Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong thư của Gia-cơ và của Phi-e-rơ

Những điểm nổi bật trong thư của Gia-cơ và của Phi-e-rơ

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong thư của Gia-cơ và của Phi-e-rơ

Gần 30 năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, môn đồ Gia-cơ—em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su—viết một lá thư cho “mười hai chi-phái” của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Gia 1:1). Mục đích của ông là khuyến khích họ mạnh mẽ trong đức tin và chịu đựng khi gặp thử thách. Ông cũng đưa ra lời khuyên nhằm sửa chữa tình trạng đáng lo ngại đã phát triển trong hội thánh.

Không lâu trước chiến dịch bắt bớ của hoàng đế La Mã là Nê-rô vào năm 64 CN, sứ đồ Phi-e-rơ viết thư thứ nhất cho các tín đồ Đấng Christ để khuyến khích họ đứng vững trong đức tin. Trong thư thứ hai, được viết ít lâu sau thư thứ nhất, Phi-e-rơ khuyến giục anh em đồng đạo chú ý đến Lời Đức Chúa Trời và cảnh báo họ về ngày của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể được lợi ích nếu chú ý đến thông điệp trong thư của Gia-cơ và của Phi-e-rơ.—Hê 4:12.

ĐỨC CHÚA TRỜI BAN SỰ KHÔN NGOAN CHO NHỮNG AI “LẤY ĐỨC-TIN MÀ CẦU-XIN”

(Gia 1:1–5:20)

Gia-cơ viết: “Phước cho người bị cám-dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử-thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều-thiên của sự sống”. Đối với những ai tiếp tục “lấy đức-tin mà cầu-xin”, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho sự khôn ngoan cần thiết để chịu đựng thử thách.—Gia 1:5-8, 12.

Đức tin và sự khôn ngoan cũng là điều cần thiết cho những người “làm thầy” trong hội thánh. Sau khi cho biết cái lưỡi là “một quan-thể nhỏ” có thể “làm ô-uế cả mình”, Gia-cơ cảnh báo về những khuynh hướng thế gian có thể hủy hoại mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Ông cũng nêu ra các bước mà một người bị bệnh về thiêng liêng cần làm để được bình phục.—Gia 3:1, 5, 6; 5:14, 15.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:13—“Sự thương-xót thắng sự đoán-xét” theo nghĩa nào? Khi chúng ta phải khai trình với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ lưu ý đến lòng thương xót mà chúng ta biểu lộ với người khác và tha thứ chúng ta dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Con Ngài (Rô 14:12). Đây chẳng phải là một lý do để chúng ta luôn cố gắng thể hiện tính thương xót trong đời sống sao?

5:20—“Kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm-lạc” sẽ cứu linh hồn ai khỏi chết? Một tín đồ Đấng Christ giúp người lầm lạc từ bỏ đường lối tội lỗi sẽ cứu linh hồn người biết ăn năn khỏi sự chết về thiêng liêng và có lẽ khỏi sự hủy diệt vĩnh viễn. Khi giúp người có tội qua cách này, người tín đồ cũng sẽ “che-đậy vô-số tội-lỗi” của người có tội.

Bài học cho chúng ta:

1:14, 15. Tội lỗi bắt nguồn từ ước muốn không đúng đắn. Vì thế, chúng ta không nên nuôi dưỡng những ước muốn sai trái. Ngược lại, chúng ta phải luôn nghĩ đến những điều xây dựng và chỉ tập trung tâm trí vào những điều này.—Phi-líp 4:8.

2:8, 9“Tây-vị người ta” là ngược với “luật-pháp tôn-trọng”—tình yêu thương. Vì thế, tín đồ Đấng Christ chân chính không thiên vị.

2:14-26. Chúng ta ‘được cứu bởi đức-tin’ chớ “chẳng phải bởi việc làm” theo Luật pháp Môi-se hay theo đạo Đấng Christ. Nhưng đức tin không chỉ là nói mình tin Đức Chúa Trời mà chúng ta còn phải hành động phù hợp với ý muốn Ngài.—Ê-phê 2:8, 9; Giăng 3:16.

3:13-17. “Sự khôn-ngoan từ trên” chắc chắn ưu việt hơn sự khôn ngoan “thuộc về đất, về xác-thịt và về ma-quỉ”! Chúng ta nên luôn “kiếm [sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời] như bửu-vật ẩn-bí”.—Châm 2:1-5.

3:18. Hạt giống tin mừng Nước Trời được “gieo trong sự hòa-bình, cho những kẻ nào làm sự hòa-bình”. Vậy chúng ta phải là người hiền hòa, không kiêu ngạo, hay gây gỗ hoặc to tiếng.

“HÃY ĐỨNG VỮNG TRONG ĐỨC-TIN”

(1 Phi 1:1–5:14)

Phi-e-rơ nhắc anh em đồng đạo về “sự trông-cậy sống” của họ là cơ nghiệp trên trời. Ông nói với họ: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh”. Sau khi cho lời khuyên cụ thể về sự vâng phục, ông khuyên tất cả anh em “phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhường”.—1 Phi 1:3, 4; 2:9; 3:8.

Vì “sự cuối-cùng của muôn vật [hệ thống Do Thái] đã gần”, Phi-e-rơ khuyên anh em “hãy khôn-ngoan tỉnh-thức mà cầu-nguyện”. Ông bảo họ: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức. . . Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự [Sa-tan]”.—1 Phi 4:7; 5:8, 9.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

3:20-22—Phép báp têm cứu chúng ta như thế nào? Báp têm là một đòi hỏi cho những ai muốn được cứu. Tuy nhiên, phép báp têm tự nó không cứu chúng ta. Sự cứu rỗi thật ra “bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus-Christ”. Ứng viên báp têm phải tin rằng sự cứu rỗi có được là vì Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống làm của-lễ, được sống lại và “ngự bên hữu Đức Chúa Trời”, có quyền trên sự sống và sự chết. Phép báp têm dựa trên đức tin ấy là điều tương đương với việc ‘tám người được cứu bởi nước’.

4:6—Câu “Tin-lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết” ngụ ý nói đến ai? “Kẻ chết” ở đây là những người đã “chết vì lầm-lỗi và tội-ác mình”, tức là chết về thiêng liêng, trước khi được nghe tin mừng (Ê-phê 2:1). Nhưng khi đặt đức tin nơi tin mừng, họ bắt đầu “sống” về thiêng liêng.

Bài học cho chúng ta:

1:7. Nếu muốn đức tin mình có giá trị lớn, nó phải được thử thách. Đức tin mạnh mẽ như thế khiến “cho linh-hồn được cứu-rỗi” (Hê 10:39). Chúng ta chớ lùi bước trước thử thách về đức tin.

1:10-12. Các thiên sứ ước ao xem thấu và hiểu rõ những lẽ thật sâu nhiệm mà các tiên tri của Đức Chúa Trời thời xưa đã ghi lại về hội thánh các tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Tuy nhiên, lẽ thật ấy chỉ được sáng tỏ khi Đức Giê-hô-va bắt đầu có mối quan hệ với hội thánh (Ê-phê 3:10). Chẳng phải chúng ta cũng nên noi gương các thiên sứ và cố gắng dò xét “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” sao?—1 Cô 2:10.

2:21. Để noi gương Đấng Gương Mẫu là Chúa Giê-su, chúng ta sẵn sàng chịu khổ thậm chí hy sinh mạng sống hầu ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va.

5:6, 7Khi trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va, Ngài giúp chúng ta tiếp tục đặt ưu tiên cho sự thờ phượng thật trong đời sống thay vì quá lo âu về ngày mai.—Mat 6:33, 34.

“NGÀY CỦA CHÚA SẼ ĐẾN”

(2 Phi 1:1–3:18)

Phi-e-rơ viết: ‘Chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi thánh-linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời’. Chú ý đến những lời tiên tri có thể bảo vệ chúng ta khỏi các “giáo-sư giả” và những kẻ gây ảnh hưởng tai hại.—2 Phi 1:21; 2:1-3.

Phi-e-rơ cảnh báo: “Trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt”. Nhưng “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Phi-e-rơ kết thúc lá thư của ông với lời khuyên hữu ích cho những ai “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”.—2 Phi 3:3, 10-12.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:19—“Sao mai” là ai, mọc khi nào? Và làm sao chúng ta biết được điều này đã xảy ra? “Sao mai” là Chúa Giê-su Christ trong vương quyền Nước Trời (Khải 22:16). Vào năm 1914, Chúa Giê-su như sao mai “mọc lên” trước mọi tạo vật với tư cách là Vua Mê-si, báo hiệu một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Sự hóa hình cho thấy trước sự vinh hiển và vương quyền Nước Trời của Chúa Giê-su, nhấn mạnh tính đáng tin cậy của lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Để ý đến lời đó soi sáng lòng chúng ta, và nhờ thế chúng ta biết được Sao Mai đã mọc.

2:4—“Vực sâu” là gì, và khi nào các thiên sứ phản nghịch bị quăng vào đó? Vực sâu là một tình trạng giam giữ chỉ dành cho các tạo vật thần linh, chứ không phải cho con người. Đó là tình trạng tối tăm, không có sự hiểu biết về ý định tươi sáng của Đức Chúa Trời. Những kẻ ở trong vực sâu không có hy vọng nào về tương lai. Đức Chúa Trời quăng các thiên sứ bất phục tùng vào vực sâu trong thời Nô-ê, và chúng sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bị hạ bệ đó cho đến khi bị hủy diệt.

3:17—Phi-e-rơ có ý gì qua từ “biết trước”? Phi-e-rơ có ý nói đến sự hiểu biết trước về những sự kiện tương lai mà ông và những người viết Kinh Thánh khác nhận được qua sự soi dẫn của Đức Chúa Trời. Vì đây không phải là sự hiểu biết vô tận, nên các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu dù có sự hiểu biết này cũng không nắm hết chi tiết về những điều sẽ xảy ra. Họ chỉ hiểu một cách tổng quát.

Bài học cho chúng ta:

1:2, 5-7. Ngoài lợi ích là được gia thêm “sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus”, việc gắng hết sức vun trồng những đức tính như đức tin, nhịn nhục và tin kính còn có thể giúp chúng ta tránh được sự “ở dưng hoặc không kết quả” trong sự nhận biết đó.—2 Phi 1:8.

1:12-15. Để tiếp tục “chắc-chắn trong lẽ thật”, chúng ta cần được nhắc nhở thường xuyên. Chúng ta nhận được sự nhắc nhở qua những buổi nhóm họp hội thánh, qua việc học hỏi cá nhân và đọc Kinh Thánh.

2:2. Chúng ta phải thận trọng để hạnh kiểm của mình không làm Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài bị gièm chê.—Rô 2:24.

2:4-9. Qua những gì Đức Giê-hô-va đã làm trong quá khứ, chúng ta có thể tin chắc rằng “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét”.

2:10-13. Tuy “các bậc tôn-trọng”, tức những trưởng lão, có khiếm khuyết hay đôi khi phạm lỗi, chúng ta không được nói hỗn với họ.—Hê 13:7, 17.

3:2-4, 12. Cẩn thận chú ý đến “lời nói trước của các thánh tiên-tri, cùng mạng-lịnh của Chúa và Cứu-Chúa chúng ta” sẽ giúp chúng ta luôn nhớ rằng ngày Đức Giê-hô-va đang gần kề.

3:11-14. Là những người đang “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”, chúng ta phải (1) ‘nên thánh trong mọi sự ăn-ở của mình’, giữ cho thể chất, tâm trí, đạo đức và thiêng liêng được thánh sạch; (2) đầy dẫy việc làm phản ánh lòng “tin-kính”, chẳng hạn những việc liên quan đến công việc rao giảng tin mừng Nước Trời và đào tạo môn đồ; (3) giữ hạnh kiểm và nhân cách “không dấu-vít”, không bị ô uế bởi thế gian; (4) “chẳng chỗ trách được”, làm mọi sự với động cơ trong sạch; (5) “ở bình-an”—với Đức Chúa Trời, với anh em đồng đạo và với người đồng loại.