Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quản gia trung tín và Hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy

Quản gia trung tín và Hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy

Quản gia trung tín và Hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy

“Ai là người quản-gia trung-tín và khôn-ngoan, mà chủ đặt coi-sóc người nhà mình, để phân-cấp cho họ phần ăn đúng giờ?”.—LU-CA 12:42, Ghi-đê-ôn.

1, 2. Chúa Giê-su đã nêu câu hỏi quan trọng nào liên quan đến thời kỳ cuối cùng?

Khi cho biết điềm tổng hợp chỉ về thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su đã nêu câu hỏi: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ [“người nhà”, Ghi] mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ?”. Rồi Chúa Giê-su nói tiếp, vì lòng trung thành, đầy tớ này sẽ nhận phần thưởng là coi sóc cả gia tài của Chủ.—Mat 24:45-47.

2 Vài tháng trước đó, Chúa Giê-su đã nêu một câu hỏi tương tự. (Đọc Lu-ca 12:42-44). Ngài gọi đầy tớ này là “người quản-gia”. Quản gia là người chăm sóc mọi việc trong nhà và quản lý các gia nhân. Tuy nhiên, quản gia cũng là đầy tớ. Vậy, đầy tớ hoặc quản gia này là ai? Người ấy cung cấp “đồ ăn đúng giờ” như thế nào? Thế thì, điều quan trọng là tất cả chúng ta chấp nhận lớp đầy tớ này được Đức Chúa Trời dùng để cung cấp thức ăn thiêng liêng.

3. (a) Các nhà bình luận thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã cố giải thích lời của Chúa Giê-su về “đầy-tớ” như thế nào? (b) Ai là “quản-gia” hoặc “đầy-tớ”, còn ai là “người nhà”?

3 Các nhà bình luận thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ thường cho rằng những lời trên của Chúa Giê-su ám chỉ đến những người có địa vị trong khối đạo này. Nhưng Chúa Giê-su, người “chủ” trong minh họa, không nói rằng sẽ có nhiều đầy tớ ở rải khắp các tôn giáo thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ. Ngược lại, ngài nói rõ là sẽ chỉ có một “quản-gia” hoặc “đầy-tớ” được ngài chỉ định để coi sóc cả gia tài mình. Như tạp chí này thường giải thích, người quản gia hẳn tượng trưng cho “bầy nhỏ” gồm tập thể hay một nhóm các môn đồ được xức dầu. Theo lời tường thuật trong sách Lu-ca, Chúa Giê-su vừa đề cập đến những người này (Lu 12:32). Từ “người nhà” cũng ám chỉ đến lớp người ấy nhưng nhấn mạnh đến vai trò của từng cá nhân. Một câu hỏi thú vị được nêu ra: “Mỗi thành viên thuộc lớp đầy tớ có góp phần cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ không?”. Khi xem xét kỹ những gì Kinh Thánh nói, chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng.

Đầy tớ của Đức Giê-hô-va thời xưa

4. Đức Giê-hô-va nói về dân Y-sơ-ra-ên xưa như thế nào? Về dân này, điều quan trọng cần lưu ý là gì?

4 Đức Giê-hô-va nói về dân Ngài, dân Y-sơ-ra-ên xưa, như là một lớp đầy tớ. “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi [số nhiều] là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ [số ít] ta đã chọn” (Ê-sai 43:10). Mọi thành viên của dân tộc này hợp thành lớp đầy tớ đó. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chỉ có các thầy tế lễ và người Lê-vi (không phải thầy tế lễ) có trách nhiệm dạy dỗ dân sự.—2 Sử 35:3; Mal 2:7.

5. Theo Chúa Giê-su, sẽ có sự thay đổi quan trọng nào xảy ra?

5 Có phải dân Y-sơ-ra-ên là đầy tớ mà Chúa Giê-su nói đến không? Không. Chúng ta biết điều này qua lời Chúa Giê-su nói với người Do Thái vào thời ngài: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó” (Mat 21:43). Rõ ràng sẽ có một sự thay đổi. Đức Giê-hô-va sẽ chọn một dân tộc mới. Dù vậy, khi nói đến việc dạy dỗ về Đức Chúa Trời, công việc mà đầy tớ trong minh họa của Chúa Giê-su làm cũng giống khuôn mẫu của “đầy-tớ” Đức Chúa Trời trong thời dân Y-sơ-ra-ên xưa.

Đầy tớ trung tín xuất hiện

6. Dân tộc mới nào được thành lập vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, và ai thuộc dân đó?

6 Dân tộc mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm những người Y-sơ-ra-ên theo nghĩa thiêng liêng (Ga 6:16; Rô 2:28, 29; 9:6). Dân này được thành lập khi Đức Chúa Trời đổ thánh linh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN và kể từ đó họ là lớp đầy tớ được Chủ, tức Chúa Giê-su chọn. Với thời gian, dân ấy gồm tất cả tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Mỗi thành viên của dân này được giao nhiệm vụ rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Tuy nhiên, có phải mỗi người trong nhóm đó đều tham gia vào việc cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ không? Chúng ta hãy xem Kinh Thánh trả lời câu hỏi này như thế nào.

7. Lúc đầu, công việc chính của các sứ đồ là gì? Sau này họ nhận thêm trách nhiệm nào?

7 Khi Chúa Giê-su chọn 12 sứ đồ, ngài đã phái họ đi làm công việc chính: rao truyền tin mừng cho người khác. (Đọc Mác 3:13-15). Sứ mạng này phù hợp với nghĩa cơ bản của từ Hy Lạp được dịch là sứ đồ, bắt nguồn từ một động từ có nghĩa là “phái đi”. Tuy nhiên theo thời gian, các sứ đồ nhận thêm trách nhiệm “quản-đốc” hoặc giám sát, đặc biệt khi hội thánh đạo Đấng Christ sắp được thành lập.—Công 1:20-26, Ghi.

8, 9. (a) Mối quan tâm chính của 12 sứ đồ là gì? (b) Những ai khác đã được giao thêm trách nhiệm và được Hội đồng lãnh đạo cũng công nhận?

8 Mối quan tâm chính yếu của 12 sứ đồ là gì? Có thể tìm thấy câu trả lời qua những sự kiện sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi có sự phàn nàn về việc cấp phát lương thực hằng ngày cho những người góa bụa, 12 sứ đồ nhóm các môn đồ lại và nói: “Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn-tiệc thật chẳng xứng-hợp”. (Đọc Công-vụ 6:1-6). Rồi các sứ đồ chọn những người đủ tư cách để lo việc này, nhờ vậy các sứ đồ có thể chuyên tâm lo giảng đạo. Sự sắp đặt này được Đức Giê-hô-va ban phước vì “đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm” (Công 6:7). Vậy, các sứ đồ chịu trách nhiệm chính về việc cung cấp thức ăn thiêng liêng.—Công 2:42.

9 Với thời gian, những người khác đã được giao trọng trách. Dưới sự hướng dẫn của thánh linh, hội thánh An-ti-ốt phái Phao-lô và Ba-na-ba đi làm giáo sĩ. Họ cũng được gọi là các sứ đồ, dù không thuộc 12 sứ đồ đầu tiên (Công 13:1-3; 14:14). Hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem cũng công nhận nhiệm vụ của hai người này (Ga 2:7-10). Không lâu sau, Phao-lô đã góp phần vào việc cung cấp thức ăn thiêng liêng. Ông được soi dẫn để viết lá thư đầu tiên.

10. Vào thế kỷ thứ nhất, có phải tất cả tín đồ Đấng Christ được xức dầu đều chuẩn bị thức ăn thiêng liêng không? Hãy giải thích.

10 Tuy nhiên, có phải tất cả tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã giám sát công việc rao giảng và chuẩn bị thức ăn thiêng liêng không? Không. Sứ đồ Phao-lô nói: “Có phải cả thảy là sứ-đồ sao? Cả thảy là tiên-tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao?” (1 Cô 12:29). Phao-lô hàm ý câu trả lời là không. Dù mọi tín đồ Đấng Christ được xức dầu đều tham gia công việc rao giảng nhưng có rất ít người, chỉ tám người, được dùng để viết 27 sách Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp.

Đầy tớ trung tín thời hiện đại

11. Đầy tớ được bổ nhiệm để chăm sóc “gia-tài” nào?

11 Lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:45 cho thấy rõ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan vẫn hiện diện trên đất trong thời kỳ cuối cùng. Khải-huyền 12:17 ám chỉ những người này là “những người còn lại” của dòng dõi người nữ (Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Với tư cách một nhóm, những người còn sót lại này được bổ nhiệm để chăm sóc cả gia tài của Chúa Giê-su trên đất. “Gia-tài” mà quản gia trung tín được giao để chăm sóc là quyền lợi trên đất của Chủ hoặc Vua, gồm các thần dân Nước Trời và những cơ sở vật chất được dùng để ủng hộ công việc rao giảng tin mừng.

12, 13. Làm thế nào một tín đồ Đấng Christ biết mình được gọi lên trời?

12 Làm sao một tín đồ Đấng Christ biết mình có hy vọng lên trời và thuộc về những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại? Câu trả lời được tìm thấy trong lời của sứ đồ Phao-lô nói với những người có cùng hy vọng lên trời như ông: ‘Hết thảy kẻ nào được thánh-linh của Đức Chúa Trời dắt-dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần-trí của tôi-mọi đặng còn ở trong sự sợ-hãi; nhưng đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính thánh-linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: Kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với Ngài’.—Rô 8:14-17.

13 Nói một cách đơn giản, những người này được Đức Chúa Trời chọn qua thánh linh và được “gọi” hay được mời lên trời (Hê 3:1). Đây là lời mời cá nhân đến từ Đức Chúa Trời. Những người này chấp nhận ngay là mình được chọn làm con cái Đức Chúa Trời mà không thắc mắc, nghi ngờ hay sợ hãi. (Đọc 1 Giăng 2:20, 21). Vì thế, họ không tự chọn cho mình hy vọng này, nhưng Đức Giê-hô-va đóng ấn họ bằng thánh linh.—2 Cô 1:21, 22; 1 Phi 1:3, 4.

Quan điểm đúng

14. Những người được xức dầu có quan điểm nào về ơn kêu gọi?

14 Những người được xức dầu này nên có quan điểm nào về chính mình khi chờ đợi phần thưởng lên trời? Họ nhận thức rằng dù đã nhận được lời mời tuyệt diệu, nhưng đó chỉ là một lời mời. Để nhận được giải thưởng, họ phải trung thành cho đến chết. Họ khiêm nhường có cùng tâm tình như Phao-lô, ông nói: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục-đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 3:13, 14). Những người được xức dầu còn sót lại phải cố gắng hết sức ‘ăn-ở một cách xứng-đáng với chức-phận mà Chúa đã gọi họ, phải khiêm-nhường’ và ăn ở như thế với “lòng sợ-sệt run-rẩy”.—Ê-phê 4:1, 2; Phi-líp 2:12; 1 Tê 2:12.

15. Tín đồ Đấng Christ nên có quan điểm nào về những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? Còn những người được xức dầu có quan điểm nào về chính mình?

15 Mặt khác, tín đồ Đấng Christ nên có quan điểm nào về một người tự cho rằng mình được chọn lên trời và bắt đầu dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? Không ai nên xét đoán người đó. Đây là vấn đề giữa Đức Giê-hô-va và người ấy (Rô 14:12). Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ thật sự được chọn không đòi hỏi người khác đặc biệt chú ý đến mình. Họ không cho rằng vì được chọn lên trời nên họ có sự hiểu biết đặc biệt hơn cả những anh em dày kinh nghiệm thuộc đám đông “vô-số người” (Khải 7:9). Họ không nghĩ rằng nhất thiết mình có nhiều thánh linh hơn anh em thuộc “chiên khác” (Giăng 10:16). Họ không mong được đối xử đặc biệt, cũng không cho rằng nhờ dùng các món biểu tượng nên họ cao trọng hơn các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh.

16-18. (a) Có phải mọi tín đồ được xức dầu đều có vai trò trong việc cho biết những sự hiểu biết mới về Kinh Thánh không? Hãy minh họa. (b) Tại sao Hội đồng lãnh đạo không cần bàn bạc với tất cả những người tự cho mình được xức dầu?

16 Có phải tất cả những người được xức dầu trên khắp đất thường liên lạc với nhau và có vai trò nào đó trong việc tiết lộ sự hiểu biết mới về Kinh Thánh không? Không. Dù lớp đầy tớ có trách nhiệm cung cấp thức ăn cho cả nhà, nhưng không phải tất cả mọi người thuộc lớp này đều có nhiệm vụ và công việc giống nhau. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 12:14-18). Như đã đề cập ở trên, vào thế kỷ thứ nhất, mọi tín đồ được xức dầu đều làm công việc quan trọng là rao giảng. Tuy nhiên, rất ít người được dùng để viết các sách Kinh Thánh và giám sát hội thánh.

17 Chúng ta có thể minh họa: Đôi khi Kinh Thánh nói “Hội-thánh” đã xét xử những vấn đề tư pháp (Mat 18:17). Nhưng trên thực tế, chỉ có các trưởng lão đại diện hội thánh để giải quyết những vấn đề ấy. Họ không liên lạc với mọi thành viên trong hội thánh để hỏi ý kiến trước khi quyết định. Theo thể thức thần quyền, họ thực hiện vai trò được chỉ định. Họ hành động thay mặt hội thánh.

18 Tương tự, ngày nay một số ít người nam được xức dầu có trách nhiệm đại diện cho lớp đầy tớ. Họ là Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những anh được xức dầu này giám sát công việc trên toàn cầu liên quan đến Nước Trời và chương trình cung cấp thức ăn thiêng liêng. Tuy nhiên, như vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay Hội đồng lãnh đạo không bàn bạc với mỗi thành viên của lớp đầy tớ trước khi quyết định. (Đọc Công-vụ 16:4, 5). Dù vậy, mọi Nhân Chứng được xức dầu đều tham gia tích cực vào công việc gặt hái quan trọng đang diễn ra. Với tư cách một nhóm, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” là một tập thể, nhưng với tư cách cá nhân, họ có những nhiệm vụ khác nhau.—1 Cô 12:19-26.

19, 20. Đám đông có quan điểm thăng bằng nào về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cùng Hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy?

19 Những dữ kiện nêu trên nên ảnh hưởng thế nào đến đám đông ngày càng gia tăng, những người có hy vọng sống mãi mãi trên đất? Vì là một phần trong gia tài của Vua, họ vui vẻ và hết lòng hợp tác với các sắp đặt của Hội đồng lãnh đạo, những người đại diện cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Những người thuộc đám đông quý trọng thức ăn thiêng liêng đến từ Hội đồng lãnh đạo. Dù tôn trọng lớp đầy tớ, nhưng những người thuộc đám đông cũng thận trọng để không đề cao bất cứ cá nhân nào tự cho mình thuộc lớp đầy tớ ấy. Một tín đồ thật sự được Đức Chúa Trời chọn qua thánh linh sẽ không muốn hay mong đợi được đối xử đặc biệt như thế.—Công 10:25, 26; 14:14, 15.

20 Dù thuộc “người nhà”, tức những người được xức dầu còn sót lại, hay thuộc đám đông, chúng ta hãy quyết tâm hợp tác hết lòng với quản gia trung tín và Hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy. Mong sao mỗi người chúng ta tiếp tục “tỉnh-thức” và chứng tỏ mình trung thành cho đến cuối cùng.—Mat 24:13, 42.

Bạn còn nhớ không?

• Ai là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, còn ai là “người nhà”?

• Làm thế nào một người biết mình được gọi lên trời?

• Ai có trách nhiệm chính cho việc chuẩn bị thức ăn thiêng liêng mới?

• Một người được xức dầu nên có quan điểm nào về chính mình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Ngày nay, Hội đồng lãnh đạo đại diện cho lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Điều này tương tự với sự sắp đặt vào thế kỷ thứ nhất