li. Thí dụ, khi người khác không chấp nhận những dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta không cần phải sợ sệt, và hãy để cho họ bày tỏ quan điểm. Giống như Ê-li, chúng ta có thể chờ đợi Đức Giê-hô-va giải quyết vấn đề. Chúng ta làm thế bằng cách tin cậy, không phải nơi bản thân mình, nhưng nơi Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, vì lời ấy có tác dụng “sửa-trị” mọi điều.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Các tiên tri của Ba-anh chuẩn bị dâng lễ vật và kêu cầu thần của họ. Họ lớn tiếng lặp đi lặp lại: “Hỡi Ba-anh! Xin đáp lời chúng tôi”. Nhiều phút, rồi nhiều giờ trôi qua, họ cứ tiếp tục la lớn như thế. Kinh Thánh cho biết: “Nhưng chẳng có tiếng gì, cũng chẳng ai đáp lời”. Đến trưa, Ê-li bắt đầu chế nhạo họ rằng có lẽ thần của họ quá bận rộn, cũng có thể thần đang làm việc riêng, hay đang ngủ và cần ai đó để đánh thức thần dậy. Ê-li giục những kẻ bịp bợm đó: “Khá la lớn lên đi”. Rõ ràng, Ê-li xem việc thờ Ba-anh là một điều giả dối và đáng chê trách, nên ông muốn dân Đức Chúa Trời nhìn thấy sự thật này.—1 Các Vua 18:26, 27.

Các thầy tế của Ba-anh càng điên cuồng hơn, họ “kêu lớn tiếng; và theo thói-lệ họ, lấy gươm giáo gạch vào mình cho đến chừng máu chảy ra”. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả! “Chẳng có tiếng nào đáp lại, cũng chẳng ai trả lời, và chẳng ai quan tâm đến” (1 Các Vua 18:28, 29; Bản Dịch Mới). Đúng vậy, chẳng có thần Ba-anh nào cả. Ba-anh chỉ là một sản phẩm của Sa-tan để dụ người ta từ bỏ Đức Chúa Trời. Thời nay cũng thế, chọn phụng sự người chủ khác không phải là Đức Giê-hô-va luôn mang lại thất vọng, thậm chí hổ thẹn.—Thi-thiên 25:3; 115:4-8.

Kết quả

Trời đã quá trưa, và bây giờ là đến lượt của nhà tiên tri Ê-li. Ông sửa sang lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va. Chắc chắn các kẻ thù của sự thờ phượng thật đã phá hủy bàn thờ này. Ê-li dùng 12 hòn đá để tượng trưng cho 12 chi phái của dân Do Thái (tức những dòng họ ra từ 12 người con của Gia-cốp). Điều này có lẽ khiến nhiều người trong nước Y-sơ-ra-ên 10 chi phái nhớ rằng Luật Pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho 12 chi phái vẫn còn hiệu lực. Ông đặt con vật hiến tế lên bàn thờ, rồi lấy nước, có lẽ từ biển Địa Trung Hải gần đó, để rưới ngập lên mọi thứ. Thậm chí, ông còn đào một cái mương xung quanh bàn thờ và đổ đầy nước vào đó. Càng để cho phía các tiên tri Ba-anh hưởng thuận lợi chừng nào thì Ê-li càng làm phía Đức Giê-hô-va gặp nhiều bất lợi chừng nấy. Nhưng điều đó chứng tỏ niềm tin của ông nơi Ngài.—1 Các Vua 18:30-35.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Ê-li bắt đầu cầu nguyện. Bằng những từ ngữ đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục, lời cầu nguyện đã cho thấy điều gì là quan trọng nhất đối với ông. Trước nhất và trên hết, Ê-li muốn dân sự biết rằng chính Đức Giê-hô-va, chứ không phải Ba-anh, mới là “Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên”. Thứ hai, ông muốn họ biết đến vai trò của ông là một người phụng sự Đức Giê-hô-va, và mọi sự vinh hiển cũng như ca tụng phải được qui về Ngài. Cuối cùng, lời cầu nguyện cho thấy Ê-li vẫn quan tâm đến dân sự, vì ông mong muốn thấy Đức Giê-hô-va “khiến cho lòng họ trở lại” (1 Các Vua 18:36, 37). Dù sự bất tuân của họ đã gây ra mọi tình trạng khốn khó ấy, Ê-li vẫn yêu thương họ. Trong lời cầu nguyện riêng, chúng ta có biểu lộ mối quan tâm tương tự về danh của Đức Chúa Trời, cũng như bày tỏ sự khiêm nhường và lòng cảm thông với những người cần được giúp đỡ không?

Trước khi Ê-li cầu nguyện, đám đông ở đó có thể tự hỏi không biết Đức Giê-hô-va có làm cho họ thất vọng như Ba-anh đã làm không. Tuy nhiên, sau lời cầu nguyện của Ê-li, họ không có thời gian để thắc mắc như thế nữa. Kinh Thánh cho biết: “Lửa của Đức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu-đốt của-lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương” (1 Các Vua 18:38). Quả là một câu trả lời vô cùng ấn tượng! Và dân sự phản ứng thế nào?

Hết thảy dân sự đều la lớn: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (1 Các Vua 18:39). Cuối cùng, họ đã nhận ra sự thật. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bày tỏ đức tin của mình. Dân sự quả có thừa nhận rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật sau khi Ngài giáng lửa từ trời để đáp lời cầu nguyện. Nhưng đây không phải là cách bày tỏ đức tin mạnh mẽ. Vì thế, Ê-li yêu cầu họ chứng tỏ đức tin qua một cách khác. Ông bảo họ làm một điều mà lẽ ra họ phải làm từ nhiều năm về trước—đó là vâng theo Luật Pháp của Đức Giê-hô-va. Luật Pháp phán dặn rằng các tiên tri giả dối và những kẻ thờ thần tượng phải bị xử tử (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:5-9). Các thầy tế của Ba-anh bị xem là kẻ thù của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và cố tình chống lại ý muốn Ngài. Họ có đáng được thương xót không? Hãy thử nghĩ xem những kẻ đó có tỏ chút lòng thương xót nào đối với những con trẻ vô tội mà họ đã thiêu sống để làm lễ vật cho Ba-anh không? (Châm-ngôn 21:13; Giê-rê-mi 19:5). Không hề! Họ không đáng để thương xót. Vì thế, thật như lệnh của Ê-li, bọn chúng đã bị hành quyết.—1 Các Vua 18:40.

Một số nhà phê bình thời nay chỉ trích phần cuối của cuộc thử nghiệm trên núi Cạt-mên. Có thể họ lo ngại rằng các phần tử tôn giáo quá khích sẽ dùng câu chuyện này để bào chữa cho những hành động bạo lực của mình với người thuộc tôn giáo khác. Và đáng buồn thay, ngày nay có quá nhiều người cuồng tín hành động bạo lực vì tôn giáo. Tuy nhiên, Ê-li không phải là một người cuồng tín. Ông đang đại diện cho Đức Giê-hô-va để thực thi sự phán xét công bình. Vì thế, những ai thật sự là môn đồ của Chúa Giê-su ngày nay đều biết rằng họ không thể làm theo Ê-li trong việc giết những người ác. Khi Đấng Mê-si đến trên đất, lời ngài phán với sứ đồ Phi-e-rơ đã đưa ra một tiêu chuẩn dành cho những người theo ngài: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm” (Ma-thi-ơ 26:52). Trong tương lai, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con Ngài để thực thi sự công bình của Ngài.

Trách nhiệm của những người thật sự theo Chúa Giê-su ngày nay là chứng tỏ đức tin của họ (Giăng 3:16). Một cách là noi theo đức tin của những người trung thành như Ê-li. Ông chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va và khuyến khích người khác cũng làm thế. Ông can đảm vạch trần sự giả dối của tôn giáo thờ Ba-anh mà Sa-tan đã dùng để dụ dỗ người ta xa rời Đức Giê-hô-va. Ông cũng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để giải quyết các vấn đề thay vì làm theo ý muốn và dựa vào khả năng của riêng mình. Đúng vậy, Ê-li là một người bảo vệ sự thờ phượng thật. Mong sao mỗi người chúng ta đều noi theo đức tin của ông!

[Chú thích]

^ đ. 13 Núi Cạt-mên là ngọn núi xanh tươi và tràn trề nhựa sống do có những luồng gió mang đầy hơi ẩm từ biển thổi dọc theo sườn núi, sau đó ngưng tụ lại tạo thành mưa và rất nhiều sương. Vì người ta tin rằng thần Ba-anh ban mưa nên dường như ngọn núi ấy là một địa điểm quan trọng để thờ thần này. Nhưng giờ đây, ngọn núi Cạt-mên cằn cỗi và khô hạn này chính là nơi thích hợp để chứng minh rằng việc thờ thần Ba-anh thật vô ích.

^ đ. 17 Hãy lưu ý là Ê-li bảo họ “chớ châm lửa” lên con vật hiến tế. Một số học giả cho biết những người thờ hình tượng thỉnh thoảng dùng những bàn thờ có một lỗ hổng bí mật bên dưới để ngọn lửa có thể bùng lên một cách huyền bí.

[Câu nổi bật nơi trang 20]

Chọn phụng sự người chủ khác không phải là Đức Giê-hô-va luôn mang lại thất vọng

[Hình nơi trang 21]

“Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!”