Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy “có lòng sốt-sắng về các việc lành”!

Hãy “có lòng sốt-sắng về các việc lành”!

Hãy “có lòng sốt-sắng về các việc lành”!

“[Chúa Giê-su] là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt-sắng về các việc lành”.—TÍT 2:14.

1. Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su đến đền thờ ngày 10 tháng Ni-san năm 33 CN?

Vào ngày 10 tháng Ni-san năm 33 CN, chỉ vài ngày trước Lễ Vượt Qua, những người đến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem rất hào hứng. Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến đấy? Ba người viết sách Phúc âm là Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều tường thuật lần thứ hai việc Chúa Giê-su đuổi những người mua bán tại đền thờ. Ngài đổ bàn những người đổi bạc và ghế của những người bán bồ câu (Mat 21:12; Mác 11:15; Lu 19:45). Lòng sốt sắng của Chúa Giê-su không suy giảm từ khi ngài có hành động tương tự ba năm trước.—Giăng 2:13-17.

2, 3. Làm sao chúng ta biết lòng sốt sắng của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn trong việc làm sạch đền thờ?

2 Lời tường thuật nơi sách Ma-thi-ơ cho thấy trong trường hợp đó, lòng sốt sắng của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn ở việc làm sạch đền thờ. Tại đó, ngài cũng chữa cho người mù và người tàn tật đến cùng ngài (Mat 21:14). Lời tường thuật nơi sách Lu-ca cho biết những công việc khác của Chúa Giê-su: “Hằng ngày [Chúa Giê-su] giảng-dạy trong đền-thờ” (Lu 19:47; 20:1). Thật vậy, lòng sốt sắng của Chúa Giê-su được thể hiện rõ ràng qua công việc rao giảng và dạy dỗ của ngài.

3 Sau này, sứ đồ Phao-lô viết cho Tít và giải thích rằng Chúa Giê-su “liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt-sắng về các việc lành” (Tít 2:14). Ngày nay, chúng ta có thể biểu lộ “lòng sốt-sắng về các việc lành” qua những cách nào? Làm thế nào gương những vị vua tốt của nước Giu-đa khích lệ chúng ta?

Lòng sốt sắng trong việc rao giảng và dạy dỗ

4, 5. Bốn vị vua nước Giu-đa đã biểu lộ lòng sốt sắng về các việc lành qua những cách nào?

4 Các vua A-sa, Giô-sa-phát, Ê-xê-chia và Giô-si-a đều tổ chức những đợt loại bỏ việc thờ hình tượng trong nước Giu-đa. Vua A-sa “cất bỏ các bàn-thờ của thần ngoại-bang và những nơi cao, đập-bể các trụ-thờ, và đánh đổ những tượng A-sê-ra” (2 Sử 14:3). Vua Giô-sa-phát, được thúc đẩy bởi lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, đã “phá-dỡ các nơi cao và những thần-tượng A-sê-ra khỏi Giu-đa”.—2 Sử 17:6; 19:3. *

5 Sau Lễ Vượt Qua trọng thể trong bảy ngày mà vua Ê-xê-chia đã tổ chức tại Giê-ru-sa-lem, “những người Y-sơ-ra-ên có mặt tại đó đi ra các thành Giu-đa, đập bể những trụ-thờ, đánh đổ các thần A-sê-ra, phá-dỡ những nơi cao, và các bàn-thờ trong khắp đất Giu-đa, Bên-gia-min, Ép-ra-im, và Ma-na-se, cho đến khi đã phá-hủy hết thảy” (2 Sử 31:1). Giô-si-a lên ngôi khi mới tám tuổi. Kinh Thánh cho biết: “Năm thứ tám đời người trị-vì, khi người hãy còn trẻ tuổi, thì người khởi tìm-kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ-phụ người; năm thứ mười hai, người khởi dọn sạch Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, trừ-bỏ những nơi cao, thần A-sê-ra, tượng chạm và tượng đúc” (2 Sử 34:3). Vậy, cả bốn vị vua ấy đã sốt sắng làm những việc lành.

6. Tại sao thánh chức của chúng ta có thể được so sánh với các hoạt động của bốn vua trung thành nước Giu-đa?

6 Tương tự hoạt động của bốn vua nước Giu-đa, ngày nay chúng ta tham gia vào việc giúp người ta thoát khỏi những dạy dỗ của tôn giáo sai lầm, kể cả việc thờ hình tượng. Công việc rao giảng từng nhà giúp chúng ta gặp nhiều người (1 Ti 2:4). Một em gái châu Á nhớ lại mẹ em thờ cúng nhiều hình tượng trong nhà. Em lý luận rằng không phải mọi hình tượng đều đại diện cho Đức Chúa Trời, và em thường cầu xin cho biết Ngài là ai. Một ngày kia khi nghe tiếng gõ cửa, em ra mở và gặp hai chị Nhân Chứng. Hai chị này sẵn lòng giúp em biết danh thánh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Em rất vui mừng khi biết được sự thật về hình tượng! Hiện nay, em biểu lộ lòng sốt sắng đáng khen bằng cách siêng năng tham gia thánh chức, giúp người khác biết về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài.—Thi 83:18; 115:4-8; 1 Giăng 5:21.

7. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương những người dạy dỗ đi khắp xứ trong thời vua Giô-sa-phát?

7 Khi tham gia rao giảng từng nhà, chúng ta rao giảng cặn kẽ đến mức nào trong khu vực của mình? Điều đáng chú ý là vào năm thứ ba của triều đại vua Giô-sa-phát, vua phái năm quan trưởng, chín người Lê-vi và hai thầy tế lễ đi khắp các thành để dạy dỗ dân sự về luật pháp Đức Giê-hô-va. Công việc của họ hữu hiệu đến nỗi dân các nước xung quanh bắt đầu sợ Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Sử-ký 17:9, 10). Qua việc trở lại viếng thăm vào những ngày và giờ khác nhau, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong một gia đình.

8. Làm thế nào chúng ta có thể mở rộng việc làm chứng?

8 Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay sẵn sàng chuyển đến phục vụ tại nơi cần thêm những Nhân Chứng sốt sắng. Bạn có thể làm thế không? Một số người trong chúng ta không thể chuyển đến nơi có nhu cầu, nhưng có thể cố gắng làm chứng cho những người nói thứ tiếng khác sống trong khu vực của mình. Anh Ron 81 tuổi sống ở khu vực có những người đến từ nhiều quốc gia, nên anh đã học câu chào trong 32 ngôn ngữ! Gần đây, anh đã gặp một cặp vợ chồng người châu Phi ngoài phố và chào họ bằng tiếng Yoruba. Họ hỏi anh đã bao giờ đến châu Phi chưa. Khi anh nói chưa, họ thắc mắc làm thế nào anh biết ngôn ngữ của họ. Nhờ thế, anh đã có cơ hội làm chứng. Họ sẵn lòng nhận vài tạp chí và cho anh địa chỉ. Anh đưa địa chỉ ấy cho hội thánh địa phương. Nhờ vậy, cặp vợ chồng đó có cơ hội tìm hiểu Kinh Thánh.

9. Trong thánh chức, tại sao việc đọc trực tiếp Kinh Thánh là quan trọng? Hãy cho thí dụ.

9 Khi những người dạy dỗ đi khắp xứ theo lệnh vua Giô-sa-phát, họ mang theo “sách luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Trên toàn thế giới, chúng ta cố gắng dùng Kinh Thánh để dạy dỗ người khác vì đó là Lời Đức Chúa Trời. Để cho thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh trong thánh chức, chúng ta đặc biệt cố gắng cho người khác đọc trực tiếp Lời Ngài. Một người chủ nhà giải thích với chị Nhân Chứng là Linda rằng chồng của bà bị đột quỵ và rất cần bà chăm sóc. Bà than thở: “Tôi không hiểu mình đã làm gì mà Đức Chúa Trời để điều này xảy đến với tôi”. Chị Linda trả lời: “Tôi có thể cam đoan với bà một điều, được không?”. Rồi chị đọc lời nơi Gia-cơ 1:13, và nói thêm: “Tất cả những đau khổ mà chúng ta và người thân yêu trải qua không phải do Đức Chúa Trời trừng phạt”. Khi nghe những lời ấy, bà ôm chặt chị Linda. Chị thừa nhận: “Nhờ Kinh Thánh, tôi đã an ủi được bà. Đôi khi người chủ nhà chưa bao giờ được nghe những câu Kinh Thánh chúng ta đọc”. Qua cuộc nói chuyện, bà ấy đã bắt đầu học hỏi Kinh Thánh đều đặn.

Những người trẻ sốt sắng phụng sự

10. Làm thế nào vua Giô-si-a là gương mẫu cho tín đồ Đấng Christ trẻ ngày nay?

10 Trở lại trường hợp của vua Giô-si-a, chúng ta lưu ý rằng ông đã đi theo sự thờ phượng thật lúc còn trẻ, và khi khoảng 20 tuổi ông bắt đầu dẹp bỏ sự thờ hình tượng. (Đọc 2 Sử-ký 34:1-3). Ngày nay, vô số người trẻ biểu lộ lòng sốt sắng tương tự trong thánh chức.

11-13. Chúng ta có thể học được gì từ gương của những người trẻ hiện đang sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va?

11 Em Hannah sống ở Anh và học tiếng Pháp tại trường. Khi lên 13 tuổi, em nghe có các buổi nhóm họp bằng tiếng Pháp ở thị trấn gần nhà. Cha em đồng ý cùng đi nhóm họp ấy với em. Giờ đây, Hannah 18 tuổi, là tiên phong đều đều và sốt sắng làm chứng bằng tiếng Pháp. Bạn cũng có thể học ngoại ngữ và giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va không?

12 Rachel rất thích xem video Theo đuổi những mục tiêu tôn vinh Đức Chúa Trời (Pursue Goals That Honor God). Khi nghĩ về quan điểm của mình lúc bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va vào năm 1995, chị cho biết: “Tôi nghĩ mình đã là một Nhân Chứng tốt”. Rồi chị nói thêm: “Sau khi xem video đó, tôi nhận thức rằng trong nhiều năm tôi đã thờ phượng một cách chiếu lệ. Tôi phải nỗ lực nhiều hơn vì lẽ thật, đặt hết tâm trí vào thánh chức và việc học hỏi cá nhân”. Giờ đây, Rachel sốt sắng hơn khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Kết quả ra sao? “Mối quan hệ giữa tôi và Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn. Lời cầu nguyện của tôi có ý nghĩa hơn, học hỏi kỹ càng và thỏa nguyện hơn, các lời tường thuật trong Kinh Thánh trở nên sống động hơn đối với tôi. Nhờ thế, tôi có nhiều niềm vui trong thánh chức và thật sự thỏa nguyện vì thấy lời Đức Giê-hô-va mang lại sự an ủi cho người khác”.

13 Luke là người trẻ đã được khích lệ khi xem một video khác: Giới trẻ thắc mắc—Tôi đặt mục tiêu nào cho đời mình? (Young People Ask—What Will I Do With My Life?). Sau khi xem băng video này, Luke viết: “Tôi nhận thấy cần phải xem lại đời sống mình”. Anh thừa nhận: “Trước đây, tôi bị áp lực phải ổn định tài chính qua việc học lên cao, rồi sau đó mới tập trung vào các mục tiêu thiêng liêng. Những áp lực ấy không giúp được gì cho việc tiến bộ về thiêng liêng. Thay vì thế, chúng làm suy yếu đức tin”. Hỡi các bạn trẻ, sao không dùng những điều bạn học ở trường để mở rộng thánh chức như Hannah? Sao không noi gương Rachel, sốt sắng theo đuổi mục tiêu thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời? Hãy theo gương của Luke, tránh những mối nguy hiểm từng là cạm bẫy cho nhiều người trẻ.

Sốt sắng làm theo lời cảnh báo

14. Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng nào? Tại sao giữ sự thờ phượng ấy là một thách thức đối với chúng ta ngày nay?

14 Dân của Đức Giê-hô-va phải thanh sạch nếu muốn sự thờ phượng của họ được Ngài chấp nhận. Ê-sai cảnh báo: “Các ngươi hãy đi, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô-uế, hãy ra khỏi giữa nó [Ba-by-lôn]. Các ngươi là kẻ mang khí-dụng Đức Giê-hô-va, hãy làm cho sạch mình!” (Ê-sai 52:11). Nhiều năm trước khi Ê-sai viết những lời này, vị vua tốt A-sa đã quyết liệt loại bỏ sự vô luân khỏi nước Giu-đa. (Đọc 1 Các Vua 15:11-13 *). Nhiều thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô nói với Tít rằng Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống để các môn đồ được thanh sạch hầu cho họ trở thành “một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt-sắng về các việc lành” (Tít 2:14). Trong xã hội bại hoại ngày nay, không dễ để giữ sự trong sạch về đạo đức, đặc biệt là những người trẻ. Chẳng hạn, tất cả những tôi tớ của Đức Chúa Trời, cả già lẫn trẻ, phải đấu tranh để không bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh khiêu dâm trên áp phích, truyền hình, phim ảnh và đặc biệt trên Internet.

15. Điều gì có thể giúp chúng ta ngày càng ghét điều ác?

15 Sốt sắng làm theo những lời cảnh báo của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta ngày càng ghét điều ác (Thi 97:10; Rô 12:9). Chúng ta phải ghê tởm tài liệu khiêu dâm để “cưỡng lại sức hút mạnh mẽ của nó”, như một tín đồ Đấng Christ đã phát biểu. Để tách hai miếng nam châm đang hút nhau, một người phải có lực mạnh hơn. Tương tự, phải nỗ lực rất nhiều để cưỡng lại “sức hút” của tài liệu khiêu dâm. Hiểu được tài liệu khiêu dâm nguy hiểm đến mức nào sẽ giúp chúng ta ghê tởm nó. Một anh đã rất cố gắng bỏ thói quen truy cập các trang web khiêu dâm. Anh chuyển máy vi tính đến một chỗ mà những người trong gia đình có thể quan sát. Đồng thời, anh quyết tâm thực hành những điều cần thiết để được thanh sạch và sốt sắng làm các việc lành. Thậm chí, anh còn làm một bước tích cực hơn. Vì phải dùng Internet để làm việc, nên anh kiên quyết chỉ lên mạng khi có vợ ở bên cạnh.

Giá trị của hạnh kiểm tốt

16, 17. Hạnh kiểm tốt của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến người khác? Hãy cho thí dụ.

16 Các anh chị trẻ phụng sự Đức Giê-hô-va có thái độ thật tốt, và điều này gây ấn tượng biết bao nơi người khác! (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:12). Một người đàn ông đến thăm nhà Bê-tên tại Luân Đôn đã hoàn toàn thay đổi quan điểm về Nhân Chứng Giê-hô-va sau một ngày làm việc bảo trì máy in ở đấy. Vợ anh đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng địa phương, chị nhận thấy chồng mình thay đổi thái độ. Trước đây, anh ấy không muốn Nhân Chứng đến nhà. Tuy nhiên, sau khi làm việc tại nhà Bê-tên, anh đã hết lời khen ngợi vì được đối xử tử tế. Anh khen rằng không ai nói tục, mọi người đều kiên nhẫn và bầu không khí thật bình an. Anh đặc biệt ấn tượng về các anh chị trẻ sốt sắng làm việc mà không nhận lương, tình nguyện cống hiến thời gian và năng lực để in ấn những tài liệu nói về tin mừng.

17 Tương tự thế, các anh chị có công việc ngoài đời để lo cho gia đình cũng làm việc chăm chỉ (Cô 3:23, 24). Điều này thường giúp công việc của họ được ổn định hơn, vì người chủ đánh giá cao sự tận tâm và muốn giữ những nhân viên như thế.

18. Chúng ta “có lòng sốt-sắng về các việc lành” qua những cách nào?

18 Tin cậy Đức Giê-hô-va, vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài và chăm sóc nơi nhóm họp là những cách chúng ta biểu lộ lòng sốt sắng đối với nhà Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, chúng ta muốn hết lòng tham gia vào việc rao giảng về Nước Trời cũng như đào tạo môn đồ. Dù già hay trẻ, qua nỗ lực sống phù hợp với các tiêu chuẩn thanh sạch liên quan đến sự thờ phượng, chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích và luôn được biết đến là những người “có lòng sốt-sắng về các việc lành”.—Tít 2:14.

[Chú thích]

^ đ. 4 Có lẽ vua A-sa đã dỡ bỏ những nơi cao có liên hệ đến việc thờ thần giả nhưng không phá đổ những nơi cao mà người ta thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hoặc có lẽ những nơi cao đã được xây lại vào cuối triều vua A-sa, và sau này con trai ông là Giô-sa-phát hủy phá những nơi ấy.—1 Vua 15:14; 2 Sử 15:17.

^ đ. 14 Từ “bợm vĩ-gian” trong câu 12, theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là “bọn trai điếm”.

Qua các gương trong Kinh Thánh và thời nay, bạn học được gì về

• cách biểu lộ lòng sốt sắng trong công việc rao giảng và dạy dỗ?

• cách tín đồ Đấng Christ trẻ “sốt-sắng về các việc lành”?

• cách cưỡng lại những thói quen tai hại?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Bạn có thường sử dụng Kinh Thánh trong thánh chức không?

[Hình nơi trang 15]

Học ngoại ngữ ở trường có thể giúp bạn mở rộng thánh chức