Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời có phải là Đấng hay thay đổi?

Đức Chúa Trời có phải là Đấng hay thay đổi?

Đức Chúa Trời có phải là Đấng hay thay đổi?

Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời: “Trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. Chúng ta thật yên lòng vì chính Ngài nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi” (Gia-cơ 1:17; Ma-la-chi 3:6). Những người hay đổi ý khiến chúng ta không thể tin cậy và cảm thấy khó làm họ hài lòng. Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không phải như vậy.

Tuy nhiên, một số độc giả Kinh Thánh vẫn thắc mắc chẳng phải Đức Chúa Trời đã từng thay đổi sao? Chẳng hạn, có một thời Đức Giê-hô-va đã cho những người thờ phượng Ngài khả năng làm phép lạ, nhưng bây giờ không còn điều đó nữa. Thời xưa, Đức Chúa Trời cũng từng cho phép tục đa thê nhưng bây giờ thì không. Trong Luật Pháp Môi-se, Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Ngài giữ ngày Sa-bát nhưng ngày nay điều luật ấy không còn áp dụng nữa. Vậy, những trường hợp này có cho thấy Đức Chúa Trời hay thay đổi không?

Một điều chúng ta có thể chắc chắn là Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi tiêu chuẩn của Ngài về sự công bình và yêu thương. “Ý định đời đời” của Ngài là ban phước cho nhân loại qua Nước Trời cũng không thay đổi (Ê-phê-sô 3:11). Tuy nhiên, cũng như việc bạn thay đổi cách đối xử với một người nếu người đó luôn làm bạn thất vọng, thì Đức Giê-hô-va cũng có những thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng thay đổi lời chỉ dẫn để phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của dân Ngài. Điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên. Hãy nghĩ xem một hướng dẫn viên du lịch giỏi sẽ làm gì khi thấy nguy hiểm trước mắt. Chắc chắn anh sẽ hướng dẫn nhóm du khách đi đường khác, tránh xa nguy hiểm. Điều đó không có nghĩa là anh thay đổi, không đi đến nơi đã định nữa, phải không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy xem xét lại ba trường hợp mà nhiều người thường thắc mắc được nêu ở đầu bài.

Tại sao những phép lạ đã chấm dứt?

Tại sao Đức Chúa Trời từng ban khả năng làm phép lạ cho hội thánh vào thế kỷ thứ nhất? Có lẽ bạn biết Đức Chúa Trời đã làm nhiều phép lạ cho dân riêng của Ngài là dân Y-sơ-ra-ên để họ tin rằng Ngài ở với họ. Qua Môi-se, Ngài đã thể hiện quyền năng mạnh mẽ khi giải cứu họ khỏi xứ Ai Cập và dẫn họ qua đồng vắng để tiến vào Đất Hứa. Thật đáng tiếc là hết lần này đến lần khác, dân Y-sơ-ra-ên đã không biểu lộ đức tin nơi Ngài. Vì thế, cuối cùng Đức Giê-hô-va từ bỏ dân này và thành lập hội thánh. Ngài đã ban quyền năng làm phép lạ cho các sứ đồ và một số môn đồ trong hội thánh. Thí dụ, sứ đồ Phi-e-rơ và sứ đồ Giăng đã chữa lành cho một người què bẩm sinh, và sứ đồ Phao-lô đã làm cho một người chết sống lại (Công-vụ 3:2-8; 20:9-11). Thời đó, nhờ những phép lạ mà các hội thánh ở nhiều nơi được củng cố. Vậy tại sao các phép lạ lại chấm dứt?

Qua một minh họa, sứ đồ Phao-lô giải thích lý do: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư-tưởng như con trẻ, suy-xét như con trẻ; khi tôi đã thành-nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (1 Cô-rinh-tô 13:11). Cách cha mẹ chăm sóc con thay đổi tùy theo độ tuổi, khi con còn nhỏ khác với lúc con trưởng thành. Đức Giê-hô-va cũng thế đối với hội thánh đã vững vàng, không còn là “con trẻ” nữa. Vì thế, Phao-lô cho biết những sự ban cho khả năng làm phép lạ như nói tiên tri và tiếng lạ rồi đến lúc phải chấm dứt.—1 Cô-rinh-tô 13:8.

Tại sao có thời Đức Chúa Trời không cấm tục đa thê?

Chúa Giê-su cho biết lời Đức Chúa Trời phán với cặp vợ chồng đầu tiên chính là tiêu chuẩn cho hôn nhân: “Người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt” (Ma-thi-ơ 19:5). Vì vậy, hôn nhân phải là sự kết hợp lâu bền giữa hai người mà thôi. Rõ ràng, Đức Chúa Trời không khởi xướng và cũng không khuyến khích tục đa thê. Nhưng vào lúc Ngài thành lập nước Y-sơ-ra-ên và ban cho họ Luật Pháp Môi-se, tục đa thê đã là một thực hành phổ biến. Thế nên, Đức Chúa Trời phải đặt ra một số quy định để đưa tục này vào khuôn khổ. Tuy nhiên, khi hội thánh được thành lập, Kinh Thánh rõ ràng cấm tục đa thê.—1 Ti-mô-thê 3:2.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạm cho phép một số điều cho đến thời điểm thích hợp để thay đổi (Rô-ma 9:22-24). Chúa Giê-su cho biết sở dĩ Đức Giê-hô-va tạm thời cho phép một số tục lệ về hôn nhân trái với tiêu chuẩn của Ngài là vì lòng dân Y-sơ-ra-ên “cứng-cỏi”.—Ma-thi-ơ 19:8; Châm-ngôn 4:18.

Tại sao không còn giữ ngày Sa-bát?

Sau khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ai Cập, Đức Chúa Trời quy định rằng hằng tuần họ phải giữ ngày Sa-bát. Về sau, mệnh lệnh này được đưa vào Luật Pháp của nước Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:22-30; 20:8-10). Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô giải thích rằng khi Chúa Giê-su hy sinh thân mình, ngài đã “trừ-bỏ luật-pháp của các điều-răn chép thành điều-lệ” và “xóa tờ-khế lập” (Ê-phê-sô 2:15; Cô-lô-se 2:14). Trong số những luật bị “trừ-bỏ” hay “xóa” có luật về ngày Sa-bát, vì Kinh Thánh có nói: “Chớ có ai đoán-xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát” (Cô-lô-se 2:16). Vậy tại sao thời xưa Đức Chúa Trời lại ban Luật Pháp, trong đó có điều luật về ngày Sa-bát?

Sứ đồ Phao-lô viết: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ”. Ông nói thêm: “Song khi đức-tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy-giáo ấy nữa” (Ga-la-ti 3:24, 25). Đức Chúa Trời không thay đổi, nhưng đúng hơn ngày Sa-bát chỉ là một sắp đặt tạm thời để dạy dân biết rằng họ cần phải đều đặn dành thời gian cho việc thờ phượng. Hơn nữa, dù chỉ có giá trị tạm thời, nhưng ngày Sa-bát là hình bóng cho một “ngày nghỉ” khác khi mà nhân loại hoàn toàn được giải thoát khỏi mọi vấn đề về thể chất và tâm linh.—Hê-bơ-rơ 4:10; Khải-huyền 21:1-4.

Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương và đáng tin cậy

Những thí dụ trên cho thấy rằng lời hướng dẫn và chỉ dạy của Giê-hô-va Đức Chúa Trời có khác nhau tùy thời điểm. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài hay thay đổi. Đúng hơn, Ngài đáp ứng nhu cầu của những người thờ phượng Ngài tùy theo hoàn cảnh, và làm thế vì lợi ích của họ. Ngày nay cũng vậy.

Vì Đức Giê-hô-va không thay đổi tiêu chuẩn nên chúng ta có thể biết mình cần làm gì để đẹp lòng Ngài. Hơn nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng mọi lời hứa của Ngài sẽ thành hiện thực. Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý... Điều ta đã định, ta cũng sẽ làm”.—Ê-sai 46:10, 11.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi tiêu chuẩn về sự công bình và yêu thương

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng khả năng làm phép lạ rồi đến lúc sẽ chấm dứt

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Hôn nhân phải là sự kết hợp lâu bền giữa hai người mà thôi