Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giữ quan điểm theo Kinh Thánh trong việc chăm sóc sức khỏe

Giữ quan điểm theo Kinh Thánh trong việc chăm sóc sức khỏe

Giữ quan điểm theo Kinh Thánh trong việc chăm sóc sức khỏe

“Ngươi phải. . . hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”.—MÁC 12:30.

1. Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với loài người là gì?

Ban đầu, khi tạo ra loài người, Đức Giê-hô-va không có ý định để cho họ bị bệnh và chết. A-đam và Ê-va được đặt trong khu vườn Ê-đen, hay địa đàng, “để trồng và giữ vườn” mãi mãi chứ không phải chỉ 70 hay 80 năm (Sáng 2:8, 15; Thi 90:10). Nếu cặp vợ chồng đầu tiên này trung thành với Đức Giê-hô-va và yêu thương vâng phục quyền cai trị của Ngài, họ sẽ không bao giờ bị bệnh, già yếu và chết.

2, 3. (a) Sách Truyền-đạo diễn tả tuổi già như thế nào? (b) Ai gây ra sự chết do A-đam truyền lại, và làm sao hậu quả của nó sẽ được xóa bỏ?

2 Sách Truyền-đạo chương 12 diễn tả sống động về “những ngày gian-nan” của tuổi già trong đời sống con người bất toàn. (Đọc Truyền-đạo 12:1-7). Tóc bạc được ví như bông của “cây hạnh”. Đôi chân như “những người mạnh-sức”, nay đi đứng không vững và cong khom. Những kẻ trông xem qua cửa sổ để tìm ánh sáng nhưng chỉ thấy bóng tối là minh họa thích hợp cho đôi mắt đã làng. Vì một số răng không còn, nên “kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít”.

3 Chân run rẩy, mắt mờ và móm răng chắc chắn không nằm trong ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với loài người. Ngoài ra, sự chết do A-đam truyền lại là một trong các “công-việc của ma-quỉ” mà Con Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ qua Nước của ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy-phá công-việc của ma-quỉ”.—1 Giăng 3:8.

Quan tâm là điều tự nhiên

4. Tại sao tôi tớ của Đức Giê-hô-va quan tâm vừa phải đến sức khỏe, nhưng họ cần nhận biết điều gì?

4 Hiện nay, một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với bệnh tật và sự lão hóa, những điều thông thường đối với con người tội lỗi. Quan tâm vừa phải đến sức khỏe trong những hoàn cảnh như thế là điều tự nhiên, thậm chí có ích. Chẳng phải chúng ta muốn phụng sự Đức Giê-hô-va “hết sức” sao? (Mác 12:30). Tuy nhiên, dù cố gìn giữ sức khỏe tốt, chúng ta nên thực tế và nhận thức rằng chúng ta chỉ làm được rất ít để làm chậm quá trình lão hóa hoặc tránh mọi bệnh tật.

5. Chúng ta có thể rút ra bài học nào qua cách những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đương đầu với bệnh tật?

5 Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với vấn đề sức khỏe. Ép-ba-phô-đích là một trong số đó (Phi-líp 2:25-27). Người bạn trung thành của sứ đồ Phao-lô là Ti-mô-thê thường đau dạ dày, và Phao-lô khuyên ông “uống một ít rượu” (1 Ti 5:23). Chính Phao-lô cũng phải đương đầu với “một cái giằm xóc vào thịt”, có lẽ là đau mắt hoặc một bệnh nào khác mà thời đó chưa có cách chữa trị (2 Cô 12:7; Ga 4:15; 6:11). Phao-lô tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về “cái giằm xóc vào thịt” ông. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:8-10). Đức Chúa Trời không làm phép lạ để lấy đi cái giằm đó, nhưng Ngài ban cho ông sức mạnh để chịu đựng. Như thế, sức mạnh của Đức Giê-hô-va thể hiện trong sự yếu đuối của Phao-lô. Chúng ta có thể rút ra bài học từ trường hợp này không?

Tránh lo lắng thái quá về sức khỏe

6, 7. Tại sao chúng ta nên tránh lo lắng thái quá về sức khỏe?

6 Như bạn biết, Nhân Chứng Giê-hô-va chấp nhận điều trị theo y khoa và những phương pháp khác. Tạp chí Tỉnh Thức! thường đăng các bài về vấn đề sức khỏe. Dù không cụ thể khuyến khích phương pháp chữa trị nào, chúng ta biết ơn sự giúp đỡ và hợp tác của các chuyên gia y tế. Dĩ nhiên, chúng ta nhận thức rằng hiện nay không thể nào có sức khỏe hoàn hảo. Vì thế, điều khôn ngoan là tránh để vấn đề sức khỏe trở thành nỗi ám ảnh hay nỗi lo triền miên. Thái độ của chúng ta phải khác với những người không có “sự trông-cậy”, nghĩ rằng họ chỉ có cuộc sống này thôi và sẽ cố chữa bệnh bằng bất cứ phương pháp nào (Ê-phê 2:2, 12). Chúng ta quyết tâm không làm buồn lòng Đức Giê-hô-va trong nỗ lực duy trì sự sống hiện tại của mình, vì chúng ta tin chắc rằng nếu trung thành với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ “được cầm lấy sự sống thật”, là sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới mà Ngài đã hứa.—1 Ti 6:12, 19; 2 Phi 3:13.

7 Chúng ta tránh lo lắng thái quá về sức khỏe vì một lý do khác nữa. Quá quan tâm như thế có thể khiến chúng ta lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Phao-lô cảnh báo về mối nguy hiểm này khi ông khuyên các tín đồ người Phi-líp: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4). Chăm sóc bản thân một cách vừa phải là điều đúng, nhưng chú tâm đến anh em và những người mình rao báo “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” sẽ giúp chúng ta tránh luôn bận tâm về sức khỏe của mình.—Mat 24:14.

8. Quá lo lắng về sức khỏe có thể khiến chúng ta làm gì?

8 Một mối nguy hiểm có thể là tín đồ Đấng Christ đặt vấn đề sức khỏe lên trên công việc Nước Trời. Nỗi ám ảnh về sức khỏe cũng có thể khiến chúng ta áp đặt ý kiến riêng lên người khác về lợi ích của một chế độ ăn uống, phương pháp chữa bệnh hoặc loại thuốc bổ nào đó. Về lĩnh vực này, hãy xem xét nguyên tắc chứa đựng trong lời khuyên sau của Phao-lô: “[Hãy] nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn, hầu cho anh em được tinh-sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ”.—Phi-líp 1:10.

Điều gì tốt lành hơn?

9. Chúng ta không nên sao lãng một trong những điều tốt lành nào, và tại sao?

9 Nếu nhận biết điều tốt lành hơn, chúng ta sẽ tích cực tham gia công việc chữa lành về thiêng liêng, được thực hiện qua việc rao giảng và dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời. Công việc đầy vui mừng này sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và cả những người mình dạy (Châm 17:22; 1 Ti 4:15, 16). Tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! thỉnh thoảng đăng các bài kể về những anh chị bị bệnh nặng. Các bài này đôi khi giải thích cách họ đương đầu hay tạm quên đi vấn đề bằng cách nỗ lực giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va và lời hứa tuyệt diệu của Ngài *.

10. Tại sao việc lựa chọn phương pháp trị liệu là quan trọng?

10 Khi đương đầu với vấn đề sức khỏe, mỗi tín đồ Đấng Christ trưởng thành phải “gánh lấy riêng phần [mình]” trong việc chọn phương pháp trị liệu (Ga 6:5). Nhưng chúng ta nên nhớ rằng việc lựa chọn này là quan trọng đối với Đức Giê-hô-va. Vì tôn trọng nguyên tắc Kinh Thánh nên chúng ta “kiêng-giữ. . . huyết”. Cũng vậy, nếu xem trọng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tránh những liệu pháp có hại về thiêng liêng hoặc ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va (Công 15:20). Một số phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh gần giống như thuật huyền bí. Đức Giê-hô-va không hài lòng về những người Y-sơ-ra-ên bội đạo, thực hành ma thuật. Ngài phán với họ: “Đừng dâng của-lễ chay vô-ích cho ta nữa! Ta gớm-ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày sa-bát cùng sự rao-nhóm hội; ta chẳng khứng chịu tội-ác hội-hiệp nơi lễ trọng-thể” * (Ê-sai 1:13). Thời gian bị bệnh chắc chắn không phải là lúc để làm điều gì có thể cản trở lời cầu nguyện và gây nguy hại cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.—Ca 3:44.

Cần phải dè dặt

11, 12. Sự “dè dặt” có vai trò nào trong việc lựa chọn phương pháp chăm sóc sức khỏe?

11 Khi bị bệnh, chúng ta không thể mong đợi Đức Giê-hô-va làm phép lạ chữa lành cho mình, nhưng chúng ta có thể cầu xin Ngài ban sự khôn ngoan để chọn lựa phương pháp chữa trị. Chúng ta nên tìm sự hướng dẫn qua nguyên tắc Kinh Thánh và sự phán đoán sáng suốt. Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu có thể được thì nên tham khảo thêm ý kiến của vài chuyên gia. Điều này phù hợp với ý tưởng nơi Châm-ngôn 15:22: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành”. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo “phải sống ở đời nầy theo tiết-độ [“cách dè-dặt”, Ghi-đê-ôn], công-bình, nhân-đức”.—Tít 2:12.

12 Nhiều người ở trong trường hợp giống một phụ nữ vào thời Chúa Giê-su. Mác 5:25, 26 ghi lại như sau: “Có một người đàn-bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm, bấy lâu chịu khổ-sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao-tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm”. Khi thấy vậy, Chúa Giê-su đã chữa lành cho bà và bày tỏ lòng thương xót đối với bà (Mác 5:27-34). Trong lúc tuyệt vọng, một số tín đồ Đấng Christ có khuynh hướng chọn phép chẩn đoán hoặc liệu pháp trái với nguyên tắc của sự thờ phượng thanh sạch.

13, 14. (a) Sa-tan có thể lợi dụng việc chọn lựa phương pháp trị bệnh để phá vỡ lòng trung kiên của chúng ta như thế nào? (b) Tại sao chúng ta nên tránh bất cứ điều gì dính líu đến thuật huyền bí?

13 Sa-tan sẽ dùng mọi thủ đoạn để làm chúng ta xa rời sự thờ phượng thật. Đối với một số người, hắn dùng sự vô luân và của cải vật chất. Với những người khác, hắn cố phá vỡ lòng trung kiên của họ bằng phương pháp chữa bệnh đáng ngờ, dính dáng đến ma thuật hoặc lực huyền bí. Chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giải cứu khỏi “Kẻ Ác” và “khỏi mọi tội”. Vậy, chúng ta chớ để Sa-tan đánh lừa và làm điều gì dính líu đến thuật huyền bí.—Mat 6:13, Bản Dịch Mới; Tít 2:14.

14 Đức Giê-hô-va cấm dân Y-sơ-ra-ên thực hành bói toán hay phép thuật (Phục 18:10-12). Phao-lô liệt kê “phù-phép” trong số “các việc làm của xác-thịt” (Ga 5:19, 20). Hơn nữa, “kẻ phù-phép” sẽ không được ở trong thế giới mới của Đức Giê-hô-va (Khải 21:8). Vì vậy, rõ ràng bất cứ điều gì dính líu đến ma thuật đều đáng gớm ghiếc trước mắt Đức Giê-hô-va.

Cần khôn ngoan

15, 16. Tại sao chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn lựa phương pháp chăm sóc sức khỏe, và hội đồng lãnh đạo ở thế kỷ thứ nhất cho lời khuyên khôn ngoan nào?

15 Xét đến những điều nói trên, nếu nghi ngờ một phép chẩn đoán hoặc liệu pháp nào đó, điều khôn ngoan là không chọn cách đó. Dĩ nhiên, việc chúng ta không thể giải thích được một phương pháp chữa trị nào đó không có nghĩa là nó liên quan đến ma thuật. Giữ quan điểm theo Kinh Thánh trong việc chăm sóc sức khỏe đòi hỏi chúng ta có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự sáng suốt. Châm-ngôn chương 3 khuyên: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con. Hỡi con, khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt. . . thì nó sẽ là sự sống của linh-hồn con”.—Châm 3:5, 6, 21, 22.

16 Vậy, chúng ta sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe nhưng phải cẩn thận để không đánh mất ân huệ của Đức Chúa Trời khi đương đầu với bệnh tật và sự lão hóa. Về việc chăm sóc sức khỏe cũng như trong những vấn đề khác, chúng ta cố gắng sống phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh, điều này sẽ giúp chúng ta có quyết định thăng bằng. Trong một lá thư rất quan trọng, hội đồng lãnh đạo ở thế kỷ thứ nhất ra chỉ thị cho tín đồ Đấng Christ phải tránh thờ hình tượng, huyết và tà dâm. Lá thư này khẳng định: “Anh em giữ các điều ấy là tốt” (Công 15:28, 29; BDM). Tốt như thế nào?

Chăm sóc đúng mức với triển vọng khỏe mạnh hoàn toàn

17. Nhờ làm theo nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta được lợi ích về thể chất như thế nào?

17 Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có thấy rõ lợi ích mình nhận được nhờ theo sát nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến huyết và tà dâm không?”. Cũng hãy nghĩ đến ích lợi có được nhờ nỗ lực “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh” (2 Cô 7:1). Giữ theo tiêu chuẩn Kinh Thánh về vệ sinh thân thể giúp chúng ta tránh được nhiều bệnh. Chúng ta được khỏe mạnh vì tránh dùng thuốc lá và chất gây nghiện, những thứ làm ô uế thân thể và tổn hại về thiêng liêng. Cũng hãy xem xét lợi ích của việc ăn uống điều độ và dùng rượu có chừng mực. (Đọc Châm-ngôn 23:20; Tít 2:2, 3). Dù những yếu tố như nghỉ ngơi và tập thể dục có thể giúp chúng ta mạnh khỏe, chúng ta đặc biệt được lợi ích về thiêng liêng và thể chất là nhờ chấp nhận sự hướng dẫn của Kinh Thánh.

18. Chúng ta cần phải quan tâm chính yếu đến điều gì, và chúng ta có thể trông chờ lời tiên tri nào về sức khỏe được ứng nghiệm?

18 Trên hết, chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe thiêng liêng của mình và củng cố mối quan hệ quý giá với Cha trên trời, Nguồn của sự sống “đời nầy và về đời sau” trong thế giới mới mà Ngài đã hứa (1 Ti 4:8; Thi 36:9). Trong thế giới ấy, mọi người sẽ được chữa lành hoàn toàn về thể chất và thiêng liêng nhờ sự tha tội dựa trên căn bản giá chuộc của Chúa Giê-su. Chiên Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su, sẽ dẫn chúng ta đến “những suối nước sống”, và Đức Chúa Trời sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng ta (Khải 7:14-17; 22:1, 2). Rồi chúng ta cũng sẽ thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri tuyệt vời này: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”.—Ê-sai 33:24.

19. Trong khi chăm sóc sức khỏe một cách đúng mức, chúng ta được bảo đảm gì?

19 Tin chắc sự giải cứu đã gần kề, chúng ta háo hức chờ đợi ngày mà Đức Giê-hô-va xóa bỏ bệnh tật và sự chết. Trong thời gian này, Kinh Thánh bảo đảm rằng Cha yêu thương sẽ giúp chúng ta chịu đựng cảnh ốm đau, nhức mỏi vì ‘Ngài hay săn-sóc chúng ta’ (1 Phi 5:7). Vậy, chúng ta hãy chăm sóc sức khỏe nhưng luôn làm theo sự hướng dẫn rõ ràng trong Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời!

[Chú thích]

^ đ. 9 Một số bài này được liệt kê trong khung nơi trang 17 của Tháp Canh ngày 1-9-2003.

Để ôn lại

• Ai chịu trách nhiệm về bệnh tật, và ai sẽ giải thoát chúng ta khỏi hậu quả của tội lỗi?

• Dù quan tâm đến sức khỏe là điều tự nhiên, chúng ta nên tránh làm gì?

• Tại sao việc chúng ta chọn lựa phương pháp trị liệu là quan trọng đối với Đức Giê-hô-va?

• Về vấn đề sức khỏe, chúng ta được lợi ích thế nào nhờ làm theo nguyên tắc Kinh Thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Loài người không được tạo ra để phải chịu cảnh bệnh tật và già nua

[Hình nơi trang 25]

Dù gặp vấn đề sức khỏe, dân Đức Giê-hô-va có được niềm vui trong thánh chức

[Chú thích]

^ đ. 10 Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tội-ác” ở đây cũng có thể dịch là “thuật huyền bí”, “phép thuật”.