Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mẹ của Chúa Giê-su cho chúng ta gương mẫu nào?

Mẹ của Chúa Giê-su cho chúng ta gương mẫu nào?

Mẹ của Chúa Giê-su cho chúng ta gương mẫu nào?

Bạn có bao giờ cảm thấy choáng ngợp vì một trách nhiệm hoặc thử thách bất ngờ không? Bạn có cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc vất vả để kiếm sống không? Có lẽ bạn là một trong số hàng triệu người đang bối rối, e ngại vì phải xa quê hương và sống tị nạn. Ai trong chúng ta chưa từng cảm nghiệm nỗi đau và sự trống rỗng sau khi một người thân yêu qua đời?

Bạn có biết mẹ của Chúa Giê-su là Ma-ri đã đối mặt với những thử thách ấy không? Không những chỉ đối mặt mà bà còn vượt qua được! Chúng ta có thể học được gì qua gương của bà?

Cả thế giới chắc chắn biết đến mẹ của Chúa Giê-su. Điều này không có gì lạ, vì bà đã đóng một vai trò vô cùng đặc biệt trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, bà được hàng triệu người tôn kính. Giáo hội Công giáo tôn bà là Đức Mẹ yêu quý và là mẫu mực về đức tin, hy vọng và lòng nhân ái. Nhiều người được dạy rằng qua bà, con người có thể đến với Đức Chúa Trời.

Còn bạn, bạn có quan điểm nào về mẹ của Chúa Giê-su? Và quan trọng hơn, Đức Chúa Trời có quan điểm nào về bà?

Nhiệm vụ có một không hai

Trinh nữ Ma-ri là con gái ông Hê-li, thuộc chi phái Giu-đa của dân Y-sơ-ra-ên. Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến người nữ này là trong một sự kiện lạ thường. Một thiên sứ hiện ra và nói: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi”. Thoạt tiên, trinh nữ Ma-ri vô cùng bối rối và “tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì”. Thiên sứ cho biết bà được chọn để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt nhưng rất quan trọng, đó là mang thai, sinh ra và nuôi dưỡng Con của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 1:26-33.

Thật là một nhiệm vụ quan trọng đặt trên vai người nữ chưa kết hôn này! Bà đã phản ứng thế nào? Có lẽ Ma-ri tự nhủ liệu ai sẽ tin câu chuyện của bà. Có thể cái thai sẽ làm cho bà mất đi tình yêu của vị hôn phu là ông Giô-sép, hoặc bị cả cộng đồng khinh miệt chăng? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:20-24). Tuy vậy, Ma-ri đã không ngần ngại chấp nhận trọng trách này.

Nhờ có đức tin mạnh mẽ, trinh nữ Ma-ri có thể vâng phục ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bà tin chắc rằng Ngài sẽ chăm sóc bà. Vì thế, bà thốt lên: “Tôi đây là tôi-tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!”. Ma-ri sẵn sàng đối mặt với những thử thách phía trước vì bà quý trọng đặc ân mà Đức Chúa Trời ban.—Lu-ca 1:38.

Khi Ma-ri báo cho Giô-sép biết bà đã có thai, ông có ý định hủy hôn ước của hai người. Đó hẳn là thời gian đau buồn cho cả hai. Kinh Thánh không nói khoảng thời gian ấy là bao lâu. Tuy nhiên, cả Ma-ri lẫn Giô-sép hẳn cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện đến với Giô-sép. Sứ giả thần linh này giải thích cho Giô-sép biết rằng Ma-ri chịu thai nhờ phép lạ và bảo ông rước Ma-ri về làm vợ.—Ma-thi-ơ 1:19-24.

Những giai đoạn khó khăn

Nhiều người sắp làm mẹ ngày nay thường chuẩn bị trước nhiều tháng cho em bé, và hẳn là Ma-ri cũng vậy. Đây là con đầu lòng của bà. Nhưng những sự kiện bất ngờ xảy ra gây khó khăn cho dự định của bà. Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ thống kê dân số, bắt mọi người phải trở về nguyên quán để ghi tên vào sổ dân. Vì vậy, Giô-sép và Ma-ri phải làm cuộc hành trình dài 150 cây số. Bấy giờ Ma-ri đã mang thai chín tháng và rất có thể bà phải ngồi trên lưng lừa suốt chuyến đi! Thành Bết-lê-hem đã chật ních người và Ma-ri cần một chỗ kín đáo để sinh nở, nhưng họ chỉ có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi trong một chuồng gia súc. Sinh con ở một nơi như thế quả là một điều khó cho Ma-ri. Rất có thể bà cảm thấy vừa bối rối vừa sợ hãi.

Trong những lúc khó khăn như thế của cuộc đời bà, chắc hẳn Ma-ri đã dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va, tin cậy rằng Ngài sẽ chăm sóc cho bà và em bé. Sau đó, một số người chăn chiên đã chạy đến, háo hức được nhìn thấy em bé. Họ kể lại các thiên sứ đã gọi con trẻ này là “Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa”. Và Kinh Thánh viết: “Ma-ri thì ghi-nhớ mọi lời ấy và suy-nghĩ trong lòng”. Bà suy ngẫm về những lời này và nhờ đó có thêm nghị lực.—Lu-ca 2:11, 16-19.

Còn chúng ta thì sao? Có thể chúng ta phải chịu những đau khổ trong cuộc sống. Hơn nữa, Kinh Thánh cho thấy “thời thế và sự bất trắc” có thể xảy đến cho bất cứ ai, mang lại những khó khăn và thử thách trên đường đời của chúng ta (Truyền-đạo 9:11NW). Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có trở nên cay đắng và đổ lỗi cho Đức Chúa Trời không? Chẳng phải điều tốt hơn là noi theo thái độ của người nữ tin kính này và đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng cách học Lời Ngài là Kinh Thánh, rồi suy ngẫm về những điều chúng ta đã học hay sao? Khi làm thế, chắc chắn sẽ giúp chúng ta chịu đựng được thử thách.

Nghèo khó và sống tị nạn

Mẹ của Chúa Giê-su cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác—kể cả sự nghèo khó và phải chạy trốn khỏi quê hương. Bạn đã trải qua những thử thách như thế chưa? Theo một báo cáo, “phân nửa thế giới—gần ba tỉ người—sống chỉ dưới hai đô la một ngày”, và hàng triệu người khác phải làm việc đầu tắt mặt tối dù họ sống trong những nước được xem là giàu có. Còn bạn thì sao? Có phải đời sống cực nhọc ngày này qua ngày khác nhằm cung cấp thực phẩm, quần áo và chỗ ở cho gia đình làm bạn kiệt sức, thậm chí đôi khi cảm thấy tuyệt vọng không?

Kinh Thánh cho biết hai vợ chồng Giô-sép và Ma-ri sống trong cảnh khá nghèo. Làm sao chúng ta biết điều đó? Trong một số dữ kiện mà các sách Phúc âm—Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng—kể về cặp vợ chồng này, có nói đến sự việc sau khi Chúa Giê-su sinh ra được 40 ngày. Lúc ấy, Giô-sép và Ma-ri đến đền thờ để dâng của lễ theo quy định của luật pháp—gồm “một cặp chim cu, hoặc chim bồ-câu con” * (Lu-ca 2:22-24). Chỉ những người nghèo không có khả năng dâng chiên con mới dâng của lễ như thế. Do đó, Giô-sép và Ma-ri hẳn rất vất vả trong cuộc sống. Dù vậy, họ đã thành công trong việc xây dựng bầu không khí yêu thương trong gia đình. Rõ ràng, việc thờ phượng Đức Chúa Trời là mối quan tâm hàng đầu của họ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.

Không lâu sau khi sinh Chúa Giê-su, cuộc sống của Ma-ri một lần nữa bị xáo trộn. Một thiên sứ báo cho Giô-sép biết phải đem gia đình chạy trốn sang xứ Ê-díp-tô (Ma-thi-ơ 2:13-15). Đây là lần thứ hai Ma-ri phải rời nơi thân thuộc, nhưng lần này là đi đến một đất nước xa lạ. Tại đấy, có một cộng đồng lớn của người Do Thái, nên Ma-ri và Giô-sép có thể sống giữa những người đồng hương. Dù vậy, sống ở một đất nước xa lạ có thể khiến họ cảm thấy khó khăn và bỡ ngỡ. Bạn và gia đình có phải là những người trong số hàng triệu người đã rời bỏ quê hương, có lẽ vì lợi ích của con cái hoặc để lánh nạn không? Nếu có, bạn có thể hiểu rõ nỗi khó khăn mà Ma-ri phải đương đầu ở xứ Ê-díp-tô.

Người vợ và người mẹ tận tụy

Ngoài những lời tường thuật về sự ra đời và thời thơ ấu của Chúa Giê-su, các sách Phúc âm ít đề cập đến bà Ma-ri. Tuy nhiên, chúng ta biết Ma-ri và Giô-sép có ít nhất sáu người con khác. Có thể điều này khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng hãy xem các sách Phúc âm nói gì.

Ông Giô-sép rất tôn trọng đặc ân bà Ma-ri mang thai Con của Đức Chúa Trời. Vì thế, ông không ăn ở với bà trước khi bà sinh Chúa Giê-su. Nơi Ma-thi-ơ 1:25 cho biết Giô-sép “không hề ăn-ở với cho đến khi người sanh một trai”. Từ “cho đến khi” trong câu này cho thấy sau khi Chúa Giê-su ra đời, Giô-sép và Ma-ri sống như những cặp vợ chồng bình thường. Thế nên, theo lời tường thuật trong các sách Phúc âm, Giô-sép và Ma-ri có thêm các con trai và con gái khác. Các em trai cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đe. Ngoài ra, bà Ma-ri có ít nhất hai con gái (Ma-thi-ơ 13:55, 56). Những người con này được thụ thai cách bình thường *.

Bà Ma-ri là người rất quý trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Dù Luật Pháp không buộc người nữ phải tham dự kỳ Lễ Vượt Qua, Ma-ri thường đi cùng Giô-sép đến Giê-ru-sa-lem để dự kỳ lễ hằng năm này (Lu-ca 2:41). Chuyến đi này cả đi lẫn về dài khoảng 300 cây số. Thế mà mỗi năm bà đã đi cùng với gia đình đông con của mình! Nhưng những chuyến đi ấy chắc hẳn là dịp vui mừng cho cả nhà.

Nhiều người nữ ngày nay cũng noi theo gương của bà Ma-ri. Họ làm việc khó nhọc và có tinh thần hy sinh để làm tròn trách nhiệm được ghi trong Kinh Thánh. Những người vợ tận tụy này thường biểu lộ sự kiên nhẫn, chịu đựng và khiêm nhường đáng khâm phục biết bao! Suy ngẫm về thái độ của bà Ma-ri giúp họ đặt mối quan hệ với Đức Chúa Trời và việc thờ phượng Ngài lên trên niềm vui thích và ước muốn được sống sung túc. Như Ma-ri hẳn đã biết, họ cũng tin rằng thờ phượng Đức Chúa Trời cùng với chồng và con cái sẽ làm vững mạnh và hợp nhất gia đình.

Một lần nọ, khi bà Ma-ri và ông Giô-sép từ Giê-ru-sa-lem trở về sau kỳ lễ—có lẽ cùng với các em của Chúa Giê-su—họ nhận ra Chúa Giê-su (lúc đó 12 tuổi) đã không đi cùng. Bạn có thể hình dung nỗi lo lắng của Ma-ri trong suốt ba ngày cuống cuồng tìm kiếm con trai không? Khi bà và Giô-sép cuối cùng tìm thấy ngài tại đền thờ, Chúa Giê-su nói: “Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?”. Lời tường thuật một lần nữa cho biết Ma-ri “ghi các lời ấy vào lòng”. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy Ma-ri là người rất quý trọng quan điểm của Đức Chúa Trời về các vấn đề trong đời sống. Bà suy ngẫm sâu xa về mọi việc xảy ra liên quan đến Chúa Giê-su. Nhiều năm sau đó, có thể bà đã kể lại kỷ niệm sống động này và những sự kiện khác về thời thơ ấu của Chúa Giê-su cho những người viết các sách Phúc âm.—Lu-ca 2:41-52; Bản Dịch Mới.

Chịu đựng sự đau khổ và mất mát

Điều gì đã xảy ra với ông Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su? Câu chuyện khi Chúa Giê-su còn nhỏ được đề cập ở trên là lần cuối cùng các sách Phúc âm nhắc đến Giô-sép. Một số người cho rằng điều đó có nghĩa là Giô-sép đã qua đời trước khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng *. Dù là trường hợp nào đi nữa, dường như bà Ma-ri đã góa bụa vào cuối giai đoạn Chúa Giê-su đi rao giảng. Vào thời điểm Chúa Giê-su hy sinh mạng sống, ngài đã giao cho sứ đồ Giăng chăm sóc mẹ ngài (Giăng 19:26, 27). Chúa Giê-su hẳn đã không làm thế nếu ông Giô-sép còn sống.

Bà Ma-ri và ông Giô-sép hẳn đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống! Họ được các thiên sứ thăm viếng, chạy trốn khỏi tay của một bạo chúa, đôi lần thay đổi chỗ ở và phải chăm sóc cho các con. Biết bao đêm họ đã ngồi bên nhau nói chuyện về Chúa Giê-su, không biết ngài sẽ phải đương đầu với điều gì sắp đến, lo lắng liệu họ có nuôi dạy và chuẩn bị đầy đủ cho ngài chưa? Rồi bỗng dưng Ma-ri chỉ còn lại một mình.

Cái chết có cướp mất người hôn phối của bạn không? Cho dù đã nhiều năm trôi qua, bạn vẫn còn cảm nhận nỗi đau và sự trống vắng của mất mát này không? Chắc hẳn Ma-ri được an ủi nhiều nhờ có đức tin và biết người chết sẽ được sống lại * (Giăng 5:28, 29). Tuy nhiên, những điều đầy an ủi ấy không làm các vấn đề của bà biến mất. Như những người mẹ đơn thân ngày nay, bà Ma-ri phải đương đầu với việc nuôi dạy con cái mà không có sự trợ giúp của người chồng.

Điều hợp lý là Chúa Giê-su đã đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình lúc ông Giô-sép qua đời. Khi các em trai của Chúa Giê-su lớn lên, họ hẳn đã san sẻ trách nhiệm với ngài. Chúa Giê-su rời gia đình và bắt đầu đi rao giảng lúc ngài “độ ba mươi tuổi” (Lu-ca 3:23). Hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy vui buồn lẫn lộn khi con trai hoặc con gái trưởng thành và rời gia đình. Họ đã dành không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tình cảm cho con. Giờ đây, khi con đi xa, họ cảm thấy trống vắng vô cùng. Bạn có người con nào đã rời gia đình để theo đuổi mục tiêu riêng không? Bạn có hãnh diện về con mình, nhưng đôi lúc lại ao ước con ở gần mình không? Vậy thì bạn có thể cảm nhận nỗi lòng của Ma-ri khi Chúa Giê-su rời xa nhà.

Những thử thách bất ngờ

Có một thử thách khác mà bà Ma-ri có thể không bao giờ nghĩ đến. Khi Chúa Giê-su rao giảng, nhiều người đã theo ngài—nhưng các em trai của ngài thì không. Kinh Thánh cho biết: “Chính các anh em Ngài không tin Ngài” (Giăng 7:5). Chắc hẳn Ma-ri đã kể lại cho họ nghe về những gì thiên sứ nói với bà—đó là Chúa Giê-su là “Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35). Nhưng đối với Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đe, Chúa Giê-su vẫn là một người anh mà thôi. Vì thế, Ma-ri nhận ra mình sống trong một gia đình không đồng quan điểm về tôn giáo.

Bà Ma-ri có nản lòng và bỏ cuộc không? Hoàn toàn không! Vào một dịp nọ, khi Chúa Giê-su đang rao giảng ở Ga-li-lê, ngài đến dùng bữa tại một nhà, và một đám đông đã tụ tập lại để được nghe ngài giảng. Ai đứng bên ngoài tìm Chúa Giê-su? Chính là bà Ma-ri và các em trai của ngài. Như vậy khi Chúa Giê-su ở vùng gần nhà, bà Ma-ri đã đi theo ngài và dẫn theo các con khác, với hy vọng họ sẽ thay đổi suy nghĩ về Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 12:46, 47.

Có thể bạn cũng ở trong hoàn cảnh tương tự khi cố gắng noi theo gương Chúa Giê-su dù các thành viên khác của gia đình không muốn làm như thế. Đừng ngã lòng, và đừng bỏ cuộc! Như Ma-ri, nhiều người đã kiên nhẫn trong nhiều năm để giúp các thành viên của gia đình thật sự thay đổi quan điểm. Sự chịu đựng như thế thật đáng quý trước mặt Đức Chúa Trời, dù người khác có hưởng ứng hay không.—1 Phi-e-rơ 3:1, 2.

Thử thách lớn lao nhất

Thử thách cuối cùng của bà Ma-ri, được tường thuật trong Kinh Thánh, chắc hẳn làm bà tan nát cõi lòng. Bà nhìn thấy người con yêu dấu chết đau đớn sau khi ngài bị dân tộc mình chối bỏ. Cái chết của một người con được miêu tả là “mất mát lớn nhất”, “cái chết gây đau thương nhất” dù người con ấy còn nhỏ hay đã trưởng thành. Như đã được báo trước nhiều thập niên, bà Ma-ri cảm thấy có một lưỡi gươm đâm thấu qua lòng!—Lu-ca 2:34, 35.

Bà Ma-ri có để thử thách cuối cùng này làm bà suy sụp tinh thần hoặc suy yếu đức tin nơi Đức Giê-hô-va không? Không. Lần kế tiếp Kinh Thánh đề cập đến Ma-ri là khi bà đang ở giữa các môn đồ của Chúa Giê-su, ‘bền lòng cầu-nguyện’ với họ. Và bà không cô đơn vì các con trai khác của bà cũng có mặt ở đấy. Đến lúc này, các em trai của Chúa Giê-su đã bắt đầu thể hiện đức tin nơi ngài. Điều đó quả đã an ủi Ma-ri biết bao *!—Công-vụ 1:14.

Là một người nữ, người vợ, người mẹ giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, bà Ma-ri đã sống một cuộc đời thỏa nguyện. Bà trải nghiệm nhiều điều thỏa lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Bà đã vượt qua nhiều gian nan thử thách. Khi đối mặt với những thử thách bất ngờ hoặc khi lo lắng về những vấn đề trong gia đình, chắc chắn chúng ta có thể học được từ gương trung thành chịu đựng của bà Ma-ri!—Hê-bơ-rơ 10:36.

Vậy thì chúng ta có thể nói gì về việc bà Ma-ri được xem là nhân vật tôn giáo được sùng kính? Lời tường thuật trong Kinh Thánh về vai trò đặc biệt của bà có nâng bà lên địa vị được tôn thờ không?

[Chú thích]

^ đ. 17 Một con chim được dâng để làm của lễ chuộc tội (Lê-vi Ký 12:6, 8). Qua việc dâng của lễ, Ma-ri nhận thức rằng bà cũng giống như tất cả những người bất toàn bị di truyền tội lỗi của A-đam, người đàn ông đầu tiên.—Rô-ma 5:12.

^ đ. 21 Xin xem khung “ Chúa Giê-su có em không?”.

^ đ. 26 Người ta ghi nhận điều đáng chú ý là lời tường thuật về công việc rao giảng của Chúa Giê-su đã không nhắc đến ông Giô-sép, nhưng có đề cập đến các thành viên khác trong gia đình như mẹ ngài và các em ngài. Chẳng hạn, tại tiệc cưới ở Ca-na, chúng ta thấy bà Ma-ri tham gia tích cực và thậm chí chủ động nêu vài gợi ý, nhưng không nói gì về ông Giô-sép (Giăng 2:1-11). Trong trường hợp khác, những người cùng quê với Chúa Giê-su không gọi ngài là con trai Giô-sép, nhưng là “con trai Ma-ri”.—Mác 6:3.

^ đ. 28 Để biết thêm thông tin về lời hứa của Kinh Thánh về sự sống lại, xin xem chương 7 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 36 Xin xem khung “ Can đảm thay đổi tôn giáo” nơi trang 7.

[Lời chú thích nơi trang 6]

 Chúa Giê-su có em không?

Vâng, ngài có. Một số nhà thần học cố gắng bác bỏ sự thật này, dù các sách Phúc âm nhiều lần cho thấy rõ điều đó (Ma-thi-ơ 12:46, 47; 13:54-56; Mác 6:3). Tuy nhiên, các học giả Kinh Thánh lưu ý đến hai điều liên quan đến các giả thuyết về việc bà Ma-ri không có người con nào khác ngoài Chúa Giê-su. Một là động lực nằm sau các giả thuyết ấy—để ủng hộ cho giáo lý của giáo hội xuất hiện rất lâu sau thời bà Ma-ri, cho rằng bà Ma-ri đồng trinh trọn đời. Hai là khi xem xét kỹ, những giả thuyết này không thể chứng minh và không đủ sức thuyết phục.

Chẳng hạn, một trong những giả thuyết ấy cho rằng những người được gọi là “anh em” của Chúa Giê-su là anh em cùng cha khác mẹ của ngài, tức những người con của ông Giô-sép với đời vợ trước. Giả thuyết này không đúng, vì nó thật ra phủ nhận quyền trưởng nam hợp pháp của Chúa Giê-su để nhận vương quyền từ Đa-vít.—2 Sa-mu-ên 7:12, 13.

Một giả thuyết khác là các em trai của Chúa Giê-su thật ra là em họ của ngài, mặc dù phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp dùng những từ riêng biệt cho “anh em ruột”, “anh em họ” và “bà con”. Vì thế, học giả Frank E. Gaebelein cho rằng những giả thuyết này khó có thể xảy ra. Ông kết luận: “Cách tự nhiên nhất để hiểu từ “anh em” ở đây... là từ ấy muốn nói đến các con trai của Ma-ri và Giô-sép, và vì thế, họ là những em trai cùng một mẹ với Chúa Giê-su”.

[Khung nơi trang 7]

 Can đảm thay đổi tôn giáo

Mẹ của Chúa Giê-su được sinh ra trong một gia đình Do Thái và theo Do Thái giáo. Bà thường đến nhà hội địa phương, tức nơi thờ phượng của người Do Thái, và cũng đến dự các kỳ lễ tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, khi biết nhiều hơn về ý định của Đức Chúa Trời, bà dần dần thấy được những truyền thống của tổ tiên không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận. Những nhà lãnh đạo Do Thái giáo đã khiến Con của bà phải chết. Trước khi điều đó xảy ra, Chúa Giê-su đã cảnh báo họ: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38). Đức Chúa Trời không còn chấp nhận hệ thống tôn giáo mà bà Ma-ri đã theo từ lúc nhỏ.—Ga-la-ti 2:15, 16.

Khi hội thánh của Chúa Giê-su được thành lập, bà Ma-ri có lẽ đã khoảng 50 tuổi. Bà sẽ làm gì? Bà có lý luận rằng mình đã được sinh ra trong Do Thái giáo và muốn tiếp tục trung thành với truyền thống của tổ tiên không? Bà có cho rằng mình đã quá lớn tuổi để thay đổi tín ngưỡng không? Dĩ nhiên không! Bà Ma-ri hiểu rằng giờ đây Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận hội thánh của Chúa Giê-su, nên bà có đủ niềm tin và can đảm để thay đổi tôn giáo.

[Hình nơi trang 5]

Chạy trốn sang Ê-díp-tô để tị nạn

[Hình nơi trang 8]

Điều đau thương nhất mà một người mẹ phải trải qua