Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?

Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?

Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?

Vì bản Kinh Thánh gốc được viết bằng tiếng Do Thái, A-ram và Hy Lạp cổ, nên hầu hết những ai muốn đọc Kinh Thánh đều phải nhờ bản dịch.

Ngày nay, Kinh Thánh là cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Thật thế, có những phần Kinh Thánh đã được dịch sang hơn 2.400 thứ tiếng. Không những thế, một số ngôn ngữ có rất nhiều bản dịch khác nhau. Nếu đó là trường hợp trong ngôn ngữ của bạn, chắc chắn bạn muốn chọn bản dịch đáng tin cậy nhất.

Để chọn lựa một cách sáng suốt, bạn cần tìm lời giải đáp cho những câu hỏi sau đây: Các bản dịch được phân ra những thể loại nào? Mỗi thể loại có những điểm thuận lợi và bất lợi nào? Tại sao bạn phải thận trọng với một số bản dịch Kinh Thánh?

Các thể loại bản dịch

Mỗi bản dịch Kinh Thánh có văn phong khác nhau nhưng tất cả đều thuộc về một trong ba thể loại chính. Một đằng là những bản dịch sát từng chữ một. Trong những bản dịch này, nguyên ngữ và bản ngữ được in xen hàng nhau.

Đằng khác là những bản diễn ý. Dịch giả thể loại này tự do diễn đạt lại ý của Kinh Thánh theo cách mà họ hiểu và cho rằng sẽ khiến độc giả thích thú.

Thể loại thứ ba đứng giữa hai thể loại trên, cố gắng chuyển tải ý tưởng và nét đẹp của nguyên ngữ những vẫn dễ hiểu.

Phải chăng nên chọn bản dịch sát chữ?

Bản dịch sát từng chữ thường không diễn đạt được ý nghĩa của các câu Kinh Thánh. Vì sao? Vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chúng ta sẽ xem hai lý do sau đây:

1. Tất cả các ngôn ngữ đều khác nhau về ngữ pháp, từ vựng và cú pháp. Giáo sư đại học về bộ môn tiếng Do Thái là ông S. R. Driver, nói rằng mọi ngôn ngữ “không chỉ khác nhau về ngữ pháp và gốc từ, nhưng cũng khác nhau về. . . cách sắp đặt ý tưởng thành câu”. Những người khác ngôn ngữ thì cũng có lối suy nghĩ khác nhau. Giáo sư Driver nói tiếp: “Vì thế, cấu trúc câu trong ngôn ngữ này không giống với ngôn ngữ khác”.

Vì không ngôn ngữ nào có từ vựng và ngữ pháp hoàn toàn giống với tiếng Do Thái và Hy Lạp của Kinh Thánh, nên những bản dịch sát từng chữ thường tối nghĩa hoặc thậm chí khiến độc giả hiểu sai nghĩa. Hãy xem những ví dụ sau:

Trong lá thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô dùng một cụm từ được dịch sát nghĩa là “hột súc sắc của con người” (Ê-phê-sô 4:14, The Kingdom Interlinear Translation of the Greek Scriptures). * Cụm từ này nói về hành động lừa đảo bằng cách dùng hột súc sắc. Tuy nhiên, trong hầu hết các ngôn ngữ, cách dịch như thế không có ý nghĩa. Muốn diễn đạt rõ ý nghĩa của cụm từ này, có thể dịch là “sự xảo quyệt của con người”.

Khi viết cho tín đồ ở thành Rô-ma, sứ đồ Phao-lô dùng một cụm từ Hy Lạp có nghĩa đen là “tinh thần sôi sục” (Rô-ma 12:11, Kingdom Interlinear). Cách dịch đó có rõ nghĩa không? Thật ra, cụm từ này có nghĩa là “lòng sốt sắng”.

Trong một bài giảng nổi tiếng, Chúa Giê-su nói một câu thường được dịch là: “Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo” (Ma-thi-ơ 5:3). Trong nhiều thứ tiếng, cách dịch sát như thế thường tối nghĩa, có khi còn làm cho độc giả hiểu lầm là người “khó nghèo” thì có phước. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giê-su muốn dạy người ta rằng hạnh phúc của họ không tùy thuộc vào vật chất nhưng tùy thuộc vào việc ý thức cần được Đức Chúa Trời hướng dẫn (Lu-ca 6:20). Vì thế, những lối diễn đạt sau đây sẽ chính xác hơn: “Những người ý thức về nhu cầu tâm linh” hoặc “những người ý thức rằng họ cần Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 5:3; The New Testament in Modern English.

2. Ý nghĩa của từ ngữ thay đổi theo văn cảnh. Chẳng hạn, một từ tiếng Do Thái thường chỉ về bàn tay có thể mang nhiều nghĩa khác nữa. Tùy theo văn cảnh, từ này có thể được dịch là “quyền quản-hạt” hoặc “quyền” (2 Sa-mu-ên 8:3; Châm-ngôn 18:21). Thật vậy, chỉ riêng từ này thôi mà có hơn 40 cách dịch khác nhau trong cuốn New World Translation of the Holy Scriptures bằng Anh ngữ.

Vì cách dịch một từ tùy thuộc vào văn cảnh, nên bản New World Translation dùng gần 16.000 từ hoặc cụm từ tiếng Anh để dịch khoảng 5.500 từ hoặc cụm từ Hy Lạp, và hơn 27.000 từ hoặc cụm từ tiếng Anh để dịch khoảng 8.500 từ hoặc cụm từ tiếng Do Thái. * Tại sao các dịch giả chọn nhiều lối diễn đạt đến thế? Ban phiên dịch nghĩ rằng họ nên truyền đạt rõ nghĩa theo văn cảnh thay vì dịch sát chữ một cách máy móc. Tuy thế, khi có thể bản Kinh Thánh này vẫn dịch nhất quán những từ Do Thái và Hy Lạp.

Rõ ràng, việc dịch thuật không đơn thuần là dùng duy nhất một từ hoặc cụm từ để dịch một từ nào đó trong Kinh Thánh. Thật thế, các dịch giả phải cân nhắc chọn từ ngữ nào diễn đạt ý nghĩa trong bản nguyên ngữ một cách chính xác và dễ hiểu. Không những thế, họ cần phải sắp xếp từ ngữ và câu văn sao cho đúng văn phạm của bản ngữ.

Nên nghĩ sao về những bản diễn ý?

Những người thực hiện các bản diễn ý, hoặc bản dịch thoát nghĩa, thường không dịch sát ý của bản nguyên ngữ. Họ dịch như thế nào? Họ phỏng dịch theo những gì họ hiểu, hoặc thêm thắt một số ý trong bản nguyên ngữ. Những bản dịch thoát ý thường thu hút độc giả vì dễ hiểu. Tuy nhiên, đôi khi lối dịch thoát nghĩa có thể làm lu mờ hoặc thay đổi ý nghĩa của bản nguyên ngữ.

Chẳng hạn, hãy xem lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su trong một bản diễn ý: “Lạy Cha chúng con trên trời, xin tỏ cho chúng con biết Ngài” (Ma-thi-ơ 6:9, The Message: The Bible in Contemporary Language). Trong một bản dịch khác, câu này được dịch chính xác hơn: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện danh Cha được tôn thánh”. Cũng hãy để ý cách dịch Giăng 17:26 trong một số bản Kinh Thánh. Theo một cách dịch thoát nghĩa, vào đêm Chúa Giê-su bị bắt, ngài cầu nguyện với Cha như sau: “Con đã giải thích về Cha cho họ” (Bản Phổ Thông). Tuy nhiên, một bản khác dịch câu này chính xác như sau: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ”. Bạn có nhận ra rằng một số dịch giả quả đã che giấu sự thật là Đức Chúa Trời có một danh đáng được tuyên xưng và ca tụng không?

Tại sao phải thận trọng?

Một số bản dịch thoát nghĩa làm lu mờ tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh. Chẳng hạn, một bản đã diễn lại ý của 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10 như sau: “Anh em không biết rằng lối sống này là sai hay sao? Những kẻ bất chính chẳng màng đến Đức Chúa Trời sẽ không được hưởng nước Ngài. Những kẻ lạm dụng nhau, lạm dụng tình dục, lạm dụng trái đất và mọi thứ trên đất thì không xứng đáng làm công dân nước Đức Chúa Trời”.—The Message: The Bible in Contemporary Language.

Hãy so sánh câu trên với cách dịch chính xác hơn trong bản New World Translation: “Anh em không biết những kẻ không công bình sẽ chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Đừng để bị lừa. Những kẻ gian dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, người nam làm dáng yểu điệu, người nam ăn nằm với người nam, kẻ trộm cướp, kẻ tham lam, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ bóc lột, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời”. Hãy để ý là sứ đồ Phao-lô đã liệt kê chi tiết những hành vi nào chúng ta phải tránh, nhưng bản dịch thoát nghĩa trên không hề đề cập đến những hành vi ấy.

Ngoài ra, các dịch giả cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những giáo lý mà họ tin. Chẳng hạn, một bản Kinh Thánh đã dịch lời của Chúa Giê-su nói với các môn đồ như sau: “Hãy đi cửa hẹp vào Nước Trời, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn xuống Địa ngục; quá nhiều người chọn lối đi dễ dãi đó!” (Ma-thi-ơ 7:13, Bản Diễn Ý). Dù lời tường thuật theo Ma-thi-ơ nói rõ là “diệt vong”, nhưng dịch giả lại dùng từ “Địa ngục”. Tại sao họ dịch như thế? Có thể là vì họ muốn loan truyền ý tưởng cho rằng người ác sẽ bị hành hạ đời đời chứ không bị diệt vong. *

Sự lựa chọn tốt nhất

Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ thông dụng của những người bình dân như nông dân, ngư dân và mục đồng (Nê-hê-mi 8:8, 12; Công-vụ 4:13). Vì thế, một bản dịch Kinh Thánh cũng phải đạt yêu cầu là diễn đạt sao cho dễ hiểu đối với những người có lòng thành thuộc mọi gốc gác và hoàn cảnh. Một bản dịch cũng phải đạt được những yêu cầu sau:

Truyền đạt chính xác nội dung của văn bản được Đức Chúa Trời soi dẫn.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Dịch sát chữ theo nguyên ngữ khi phù hợp với từ vựng và văn phạm của bản ngữ.

Truyền đạt đúng ý của từ ngữ khi không thể dịch sát chữ vì sẽ gây tối nghĩa hoặc sai nghĩa.

Dùng từ ngữ tự nhiên, dễ hiểu để tạo niềm thích thú cho độc giả.

Có chăng một bản dịch như thế? Hàng triệu độc giả của tạp chí Tháp Canh thích dùng bản New World Translation trong ngôn ngữ của mình. Tại sao? Vì tất cả đều đồng tình với chủ trương của ban phiên dịch cuốn sách này như được ghi trong lời mở đầu của ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh: “Đây không phải là bản diễn ý của Kinh Thánh. Trong suốt bản dịch này, chúng tôi cố dịch sát chữ miễn là có từ tương đương trong Anh ngữ hiện đại và cách dịch ấy không tối nghĩa”.

Bản New World Translation, trọn bộ hoặc từng phần, nay được dịch sang hơn 60 ngôn ngữ và in ra hơn 145.000.000 cuốn! Nếu bản Kinh Thánh này đã được dịch sang một ngôn ngữ mà bạn thông thạo, hãy liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va để nhận một cuốn và chính bạn thấy được giá trị của bản dịch trung thực này.

Mong muốn của những người thật lòng tìm hiểu Kinh Thánh là hiểu và làm theo thông điệp mà Đức Chúa Trời đã soi dẫn. Nếu bạn cũng muốn như thế, bạn cần một bản dịch trung thành với bản nguyên ngữ. Yêu cầu đó rất chính đáng.

[Chú thích]

^ đ. 13 Trong bản dịch này, độc giả có thể đối chiếu từng từ giữa nguyên ngữ và bản ngữ được in xen hàng nhau.

^ đ. 17 Điều đáng chú ý là một số bản dịch Kinh Thánh dùng nhiều lối diễn đạt hơn bản New World Translation nên không nhất quán bằng bản dịch này.

^ đ. 25 Kinh Thánh dạy rằng người chết trở về cát bụi, linh hồn cũng chết, và người đó không còn suy nghĩ hoặc có cảm xúc nào (Sáng-thế Ký 3:19; Truyền-đạo 9:5, 6; Ê-xê-chi-ên 18:4). Kinh Thánh không hề dạy rằng linh hồn người ác phải chịu hành hạ đời đời nơi địa ngục.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Những bản dịch thoát ý thường thu hút độc giả vì dễ hiểu. Tuy nhiên, đôi khi lối dịch thoát nghĩa có thể làm lu mờ hoặc thay đổi ý nghĩa của văn bản gốc

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Bản New World Translation of the Holy Scriptures, trọn bộ hoặc từng phần, nay được dịch sang hơn 60 ngôn ngữ và in ra hơn 145.000.000 cuốn!

[Khung/​Hình nơi trang 20]

MỘT BẢN DIỄN Ý CỔ XƯA

Những bản dịch Kinh Thánh diễn ý hoặc thoát ý đã có từ lâu. Thời xưa, người Do Thái sưu tập những bản mà ngày nay được gọi là Targum, hay bản diễn ý bằng tiếng A-ram. Dù không được dịch sát nghĩa, nhưng những bản diễn ý này vẫn giúp chúng ta biết người Do Thái thời xưa hiểu thế nào về một số câu Kinh Thánh, đồng thời giúp dịch giả hiểu được một số câu khó hiểu. Chẳng hạn, nơi Gióp 38:7, cụm từ “các con trai Đức Chúa Trời” được giải nghĩa là “các đoàn thiên sứ”. Nơi Sáng-thế Ký 10:9, các bản Targum cho biết rằng giới từ tiếng Do Thái dùng để nói về ông Nim-rốt mang nghĩa tiêu cực là “đối địch với” hoặc “chống lại” chứ không đơn thuần có nghĩa là “trước”. Những bản diễn ý này được dùng song song với Kinh Thánh chứ không bao giờ nhằm mục đích thay thế Kinh Thánh.

[Hình]

MỘT ĐOẠN TRONG BẢN DỊCH ĐA NGỮ “BIBLIA POLYGLOTTA”, VIẾT XONG NĂM 1657 GIÓP 38:1-15

Một đoạn trong văn bản tiếng Do Thái (cùng với bản dịch tiếng Cùng đoạn ấy theo bản dịch Targum bằng tiếng A-ram

La Tinh xen hàng với tiếng Do Thái)

[Hình nơi trang 19]

MỘT CÂU TRONG BẢN DỊCH HY LẠP-ANH NGỮ “THE KINGDOM INTERLINEAR TRANSLATION OF THE GREEK SCRIPTURES”, Ê-PHÊ-SÔ 4:14

Cột bên trái là văn bản tiếng Hy Lạp được dịch sát từng chữ sang tiếng Anh. Cột bên phải là văn bản được dịch ra tiếng Anh

[Nguồn tư liệu nơi trang 18]

Background: Shrine of the Book, Israel Museum, Jerusalem