Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tình yêu thương của Thượng Đế thể hiện trong tình mẫu tử

Tình yêu thương của Thượng Đế thể hiện trong tình mẫu tử

Tình yêu thương của Thượng Đế thể hiện trong tình mẫu tử

“Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”.—Ê-SAI 49:15.

Một em bé sơ sinh rúc mình vào vòng tay mẹ khi mẹ cho em bú. Cảnh ấy thật dịu dàng và ấm áp biết bao! Một người mẹ tên Pam kể lại: “Lần đầu tiên ôm con trong vòng tay, lòng tôi tràn đầy cảm giác yêu thương và tôi biết mình có trách nhiệm đối với sinh linh bé bỏng này”.

Ai cũng biết tình yêu thương của người mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ. Các nhà nghiên cứu đã xác nhận điều này. Một tài liệu của Chương trình sức khỏe tâm thần thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận xét: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi và bị chia cách khỏi người mẹ thường cảm thấy chán nản, và thậm chí đôi khi trở nên hoảng sợ”. Tài liệu này cũng trích dẫn một bài nghiên cứu cho biết trẻ em được yêu thương và quan tâm ngay từ những năm tháng đầu đời dường như có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) cao hơn nhiều so với những em bị bỏ rơi.

Ông Alan Schore là giáo sư môn tâm thần học của khoa Y dược thuộc Đại học UCLA ở California, Hoa Kỳ. Ông bình luận về tầm quan trọng của tình mẫu tử: “Mối quan hệ đầu tiên của trẻ là với người mẹ. Đó là khuôn mẫu hình thành khả năng của các em để bước vào những mối quan hệ tình cảm sau này”.

Buồn thay, sự chán nản, bệnh tật hay những áp lực khác có thể khiến người mẹ không chú ý đến con, thậm chí “quên con mình cho bú” (Ê-sai 49:15). Nhưng đó chỉ là trường hợp ngoại lệ. Thật vậy, người mẹ được tạo ra với bản năng là yêu thương con cái. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng trong khi sanh nở, cơ thể người mẹ sản sinh nhiều hormon oxytocin làm co thắt tử cung và kích thích sự tiết sữa sau này. Cả nam lẫn nữ đều có loại hormon đó, và người ta cho rằng nó góp phần thúc đẩy người mẹ đối xử với con cái cách yêu thương và bất vị kỷ.

Cội nguồn của tình yêu thương

Những người ủng hộ thuyết tiến hóa dạy rằng tình yêu thương bất vị kỷ, chẳng hạn tình mẫu tử, là tự nhiên mà có và được giữ lại qua sự chọn lọc tự nhiên vì nó mang lại lợi ích cho giống loài. Một tạp chí về gia đình trên mạng Internet (Mothering Magazine) khẳng định rằng: “Một phần não con người là thừa hưởng từ loài bò sát, và phần đầu tiên tiến hóa trên phần não đó được gọi là hệ bản tính, tức là cái nôi của cảm xúc. Phần này cho phép mẹ và con có mối quan hệ gắn bó với nhau”.

Các nghiên cứu đã cho thấy hệ bản tính góp phần tạo nên cảm xúc của chúng ta. Tuy nhiên, bạn thấy có hợp lý không khi kết luận rằng tình mẫu tử là kết quả do sự phát triển ngẫu nhiên từ bộ não của loài bò sát?

Chúng ta hãy xem một cách giải thích khác. Kinh Thánh cho biết rằng loài người được tạo nên theo hình ảnh Thượng Đế, tức là có khả năng thể hiện những đức tính như Ngài (Sáng-thế Ký 1:27). Đức tính nổi bật nhất của Thượng Đế là yêu thương. Một sứ đồ của Chúa Giê-su là Giăng đã viết: “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời”. Tại sao như thế? “Vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (1 Giăng 4:8). Xin lưu ý câu Kinh Thánh này không nói Thượng Đế tình yêu thương nhưng nói Ngài yêu thương. Thật vậy, Ngài chính là cội nguồn của tình yêu thương.

Kinh Thánh miêu tả tình yêu thương như sau: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự. Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ” (1 Cô-rinh-tô 13:4-8). Có hợp lý không khi tin rằng đức tính cao quý nhất này lại là kết quả của sự ngẫu nhiên?

Điều này ảnh hưởng gì đến bạn?

Khi đọc lời miêu tả về tình yêu thương ở đoạn trên, bạn có mong muốn được một người nào đó thể hiện tình yêu thương như thế với bạn không? Nếu có, đó là điều tự nhiên. Tại sao? Vì “chúng ta là dòng-dõi Đức Chúa Trời” (Công-vụ 17:29). Chúng ta được tạo ra để nhận và bày tỏ tình yêu thương như thế. Hơn nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta sâu đậm (Giăng 3:16; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7). Câu Kinh Thánh được trích ở đầu bài này khẳng định tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho chúng ta thậm chí còn mạnh mẽ và lâu bền hơn cả tình mẫu tử!

Dù vậy, bạn có thể thắc mắc: “Nếu Thượng Đế là khôn ngoan, quyền năng và đầy yêu thương thì tại sao Ngài không chấm dứt mọi đau khổ? Tại sao Ngài để cho trẻ em chết, nạn áp bức tiếp diễn và trái đất bị phá hoại bởi những người quản lý tồi tệ và tham lam?”. Đây là những câu hỏi đáng để được trả lời hợp lý.

Dù những người theo thuyết bất khả tri nói gì đi nữa, bạn có thể tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên. Hàng triệu người từ hàng trăm quốc gia đã tìm được lời giải đáp nhờ học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng tôi mời bạn cũng làm thế. Khi càng hiểu biết thêm về Thượng Đế qua việc xem xét Lời Ngài và công trình sáng tạo, bạn sẽ hiểu rằng Ngài không xa cách và chúng ta có thể học biết về Ngài. Đúng thế, bạn có thể tin chắc là Thượng Đế “chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công-vụ 17:27.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho chúng ta còn lâu bền hơn cả tình mẫu tử