Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các thiên sứ—“Thần hầu việc Đức Chúa Trời”

Các thiên sứ—“Thần hầu việc Đức Chúa Trời”

Các thiên sứ​—“Thần hầu việc Đức Chúa Trời”

“Các thiên-sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi hay sao?”.—HÊ 1:14.

1. Chúng ta tìm được lời an ủi nào từ Ma-thi-ơ 18:10 và Hê-bơ-rơ 1:14?

Chúa Giê-su cảnh báo những ai có lẽ gây vấp phạm môn đồ ngài: “Hãy giữ mình đừng khinh-dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên-sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời” (Mat 18:10). Về những thiên sứ công bình, sứ đồ Phao-lô viết: “Các thiên-sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi hay sao?” (Hê 1:14). Đây là lời đảm bảo đầy an ủi rằng Đức Chúa Trời dùng các tạo vật thần linh ở trên trời để giúp con người. Kinh Thánh cho chúng ta biết điều gì về các thiên sứ? Họ giúp chúng ta như thế nào? Chúng ta học được gì từ gương mẫu của họ?

2, 3. Một số nhiệm vụ của các tạo vật thần linh trên trời là gì?

2 Có hàng triệu thiên sứ trung thành ở trên trời. Họ “có sức-lực làm theo mạng-lịnh [Đức Chúa Trời]” (Thi 103:20; đọc Khải-huyền 5:11). Những con thần linh này của Đức Chúa Trời có tính cách, có đức tính giống như Ngài và có tự do ý chí. Họ được tổ chức một cách hoàn hảo và có địa vị cao trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, thiên sứ trưởng là Mi-ca-ên hoặc Mi-chen (tên của Chúa Giê-su ở trên trời) (Đa 10:13; Giu 9). “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” này là “Ngôi-Lời”, tức Phát Ngôn Viên của Đức Chúa Trời và được dùng để tạo ra những tạo vật khác.—Cô 1:15-17; Giăng 1:1-3.

3 Dưới thiên sứ trưởng là các sê-ra-phim, thiên sứ này công bố sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va và giữ cho dân Ngài được thanh sạch về thiêng liêng. Cũng có các chê-ru-bim, thiên sứ ủng hộ quyền tối thượng của Ngài (Sáng 3:24; Ê-sai 6:1-3, 6, 7). Những thiên sứ hoặc các sứ giả khác có nhiệm vụ khác nhau trong việc thi hành ý định của Đức Chúa Trời.—Hê 12:22, 23.

4. Thiên sứ phản ứng thế nào khi Đức Chúa Trời đặt nền trái đất? Nếu sử dụng món quà tự do ý chí đúng cách, điều này có thể có ý nghĩa gì đối với con người?

4 Tất cả thiên sứ đều vui mừng ‘khi Đức Chúa Trời đặt nền trái đất’, và họ vui thích làm công việc được giao trong khi viên ngọc độc nhất vô nhị này trong vũ trụ trở thành ngôi nhà của nhân loại (Gióp 38:4, 7). Đức Giê-hô-va tạo ra con người “ở dưới thiên-sứ một chút” và ‘như hình Ngài’, vì thế con người có thể phản ánh các đức tính cao quý của Đấng Tạo Hóa (Hê 2:7; Sáng 1:26). Nếu sử dụng món quà tự do ý chí đúng cách thì A-đam, Ê-va và con cháu họ có thể vui hưởng đời sống trong địa đàng, trở thành một phần trong gia đình hoàn vũ gồm các tạo vật thông minh của Đức Giê-hô-va.

5, 6. Sự phản nghịch nào đã diễn ra ở trên trời, và Đức Chúa Trời phản ứng thế nào?

5 Chắc hẳn các thiên sứ thánh bất ngờ và thất vọng khi chứng kiến sự phản loạn bắt đầu trong gia đình của Đức Chúa Trời ở trên trời. Một thiên sứ không còn thỏa lòng khi ca ngợi Đức Giê-hô-va nhưng hắn muốn được thờ phượng. Hắn tự biến mình thành Sa-tan (nghĩa là “Kẻ chống đối”) qua việc thách thức quyền cai trị chính đáng của Đức Giê-hô-va và cố gắng thiết lập sự cai trị đối lập với Ngài. Theo lời nói dối đầu tiên được ghi lại, Sa-tan xảo quyệt dụ dỗ A-đam và Ê-va cùng hắn phản nghịch lại Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương.—Sáng 3:4, 5; Giăng 8:44.

6 Đức Giê-hô-va nhanh chóng tuyên án Sa-tan qua việc nói lời tiên tri đầu tiên được ghi lại trong Kinh Thánh: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng 3:15). Sự nghịch thù cứ dai dẳng giữa Sa-tan và “người nữ” của Đức Chúa Trời. Đúng thế, Đức Giê-hô-va xem tổ chức trên trời gồm các tạo vật thần linh trung thành như là người vợ yêu dấu gắn bó với Ngài là Chồng. Lời tiên tri này đưa ra một hy vọng chắc chắn, dù nhiều chi tiết vào lúc ấy còn là “sự mầu-nhiệm” nhưng sẽ được tiết lộ dần dần. Ý định Đức Chúa Trời là một tạo vật thuộc tổ chức trên trời của Ngài sẽ tiêu diệt tất cả những kẻ phản loạn. Qua tạo vật ấy “cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” được hội hiệp lại.—Ê-phê 1:8-10.

7. Một số thiên sứ đã làm gì vào thời Nô-ê, và hậu quả là gì?

7 Vào thời Nô-ê, một số thiên sứ đã bỏ “chỗ riêng mình” và mặc lấy thân xác loài người để theo đuổi thú vui ích kỷ trên đất (Giu 6; Sáng 6:1-4). Đức Giê-hô-va đã ném những kẻ phản loạn này vào sự tối tăm, vì thế chúng theo phe Sa-tan và trở thành “các thần dữ” cũng là những kẻ thù nguy hiểm đối với tôi tớ Đức Chúa Trời.—Ê-phê 6:11-13; 2 Phi 2:4.

Các thiên sứ giúp đỡ chúng ta như thế nào?

8, 9. Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ để giúp con người như thế nào?

8 Áp-ra-ham, Gia-cốp, Môi-se, Giô-suê, Ê-sai, Đa-ni-ên, Chúa Giê-su, Phi-e-rơ, Giăng và Phao-lô nằm trong số những người được thiên sứ giúp đỡ. Các thiên sứ công bình đã thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời và truyền đạt lời tiên tri cũng như sự chỉ dẫn, gồm cả Luật pháp Môi-se (2 Vua 19:35; Đa 10:5, 11, 14; Công 7:53; Khải 1:1). Ngày nay, vì chúng ta có toàn bộ Lời Đức Chúa Trời nên dường như thiên sứ không cần phải truyền đạt thông điệp của Ngài nữa (2 Ti 3:16, 17). Tuy nhiên, các thiên sứ trong lĩnh vực thần linh rất bận rộn thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời và hỗ trợ các tôi tớ Ngài.

9 Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ” (Thi 34:7; 91:11). Vì Sa-tan đã nêu lên vấn đề về lòng trung kiên của con người nên Đức Giê-hô-va cho phép hắn thử thách chúng ta qua nhiều cách (Lu 21:16-19). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết thử thách kéo dài bao lâu là đủ để chứng tỏ lòng trung kiên của chúng ta đối với Ngài. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:13). Các thiên sứ luôn để ý và can thiệp theo ý muốn Đức Chúa Trời. Họ đã giải cứu Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô, Đa-ni-ên và Phi-e-rơ nhưng không ngăn cản kẻ thù giết Ê-tiên và Gia-cơ (Đa 3:17, 18, 28; 6:22; Công 7:59, 60; 12:1-3, 7, 11). Hoàn cảnh và các vấn đề mỗi người đều khác nhau. Tương tự, một số anh em của chúng ta bị xử tử trong trại tập trung dưới thời quốc xã, nhưng đa số được sống sót nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ.

10. Ngoài sự giúp đỡ của thiên sứ, chúng ta có thể nhận được sự trợ giúp nào?

10 Kinh Thánh không dạy rằng mỗi người trên đất có một thiên sứ bảo vệ. Chúng ta cầu nguyện với niềm tin là “nếu chúng ta theo ý-muốn [Đức Chúa Trời] mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va có thể phái một thiên sứ để hỗ trợ chúng ta, nhưng Ngài cũng dùng những cách khác nữa. Các anh em đồng đạo có lẽ được thúc đẩy để giúp đỡ và an ủi chúng ta. Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan và nghị lực cần thiết để đương đầu với “một cái giằm xóc vào thịt” làm chúng ta đau khổ như thể bị “quỉ-sứ của Sa-tan” đánh.—2 Cô 12:7-10; 1 Tê 5:14.

Noi gương Chúa Giê-su

11. Các thiên sứ được dùng để giúp đỡ Chúa Giê-su như thế nào? Ngài thực hiện được điều gì qua việc giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời?

11 Hãy xem Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ như thế nào trong trường hợp của Chúa Giê-su. Họ loan báo sự ra đời, sự sống lại của Chúa Giê-su và trợ giúp khi ngài sống trên đất. Các thiên sứ có thể ngăn cản người ta bắt và giết Chúa Giê-su một cách tàn nhẫn. Thay vì làm thế, một thiên sứ được sai xuống để thêm sức cho ngài (Mat 28:5, 6; Lu 2:8-11; 22:43). Theo ý định của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã chết, một cái chết hy sinh, và chứng tỏ rằng một người hoàn toàn có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời dù chịu thử thách tột độ. Vì vậy, Đức Giê-hô-va làm Chúa Giê-su sống lại để sống bất tử ở trên trời, ban cho ngài “hết cả quyền-phép” và các thiên sứ phải phục ngài (Mat 28:18; Công 2:32; 1 Phi 3:22). Do đó, Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là thành phần chính thuộc “dòng-dõi người nữ” của Đức Chúa Trời.—Sáng 3:15; Ga 3:16.

12. Chúng ta có thể noi theo gương mẫu thăng bằng của Chúa Giê-su như thế nào?

12 Chúa Giê-su biết rằng mong chờ thiên sứ cứu nếu làm những hành động liều lĩnh để thử Đức Giê-hô-va là sai. (Đọc Ma-thi-ơ 4:5-7). Chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su bằng cách sống “dè-dặt”, không mạo hiểm một cách không cần thiết, nhưng đương đầu sự ngược đãi với lòng tin cậy Đức Giê-hô-va.—Tít 2:12, Ghi-đê-ôn.

Chúng ta học được gì từ các thiên sứ trung thành?

13. Như được đề cập nơi 2 Phi-e-rơ 2:9-11, chúng ta học được gì từ gương mẫu của các thiên sứ công bình?

13 Liên quan đến việc quở trách những người “nói hỗn [“nhạo-báng”, Ghi]” tôi tớ được Đức Giê-hô-va chọn để lên trời, sứ đồ Phi-e-rơ nêu ra gương mẫu của các thiên sứ công bình. Dù có quyền năng mạnh mẽ, các thiên sứ khiêm nhường không dám xử đoán hoặc buộc tội ai vì họ kính trọng Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:9-11). Chúng ta cũng tránh việc phán xét một cách không thích hợp, phải tôn trọng những người có trách nhiệm dẫn đầu hội thánh và trao các vấn đề cho Đức Giê-hô-va, Quan Án Tối Cao.—Rô 12:18, 19; Hê 13:17.

14. Các thiên sứ nêu gương nào về việc phụng sự cách khiêm nhường?

14 Các thiên sứ của Đức Giê-hô-va nêu gương tốt về việc phụng sự cách khiêm nhường. Một số thiên sứ không tiết lộ tên của họ cho con người (Sáng 32:29; Quan 13:17, 18). Dù có hàng triệu tạo vật thần linh trên trời, Kinh Thánh chỉ nêu tên Mi-chen và Gáp-ri-ên. Điều này có thể giúp chúng ta tránh tôn vinh các thiên sứ quá mức (Lu 1:26; Khải 12:7). Khi sứ đồ Giăng sấp mình xuống thờ lạy một thiên sứ, ông được nhắc nhở: “Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi” (Khải 22:8, 9). Sự thờ phượng của chúng ta, kể cả việc cầu nguyện, chỉ nên dành cho một mình Đức Chúa Trời.—Đọc Ma-thi-ơ 4:8-10.

15. Các thiên sứ nêu gương mẫu nào về sự kiên nhẫn?

15 Các thiên sứ cũng nêu gương về sự kiên nhẫn. Dù họ rất muốn biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, nhưng họ không được biết hết mọi điều. Kinh Thánh nói: “Các thiên-sứ cũng ước-ao xem thấu những sự đó” (1 Phi 1:12). Vậy, họ phản ứng thế nào? Họ kiên nhẫn đợi đến đúng thời điểm Đức Chúa Trời đã định để ‘bày-tỏ ra qua Hội-thánh sự khôn-sáng mọi đường’ của Ngài.—Ê-phê 3:10, 11.

16. Hạnh kiểm chúng ta tác động thế nào đến các thiên sứ?

16 Các tín đồ Đấng Christ chịu thử thách giống như đang ‘trình diễn cho thiên sứ xem’ (1 Cô 4:9, Bản Diễn Ý). Các thiên sứ cảm thấy rất thỏa lòng khi quan sát những hành động trung thành của chúng ta và thậm chí vui mừng khi thấy một người phạm tội ăn năn (Lu 15:10). Các thiên sứ chú ý đến hạnh kiểm tin kính của người nữ tín đồ Đấng Christ. Kinh Thánh cho thấy “vì cớ các thiên-sứ, đàn-bà phải có dấu-hiệu trên đầu chỉ về quyền-phép mình nương-cậy” (1 Cô 11:3, 10). Đúng vậy, các thiên sứ vui lòng khi thấy nữ tín đồ Đấng Christ và các tôi tớ khác trên đất của Đức Chúa Trời tuân theo sự sắp đặt và quyền làm đầu theo thần quyền. Sự vâng lời như thế là lời nhắc nhở thích hợp cho những con trên trời này của Đức Chúa Trời.

Thiên sứ tích cực hỗ trợ công việc rao giảng

17, 18. Tại sao có thể nói rằng thiên sứ hỗ trợ công việc rao giảng của chúng ta?

17 Thiên sứ tham gia vào một số điều đáng chú ý xảy ra trong “ngày của Chúa”. Những điều này gồm việc thành lập Nước Trời vào năm 1914, và “Mi-chen và các sứ người” đuổi Sa-tan cùng các quỉ khỏi trời (Khải 1:10; 11:15; 12:5-9). Sứ đồ Giăng thấy ‘một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có tin mừng đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất’. Thiên sứ loan báo: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước” (Khải 14:6, 7). Vì thế, các tôi tớ Đức Giê-hô-va được đảm bảo là thiên sứ hỗ trợ họ khi họ rao giảng tin mừng về Nước Trời dù bị Sa-tan chống đối dữ dội.—Khải 12:13, 17.

18 Ngày nay, thiên sứ không nói trực tiếp để chỉ dẫn chúng ta đến với những người có lòng thành như họ đã nói với Phi-líp để hướng dẫn ông đến với hoạn quan người Ê-thi-ô-bi (Công 8:26-29). Tuy nhiên, nhiều kinh nghiệm ngày nay cho thấy các thiên sứ ủng hộ công việc rao giảng Nước Trời và hướng dẫn chúng ta đến với những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu” * (Công 13:48, BDY). Thật quan trọng biết bao khi chúng ta thường xuyên tham gia thánh chức để các thiên sứ có thể hướng dẫn chúng ta tìm kiếm những người có ước muốn “lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha”!—Giăng 4:23, 24.

19, 20. Liên quan đến những biến cố đánh dấu “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”, các thiên sứ đóng vai trò nào?

19 Ám chỉ về thời chúng ta, Chúa Giê-su nói rằng vào “thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự”, thiên sứ sẽ “chia kẻ ác với người công-bình ra” (Mat 13:37-43, 49; NW). Vì thế, thiên sứ tham gia vào việc thu nhóm và đóng ấn lần cuối cùng những người được chọn để lên trời. (Đọc Ma-thi-ơ 24:31; Khải 7:1-3). Hơn nữa, các thiên sứ đi cùng Chúa Giê-su khi ngài “chia chiên với dê ra”.—Mat 25:31-33, 46.

20 “Khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài”, tất cả những người ‘chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục tin mừng của Đức Chúa Jêsus-Christ’ sẽ bị hủy diệt (2 Tê 1:6-10). Khi Giăng thấy sự kiện đó trong một sự hiện thấy, ông mô tả Chúa Giê-su và đạo quân thiên sứ trên trời cưỡi ngựa bạch lấy lẽ công bình mà chiến đấu.—Khải 19:11-14.

21. Thiên sứ “cầm chìa-khóa vực sâu và một cái xiềng lớn” sẽ làm gì đối với Sa-tan và các quỉ?

21 Giăng cũng “thấy một vị thiên-sứ trên trời xuống, tay cầm chìa-khóa vực sâu và một cái xiềng lớn”. Thiên sứ này không ai khác hơn là thiên sứ trưởng Mi-chen, đấng sẽ trói và quăng Sa-tan—và chắc hẳn cũng gồm các quỉ—xuống vực sâu. Vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, chúng sẽ được thả ra ít lâu để thử thách nhân loại hoàn toàn lần cuối cùng. Sau đó, Sa-tan và tất cả những kẻ phản loạn sẽ bị hủy diệt (Khải 20:1-3, 7-10; 1 Giăng 3:8). Lúc đó, mọi sự phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời bị loại trừ.

22. Các thiên sứ tham gia thế nào vào sự kiện sắp đến? Chúng ta cảm thấy thế nào về vai trò của họ?

22 Sự giải cứu khỏi hệ thống gian ác của Sa-tan sắp đến. Khi những sự kiện đặc biệt này xảy ra, các thiên sứ sẽ có một vai trò nhất định và những sự kiện ấy sẽ biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Sau đó, ý định của Ngài đối với trái đất và nhân loại được thành tựu. Các thiên sứ công bình quả thật là “thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi”. Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Giê-hô-va Đức Chúa Trời về cách Ngài dùng thiên sứ để giúp đỡ chúng ta làm theo ý muốn Ngài và nhận được sự sống đời đời.

[Chú thích]

^ đ. 18 Xem Tháp Canh ngày 1-4-2001, trang 18, đoạn 16;Thánh Chức Nước Trời tháng 11-2001, trang 8, đoạn 3.

Bạn trả lời thế nào?

• Các tạo vật thần linh ở trên trời được sắp xếp như thế nào?

• Một số thiên sứ đã làm gì vào thời Nô-ê?

• Đức Chúa Trời dùng thiên sứ để hỗ trợ chúng ta như thế nào?

• Vào thời chúng ta, các thiên sứ công bình đóng vai trò nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Thiên sứ vui mừng thực hiện ý định của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 23]

Như trong trường hợp của Đa-ni-ên, các thiên sứ luôn để ý và can thiệp theo ý muốn Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 24]

Hãy can đảm vì các thiên sứ hỗ trợ công việc rao giảng về Nước Trời!

[Nguồn tư liệu]

Globe: NASA photo