Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ—Hãy cho thấy sự tiến bộ của các bạn

Hỡi các bạn trẻ—Hãy cho thấy sự tiến bộ của các bạn

Hỡi các bạn trẻ​—Hãy cho thấy sự tiến bộ của các bạn

“Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”.—1 TI 4:15.

1. Đức Chúa Trời muốn người trẻ hưởng được điều gì?

“Hỡi người tuổi trẻ, hãy vui hưởng thời niên thiếu, lòng con hãy vui mừng trong tuổi thanh xuân!” (Truyền 11:9, Bản Dịch Mới). Vua khôn ngoan Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã viết những lời trên. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn của thông điệp ấy, chắc chắn Ngài muốn các bạn trẻ được hạnh phúc. Đức Giê-hô-va không những muốn các bạn hạnh phúc trong tuổi thanh xuân mà còn cả sau này nữa. Tuy nhiên, trong những tháng ngày tươi đẹp ấy, người trẻ thường phạm những lỗi lầm khiến họ đau lòng và có thể ảnh hưởng đến tương lai của họ. Ngay cả người trung thành Gióp đã than thở vì phải “gánh các tội-ác phạm lúc thanh-niên” (Gióp 13:26). Suốt thời thanh thiếu niên và những năm sau đó, một người trẻ tín đồ Đấng Christ thường phải đưa ra những quyết định quan trọng. Quyết định sai có thể để lại những vết thương sâu sắc về cảm xúc và gây ra vấn đề, chúng có thể ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của người đó.—Truyền 11:10.

2. Người trẻ có thể tránh phạm những lỗi nghiêm trọng nhờ áp dụng lời khuyên nào trong Kinh Thánh?

2 Người trẻ cần phải luyện tập khả năng suy xét. Hãy xem xét lời sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô. Ông viết: “Hỡi anh em, về sự khôn-sáng, chớ nên như trẻ con... [nhưng] nên như kẻ thành-nhân” (1 Cô 14:20). Làm theo lời khuyên là vun trồng khả năng suy nghĩ và lý luận như một người trưởng thành sẽ giúp người trẻ tránh phạm những lỗi nghiêm trọng.

3. Bạn có thể làm gì để trở nên thành thục?

3 Nếu bạn là một người trẻ, hãy nhớ rằng trở nên thành thục đòi hỏi phải nỗ lực. Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu-thương, đức-tin và sự tinh-sạch mà làm gương cho các tín-đồ. Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ... Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con” (1 Ti 4:12-15). Những tín đồ trẻ tuổi cần tiến bộ và cho người khác thấy ‘sự tấn-tới của họ’.

Sự tấn tới là gì?

4. Tiến bộ về thiêng liêng bao hàm điều gì?

4 Tấn tới là “tiến bộ, thay đổi để tốt hơn”. Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê tiếp tục cố gắng tiến bộ trong cách ăn nói, hạnh kiểm, tình yêu thương, đức tin, tinh sạch cũng như làm tròn các trách nhiệm trong thánh chức. Ti-mô-thê phải cố gắng làm gương qua lối sống của mình. Vì thế, ông cần tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng.

5, 6. (a) Khi nào Ti-mô-thê bắt đầu cho người khác thấy sự tiến bộ? (b) Liên quan đến sự tiến bộ, làm thế nào người trẻ ngày nay có thể noi gương Ti-mô-thê?

5 Phao-lô viết lời khuyên này vào khoảng giữa năm 61 và 64 CN, lúc ấy Ti-mô-thê đã là một trưởng lão có kinh nghiệm, chứ không phải mới bắt đầu tiến bộ. Vào năm 49 hoặc 50 CN, khi Ti-mô-thê có lẽ khoảng 20 tuổi, ông được “anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt”, họ đã thấy ông tiến bộ về thiêng liêng (Công 16:1-5). Lúc ấy, Ti-mô-thê đi cùng Phao-lô trong chuyến hành trình truyền giáo. Sau khi thấy sự tiến bộ của Ti-mô-thê trong vài tháng, Phao-lô gửi ông đến thành phố Tê-sa-lô-ni-ca để an ủi và làm vững lòng các tín đồ ở đó. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-3, 6). Rõ ràng, Ti-mô-thê đã bắt đầu cho người khác thấy sự tiến bộ của mình khi còn trẻ.

6 Hỡi các bạn trẻ trong hội thánh, ngay bây giờ hãy vun trồng những đức tính cần yếu, nhờ thế người khác sẽ thấy rõ sự tiến bộ của bạn qua lối sống của người tín đồ Đấng Christ và trong khả năng dạy lẽ thật Kinh Thánh. Từ lúc 12 tuổi, Chúa Giê-su “khôn-ngoan càng thêm” (Lu 2:52). Vậy, hãy xem xét làm thế nào bạn có thể cho thấy sự tiến bộ của mình trong ba lĩnh vực của đời sống: (1) khi đương đầu với hoàn cảnh khó khăn, (2) khi chuẩn bị kết hôn, và (3) khi cố gắng hoàn thành công việc rao giảng.—2 Ti 4:5.

Sự “dè-giữ” giúp đương đầu với khó khăn

7. Hoàn cảnh khó khăn có thể ảnh hưởng thế nào đến người trẻ?

7 Một tín đồ Đấng Christ 17 tuổi tên là Carol nói: “Đôi khi tôi không còn tâm trí và sức lực đến nỗi không muốn thức dậy vào buổi sáng” *. Tại sao chị lại suy sụp như thế? Khi chị Carol lên mười, gia đình chị bị đổ vỡ vì cha mẹ ly dị. Sau đó chị sống với mẹ, nhưng mẹ chị không theo tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh. Như chị Carol, có lẽ bạn đang đương đầu với những trường hợp rất căng thẳng và dường như ít có cơ hội cải thiện tình thế.

8. Ti-mô-thê phải đối phó với những khó khăn nào?

8 Khi tiến bộ về thiêng liêng, Ti-mô-thê cũng phải đối phó với những khó khăn. Chẳng hạn, ông “hay khó-ở” vì bao tử có vấn đề (1 Ti 5:23). Khi Phao-lô phái ông đến thành Cô-rinh-tô để giải quyết một số vấn đề do những người đã thách thức uy quyền của sứ đồ ấy nêu lên, Phao-lô khuyên hội thánh phải hợp tác hầu Ti-mô-thê “khỏi sợ-sệt gì” trong lúc ở với họ (1 Cô 4:17; 16:10, 11). Dường như Ti-mô-thê từng là người nhút nhát.

9. Thế nào là “dè-giữ”, và nó khác với tính nhu nhược như thế nào?

9 Để giúp Ti-mô-thê, Phao-lô đã nhắc nhở ông: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ” (2 Ti 1:7). “Dè-giữ” bao hàm việc suy nghĩ cẩn thận và lý luận một cách hợp lý. Tính này cũng bao gồm khả năng đối phó với thực chất của vấn đề, dù vấn đề không diễn ra theo cách bạn mong đợi. Một số người trẻ thiếu thành thục đã thể hiện tính nhu nhược và tìm cách lẩn trốn những tình huống căng thẳng bằng cách ngủ hoặc xem tivi quá nhiều, lạm dụng rượu hay ma túy, tiệc tùng liên miên hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Tín đồ Đấng Christ được khuyên “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian, phải sống ở đời nầy theo tiết-độ [“cách dè-dặt”, Ghi-đê-ôn], công-bình, nhân-đức”.—Tít 2:12.

10, 11. Làm thế nào sự dè giữ giúp chúng ta nương cậy nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va?

10 Kinh Thánh khuyến khích “những người tuổi trẻ ở cho có tiết-độ [“phải dè-dặt”, Ghi]” (Tít 2:6). Làm theo lời khuyên này có nghĩa là bạn sẽ cầu nguyện và nương cậy nơi sức mạnh của Đức Chúa Trời khi đối phó với vấn đề. (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:7). Nhờ thế, bạn sẽ hết lòng tin cậy nơi “sức Đức Chúa Trời ban”.—1 Phi 4:11.

11 Sự dè giữ và cầu nguyện đã giúp chị Carol. Chị nói: “Phản đối lối sống vô luân của mẹ là điều khó nhất đối với tôi. Nhưng lời cầu nguyện đã giúp tôi. Tôi biết Đức Giê-hô-va ở cùng tôi nên tôi không còn sợ nữa”. Hãy nhớ rằng qua khó khăn, bạn có thể được rèn luyện và có thêm sức mạnh (Thi 105:17-19; Ca 3:27). Dù bạn đương đầu với vấn đề gì, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ từ bỏ bạn. Trái lại, Ngài ‘sẽ giúp-đỡ bạn’.—Ê-sai 41:10.

Chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân thành công

12. Tại sao một tín đồ Đấng Christ muốn kết hôn nên áp dụng nguyên tắc nơi Châm-ngôn 20:25?

12 Một số người trẻ vội vàng kết hôn vì tin rằng đó là giải pháp cho sự không hạnh phúc, cô đơn, chán nản và những vấn đề trong gia đình. Tuy nhiên, lời thề ước hôn nhân rất quan trọng. Một số người vào thời Kinh Thánh đã hấp tấp thốt ra lời khấn nguyện hay thề nguyện thánh mà không cẩn thận phân tích những điều có liên quan. (Đọc Châm-ngôn 20:25). Đôi khi những người trẻ không suy xét nghiêm túc về những trách nhiệm trước khi bước vào hôn nhân. Sau đó, họ mới vỡ lẽ là hôn nhân đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn họ tưởng.

13. Trước khi bắt đầu giai đoạn tìm hiểu, một người nên xem xét những câu hỏi nào, và có lời khuyên hữu ích nào dành cho người đó?

13 Vì thế, trước khi bắt đầu giai đoạn tìm hiểu, hãy tự hỏi: “Tại sao tôi muốn kết hôn? Tôi mong đợi điều gì? Người ấy có phải là “đối tượng” của tôi không? Tôi có thể đem lại điều gì cho hôn nhân của mình?”. Để giúp bạn có sự suy xét sáng suốt, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã xuất bản những bài nói cụ thể về đề tài này * (Mat 24:45-47). Hãy xem những tài liệu đó như là lời khuyên của Đức Giê-hô-va dành cho bạn. Hãy cẩn thận xem xét và áp dụng những gì đề cập trong đó. Đừng bao giờ để mình “như con ngựa và con la, là vật vô-tri” (Thi 32:8, 9). Hãy suy nghĩ chín chắn về những trách nhiệm trước khi bước vào hôn nhân. Nếu bạn cảm thấy mình sẵn sàng bước vào giai đoạn tìm hiểu, hãy luôn nhớ phải ‘làm gương về sự tinh-sạch’.—1 Ti 4:12.

14. Nếu đã kết hôn, sự tiến bộ về thiêng liêng có thể giúp bạn như thế nào?

14 Thành thục về thiêng liêng cũng mang lại sự thành công sau khi kết hôn. Một tín đồ Đấng Christ thành thục nỗ lực đạt được “tầm-thước vóc-giạc trọn-vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê 4:11-14). Người đó cố gắng vun trồng nhân cách giống như Chúa Giê-su. Là Đấng Gương Mẫu của chúng ta, “Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình” (Rô 15:3). Khi cả hai người bạn đời không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho người khác, đời sống gia đình sẽ được yên bình và thoải mái (1 Cô 10:24). Người chồng sẽ bày tỏ tình yêu thương bất vị kỷ, và người vợ sẽ vâng phục chồng như Chúa Giê-su vâng phục Đầu của ngài.—1 Cô 11:3; Ê-phê 5:25.

“Mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”

15, 16. Bạn cho thấy mình tiến bộ trong thánh chức như thế nào?

15 Lưu ý đến sứ mạng quan trọng của Ti-mô-thê, Phao-lô viết: ‘Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus-Christ mà răn-bảo con rằng: hãy giảng đạo’. Ông thêm vào: ‘Làm việc của người giảng tin mừng, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ’ (2 Ti 4:1, 2, 5). Để hoàn thành sứ mạng này, Ti-mô-thê phải “được nuôi bởi các lời của đức-tin”.—Đọc 1 Ti-mô-thê 4:6.

16 Làm thế nào bạn có thể “được nuôi bởi các lời của đức-tin”? Phao-lô viết: “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ... Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó” (1 Ti 4:13, 15). Sự tiến bộ đòi hỏi phải chăm chỉ học hỏi cá nhân. Từ “chuyên-lo” mang ý nghĩa hoàn toàn chú tâm vào một điều nào đó. Bạn có thói quen học hỏi như thế nào? Bạn có chú tâm vào “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” không? (1 Cô 2:10). Hay bạn chỉ dành một ít nỗ lực vào điều đó? Việc “săn-sóc” hay “suy gẫm” (Trần Đức Huân) những gì học được sẽ thúc đẩy bạn tiến bộ về thiêng liêng.—Đọc Châm-ngôn 2:1-5.

17, 18. (a) Bạn nên cố gắng vun trồng những khả năng nào? (b) Việc có tinh thần giống như Ti-mô-thê sẽ giúp bạn thế nào trong thánh chức?

17 Một chị tiên phong trẻ tên là Michelle nói: “Để thật sự hữu hiệu trong thánh chức, tôi lập một thời khóa biểu tốt cho việc học hỏi cá nhân, và tôi thường xuyên tham dự các buổi họp. Kết quả là tôi luôn tiến bộ về thiêng liêng”. Phụng sự với tư cách là tiên phong sẽ thật sự giúp bạn cải thiện khả năng dùng Kinh Thánh trong thánh chức và tiến bộ về thiêng liêng. Cố gắng trau giồi kỹ năng đọc và phát biểu những lời có ý nghĩa trong các buổi nhóm. Là một người trẻ thành thục về thiêng liêng, bạn nên chuẩn bị những bài giảng hữu ích dành cho học viên trong Trường Thánh Chức, đồng thời theo sát nguồn tài liệu được chỉ định.

18 ‘Làm việc của người giảng tin mừng’ nghĩa là làm cho thánh chức bạn trở nên hữu hiệu hơn và giúp người khác được cứu. Điều này đòi hỏi trau giồi “nghệ thuật giảng dạy” (2 Ti 4:2, NW). Bằng cách sắp xếp để tham gia thánh chức với những anh chị có kinh nghiệm, bạn sẽ học được các phương pháp giảng dạy của họ, như Ti-mô-thê học kinh nghiệm của Phao-lô khi làm việc chung với ông (1 Cô 4:17). Đề cập đến những người đã được ông giúp đỡ, Phao-lô nói rằng ông không những chia sẻ tin mừng mà cũng sẵn sàng hy sinh ‘chính sự sống’ cho họ, vì ông rất yêu họ (1 Tê 2:8). Muốn noi gương Phao-lô trong thánh chức, bạn cần có tinh thần giống như Ti-mô-thê: thật lòng chăm sóc người khác và nỗ lực hết sức để đẩy mạnh công việc liên quan đến tin mừng. (Đọc Phi-líp 2:19-23). Bạn có biểu lộ tinh thần hy sinh như thế trong thánh chức không?

Sự tiến bộ đem lại sự thỏa nguyện

19, 20. Tại sao tiến bộ về thiêng liêng mang lại niềm vui?

19 Tiến bộ về thiêng liêng đòi hỏi phải nỗ lực. Tuy nhiên, qua việc kiên nhẫn trau giồi kỹ năng dạy dỗ, dần dần bạn sẽ có đặc ân “làm cho nhiều người được giàu-có” về thiêng liêng, họ sẽ là niềm “vui-mừng và mão triều-thiên vinh-hiển” của bạn (2 Cô 6:10; 1 Tê 2:19). Anh Fred, một người phụng sự trọn thời gian, cho biết: “Hơn bao giờ hết, tôi đang dành thời gian để giúp người khác. Đúng là ban cho hạnh phúc hơn nhận lãnh”.

20 Nói về niềm vui và sự thỏa nguyện khi tiến bộ về thiêng liêng, một chị tiên phong trẻ tên là Daphne cho biết: “Khi hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va, tôi có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng hết khả năng của mình đem lại sự hài lòng và thỏa nguyện biết bao!”. Có thể người ta không nhận ra sự tiến bộ của bạn, nhưng Đức Giê-hô-va luôn nhìn thấy và quý trọng điều đó (Hê 4:13). Chắc chắn, các bạn là những tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi, có thể đem lại sự vinh hiển và ngợi khen cho Cha trên trời của chúng ta. Hãy tiếp tục làm vui lòng Ngài qua việc cho thấy bạn đang tiến bộ về thiêng liêng.—Châm 27:11.

[Chú thích]

^ đ. 7 Một số tên đã đổi.

^ đ. 13 Xem bài “Đây có đúng là đối tượng của mình?” trong Tỉnh Thức! tháng 7-9 năm 2007; và bài “Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn người hôn phối” trong Tháp Canh ngày 15-5-2001.

Bạn học được gì?

• Sự tiến bộ về thiêng liêng bao hàm điều gì?

• Làm sao bạn có thể cho thấy sự tiến bộ

khi đương đầu với hoàn cảnh khó khăn?

khi chuẩn bị kết hôn?

khi thi hành thánh chức?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Lời cầu nguyện có thể giúp bạn đương đầu với hoàn cảnh khó khăn

[Hình nơi trang 16]

Làm thế nào những người công bố trẻ có thể trau giồi phương pháp giảng dạy hữu hiệu?