Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bệnh phong (hủi) được đề cập trong Kinh Thánh có giống căn bệnh chúng ta biết ngày nay không?

Từ y học “bệnh phong” được dùng ngày nay nói đến căn bệnh do vi trùng gây ra trên con người. Vi trùng này (Mycobacterium leprae) lần đầu tiên được bác sĩ G.A. Hansen phát hiện vào năm 1873. Các nhà nghiên cứu nhận thấy vi trùng đó có thể tồn tại ngoài cơ thể con người, trong nước mũi, đến chín ngày. Họ cũng nhận thấy những người ở gần bệnh nhân bị phong có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, và quần áo của người bệnh có thể là nguyên nhân lây nhiễm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2007, số người mắc bệnh phong tăng thêm hơn 220.000 người.

Vào thời Kinh Thánh, có những người ở Trung Đông đã mắc bệnh phong, và Luật pháp Môi-se quy định rằng người bị phong phải bị cách ly (Lê-vi Ký 13:4, 5). Tuy nhiên, từ Do Thái cổ tsa·raʹʽath được dịch là “bệnh phong” không chỉ nói đến bệnh của con người. Tsa·raʹʽath cũng là bệnh ảnh hưởng đến áo quần và nhà cửa. Loại bệnh phong này có thể xuất hiện trên quần áo bằng vải len hay vải lanh, hoặc bất cứ đồ vật nào làm bằng da. Trong một số trường hợp, có thể loại trừ bệnh này bằng cách giặt giũ, nhưng nếu ‘vít màu xanh-xanh hay đỏ-đỏ’ vẫn còn, người ta phải đốt quần áo hoặc đồ bằng da ấy đi (Lê-vi Ký 13:47-52). Trong nhà, “lỗ màu xanh-xanh, hoặc đỏ-đỏ” trên tường là dấu hiệu của bệnh này. Người ta phải lấy ra những viên đá và hồ bị nhiễm bệnh, đem bỏ ở nơi xa không có người ở. Nếu bệnh phong trở lại, ngôi nhà phải bị phá hủy và các vật liệu phải vứt đi (Lê-vi Ký 14:33-45). Một số người cho rằng bệnh phong trên quần áo hoặc nhà cửa ngày nay có thể được gọi là nấm hoặc mốc, nhưng điều này không chắc chắn.

Tại sao việc rao giảng của sứ đồ Phao-lô ở thành Ê-phê-sô khiến những thợ bạc nổi giận?

Những thợ bạc ở thành Ê-phê-sô làm ăn phát đạt nhờ đúc những tượng có hình “khám nữ-thần Đi-anh”, tức những đền thờ nhỏ bằng bạc (Công-vụ 19:24). Đi-anh là nữ thần hộ mệnh của thành Ê-phê-sô, nữ thần săn bắn và sinh sản. Những người thờ nữ thần này cho rằng tượng của bà “từ trên trời giáng xuống”, và họ cất giữ tượng ấy trong đền thờ mang tên bà ở Ê-phê-sô (Công-vụ 19:35). Đền thờ này được xem là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ xưa. Hằng năm vào tháng 3/tháng 4, những đoàn người hành hương kéo về Ê-phê-sô để tham dự lễ hội tôn vinh nữ thần Đi-anh. Dòng người đổ xô đến viếng đền thờ làm nảy sinh nhu cầu mua những đồ vật thờ cúng dùng làm kỷ niệm, bùa hộ mạng hay lễ vật cho nữ thần, hoặc dùng vào việc thờ phượng trong gia đình khi họ trở về quê nhà. Một số câu khắc cổ xưa được tìm thấy ở thành Ê-phê-sô nói về việc sản xuất những tượng nữ thần Đi-anh bằng vàng bằng bạc, và những câu khắc khác nói cụ thể đến hội của thợ bạc.

Phao-lô giảng giải rằng hình tượng “bởi tay người ta làm ra chẳng phải là chúa” (Công-vụ 19:26). Do đó, những thợ bạc thấy phương tiện mưu sinh của họ bị đe dọa nên đã kích động một cuộc nổi loạn chống việc rao giảng của Phao-lô. Một trong những thợ bạc ấy là ông Đê-mê-triu nói lên nỗi lo sợ của họ như sau: “Chúng ta chẳng những sợ nghề-nghiệp mình phải bị gièm-chê, lại cũng e rằng đền-thờ của đại-nữ-thần Đi-anh bị khinh-dể nữa, và nữ-thần ta bị tiêu-diệt về sự vinh-hiển mà cõi A-si cùng cả thế-giới đều tôn-kính chăng”.—Công-vụ 19:27.