Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mục đích đời sống là gì?

Mục đích đời sống là gì?

Mục đích đời sống là gì?

TẠI SAO CÂU TRẢ LỜI RẤT QUAN TRỌNG? Hiếm có điều gì khiến người ta suy sụp tinh thần cho bằng việc suy nghĩ là đời sống không có ý nghĩa hay mục đích gì cả. Trái lại, một người thấy rõ mục đích của đời sống sẽ có thể kiên cường đứng vững trước khó khăn và nghịch cảnh. Ông Viktor E. Frankl là một nhà thần kinh học đã từng sống sót qua cuộc tàn sát của Quốc Xã. Ông viết: “Tôi dám quả quyết rằng chỉ có hiểu biết là đời sống mình có một ý nghĩa mới có thể giúp một người sống còn, ngay cả trong những tình trạng tồi tệ nhất. Không điều gì trên thế gian lại có sức mạnh như thế”.

Tuy nhiên, người ta có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này. Nhiều người nghĩ chính mỗi cá nhân tự quyết định mục đích cho đời sống mình. Ngược lại, một số người tin nơi thuyết tiến hóa thì cho rằng đời sống này không có ý nghĩa thật sự.

Cách hợp lý nhất để biết được mục đích đời sống là tìm lời khuyên nơi Đấng ban sự sống, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem Lời Ngài nói gì về vấn đề này.

Kinh Thánh nói gì?

Kinh Thánh dạy rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một mục đích rõ ràng cho người đàn ông và người đàn bà đầu tiên khi dựng nên họ. Ngài ban cho tổ phụ của chúng ta mệnh lệnh sau:

Sáng-thế Ký 1:28. “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất”.

Đức Chúa Trời muốn rằng A-đam, Ê-va và con cháu của họ làm cho cả trái đất trở thành địa đàng. Ngài không có ý định cho loài người già đi và chết, cũng không muốn họ hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, vì tổ phụ của chúng ta đã lựa chọn thiếu khôn ngoan, nên chúng ta phải gánh chịu tội lỗi và sự chết (Sáng-thế Ký 3:2-6; Rô-ma 5:12). Dù vậy, ý định của Đức Giê-hô-va vẫn không thay đổi. Chẳng bao lâu nữa cả trái đất sẽ là địa đàng.—Ê-sai 55:10, 11.

Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta có đủ khả năng về thể chất và trí tuệ để hoàn thành ý định của Ngài. Đức Chúa Trời không tạo ra chúng ta để sống độc lập với Ngài. Chúng ta hãy xem ý định của Ngài được đề cập thế nào trong những câu Kinh Thánh sau:

Truyền-đạo 12:13. Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.

Mi-chê 6:8. “Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”

Ma-thi-ơ 22:37-39. “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều-răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều-răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”.

Lời giải đáp của Kinh Thánh mang lại bình an thật sự cho tâm trí—Như thế nào?

Để một chiếc máy phức tạp có thể hoạt động hiệu quả, người ta phải sử dụng nó đúng mục tiêu và theo cách mà nhà sản xuất đề ra. Tương tự thế, để tránh làm hại chính bản thân mình—cả về mặt tâm linh, tâm trí, tình cảm và thể chất—chúng ta cần sống theo cách mà Đấng Tạo Hóa muốn. Chúng ta hãy xem làm thế nào việc biết ý định của Đức Chúa Trời có thể mang lại bình an tâm trí trong các khía cạnh sau của đời sống:

Điều ưu tiên trong đời sống: Nhiều người ngày nay cống hiến cả đời để tích lũy của cải. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

Trái lại, những ai học cách yêu mến Đức Chúa Trời thay vì tiền bạc thì tìm được bí quyết của sự thỏa lòng (1 Ti-mô-thê 6:7, 8). Họ biết làm việc chăm chỉ là điều quan trọng, và họ có trách nhiệm tự nuôi sống mình (Ê-phê-sô 4:28). Nhưng họ cũng chú ý đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [“tiền tài”, Bản Dịch Mới] nữa”.—Ma-thi-ơ 6:24.

Thế nên, thay vì để công việc thường ngày và mục tiêu làm giàu lên hàng ưu tiên, những ai yêu mến Đức Chúa Trời xem việc làm theo ý Ngài là mối quan tâm hàng đầu trong đời sống. Họ biết nếu họ tập trung đời sống xoay quanh việc làm theo ý Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ chăm sóc họ. Thật vậy, Đức Giê-hô-va xem đó là trách nhiệm của Ngài.—Ma-thi-ơ 6:25-33.

Cách cư xử với người khác: Nhiều người xem mình là quan trọng nhất. Ngày nay, thế giới này không có hòa bình. Lý do chính là vì có quá nhiều người trở nên “tư-kỷ. . .vô-tình [“không tình nghĩa”, BDM]” (2 Ti-mô-thê 3:2, 3). Khi thấy người khác làm họ thất vọng hoặc không đồng ý với quan điểm của mình, họ thường biểu lộ sự “thịnh nộ, giận hờn, kêu rêu, xúc phạm” (Ê-phê-sô 4:31, BDM). Thay vì giúp họ có được bình an tâm trí, tính thiếu tự chủ như thế chỉ “gây điều đánh lộn”.—Châm-ngôn 15:18.

Ngược lại, những ai vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là yêu thương người xung quanh như bản thân mình thì “ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau” (Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13). Ngay cả khi người khác không đối xử tử tế, họ vẫn cố gắng noi gương Chúa Giê-su, đấng “bị rủa mà chẳng rủa lại” (1 Phi-e-rơ 2:23). Giống như Chúa Giê-su, họ cảm nhận được sự thỏa nguyện thật khi phục vụ người khác, ngay cả những người không quý trọng những gì họ làm (Ma-thi-ơ 20:25-28; Giăng 13:14, 15; Công-vụ 20:35). Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban thánh linh, tức một lực mạnh mẽ, để giúp đỡ những ai noi theo Con Ngài, và chính thánh linh giúp họ cảm nhận được bình an thật sự.—Ga-la-ti 5:22.

Tuy nhiên, quan điểm của bạn về tương lai có thể ảnh hưởng đến sự bình an trong tâm trí như thế nào?

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Một người cần biết rõ mục đích cụ thể của đời sống

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su dạy chúng ta cách để có được bình an tâm trí