Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là “Đấng giải-cứu” chúng ta

Đức Giê-hô-va là “Đấng giải-cứu” chúng ta

Đức Giê-hô-va là “Đấng giải-cứu” chúng ta

“Đức Giê-hô-va giúp-đỡ và giải-cứu họ”.—THI 37:40.

1, 2. Sự thật cơ bản nào về Đức Giê-hô-va là nguồn an ủi và sức mạnh cho chúng ta?

Cái bóng do ánh sáng mặt trời tạo ra không ở yên một chỗ. Khi trái đất xoay, nó luôn di chuyển và thay đổi. Tuy nhiên, Đấng Tạo Hóa của trái đất và mặt trời thì không hề thay đổi (Mal 3:6). Kinh Thánh nói: “Trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào” (Gia 1:17). Sự thật cơ bản này về Đức Giê-hô-va quả là nguồn an ủi và sức mạnh cho chúng ta, nhất là khi phải đương đầu với gian nan thử thách. Tại sao vậy?

2 Như được giải thích ở bài trước, Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài là “Đấng giải-cứu” vào thời Kinh Thánh (Thi 70:5). Ngài không thay đổi và luôn giữ lời; do đó, những người thờ phượng Ngài ngày nay có mọi lý do để tin cậy Ngài “giúp-đỡ và giải-cứu họ” (Thi 37:40). Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi tớ Ngài trong thời hiện đại như thế nào? Ngài giải cứu mỗi cá nhân chúng ta như thế nào?

Giải cứu khỏi kẻ chống đối

3. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những kẻ chống đối sẽ không ngăn cản được dân Đức Giê-hô-va rao giảng tin mừng?

3 Không sự chống đối nào từ Sa-tan có thể cản trở Nhân Chứng Giê-hô-va dành cho Ngài sự thờ phượng chuyên độc mà chỉ mình Ngài xứng đáng. Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi” (Ê-sai 54:17). Những kẻ chống đối đã thất bại khi cố ngăn cản dân Đức Chúa Trời thực hiện sứ mạng rao giảng. Hãy xem hai trường hợp.

4, 5. Dân Đức Giê-hô-va phải đương đầu với sự chống đối nào vào năm 1918, và kết quả ra sao?

4 Năm 1918, dân Đức Giê-hô-va đương đầu với làn sóng bắt bớ do hàng giáo phẩm xúi giục nhằm làm họ ngưng công việc rao giảng. Vào ngày 7 tháng 5, chính quyền liên bang ra lệnh bắt giữ anh J. F. Rutherford, người đang giám sát công việc rao giảng trên toàn cầu vào lúc đó, và một số người khác ở trụ sở trung ương. Trong vòng hai tháng, anh Rutherford và các cộng sự bị kết án nhiều năm tù giam một cách bất công về tội âm mưu chống chính quyền. Những kẻ chống đối có thành công trong việc dùng tòa án để đình chỉ vĩnh viễn công việc rao giảng không? Dĩ nhiên không!

5 Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va hứa: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”. Có một sự thay đổi đột ngột vào ngày 26-3-1919—chín tháng sau khi anh Rutherford và các cộng sự bị kết án—những anh bị bắt giam được tại ngoại khi đóng tiền bảo lãnh. Năm sau, vào ngày 5-5-1920, tòa án hủy lệnh truy tố các anh này. Được tự do, các anh tiếp tục đẩy mạnh công việc Nước Trời. Kết quả thế nào? Kể từ đấy có sự gia tăng rất lớn! Mọi thành quả đạt được là nhờ “Đấng giải-cứu”.—1 Cô 3:7.

6, 7. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi thế nào dưới chế độ Đức quốc xã, và kết quả ra sao? (b) Lịch sử hiện đại của dân Đức Giê-hô-va chứng thực điều gì?

6 Giờ đây, chúng ta hãy xem một trường hợp khác. Vào năm 1934, Hitler thề tiêu diệt Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức. Đó không phải là lời đe dọa suông. Nhiều người bị bắt giữ và bỏ tù. Hàng ngàn Nhân Chứng bị ngược đãi; hàng trăm người bị giết trong các trại tập trung. Hitler có thành công trong việc xóa sổ Nhân Chứng không? Hắn có cản trở được mọi hoạt động rao giảng tại Đức không? Tất nhiên không! Trong thời gian bị ngược đãi, anh em chúng ta vẫn rao giảng cách kín đáo. Khi chế độ quốc xã sụp đổ, anh em được tự do và tiếp tục công việc này. Ngày nay, tại Đức có hơn 165.000 người công bố về Nước Trời. Một lần nữa, “Đấng giải-cứu” đã thực hiện lời Ngài hứa: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”.

7 Lịch sử hiện đại của Nhân Chứng Giê-hô-va cung cấp bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ để cho đoàn thể dân Ngài bị tiêu diệt (Thi 116:15). Nhưng, từng cá nhân thì sao? Đức Giê-hô-va giải cứu mỗi người chúng ta như thế nào?

Che chở về mặt thể chất?

8, 9. (a) Làm thế nào chúng ta biết vào thời nay mình không luôn được che chở về thể chất? (b) Chúng ta phải thực tế thừa nhận điều gì?

8 Chúng ta biết Đức Chúa Trời không hứa sẽ che chở mỗi cá nhân chúng ta về mặt thể chất trong thời nay. Chúng ta có cùng quan điểm với ba người thanh niên Hê-bơ-rơ trung thành đã không cúi lạy pho tượng bằng vàng của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Những người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời này đã không nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ dùng phép lạ để che chở họ về mặt thể chất. (Đọc Đa-ni-ên 3:17, 18). Nhưng rồi Đức Giê-hô-va đã giải thoát họ khỏi lò lửa hực (Đa 3:21-27). Tuy nhiên ngay cả trong thời Kinh Thánh, việc được giải cứu bằng phép lạ cũng hiếm khi xảy ra. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã chết dưới tay những kẻ chống đối.—Hê 11:35-37.

9 Ngày nay thì sao? Là “Đấng giải-cứu”, Đức Giê-hô-va chắc chắn có khả năng giải cứu mỗi cá nhân khỏi hoàn cảnh hiểm nguy. Chúng ta có thể khẳng định Đức Giê-hô-va đã hoặc không can thiệp vào trường hợp nào đó không? Không. Tuy nhiên, một người đã thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm có thể nghĩ rằng mình được Đức Giê-hô-va giúp. Người khác không có quyền nêu nghi vấn về điều này. Đồng thời, chúng ta cũng phải thực tế thừa nhận rằng nhiều tín đồ trung thành đã chết vì bị ngược đãi, chẳng hạn như vào thời quốc xã. Những người khác thì thiệt mạng trong những hoàn cảnh bi thảm (Truyền 9:11). Chúng ta có thể thắc mắc: “Phải chăng Đức Giê-hô-va đã không hoàn thành vai trò “Đấng giải-cứu” khi những người trung thành chết sớm?”. Không thể nào có điều đó.

10, 11. Tại sao con người bất lực trước cái chết, nhưng Đức Giê-hô-va có khả năng làm gì?

10 Hãy xem xét điều này: Con người bất lực trước cái chết, vì không người nào có thể “cứu linh-hồn mình khỏi quyền Âm-phủ [“Sheol”, NW]”, hoặc Hades, tức mồ mả chung của nhân loại (Thi 89:48). Còn Đức Giê-hô-va thì sao? Một chị sống qua thời kỳ kinh hoàng dưới chế độ quốc xã nhớ lại lời của mẹ là một Nhân Chứng đã nói để an ủi chị khi những người thân chết trong trại tập trung: “Nếu cái chết kìm giữ nhân loại vĩnh viễn, nó còn mạnh hơn Đức Chúa Trời phải không?”. Chắc chắn sự chết không thể nào mạnh bằng Đấng Tạo Hóa toàn năng! (Thi 36:9). Tất cả những ai ở trong Sheol hoặc Hades đều nằm trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va, và Ngài sẽ giải cứu mỗi người, không trừ một ai.—Lu 20:37, 38; Khải 20:11-14.

11 Trong thời gian này, Đức Giê-hô-va có liên quan trực tiếp đến đời sống những người trung thành thờ phượng Ngài ngày nay. Chúng ta hãy xem xét ba cách cho thấy Ngài chắc chắn là “Đấng giải-cứu” chúng ta.

Che chở về thiêng liêng

12, 13. Tại sao sự che chở về thiêng liêng là quan trọng nhất, và Đức Giê-hô-va ban sự che chở ấy như thế nào?

12 Đức Giê-hô-va che chở chúng ta về phương diện thiêng liêng; đây là điều quan trọng nhất. Là tín đồ thật của Đấng Christ, chúng ta hiểu rằng có một điều còn quý giá hơn sự sống hiện tại. Đó là mối quan hệ cá nhân giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va (Thi 25:14; 63:3). Không có mối quan hệ đó, đời sống hiện tại của chúng ta không có nhiều ý nghĩa và không có hy vọng cho tương lai.

13 Đáng mừng là Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta tất cả những điều cần yếu để duy trì mối quan hệ mật thiết với Ngài. Chúng ta có sự giúp đỡ qua Lời Ngài, thánh linh và tổ chức Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể nhận được lợi ích tối đa từ sự cung cấp này? Bằng cách đều đặn và siêng năng học Lời Ngài, đức tin và niềm hy vọng của chúng ta sẽ được củng cố (Rô 15:4). Qua việc chân thành cầu nguyện xin thánh linh, chúng ta sẽ được giúp đỡ để cưỡng lại cám dỗ làm những điều đáng ngờ (Lu 11:13). Theo sát chỉ dẫn mà lớp đầy tớ cung cấp qua các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh cũng như các buổi nhóm họp và hội nghị, chúng ta sẽ nhận được “đồ ăn đúng giờ” để nuôi dưỡng về thiêng liêng (Mat 24:45). Sự cung cấp này giúp chúng ta được che chở về thiêng liêng và duy trì mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.—Gia 4:8.

14. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy sự che chở về thiêng liêng.

14 Để thấy rõ sự che chở về thiêng liêng, hãy nhớ cặp vợ chồng đề cập ở đầu bài trước. Vài ngày sau khi con gái họ là Theresa được thông báo mất tích, họ nhận được tin hết sức đau buồn là cô ấy đã bị giết *. Người cha kể lại: “Tôi đã cầu xin Đức Giê-hô-va che chở con. Khi người ta phát hiện Theresa đã bị giết, tôi thừa nhận là lúc đầu đã tự hỏi tại sao lời cầu nguyện của tôi không được nhậm. Dĩ nhiên, tôi biết rằng Đức Giê-hô-va không bảo đảm sẽ che chở mỗi người trong dân Ngài bằng phép lạ. Tôi tiếp tục cầu xin hiểu được điều này. Tôi cảm thấy được an ủi nhờ biết rằng Đức Giê-hô-va che chở dân Ngài về thiêng liêng, nghĩa là Ngài cung cấp những gì chúng ta cần để gìn giữ mối quan hệ với Ngài. Sự che chở đó rất quan trọng, vì nó có thể ảnh hưởng đến tương lai vĩnh cửu của chúng ta. Theo nghĩa đó, Đức Giê-hô-va đã che chở Theresa; lúc qua đời con tôi là một tôi tớ trung thành. Tôi cảm thấy bình an vì biết rằng triển vọng về đời sống tương lai của con tôi giờ đây nằm trong bàn tay yêu thương của Đức Chúa Trời”.

Nâng đỡ người đau ốm

15. Qua cách nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta khi lâm bệnh?

15 Đức Giê-hô-va có thể nâng đỡ chúng ta “trên giường rũ-liệt”, như trong trường hợp của Đa-vít (Thi 41:3). Mặc dù ngày nay không giải cứu bằng cách chữa lành qua phép lạ, Đức Giê-hô-va vẫn giúp chúng ta. Như thế nào? Những nguyên tắc ghi trong Lời Ngài có thể giúp chúng ta quyết định khôn ngoan về cách chữa trị và những vấn đề khác (Châm 2:6). Chúng ta có thể rút ra những thông tin hữu ích và lời khuyên thực tiễn từ các bài đăng trong Tháp Canh Tỉnh Thức! bàn về vấn đề sức khỏe mà chúng ta gặp. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta quyền phép Ngài để có nghị lực đối phó với hoàn cảnh và giữ lòng trung kiên bất kể điều gì xảy ra (2 Cô 4:7). Với sự giúp đỡ như thế, chúng ta có thể tránh trở nên quá lo lắng về bệnh tật mà mất sự tập trung về thiêng liêng.

16. Một anh đã đối phó với bệnh tật ra sao?

16 Hãy xem trường hợp của anh Nhân Chứng trẻ đề cập ở đầu bài trước. Năm 1998, anh được chẩn đoán bệnh teo cơ xơ cứng bên (ALS), cuối cùng anh bị liệt hoàn toàn *. Anh đã đối phó ra sao với bệnh tật? Anh giải thích: “Tôi trải qua những lúc đau đớn, khó chịu, bực bội, cảm thấy lối giải thoát duy nhất là cái chết. Khi nào cảm thấy tuyệt vọng, tôi đều cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho tôi ba điều: một tấm lòng bình tịnh, sự kiên nhẫn và sức chịu đựng. Tôi cảm thấy Ngài nhậm lời cầu xin đó. Với lòng bình tịnh, tôi có thể suy ngẫm những điều mang lại niềm an ủi, chẳng hạn đời sống sẽ ra sao trong thế giới mới khi tôi đi được, thưởng thức bữa ăn ngon và nói chuyện với gia đình. Sự kiên nhẫn giúp tôi chịu đựng những phiền phức và thử thách của bệnh xơ cứng. Với sức chịu đựng, tôi có thể tiếp tục trung thành và không đánh mất sự thăng bằng về thiêng liêng. Tôi có thể hiểu được người viết Thi-thiên là Đa-vít, vì cảm thấy Đức Giê-hô-va nâng đỡ tôi trên giường bệnh”.—Ê-sai 35:5, 6.

Cung cấp nhu cầu vật chất

17. Đức Giê-hô-va hứa Ngài sẽ làm gì cho chúng ta, và điều này có nghĩa gì?

17 Đức Giê-hô-va hứa chăm sóc chúng ta về vật chất. (Đọc Ma-thi-ơ 6:33, 34 và Hê-bơ-rơ 13:5, 6). Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần chăm lo cho nhu cầu vật chất của mình hay không chịu làm việc (2 Tê 3:10). Thay vì thế, nó có nghĩa: Nếu chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước tiên và sẵn sàng làm việc để kiếm sống, chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta có được những thứ cần thiết trong đời sống (1 Tê 4:11, 12; 1 Ti 5:8). Ngài có thể cung cấp những gì chúng ta cần qua những cách mà chúng ta không ngờ tới, chẳng hạn một anh em đồng đạo giúp đỡ hoặc cho chúng ta việc làm.

18. Hãy kể lại kinh nghiệm cho thấy chúng ta có thể được giúp đỡ như thế nào khi gặp khó khăn?

18 Hãy nhớ lại người mẹ đơn chiếc trong đoạn mở đầu của bài trước. Khi chị và con gái dọn đến một vùng khác, chị thấy khó tìm được việc làm. Chị giải thích: “Tôi đi rao giảng vào buổi sáng và dành buổi chiều để đi tìm việc. Một ngày nọ, tôi đến một cửa hàng để mua sữa. Tôi đứng nhìn quầy rau, nhưng không đủ tiền mua. Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn nản như thế. Khi về nhà, tôi thấy ở trên thềm sau nhà có những túi đầy các loại rau. Thế là có đủ thực phẩm cho mẹ con tôi trong mấy tháng trời. Tôi bật khóc và cảm tạ Đức Giê-hô-va”. Sau đó, chị được biết những túi đó là quà của một anh trong hội thánh thường trồng rau trong vườn. Chị viết thư cho anh: “Mặc dù ngày hôm ấy tôi cảm ơn anh rất nhiều, nhưng tôi cũng cảm tạ Đức Giê-hô-va đã nhắc nhở tôi về tình yêu thương của Ngài qua lòng tốt của anh”.—Châm 19:17.

19. Khi cơn đại nạn xảy ra, tôi tớ Đức Giê-hô-va sẽ tin chắc điều gì, và chúng ta nên quyết tâm làm gì ngay bây giờ?

19 Rõ ràng, qua những gì Đức Giê-hô-va đã làm vào thời Kinh Thánh cũng như thời nay, chúng ta có lý do để tin cậy Ngài là Đấng giúp đỡ chúng ta. Chẳng bao lâu, khi cơn đại nạn xảy đến cho thế gian của Sa-tan, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Nhưng lúc ấy các tôi tớ Đức Chúa Trời có thể hoàn toàn trông cậy nơi Ngài. Họ có thể ngước đầu lên và vui mừng, vì sự giải cứu của họ đã gần (Lu 21:28). Trong lúc này, dù gặp bất cứ gian nan thử thách nào, chúng ta hãy quyết tâm tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, tin chắc rằng Đức Chúa Trời không hề thay đổi, Ngài quả thật là “Đấng giải-cứu” chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 14 Xem bài “Coping With an Unspeakable Tragedy” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-7-2001, trang 19-23.

^ đ. 16 Xem bài “Sustained by My Faith—Living With ALS” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) tháng 1-2006, trang 25-29.

Bạn còn nhớ không?

• Đối với những người chết sớm, Đức Giê-hô-va có thể giải thoát họ như thế nào?

• Tại sao sự che chở về thiêng liêng là quan trọng nhất?

• Việc Đức Giê-hô-va hứa chăm sóc chúng ta về vật chất có nghĩa gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8]

Anh Rutherford cùng các cộng sự bị bắt năm 1918, sau đó được thả ra và tòa án đã hủy lệnh truy tố họ

[Hình nơi trang 10]

Đức Giê-hô-va có thể nâng đỡ chúng ta “trên giường rũ-liệt”