Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ngôn ngữ có thể chết nhưng Kinh Thánh vẫn sống

Ngôn ngữ có thể chết nhưng Kinh Thánh vẫn sống

Ngôn ngữ có thể chết nhưng Kinh Thánh vẫn sống

Trong những thế kỷ vừa qua, ít nhất phân nửa ngôn ngữ trên thế giới đã chết. Một ngôn ngữ chết khi không còn được dân bản xứ sử dụng. Theo nghĩa này, tiếng La-tinh được xem là “một ngôn ngữ chết”, dù nó vẫn được nghiên cứu rộng rãi và là ngôn ngữ chính của thành phố Vatican.

Tiếng La-tinh được dùng để dịch một số bản Kinh Thánh quan trọng nhất. Những bản dịch bằng ngôn ngữ đã chết ấy có thể nào vẫn “sống” và tác động đến độc giả thời nay không? Lịch sử đáng chú ý của các bản dịch này giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên.

Bản dịch tiếng La-tinh xưa nhất

Tiếng La-tinh là ngôn ngữ đầu tiên của Rô-ma. Tuy nhiên, khi sứ đồ Phao-lô viết cho anh em đồng đức tin ở thành phố này, ông đã viết bằng tiếng Hy Lạp *. Điều này không gây khó khăn cho người đọc vì dân ở đấy nói được cả hai thứ tiếng. Nhiều cư dân của thành Rô-ma là người từ vùng Tiểu Á nói tiếng Hy Lạp, nên người ta nói thành phố này trở thành một thành phố Hy Lạp. Ngôn ngữ của đế quốc La Mã khác nhau tùy theo vùng, nhưng khi đế quốc này lớn mạnh thì tiếng La-tinh ngày càng được nhiều người sử dụng. Vì vậy, Kinh Thánh được dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La-tinh. Công việc này dường như bắt đầu vào thế kỷ thứ hai CN ở Bắc Phi.

Không có bản chép tay trọn bộ nào bằng tiếng La-tinh còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều phần riêng lẻ của Kinh Thánh được dịch ra tiếng La-tinh, gọi là bản Vetus Latina, hoặc bản dịch tiếng La-tinh cổ. Dựa vào những phần còn lưu giữ, cũng như các phần trích của nhiều nhà văn thời xưa, người ta nhận thấy dường như đây không phải là một bản dịch Kinh Thánh trọn bộ, mà là bản dịch của một số dịch giả độc lập vào những thời điểm và nơi chốn khác nhau. Vì vậy, bản Vetus Latina không phải là một bản dịch trọn bộ, nhưng đúng hơn là tập hợp các bản dịch từ tiếng Hy Lạp.

Việc dịch riêng lẻ từng phần của Kinh Thánh sang tiếng La-tinh khiến các bản dịch không thống nhất. Cuối thế kỷ thứ tư CN, giáo phụ Augustine cho rằng “bất cứ người nào có trong tay một bản chép tay Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và nghĩ rằng mình có kiến thức, dù chỉ một chút, về hai ngôn ngữ này, thì đều bắt đầu việc dịch thuật”. Ông và những người khác nghĩ rằng có quá nhiều bản dịch được lưu hành. Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ tính chính xác của chúng.

Bản dịch Jerome

Người quyết tâm chấm dứt tình trạng không thống nhất này là ông Jerome. Đôi khi ông làm thư ký cho Giáo hoàng La Mã là Damasus I vào năm 382 CN. Giáo hoàng giao cho ông nhiệm vụ duyệt lại bốn sách Phúc âm đã được dịch sang tiếng La-tinh. Ông đã hoàn tất công việc này chỉ trong vòng vài năm. Sau đó, ông bắt đầu duyệt lại các sách khác của Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng La-tinh.

Bản dịch Jerome, sau này được gọi là bản Vulgate, là bản dịch dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ông Jerome dịch các bài Thi-thiên dựa vào bản Septuagint, là bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ sang tiếng Hy Lạp vào thế kỷ thứ hai TCN. Ông cũng duyệt các sách Phúc âm và dịch nhiều sách trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ từ bản nguyên ngữ. Phần còn lại thì dường như do những người khác duyệt. Ngoài ra, một vài phần của bản Vetus Latina được giữ lại. Sau khi hoàn tất, người ta gọi bản được chỉnh sửa là bản Vulgate của Jerome.

Ban đầu, bản dịch của Jerome không được nhiều người hưởng ứng. Ngay cả ông Augustine cũng chỉ trích bản dịch này. Tuy nhiên, dần dần bản Jerome được công nhận là bản Kinh Thánh chuẩn để dịch những bản Kinh Thánh trọn bộ sau này. Vào thế kỷ thứ tám và thứ chín CN, các học giả như Alcuin and Theodulf bắt đầu chỉnh sửa các lỗi chính tả và ngữ pháp (do sai sót trong việc sao chép) trong bản dịch này. Những người khác chia các sách trong bản dịch thành nhiều chương để dễ tra cứu. Khi người ta phát minh kỹ thuật in sắp chữ, bản dịch Jerome là bản Kinh Thánh đầu tiên được in.

Vào năm 1546, tại Công Đồng Trent, lần đầu tiên Giáo hội Công giáo gọi bản dịch của Jerome là bản Vulgate. Công đồng tuyên bố đây là bản dịch Kinh Thánh “xác thực”, được dùng làm bản tham khảo của Thiên Chúa giáo. Nhưng cùng lúc ấy, công đồng cũng đề nghị chỉnh sửa bản dịch này. Những hội đồng đặc biệt được chọn để trông coi việc chỉnh sửa, nhưng Giáo hoàng Sixtus V, không đủ kiên nhẫn chờ nó hoàn tất. Dường như ông hơi quá tự tin nơi năng lực của mình, nên đã quyết định tự mình chỉnh sửa. Khi giáo hoàng qua đời năm 1590, bản chỉnh sửa của ông bắt đầu được in. Lập tức các hồng y phản đối bản chỉnh sửa này, cho rằng nó có quá nhiều lỗi và không cho phép lưu hành.

Một bản dịch chỉnh sửa khác được xuất bản năm 1592 dưới thời Giáo hoàng Clement VIII, về sau gọi là bản Sixtine Clementine. Bản dịch này được xem là bản chính thức của Giáo hội Công giáo trong một thời gian dài. Bản dịch Sixtine Clementine Vulgate cũng là nền tảng để dịch các bản Kinh Thánh của Công giáo sang tiếng bản ngữ, chẳng hạn bản dịch sang tiếng Ý của ông Antonio Martini, hoàn tất năm 1781.

Một bản dịch mới bằng tiếng La-tinh

Trong thế kỷ 20, khi phân tích kỹ những bản chép tay, người ta thấy rằng cũng như các bản dịch khác, bản Vulgate cần được chỉnh sửa. Để thực hiện điều này, năm 1965, Giáo hội Công giáo đã thành lập một nhóm phụ trách việc chỉnh sửa bản dịch tiếng La-tinh này thành bản Tân Vulgate, dựa trên những thông tin cập nhật. Bản dịch mới ấy được dùng trong các buổi lễ Công giáo bằng tiếng La-tinh.

Phần đầu tiên của bản dịch mới ra mắt vào năm 1969. Đến năm 1979, Giáo hoàng Gioan Phao-lồ II phê chuẩn cho bản dịch Nova Vulgata (Tân Vulgate). Lần xuất bản đầu tiên của bản dịch này có danh Đức Chúa Trời, Iahveh, trong nhiều câu Kinh Thánh, bao gồm Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15 và 6:3. Sau đó, như lời một thành viên của hội đồng trông coi việc chỉnh sửa, bản dịch xuất bản lần thứ hai vào năm 1986 đã sửa chữa “sai lầm” này bằng cách “dùng lại từ Dominus [“Chúa”] ở những chỗ có từ Iahveh”.

Như tình trạng của bản Vulgate nhiều thế kỷ trước, bản Tân Vulgate cũng bị chỉ trích. Thậm chí các học giả đạo Thiên Chúa cũng chỉ trích bản dịch này. Ban đầu, người ta cho rằng bản dịch này sẽ hợp nhất khối Ki-tô giáo, nhưng nhiều người nghĩ nó khó có thể hợp nhất các dịch giả Kinh Thánh của khối Ki-tô, đặc biệt là vì giáo hoàng tuyên bố phải dùng bản tiêu chuẩn này để dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ khác. Tại Đức, có một bản dịch mà cả Tin Lành và Công giáo đều sử dụng và sắp được chỉnh sửa. Hai bên tranh cãi về bản Tân Vulgate, vì Tin Lành không đồng ý với việc Công giáo khăng khăng đòi chỉnh sửa bản dịch này theo bản Tân Vulgate.

Dù tiếng La-tinh không còn phổ biến, Kinh Thánh bằng ngôn ngữ này vẫn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hàng triệu độc giả. Kinh Thánh tiếng La-tinh giúp hình thành các thuật ngữ của tôn giáo trong nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên, dù được dịch ra trong ngôn ngữ nào, Lời Đức Chúa Trời vẫn có quyền lực làm thay đổi đời sống hàng triệu người, là những người cố gắng sống phù hợp với các dạy dỗ quý báu trong Kinh Thánh.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

^ đ. 5 Để biết thêm thông tin tại sao các bản Kinh Thánh của môn đồ Chúa Giê-su được viết bằng tiếng Hy Lạp, xin xem mục “Bạn có biết?”, nơi trang 13.

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Giáo hoàng Gioan Phao-lồ II phê chuẩn bản dịch Nova Vulgata. Ấn bản đầu tiên có danh Đức Chúa Trời là Iahveh

[Khung nơi trang 21]

CÁC THUẬT NGỮ VẪN ĐƯỢC SỬ DỤNG THỜI NAY

Bản Vetus Latina, được dịch từ tiếng Hy Lạp, có nhiều thuật ngữ vẫn được sử dụng thời nay. Một trong số đó là từ Hy Lạp di·a·theʹke được dịch là “giao ước” (2 Cô-rinh-tô 3:6). Vì cách dịch này, nhiều người vẫn gọi phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là Cựu ước và Tân ước.

[Khung nơi trang 23]

MỘT CHỈ THỊ GÂY TRANH CÃI

Năm 2001, sau bốn năm nghiên cứu, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Tòa thánh Vatican đã công bố chỉ thị có tên Liturgiam authenticam (Phụng Vụ Đích Thật). Nhiều học giả Công giáo chỉ trích dữ dội chỉ thị này.

Theo chỉ thị, vì bản Tân Vulgate là bản Kinh Thánh chính thức của giáo hội Công giáo nên được dùng làm bản chuẩn để dịch Kinh Thánh sang các thứ tiếng khác, ngay cả khi bản Tân Vulgate không đúng so với bản gốc. Một bản dịch Kinh Thánh chỉ được giới có thẩm quyền trong giáo hội chấp nhận khi làm đúng theo chỉ thị. Chỉ thị ấy quy định trong các bản dịch của Công giáo, “danh của Đức Chúa Trời toàn năng dưới dạng bốn chữ cái tiếng Do Thái cổ (YHWH)” phải được thay thế bằng “bất cứ từ nào trong bản ngữ có ý nghĩa tương tự” với Dominus, hay “Chúa”. Bản Tân Vulgate được xuất bản lần thứ hai đã làm như thế—dù lần xuất bản trước có từ “Iahveh” *.

[Chú thích]

^ đ. 29 Xin xem bài “Vatican tránh dùng danh Đức Chúa Trời”, nơi trang 30.

[Hình nơi trang 22]

Bản dịch tiếng La-tinh của alcuin, năm 800 CN

[Nguồn tư liệu]

From Paléographìe latine, by F. Steffens (www.archivi.beniculturali.it)

[Hình nơi trang 22]

Bản sixtine clementine Vulgate, năm 1592

[Hình nơi trang 23]

Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15, Bản Nova Vulgata, năm 1979

[Nguồn tư liệu]

© 2008 Libreria Editrice Vaticana