Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thiên tai có phải là hình phạt của Thượng Đế không?

Thiên tai có phải là hình phạt của Thượng Đế không?

Câu hỏi độc giả

Thiên tai có phải là hình phạt của Thượng Đế không?

Thượng Đế không dùng các thảm họa thiên nhiên để trừng phạt con người. Ngài chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm thế! Tạo sao? Kinh Thánh cho biết lý do nơi 1 Giăng 4:8 rằng: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”.

Tình yêu thương là nền tảng cho mọi hành động của Thượng Đế. Tình yêu thương không gây tổn hại cho người vô tội vì Kinh Thánh có nói: “Sự yêu-thương chẳng hề làm hại kẻ lân-cận” (Rô-ma 13:10). Kinh Thánh cũng cho biết nơi Gióp 34:12 là: “Quả thật Đức Chúa Trời không làm ác”.

Đành rằng Kinh Thánh có tiên tri về những thảm họa trong thời kỳ chúng ta, chẳng hạn như “động đất lớn” (Lu-ca 21:11). Tuy nhiên, Thượng Đế không chịu trách nhiệm về sự tàn phá của những thảm họa đó, giống như một nhà khí tượng học không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do cơn bão lớn mà ông đã dự báo. Vậy, nếu Thượng Đế không gây ra thảm họa thiên nhiên khiến con người phải chịu đau khổ, thế thì chúng từ đâu đến?

Kinh Thánh tiết lộ rằng: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (1 Giăng 5:19). Sa-tan Ma-quỉ đã phản nghịch Thượng Đế và trở thành kẻ giết người ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại cho đến ngày nay (Giăng 8:44). Hắn xem mạng sống của con người là tầm thường và vô giá trị. Động lực của hắn là những tham vọng ích kỷ. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi Sa-tan cổ xúy tinh thần ích kỷ trong thế giới này. Sự ích kỷ của người ta đã khiến nhiều cư dân vô tội phải sống ở những nơi dường như bị đe dọa bởi những thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra (Ê-phê-sô 2:2; 1 Giăng 2:16). Vì vậy, những kẻ tham lam phải chịu trách nhiệm về một số tai ương mà người vô tội đã gánh chịu (Truyền-đạo 8:9). Tại sao?

Thật đáng ngạc nhiên là một số lượng lớn những tai ương xảy ra có ít nhất một phần do con người. Thí dụ, chúng ta hãy xem những tai họa ập đến trên cư dân thành phố New Orleans của Hoa Kỳ do một cơn bão lụt lớn gây ra; hoặc hàng loạt ngôi nhà ở Venezuela bị vùi lấp do lũ bùn tràn đến từ những ngọn núi ven biển. Trong hai trường hợp này cũng như những trường hợp khác, các hiện tượng tự nhiên như gió và mưa càng trở nên dữ dội và có sức tàn phá ghê gớm hơn vì con người không chú ý đến môi trường, xây dựng các công trình kém chất lượng, triển khai những dự án thiếu cái nhìn tổng thể, lờ đi lời cảnh báo và có hệ thống quản lý quan liêu, cẩu thả.

Chúng ta hãy xem một thảm họa mà Kinh Thánh ghi lại. Vào thời Chúa Giê-su, một ngọn tháp đột ngột đổ sập xuống đè chết 18 người (Lu-ca 13:4). Tai nạn này có thể là do lỗi của con người hay do “thời thế và sự bất trắc”, hoặc cũng có thể là do cả hai—nhưng chắc chắn đây không phải sự trừng phạt của Thượng Đế.—Truyền-đạo 9:11, NW.

Có tai họa nào đến từ Thượng Đế không? Có, nhưng không giống với những thảm họa do thiên nhiên hay con người gây ra. Chúng rất hiếm khi xảy ra, đồng thời có chọn lọc và có mục đích rõ ràng. Trận Đại Hồng Thủy thời tộc trưởng Nô-ê cũng như sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vào thời ông Lót là hai thí dụ điển hình (Sáng-thế Ký 6:7-9, 13; 18:20-32; 19:24). Trong hai trường hợp trên, Thượng Đế thi hành sự phán xét có chọn lọc nhằm quét sạch những kẻ gian ác không biết ăn năn, nhưng bảo tồn mạng sống cho người nào Ngài xem là công bình.

Sự thật là Thượng Đế có khả năng, ước muốn và cả quyền lực để chấm dứt mọi đau khổ, đồng thời dẹp bỏ hậu quả của những thảm họa thiên nhiên. Nơi Thi-thiên 72:12, Kinh Thánh tiên tri về vị vua được Thượng Đế bổ nhiệm là Chúa Giê-su như sau: “Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ”.