Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kháng cự “tinh thần thế gian”

Kháng cự “tinh thần thế gian”

Kháng cự “tinh thần thế gian”

“Chúng ta chẳng nhận lấy thần [“tinh thần”, An Sơn Vị] thế-gian, nhưng đã nhận lấy Thánh-Linh từ Đức Chúa Trời đến”.—1 CÔ 2:12.

1, 2. (a) Trước đây, tại sao người ta đặt chim hoàng yến trong những hầm mỏ ở nước Anh? (b) Tín đồ Đấng Christ đối mặt với mối nguy hiểm nào?

Vào năm 1911, chính phủ Anh thông qua một luật nhằm bảo vệ mạng sống cho công nhân hầm mỏ. Mỗi mỏ than phải có hai con chim hoàng yến. Mục đích là gì? Nếu lửa bốc lên trong hầm mỏ, nhân viên cứu hộ sẽ mang hai con chim này xuống hầm với họ. Loài chim nhỏ bé này rất nhạy cảm với những khí độc, như cacbon monoxit. Nếu không khí bị nhiễm độc, chim hoàng yến sẽ có biểu hiện bất thường, thậm chí ngã gục xuống. Dấu hiệu cảnh báo ban đầu này rất cần thiết. Cacbon monoxit là khí không màu, không mùi, gây tử vong vì nó làm cho hồng huyết cầu ngưng vận chuyển oxy trong cơ thể. Nếu không nhận ra nguy hiểm, những người cứu hộ có thể bị ngất và chết mà không hề biết rằng họ bị nhiễm khí độc.

2 Về phương diện thiêng liêng, tín đồ Đấng Christ đối mặt với tình trạng tương tự các công nhân hầm mỏ ấy. Như thế nào? Khi giao cho các môn đồ sứ mạng rao giảng tin mừng trên khắp thế giới, Chúa Giê-su biết ngài đang sai họ vào một môi trường rất nguy hiểm, bị Sa-tan và tinh thần thế gian chi phối (Mat 10:16; 1 Giăng 5:19). Chúa Giê-su rất quan tâm đến các môn đồ nên vào đêm trước khi chết ngài đã cầu nguyện với Cha ngài: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác”.—Giăng 17:15.

3, 4. Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo nào cho các môn đồ, và tại sao chúng ta nên chú ý đến lời đó?

3 Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ về mối nguy hiểm của sự mê mẩn về thiêng liêng dẫn đến cái chết. Lời ngài đặc biệt có ý nghĩa cho chúng ta, là những người sống trong thời kỳ cuối cùng của thế gian này. Ngài khuyên các môn đồ: “Hãy tỉnh-thức luôn. . . để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu 21:34-36). Nhưng đáng mừng thay, Chúa Giê-su cũng hứa rằng Cha ngài sẽ ban thánh linh để giúp các môn đồ nhớ lại những điều ngài dạy, giúp họ tỉnh thức và mạnh mẽ.—Giăng 14:26.

4 Còn chúng ta thì sao? Ngày nay, thánh linh có giúp đỡ chúng ta không? Nếu có, chúng ta phải làm gì để nhận được thánh linh? Tinh thần thế gian là gì, nó hoạt động ra sao? Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự tinh thần thế gian?—Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:12.

Thánh linh hay tinh thần thế gian?

5, 6. Thánh linh có thể giúp gì cho chúng ta, nhưng chúng ta phải làm gì để nhận được thánh linh?

5 Đức Chúa Trời không chỉ ban thánh linh vào thế kỷ thứ nhất. Ngài vẫn làm thế ngày nay, và thánh linh Ngài có thể cho chúng ta nghị lực để làm điều đúng cũng như ban thêm sức để chúng ta phụng sự Ngài (Rô 12:11; Phi-líp 4:13). Thánh linh cũng có thể giúp chúng ta vun trồng các đức tính như yêu thương, nhân từ và hiền lành, là những khía cạnh của ‘trái thánh linh’ (Ga 5:22). Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không ép ai phải nhận thánh linh.

6 Vậy câu hỏi hợp lý là: “Tôi có thể làm gì để nhận được thánh linh?”. Kinh Thánh cho biết một số điều chúng ta có thể làm. Một bước quan trọng nhưng đơn giản là cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh. (Đọc Lu-ca 11:13). Một bước hữu ích khác là học và áp dụng lời khuyên trong Lời được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti 3:16). Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai chỉ đọc Kinh Thánh là nhận được thánh linh. Nhưng khi một tín đồ Đấng Christ thành thật học Lời Đức Chúa Trời, người đó có thể hấp thu được cảm xúc và quan điểm thể hiện qua Lời được soi dẫn ấy. Một điều cũng rất quan trọng là chúng ta chấp nhận Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm làm đại diện cho Ngài, và là đấng mà Đức Chúa Trời dùng để ban thánh linh (Cô 2:6). Vì thế, chúng ta muốn sống theo gương mẫu và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su (1 Phi 2:21). Càng cố gắng noi theo Đấng Christ, chúng ta càng nhận được nhiều thánh linh.

7. Tinh thần thế gian ảnh hưởng người ta như thế nào?

7 Trái lại, tinh thần thế gian khiến người ta thể hiện bản tính của Sa-tan. (Đọc Ê-phê-sô 2:1-3). Tinh thần ấy hoạt động qua nhiều cách. Như chúng ta thấy xung quanh mình ngày nay, nó xúi giục người ta chống lại tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Nó khuyến khích “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” (1 Giăng 2:16). Nó sinh ra những việc làm của xác thịt, như gian dâm, thờ hình tượng, phù phép, ghen ghét, buồn giận và say sưa (Ga 5:19-21). Nó cổ vũ những lời phàm tục của kẻ bội đạo (2 Ti 2:14-18). Chắc chắn, khi một người càng để cho tinh thần thế gian ảnh hưởng, người đó càng giống Sa-tan.

8. Tất cả chúng ta phải lựa chọn điều gì?

8 Chúng ta không thể sống mà không chịu bất cứ ảnh hưởng nào. Mỗi người phải chọn mình sẽ để điều gì chi phối—thánh linh hay tinh thần thế gian. Những người đang bị tinh thần thế gian chế ngự có thể thoát khỏi ảnh hưởng của nó và để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn. Song điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Những người đã được thánh linh hướng dẫn trong một thời gian cũng có thể bị nhiễm tinh thần thế gian (Phi-líp 3:18, 19). Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể kháng cự tinh thần thế gian.

Sớm nhận ra dấu hiệu cảnh báo

9-11. Một số dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy chúng ta có thể đang bị tinh thần thế gian ảnh hưởng?

9 Như được đề cập ở đầu bài, thợ mỏ ở nước Anh dùng chim hoàng yến để sớm phát hiện khí độc. Nếu thấy chú chim gục ngã, người thợ mỏ biết mình cần phải nhanh chóng hành động để sống sót. Về phương diện thiêng liêng, có một số dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy chúng ta đang bị tinh thần thế gian ảnh hưởng?

10 Khi học lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời và sau đó dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va, có lẽ chúng ta sốt sắng đọc Kinh Thánh. Có thể chúng ta đã cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành. Chúng ta vui thích tham dự các buổi nhóm họp hội thánh, xem mỗi buổi họp là nguồn bổ sức về thiêng liêng, như một ốc đảo đối với người đang khát. Đường lối đó đã giúp chúng ta thoát khỏi và tránh xa tinh thần thế gian.

11 Chúng ta vẫn còn cố gắng đọc Kinh Thánh mỗi ngày không? (Thi 1:2). Chúng ta có cầu nguyện một cách chân thành và thường xuyên không? Chúng ta có yêu mến các buổi nhóm họp, tham dự tất cả các buổi họp mỗi tuần không? (Thi 84:10). Hay chúng ta đã mất một số thói quen tốt này? Có thể vì gánh vác nhiều trách nhiệm, chúng ta không còn nhiều thời gian và sức lực, nên việc duy trì thói quen thiêng liêng tốt là một thách đố. Nhưng nếu chúng ta không còn giữ vài thói quen thiêng liêng tốt như trước đây, phải chăng chúng ta đang bị tinh thần thế gian ảnh hưởng? Giờ đây liệu chúng ta có nỗ lực để phục hồi những thói quen tốt đó không?

Chớ để ‘cho lòng mê-mẩn’

12. Trước khi bảo các môn đồ phải tỉnh thức, Chúa Giê-su khuyên họ điều gì và tại sao?

12 Chúng ta có thể làm gì nữa để kháng cự tinh thần thế gian? Ngay trước khi khuyên các môn đồ “hãy tỉnh-thức luôn”, Chúa Giê-su cảnh báo họ về một số mối nguy hiểm cụ thể. Ngài nói: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa”.—Lu 21:34.

13, 14. Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào về việc ăn uống và dùng rượu?

13 Hãy nghĩ đến lời cảnh báo ấy. Chúa Giê-su có lên án việc thưởng thức đồ ăn thức uống không? Không! Ngài biết vua Sa-lô-môn từng nói: “Ta nhìn-biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền 3:12, 13). Nhưng Chúa Giê-su biết rằng tinh thần thế gian cổ vũ sự thiếu tự chủ trong lĩnh vực này.

14 Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng mình không nhiễm tinh thần độc hại của thế gian, khiến chúng ta không nhận ra mối nguy hiểm của tính tham ăn hoặc uống rượu quá độ? Chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi phản ứng thế nào khi đọc lời khuyên trong Kinh Thánh hay trong các ấn phẩm của tổ chức về tính tham ăn? Tôi có khuynh hướng xem lời khuyên đó không thích hợp hoặc cực đoan, có lẽ bào chữa hay biện hộ cho hành động của mình không? * Tôi nghĩ gì về lời khuyên liên quan đến rượu, chỉ nên uống chừng mực và phải tránh “say-sưa”? Tôi có xem nhẹ lời khuyên đó, nghĩ rằng nó không áp dụng cho mình? Nếu người khác tỏ ra quan tâm đến thói quen uống rượu của tôi, tôi có biện hộ hoặc giận dữ không? Tôi có khuyến khích người khác xem nhẹ lời khuyên ấy trong Kinh Thánh không?”. Thật vậy, thái độ của một người là dấu hiệu cho thấy người ấy có đang bị tiêm nhiễm tinh thần thế gian hay không.—So sánh Rô-ma 13:11-14.

Đừng để sự lo lắng làm cho nghẹt ngòi

15. Chúa Giê-su khuyên môn đồ tránh khuynh hướng nào của con người?

15 Một bước quan trọng khác để kháng cự tinh thần thế gian là kiềm chế sự lo lắng. Chúa Giê-su biết chúng ta là tạo vật bất toàn nên có khuynh hướng lo lắng về những chuyện thông thường trong cuộc sống. Ngài yêu thương khuyên các môn đồ ‘đừng lo’ (Mat 6:25). Tất nhiên chúng ta quan tâm về những điều quan trọng như làm vui lòng Đức Chúa Trời, chu toàn các trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ, và chu cấp cho gia đình (1 Cô 7:32-34). Vậy, chúng ta có thể học được gì từ lời khuyên của Chúa Giê-su?

16. Tinh thần thế gian ảnh hưởng thế nào trên nhiều người?

16 Tinh thần thế gian đề cao việc phô trương của cải đời này, khiến người ta có tâm trạng lo lắng không lành mạnh. Thế gian muốn chúng ta tin rằng tiền bạc là điều bảo đảm cuộc sống và giá trị của một người được đo lường qua số lượng cũng như chất lượng của cải, chứ không phải phẩm chất của tín đồ Đấng Christ. Những người bị lừa dối bởi lời tuyên truyền này sẽ trở thành tôi mọi cho việc làm giàu và luôn nôn nóng muốn có những thứ mới nhất, lớn nhất và tân tiến nhất (Châm 18:11). Quan điểm sai lầm như thế về của cải vật chất gây ra nhiều lo toan làm một người bị nghẹt ngòi, không tiến bộ về thiêng liêng.—Đọc Ma-thi-ơ 13:18, 22.

17. Làm sao chúng ta có thể tránh để sự lo lắng làm cho nghẹt ngòi?

17 Chúng ta có thể tránh để sự lo lắng làm cho nghẹt ngòi nếu làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. Chúa Giê-su đảm bảo rằng nếu làm thế, chúng ta sẽ được cho thêm những gì thật sự cần thiết (Mat 6:33). Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tin lời hứa đó? Một cách là tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết—vâng theo tiêu chuẩn của Ngài trong vấn đề tài chính. Chẳng hạn, chúng ta không khai gian thuế hoặc nói dối “một chút” trong việc làm ăn buôn bán. Chúng ta cố gắng thực hiện đúng các cam kết tài chính, giữ lời trong việc thanh toán nợ nần (Mat 5:37; Thi 37:21). Tính lương thiện như thế có thể không làm cho một người giàu có, nhưng được Đức Giê-hô-va chấp nhận, có lương tâm trong sạch và giảm được nhiều lo lắng.

18. Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào cho chúng ta, và chúng ta được lợi ích thế nào khi noi gương ngài?

18 Muốn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết, chúng ta cần biết điều gì là ưu tiên trong đời sống. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Ngài mặc áo tốt, thưởng thức đồ ăn và uống rượu với bạn bè (Giăng 19:23; Mat 11:18, 19). Nhưng của cải và việc giải trí chỉ giống như gia vị chứ không phải là món ăn chính trong cuộc sống của ngài. Đồ ăn của Chúa Giê-su là làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va (Giăng 4:34-36). Đời sống chúng ta rất thỏa nguyện khi noi gương Chúa Giê-su! Chúng ta có niềm vui khi giúp những người bị áp bức nhận được sự an ủi qua Kinh Thánh. Chúng ta có được tình yêu thương và sự hỗ trợ của hội thánh. Chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Khi đặt những điều ưu tiên đúng chỗ thì của cải và thú vui không còn làm chủ chúng ta nữa. Trái lại, chúng chỉ là tôi tớ hoặc công cụ giúp chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va. Càng sốt sắng trong công việc ủng hộ Nước Trời, chúng ta càng dễ tránh được ảnh hưởng của tinh thần thế gian.

Tiếp tục “chăm về Thánh-linh”

19-21. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục “chăm về Thánh-Linh”, và tại sao chúng ta nên làm thế?

19 Ý tưởng dẫn đến hành động. Những gì người ta cho là hành động thiếu suy nghĩ thì thường xuất phát từ lối suy nghĩ thiên về xác thịt. Vì thế sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta phải thận trọng trong cách mình suy nghĩ. Ông viết: “Kẻ sống theo xác-thịt thì chăm những sự thuộc về xác-thịt; còn kẻ sống theo Thánh-Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh-Linh”.—Rô 8:5.

20 Chúng ta có thể làm gì để tư tưởng và hành động của mình không bị tinh thần thế gian chi phối? Chúng ta phải bảo vệ tâm trí mình, cố gắng hết sức để không tiêm nhiễm những điều thế gian tuyên truyền. Thí dụ, khi giải trí, chúng ta không để tâm trí bị vấy bẩn bởi những chương trình cổ vũ sự vô luân hoặc bạo lực. Chúng ta biết thánh linh của Đức Chúa Trời là thanh sạch, không ở trong một tâm trí ô uế (Thi 11:5; 2 Cô 6:15-18). Ngoài ra, chúng ta để thánh linh hoạt động trong tâm trí mình khi đều đặn học Kinh Thánh, cầu nguyện, suy ngẫm và tham dự nhóm họp. Chúng ta cũng làm theo sự hướng dẫn của thánh linh khi đều đặn tham gia công việc rao giảng.

21 Chắc chắn, chúng ta phải kháng cự tinh thần thế gian và những ham muốn xác thịt mà nó cổ vũ. Nhưng đó là điều đáng để chúng ta nỗ lực hết mình, vì sứ đồ Phao-lô nói: “Chăm về xác-thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an”.—Rô 8:6.

[Chú thích]

^ đ. 14 Tính tham ăn được biểu hiện qua việc ham mê ăn uống. Do đó, một người có bị xem là tham ăn hay không là do thái độ của người đó đối với đồ ăn chứ không phải do trọng lượng cơ thể. Một người tuy có vóc dáng trung bình, hay thậm chí gầy, nhưng vẫn có thể là người tham ăn. Trái lại, trong một số trường hợp người thừa cân là do bị bệnh, hay các yếu tố di truyền có thể gây ra béo phì. Dù có trọng lượng thế nào, vấn đề chính là người đó có ăn uống quá độ hay không.—Xem mục “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 1-11-2004.

Bạn có nhớ không?

• Để nhận được thánh linh, chúng ta phải làm gì?

• Tinh thần thế gian có thể ảnh hưởng chúng ta qua những cách nào?

• Làm sao chúng ta có thể kháng cự tinh thần thế gian?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Trước khi đi làm hoặc đi học, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta phải giữ tâm trí trong sạch, làm ăn lương thiện và phải tiết độ