Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài

Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài

Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài

‘Đức Giê-hô-va không từ-bỏ người thánh [“các tôi trung”, Trịnh Văn Căn] của Ngài; họ được Ngài gìn-giữ đời đời’.—THI 37:28.

1, 2. (a) Những diễn biến nào trong thế kỷ thứ mười TCN đã thử thách lòng trung thành của tôi tớ Đức Chúa Trời? (b) Trong ba hoàn cảnh nào Đức Giê-hô-va đã gìn giữ tôi tớ trung thành của Ngài?

Thế kỷ thứ mười TCN là một thời kỳ quyết định. Dân Y-sơ-ra-ên tránh được nội chiến khi các chi phái bất mãn ở phía bắc được độc lập phần nào. Giê-rô-bô-am, vị vua mới được bổ nhiệm của họ đã nhanh chóng hành động để củng cố quyền lực bằng cách thiết lập quốc giáo mới. Ông đòi hỏi thần dân phải hoàn toàn trung thành. Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ làm gì? Liệu họ vẫn giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng không? Hàng ngàn người đã làm thế và được Đức Giê-hô-va chăm sóc khi họ giữ lòng trung kiên.—1 Vua 12:1-33; 2 Sử 11:13, 14.

2 Ngày nay, lòng trung thành của các tôi tớ Đức Chúa Trời cũng bị thử thách. Kinh Thánh cảnh báo: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Chúng ta có thể “đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó” không? (1 Phi 5:8, 9). Hãy xem xét một số sự kiện liên quan đến lễ tấn phong của vua Giê-rô-bô-am vào năm 997 TCN, và xem chúng ta rút ra được bài học nào? Trong thời kỳ quyết định ấy, tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va bị áp bức. Họ cũng phải đối phó với ảnh hưởng của sự bội đạo và khi thi hành nhiệm vụ khó khăn. Trong mỗi hoàn cảnh này, Đức Giê-hô-va không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài, và ngày nay cũng thế.—Thi 37:28.

Khi bị áp bức

3. Tại sao triều đại của vua Đa-vít không hà khắc?

3 Trước tiên, chúng ta hãy xem xét hoàn cảnh khi Giê-rô-bô-am lên ngôi. Châm-ngôn 29:2 nói: “Khi kẻ ác cai-trị, dân-sự lại rên-siết”. Dưới triều đại vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa, dân sự đã không rên siết. Đa-vít là người bất toàn, nhưng ông trung thành với Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài. Sự cai trị của Đa-vít không hà khắc. Đức Giê-hô-va đã lập giao ước với Đa-vít: “Nhà ngươi và nước ngươi được vững bền trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững-lập đến mãi mãi”.—2 Sa 7:16.

4. Ân phước trong triều đại của vua Sa-lô-môn phụ thuộc vào điều gì?

4 Lúc đầu, triều đại của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, rất thái bình và thịnh vượng, có thể làm hình bóng thích hợp cho Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ trong tương lai (Thi 72:1, 17). Không một chi phái nào trong 12 chi phái Y-sơ-ra-ên có lý do để nổi loạn. Tuy nhiên, ân phước mà Sa-lô-môn và thần dân của ông được hưởng phụ thuộc một điều kiện. Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng: “Nếu ngươi vâng theo các luật-lệ ta, noi theo các mạng-lịnh ta, giữ và đi trong hết thảy các điều-răn của ta, thì ta sẽ vì ngươi làm hoàn-thành lời ta đã hứa cùng Đa-vít, cha ngươi. Ta sẽ ngự giữa dân Y-sơ-ra-ên, chẳng hề bỏ Y-sơ-ra-ên, là dân ta”.—1 Vua 6:11-13.

5, 6. Việc Sa-lô-môn bất trung với Đức Chúa Trời dẫn đến hậu quả nào?

5 Lúc về già, Sa-lô-môn bất trung với Đức Giê-hô-va và bắt đầu đi theo sự thờ phượng giả (1 Vua 11:4-6). Ông dần dần không vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va và ngày càng áp bức dân sự. Sự áp bức này khắc nghiệt đến độ sau khi ông chết dân sự vẫn còn than phiền với người con kế vị là Rô-bô-am và xin giảm nhẹ gánh nặng (1 Vua 12:4). Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào khi Sa-lô-môn bất trung?

6 Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Sa-lô-môn, bởi vì lòng người trở bỏ. . . Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã hai lần hiện đến cùng người”. Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn: “Bởi vì ngươi đã làm điều nầy, không giữ giao-ước và luật-pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi-tớ ngươi”.—1 Vua 11:9-11.

7. Dù đã từ bỏ Sa-lô-môn, Đức Giê-hô-va chăm sóc tôi tớ trung thành của Ngài như thế nào?

7 Sau đó, Đức Giê-hô-va sai nhà tiên-tri A-hi-gia đến xức dầu cho người sẽ giải thoát dân sự. Người ấy là Giê-rô-bô-am, một người có tài từng phục vụ dưới triều Sa-lô-môn. Dù Đức Giê-hô-va vẫn trung tín với giao ước Nước Trời đã lập với Đa-vít, Ngài chấp nhận cho 12 chi phái chia thành hai nước. Mười chi phái được giao cho Giê-rô-bô-am; hai chi phái kia tiếp tục thuộc về dòng họ của Đa-vít, lúc ấy do vua Rô-bô-am đại diện (1 Vua 11:29-37; 12:16, 17, 21). Đức Giê-hô-va phán với Giê-rô-bô-am: “Nếu ngươi vâng theo lịnh ta, đi trong các đường-lối ta, làm điều thiện trước mặt ta, giữ-gìn luật-lệ và điều-răn ta, y như Đa-vít, tôi-tớ ta, đã làm, thì ta sẽ ở cùng ngươi, lập cho ngươi một nhà vững-chắc, y như ta đã lập cho Đa-vít, và ta sẽ ban Y-sơ-ra-ên cho ngươi” (1 Vua 11:38, 39). Đức Giê-hô-va hành động vì lợi ích của dân Ngài và cung cấp một cách để giải thoát họ khỏi sự áp bức.

8. Ngày nay, dân Đức Chúa Trời phải chịu đựng những tình trạng nào?

8 Ngày nay, tình trạng áp bức và bất công lan tràn. Truyền-đạo 8:9 nói: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. Nền thương mại tham lam và sự cai trị tha hóa xấu xa có thể dẫn đến tình trạng kinh tế khó khăn. Những người lãnh đạo trong chính quyền, thương mại và tôn giáo thường làm gương xấu về đạo đức. Thế nên, như người công bình Lót, tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời ngày nay “quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà” (2 Phi 2:7). Hơn nữa, khi âm thầm cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chúng ta thường bị những nhà cai trị kiêu ngạo ngược đãi.—2 Ti 3:1-5, 12.

9. (a) Đức Giê-hô-va đã làm gì để giải cứu dân Ngài? (b) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giê-su sẽ luôn trung thành với Đức Chúa Trời?

9 Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn về sự thật cơ bản này: Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài! Hãy nghĩ đến những bước mà Ngài đã thực hiện để thay thế những người cai trị tha hóa, xấu xa của thế gian này. Nước của Đức Chúa Trời trong tay Đấng Mê-si đã được thiết lập. Chúa Giê-su đã cai trị ở trên trời gần 100 năm. Chẳng bao lâu nữa ngài sẽ hoàn toàn giải thoát những người kính sợ danh Đức Chúa Trời. (Đọc Khải-huyền 11:15-18). Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết. Không như Sa-lô-môn, ngài sẽ không bao giờ làm cho thần dân thất vọng.—Hê 7:26; 1 Phi 2:6.

10. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng Nước Trời? (b) Khi gặp thử thách, chúng ta tin chắc điều gì?

10 Nước Trời là một chính phủ thật sự và sẽ chấm dứt mọi áp bức. Lòng trung thành của chúng ta chỉ dành cho Đức Giê-hô-va và Nước Trời. Với lòng tin cậy hoàn toàn nơi Nước này, chúng ta bác bỏ sự không tin kính của thế gian và sốt sắng theo đuổi những việc lành (Tít 2:12-14). Chúng ta cố gắng giữ sao cho không bị tì vết của thế gian này (2 Phi 3:14). Dù gặp thử thách nào hiện nay, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ che chở chúng ta về mặt thiêng liêng. (Đọc Thi-thiên 97:10). Ngoài ra, Thi-thiên 116:15 cam đoan với chúng ta: ‘Sự chết của các người thánh [“các tôi trung”, TVC] là quí-báu trước mặt Đức Giê-hô-va’. Đức Chúa Trời rất quý các tôi tớ Ngài nên sẽ không để nhóm người này bị tiêu diệt.

Khi đối phó với ảnh hưởng của sự bội đạo

11. Giê-rô-bô-am đã trở nên bất trung như thế nào?

11 Sự cai trị của vua Giê-rô-bô-am đã có thể giảm bớt gánh nặng cho dân Đức Chúa Trời. Thế nhưng, những hành động của ông còn gây thêm thử thách cho lòng trung thành của họ với Ngài. Không thỏa lòng với vinh dự và đặc ân được ban, Giê-rô-bô-am bắt đầu tìm cách củng cố địa vị. Ông lý luận: “Nếu dân-sự nầy đi lên Giê-ru-sa-lem đặng tế-lễ tại trong đền của Đức Giê-hô-va, thì lòng họ chắc sẽ trở về chúa của họ, là Rô-bô-am, vua Giu-đa; người ta sẽ giết ta đi và trở về với Rô-bô-am, vua Giu-đa”. Vì vậy, Giê-rô-bô-am thiết lập tôn giáo mới, tập trung sự thờ phượng vào hai con bò vàng. “Người đặt con nầy tại Bê-tên, và con kia tại Đan. Việc đó thành nên tội-lỗi, vì dân-chúng đi đến Đan đặng thờ-lạy bò con ấy. Giê-rô-bô-am cũng cất chùa-miễu trên các nơi cao, chọn lấy người trong vòng dân-chúng lập làm thầy tế-lễ, không thuộc về chi-phái Lê-vi”. Thậm chí Giê-rô-bô-am còn “lập một lễ cho dân Y-sơ-ra-ên, rồi đi lên bàn-thờ đặng xông hương”.—1 Vua 12:26-33.

12. Khi Giê-rô-bô-am lập ra việc thờ bò ở Y-sơ-ra-ên, tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời ở vương quốc phía bắc đã làm gì?

12 Giờ đây, tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời ở vương quốc phía bắc sẽ làm gì? Như tổ phụ trung thành của họ, những người Lê-vi sống trong các thành ban cho họ trong lãnh thổ thuộc vương quốc phía bắc đã nhanh chóng phản ứng (Xuất 32:26-28; Dân 35:6-8; Phục 33:8, 9). Rời bỏ sản nghiệp, họ cùng gia đình dời về xứ Giu-đa ở phía nam để có thể tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va mà không bị quấy nhiễu (2 Sử 11:13, 14). Những người Y-sơ-ra-ên khác đang tạm trú ở Giu-đa quyết định ở luôn nơi này thay vì trở về nhà (2 Sử 10:17). Đức Giê-hô-va lo liệu sao cho luôn có đường để trở lại với sự thờ phượng thật; như thế những người thuộc các thế hệ sau này ở vương quốc phía bắc cũng có thể từ bỏ việc thờ phượng bò con và trở về Giu-đa.—2 Sử 15:9-15.

13. Trong thời hiện đại, dân Đức Chúa Trời gặp thử thách nào trước ảnh hưởng của sự bội đạo?

13 Những người bội đạo và ảnh hưởng của họ là mối đe dọa cho dân Đức Chúa Trời ngày nay. Một số nhà cầm quyền tìm cách lập nên một hình thức quốc giáo, ép buộc dân chúng phải chấp nhận. Hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ và những người khác tự nhận mình giữ vai trò thầy tế lễ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng các tín đồ Đấng Christ chân chính chúng ta mới tìm thấy những người thật sự được xức dầu, lập thành “chức thầy tế-lễ nhà vua”.—1 Phi 2:9; Khải 14:1-5.

14. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước tư tưởng bội đạo?

14 Như những người Lê-vi trung thành vào thế kỷ thứ mười TCN, tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va ngày nay không bị lừa dối bởi tư tưởng bội đạo. Những người được xức dầu và bạn đồng hành của họ trong đạo Đấng Christ nhanh chóng xa lánh và bác bỏ những tư tưởng bội đạo. (Đọc Rô-ma 16:17). Mặc dù sẵn lòng vâng phục nhà cầm quyền trong các vấn đề ngoài đời và giữ trung lập trước những xung đột của thế gian, chúng ta luôn trung thành với Nước Trời (Giăng 18:36; Rô 13:1-8). Chúng ta bác bỏ những tuyên bố sai trái của những người xưng mình thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng lại làm ô danh Ngài qua hạnh kiểm của họ.—Tít 1:16.

15. Tại sao “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” xứng đáng để chúng ta trung thành?

15 Cũng hãy nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va đã tạo điều kiện cho người có lòng thành ra khỏi thế gian hung ác, nói theo nghĩa bóng, để vào địa đàng thiêng liêng mà Ngài đã lập (2 Cô 12:1-4). Tràn đầy lòng biết ơn, chúng ta gắn bó với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ”. Đấng Christ đã bổ nhiệm đầy tớ này “coi-sóc cả gia-tài mình” (Mat 24:45-47). Thế nên, dù cá nhân chúng ta không hiểu rõ một quan điểm nào đó của lớp đầy tớ này, chúng ta không nên bác bỏ quan điểm đó hoặc trở lại thế gian của Sa-tan. Thay vì thế, lòng trung thành sẽ thúc đẩy chúng ta hành động khiêm nhường và chờ đợi Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ vấn đề.

Khi thi hành nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao phó

16. Một nhà tiên tri từ Giu-đa đã nhận nhiệm vụ nào?

16 Đức Giê-hô-va lên án hành động bội đạo của Giê-rô-bô-am. Ngài sai một nhà tiên tri từ Giu-đa đi lên phía bắc đến thành Bê-tên để gặp Giê-rô-bô-am khi ông đang làm lễ ở bàn thờ. Nhà tiên tri phải thông báo một thông điệp phán xét cho Giê-rô-bô-am. Đó hẳn là nhiệm vụ đầy khó khăn.—1 Vua 13:1-3.

17. Đức Giê-hô-va đã bảo vệ sứ giả Ngài như thế nào?

17 Khi nghe lời kết án của Đức Giê-hô-va, Giê-rô-bô-am nổi giận. Ông giơ tay về phía người đại diện của Đức Chúa Trời, thét lên ra lệnh những người đứng gần đó: “Hãy bắt nó đi”. Nhưng ngay lập tức, trước khi họ hành động, “cánh tay vua giơ ra đối cùng tiên-tri bèn trở nên khô, không thế co lại vào mình được. Bàn-thờ cũng nứt ra, và tro ở trên đổ xuống”. Giê-rô-bô-am buộc phải nhờ nhà tiên tri nài xin Đức Giê-hô-va nguôi giận và cho cánh tay ông được trở lại như trước. Nhà tiên tri đã làm như thế, và tay vua được chữa lành. Như vậy, Đức Giê-hô-va đã bảo vệ sứ giả của Ngài khỏi bị hãm hại.—1 Vua 13:4-6.

18. Khi chúng ta can đảm hầu việc Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ gìn giữ chúng ta như thế nào?

18 Khi trung thành tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, đôi khi chúng ta gặp người không thân thiện, thậm chí có thái độ thù ghét (Mat 24:14; 28:19, 20). Nhưng chúng ta chớ bao giờ để mình bị nản chí vì sợ người ta phản đối. Như nhà tiên tri vô danh vào thời Giê-rô-bô-am, chúng ta có đặc ân “hầu việc Ngài, trọn đời mình không sợ-hãi gì hết” * (Lu 1:74, 75). Dù chúng ta không mong chờ được Đức Giê-hô-va can thiệp bằng phép lạ vào thời nay, Ngài vẫn gìn giữ và hỗ trợ chúng ta là Nhân Chứng của Ngài qua thánh linh và thiên sứ. (Đọc Giăng 14:15-17; Khải-huyền 14:6). Đức Chúa Trời không bao giờ từ bỏ những người can đảm tiếp tục rao truyền lời Ngài.—Phi-líp 1:14, 27b, 28.

Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ các tôi tớ trung thành

19, 20. (a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài kế tiếp?

19 Giê-hô-va là Đức Chúa Trời trung tín. Ngài “trung tín trong mọi công việc” (Thi 145:17, NW). Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng Ngài “giữ-gìn đường của thánh-đồ [“các tôi trung”, TVC] Ngài” (Châm 2:8). Khi đương đầu với thử thách hoặc tư tưởng bội đạo hay khi thi hành nhiệm vụ khó khăn, tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể tin nơi sự hướng dẫn và hỗ trợ của Ngài.

20 Giờ đây, điều mà mỗi cá nhân chúng ta cần suy ngẫm là: Điều gì sẽ giúp tôi giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va bất kể thử thách hoặc cám dỗ? Nói cách khác, làm thế nào tôi có thể củng cố lòng trung thành với Đức Chúa Trời?

[Chú thích]

^ đ. 18 Nhà tiên tri này có tiếp tục vâng lời Đức Giê-hô-va hay không và điều gì xảy ra cho ông, sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp..

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài không từ bỏ những tôi tớ trung thành khi họ bị áp bức?

• Chúng ta nên phản ứng thế nào đối với kẻ bội đạo và tư tưởng của họ?

• Đức Giê-hô-va gìn giữ tôi tớ trung thành của Ngài như thế nào khi họ tham gia thánh chức?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ/​Hình nơi trang 5]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC (Giê-rô-bô-am)

Đan

SI-CHEM

Bê-tên

VƯƠNG QUỐC PHÍA NAM (Rô-bô-am)

GIÊ-RU-SA-LEM

[Hình]

Đức Giê-hô-va đã không từ bỏ các tôi tớ trung thành khi Giê-rô-bô-am thiết lập sự thờ phượng bò

[Hình nơi trang 3]

Ân phước mà Sa-lô-môn và thần dân của ông được hưởng phụ thuộc một điều kiện