Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp những người bị lạc khỏi bầy

Giúp những người bị lạc khỏi bầy

Giúp những người bị lạc khỏi bầy

“Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất”.—LU 15:6.

1. Làm thế nào Chúa Giê-su chứng tỏ là đấng chăn chiên yêu thương?

Con độc sanh của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su Christ, được gọi là “Đấng chăn chiên lớn” (Hê 13:20). Kinh Thánh đã tiên tri trước về ngài, và cho biết ngài là Đấng Chăn Chiên đặc biệt, được sai đến để tìm kiếm “các con chiên lạc mất” của Y-sơ-ra-ên (Mat 2:1-6; 15:24). Hơn nữa, như người chăn có thể hy sinh mạng sống để bảo vệ chiên, Chúa Giê-su đã phó sự sống làm giá chuộc cho những người giống như chiên sẵn sàng thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của ngài.—Giăng 10:11, 15; 1 Giăng 2:1, 2.

2. Điều gì có thể đã khiến một số tín đồ Đấng Christ ngưng kết hợp với hội thánh?

2 Buồn thay, một số người dường như đã quý trọng sự hy sinh của Chúa Giê-su và dâng mình cho Đức Chúa Trời nhưng nay không còn kết hợp với hội thánh đạo Đấng Christ nữa. Sự nản lòng, vấn đề sức khỏe hoặc những lý do khác có thể khiến lòng sốt sắng của họ bị suy yếu và họ ngưng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ những người ở trong bầy Đức Chúa Trời mới có thể hưởng được sự thanh thản và hạnh phúc mà Đa-vít nói nơi bài Thi-thiên 23. Chẳng hạn, ông hát: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì” (Thi 23:1). Những người ở trong bầy Đức Chúa Trời không thiếu thốn gì về thiêng liêng, nhưng những người lạc khỏi bầy thì không được như thế. Ai có thể giúp họ, và giúp như thế nào? Có thể làm những điều cụ thể nào để giúp họ trở lại bầy?

Ai có thể giúp?

3. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy đâu là điều cần thiết để cứu giúp con chiên đã bị lạc khỏi đồng cỏ của Đức Chúa Trời?

3 Cần phải nỗ lực nếu muốn cứu giúp con chiên đã bị lạc khỏi đồng cỏ của Đức Chúa Trời (Thi 100:3). Chúa Giê-su minh họa điều này như sau: “Nếu người nào có một trăm con chiên, một con bị lạc mất đi, thì há chẳng để chín mươi chín con lại trên núi, mà đi kiếm con đã lạc mất sao? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu người kiếm lại được, thì lấy làm vui-mừng về con đó hơn chín mươi chín con không lạc. Cũng thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư-mất” (Mat 18:12-14). Ai có thể giúp những người giống như chiên đã bị lạc khỏi bầy?

4, 5. Các trưởng lão cần có thái độ nào đối với bầy của Đức Chúa Trời?

4 Nếu muốn giúp những chiên bị lạc, các trưởng lão đạo Đấng Christ phải nhớ rằng bầy của Đức Chúa Trời là hội thánh gồm những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va—“bầy chiên của đồng cỏ Chúa” (Thi 79:13). Những con chiên yêu quý ấy cần được chăm sóc dịu dàng, và điều này có nghĩa là người chăn yêu thương phải quan tâm đến từng con chiên. Đến thăm chiên có thể rất hữu ích. Lời khích lệ chân tình của người chăn có thể xây dựng họ về thiêng liêng và giúp họ muốn trở lại với bầy.—1 Cô 8:1b (Bản Dịch Mới) *.

5 Người chăn bầy của Đức Chúa Trời có trách nhiệm tìm kiếm những con chiên bị lạc, và cố gắng giúp họ. Sứ đồ Phao-lô nhắc các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô về trách nhiệm chăn bầy như sau: ‘Hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà thánh-linh đã lập anh em làm kẻ coi-sóc, để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết [Con] mình’ (Công 20:28). Tương tự, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên bảo các trưởng lão: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy”.—1 Phi 5:1-3.

6. Tại sao ngày nay chiên của Đức Chúa Trời đặc biệt cần sự chăm sóc của người chăn?

6 Người chăn bầy cần noi gương “người chăn hiền-lành”, Chúa Giê-su (Giăng 10:11). Ngài rất quan tâm đến chiên của Đức Chúa Trời và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc họ khi bảo Si-môn Phi-e-rơ “hãy chăn những chiên con” của ngài. (Đọc Giăng 21:15-17). Ngày nay, chiên đặc biệt cần sự chăm sóc đó, vì Ma-quỉ đã tăng cường nỗ lực để phá đổ lòng trung kiên của những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Sa-tan lợi dụng những yếu đuối xác thịt và dùng thế gian để dẫn dụ chiên của Đức Giê-hô-va phạm các hành vi tội lỗi (1 Giăng 2:15-17; 5:19). Những người đã ngưng hoạt động đặc biệt dễ bị tấn công, vì thế cần sự giúp đỡ để áp dụng lời khuyên “bước đi theo Thánh-Linh” (Ga 5:16-21, 25). Để giúp họ, người chăn cần nương cậy nơi Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, cần sự hướng dẫn của thánh linh và khéo dùng Lời Ngài.—Châm 3:5, 6; Lu 11:13; Hê 4:12.

7. Việc các trưởng lão chăm sóc những người như chiên quan trọng như thế nào?

7 Thời xưa, người chăn chiên ở nước Y-sơ-ra-ên dùng một cây gậy dài để dẫn dắt chiên. Khi rời hoặc về chuồng, các con chiên đều “đi ngang dưới gậy” để người chăn có thể đếm chúng (Lê 27:32; Mi 2:12; 7:14). Tương tự, người chăn trong đạo Đấng Christ cũng cần biết rõ bầy của Đức Chúa Trời. (So sánh Châm-ngôn 27:23). Do đó, chăn chiên là một trong những vấn đề quan trọng mà hội đồng trưởng lão phải bàn bạc. Điều này bao gồm việc sắp đặt để giúp những chiên lạc. Chính Đức Giê-hô-va nói Ngài sẽ tìm kiếm chiên của Ngài và chăm sóc họ (Ê-xê 34:11). Vì vậy, Đức Chúa Trời hài lòng khi các trưởng lão cũng nỗ lực như thế để giúp chiên lạc trở về bầy.

8. Trưởng lão có thể tỏ lòng quan tâm đến chiên qua cách nào?

8 Khi một anh hay chị bị bệnh về thể chất, sự viếng thăm của người chăn có thể đem lại niềm vui và khích lệ. Khi một người bị bệnh về thiêng liêng nhận được sự quan tâm thì kết quả cũng giống vậy. Trưởng lão có thể đọc những câu Kinh Thánh, ôn lại một bài nào đó, thảo luận những điểm nổi bật trong buổi họp, cầu nguyện với người đã ngưng hoạt động, v.v. Các anh có thể giải thích rằng anh em trong hội thánh sẽ rất vui mừng thấy người ấy trở lại tham dự buổi họp (2 Cô 1:3-7; Gia 5:13-15). Một cuộc viếng thăm, gọi điện thoại hay một lá thư có thể giúp ích rất nhiều! Khi đích thân giúp đỡ những chiên lạc, người chăn có lòng thương xót cũng có thể cảm nhận được nhiều niềm vui.

Nỗ lực chung

9, 10. Tại sao có thể nói rằng không chỉ các giám thị mới có bổn phận quan tâm đến chiên bị lạc?

9 Sống trong một thời kỳ bận rộn và khó khăn, chúng ta có thể không để ý thấy một anh em đồng đạo đang trôi dạt khỏi hội thánh (Hê 2:1). Nhưng chiên của Đức Giê-hô-va rất đáng quý đối với Ngài. Chiên nào cũng quý giá, như mỗi bộ phận trong cơ thể con người. Vì thế, tất cả chúng ta cần biểu lộ lòng quan tâm đến anh em và thật lòng chăm sóc lẫn nhau (1 Cô 12:25). Bạn có thái độ như thế không?

10 Dù trưởng lão dẫn đầu trong việc tìm kiếm và giúp đỡ chiên lạc, nhưng không chỉ các giám thị mới có bổn phận quan tâm đến họ. Các anh chị khác có thể hợp tác với những người chăn này. Chúng ta nên khích lệ và giúp đỡ về thiêng liêng cho những anh chị muốn trở lại với bầy. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào?

11, 12. Bạn có thể có đặc ân nào trong việc trợ giúp người cần giúp đỡ về thiêng liêng?

11 Trong một số trường hợp, trưởng lão có thể sắp đặt người công bố có kinh nghiệm hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh riêng với người đã ngưng hoạt động nhưng muốn được giúp đỡ. Mục đích của việc này là giúp những người như thế nhen nhóm lại “lòng kính-mến ban đầu” (Khải 2:1, 4). Họ có thể được xây dựng và củng cố về thiêng liêng bằng cách xem xét những thông tin mà họ chưa được nghe trong thời gian vắng mặt.

12 Nếu trưởng lão nhờ bạn học với một anh hay chị cần được giúp đỡ về thiêng liêng, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và ban phước cho nỗ lực của bạn. Thật vậy, “hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu-ý mình sẽ được thành-công” (Châm 16:3). Hãy suy ngẫm những đoạn Kinh Thánh và những điểm làm vững mạnh đức tin mà bạn có thể dùng để thảo luận với người ấy. Hãy nghĩ đến gương xuất sắc của sứ đồ Phao-lô. (Đọc Rô-ma 1:11, 12). Ông mong mỏi đến thăm các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma để chia sẻ với họ sự ban cho thiêng liêng hầu giúp họ được vững vàng. Ông cũng muốn được cùng anh em giục lòng mạnh mẽ. Chẳng phải chúng ta nên có cùng tinh thần đó khi cố gắng giúp đỡ chiên đã lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời sao?

13. Bạn có thể thảo luận điều gì với một người đã ngưng hoạt động?

13 Khi thảo luận, bạn có thể hỏi: “Làm thế nào anh/chị biết lẽ thật?”. Hãy nhắc lại những kỷ niệm vui, khuyến khích người đã ngưng hoạt động kể về những kinh nghiệm thích thú họ từng có tại các buổi nhóm, trong công việc rao giảng và tại các hội nghị. Có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp của bạn và người đó khi cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy nói về niềm hạnh phúc của bạn khi đến gần Đức Giê-hô-va (Gia 4:8). Bày tỏ lòng biết ơn của bạn về cách Đức Chúa Trời chăm sóc dân Ngài—nhất là niềm an ủi và sự trông cậy Ngài ban cho chúng ta trong lúc khó khăn.—Rô 15:4; 2 Cô 1:3, 4.

14, 15. Người đã ngưng hoạt động có thể được lợi ích khi nhớ lại những ân phước nào?

14 Rất có thể người ngưng hoạt động sẽ được lợi ích nếu nhớ lại một trong những ân phước từng được hưởng nhờ kết hợp mật thiết với hội thánh. Chẳng hạn như ân phước được gia tăng sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời và ý định của Ngài (Châm 4:18). Khi “bước theo Thánh-Linh”, người ấy hẳn cảm thấy dễ cưỡng lại cám dỗ phạm tội (Ga 5:22-26). Nhờ đó, người ấy có được lương tâm trong sạch để đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và có được “sự bình-an của Đức Chúa Trời”, là sự bình an “vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta]” (Phi-líp 4:6, 7). Hãy nhớ những điểm này, bày tỏ lòng quan tâm chân thành, và hãy yêu thương khuyến khích người anh em trở lại với bầy.—Đọc Phi-líp 2:4.

15 Giả sử bạn là một trưởng lão đến thăm chiên. Đối với một cặp vợ chồng đã ngưng hoạt động, bạn có thể khuyến khích họ suy nghĩ về lúc mới học lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Lẽ thật quả tuyệt diệu, hợp lý, thỏa mãn và có tác dụng giải thoát người ta khỏi giáo lý sai lầm! (Giăng 8:32). Lòng họ tràn đầy biết ơn vì được hiểu biết về Đức Giê-hô-va, về tình yêu thương và ý định tuyệt vời của Ngài! (So sánh Lu-ca 24:32). Hãy nhắc họ về mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và đặc ân cao quý là được cầu nguyện—những ân phước mà tín đồ Đấng Christ đã dâng mình được hưởng. Hãy nhiệt thành khuyến khích người đã ngưng hoạt động hưởng ứng ‘tin mừng vinh-hiển của Đức Chúa Trời hạnh-phước’, Đức Giê-hô-va.—1 Ti 1:11.

Tiếp tục biểu lộ tình yêu thương với họ

16. Xin kể lại một kinh nghiệm cho thấy sự giúp đỡ về thiêng liêng thật sự có hiệu quả.

16 Những đề nghị trên có hữu hiệu không? Có. Chẳng hạn, một người trẻ bắt đầu làm người công bố Nước Trời lúc 12 tuổi, nhưng đến 15 tuổi thì ngưng hoạt động về thiêng liêng. Tuy nhiên, sau này anh đã trở lại và phụng sự trọn thời gian hơn 30 năm. Anh được phục hồi về thiêng liêng phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của một trưởng lão. Anh vô cùng biết ơn về điều này!

17, 18. Cần có những đức tính nào để giúp đỡ những người đã bị lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời?

17 Tình yêu thương chính là điều thúc đẩy tín đồ Đấng Christ giúp đỡ người đã ngưng hoạt động trở lại với hội thánh. Chúa Giê-su phán với môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Thật vậy, tình yêu thương là dấu hiệu nhận diện tín đồ Đấng Christ chân chính. Chẳng phải chúng ta cũng nên thể hiện tình yêu thương ấy với những tín đồ đã ngưng hoạt động sao? Chắc chắn chúng ta nên làm điều đó! Nhưng việc giúp đỡ họ có thể đòi hỏi phải thể hiện những đức tính tin kính khác nữa.

18 Để giúp một người đã lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời, bạn có thể cần biểu lộ những đức tính nào? Bên cạnh tình yêu thương, cũng cần bày tỏ lòng thương xót, nhân từ, mềm mại và nhịn nhục. Tùy theo hoàn cảnh, có lẽ bạn cũng cần biết tha thứ. Phao-lô viết: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô 3:12-14.

19. Tại sao nỗ lực giúp người như chiên trở lại với bầy là đáng công?

19 Bài kế tiếp sẽ xem xét lý do tại sao một số người đi lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời. Bài ấy cũng cho biết những người quay về có thể trông chờ được đón tiếp như thế nào. Khi học bài kế tiếp và suy ngẫm về bài này, hãy tin chắc rằng mọi nỗ lực của bạn nhằm giúp người như chiên quay về với bầy là đáng công. Ngày nay, nhiều người dành cả đời để tích lũy của cải, nhưng chỉ một mạng sống thôi cũng đáng giá hơn tất cả tiền bạc trong thế gian. Chúa Giê-su nhấn mạnh điều này trong minh họa về con chiên lạc (Mat 18:12-14). Mong sao bạn ghi nhớ điều này khi nỗ lực giúp người giống như chiên yêu quý của Đức Giê-hô-va nhanh chóng trở về với bầy.

Bạn trả lời thế nào?

• Người chăn trong đạo Đấng Christ có trách nhiệm nào đối với những người như chiên bị lạc khỏi bầy?

• Làm thế nào bạn có thể giúp những người đã ngưng kết hợp với hội thánh?

• Cần có những đức tính nào để giúp đỡ những người đã bị lạc khỏi bầy?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Với tình yêu thương, người chăn chiên trong đạo Đấng Christ cố gắng giúp đỡ những người đã lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời

[Chú thích]

^ đ. 4 Câu này nói: “Sự hiểu biết sinh kiêu ngạo, còn tình yêu thương xây dựng”.