Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có thể lấy gì để báo đáp Đức Giê-hô-va?

Tôi có thể lấy gì để báo đáp Đức Giê-hô-va?

Tôi có thể lấy gì để báo đáp Đức Giê-hô-va?

Do Ruth Danner kể lại

Với sự hóm hỉnh, mẹ tôi thường nói năm 1933 là năm có nhiều thảm họa: Hitler nắm quyền, giáo hoàng công bố đó là Năm Thánh, và tôi chào đời.

Cha mẹ tôi sống ở thị trấn Yutz, thuộc vùng Lorraine, một địa điểm mang nhiều dấu ấn lịch sử của nước Pháp và gần biên giới nước Đức. Vào năm 1921, mẹ tôi, một tín đồ Công giáo sùng đạo, kết hôn với cha, một tín hữu Tin Lành. Năm 1922, chị Helen ra đời và sau đó ít lâu cha mẹ đã làm phép rửa tội cho chị tại một nhà thờ Công giáo.

Một ngày nọ năm 1925, cha nhận được sách “Đàn cầm của Đức Chúa Trời” (The Harp of God) bằng tiếng Đức. Khi đọc sách này, cha tin rằng mình đã tìm được lẽ thật. Cha viết thư cho nhà xuất bản và họ giúp ông liên lạc với các Bibelforscher, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức lúc bấy giờ. Ngay lập tức, cha bắt đầu rao giảng về những điều ông học được. Điều này không làm mẹ vui lòng. Mẹ nói thẳng với cha bằng tiếng Đức: “Anh muốn làm gì cũng được, nhưng đừng đi với mấy người Bibelforscher!”. Tuy nhiên, cha đã quyết chí và làm báp têm vào năm 1927 để trở thành một trong số họ.

Vì thế, bà ngoại đã thúc mẹ ly dị cha. Vào ngày Lễ Mi-sa, một linh mục đã cảnh báo giáo dân “tránh xa tên tiên tri giả Danner”. Vừa về đến nhà, bà ngoại đã lấy một chậu cảnh khá nặng từ trên cao ném xuống cha. Cái chậu rơi vào vai và suýt trúng đầu cha. Sự việc này khiến mẹ suy nghĩ: “Một tôn giáo khiến người ta trở thành kẻ giết người không thể nào là tôn giáo tốt”. Thế là mẹ bắt đầu đọc các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Không lâu sau, mẹ tin rằng mình đã tìm được lẽ thật và báp têm vào năm 1929.

Cha mẹ đã cố gắng giúp chị em tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va có thật trong đời sống. Cha mẹ đọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện Kinh Thánh rồi hỏi tại sao các nhân vật trong Kinh Thánh lại hành động như thế. Lúc ấy, cha tôi không chịu làm việc ca tối hoặc ca đêm, mặc dù quyết định này làm cho gia đình mất đi nhiều khoản thu nhập. Ông muốn dành thời gian cho các buổi nhóm họp, cho thánh chức và cho việc học Kinh Thánh với con cái.

Giông tố kéo đến

Cha mẹ tôi thường tỏ lòng hiếu khách với các giám thị lưu động và các thành viên nhà Bê-tên đến từ Thụy Sĩ và Pháp. Các anh chị ấy kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn mà các anh em đồng đạo đang đối phó ở Đức, chỉ cách nhà chúng tôi vài kilômét. Đức Quốc Xã đày Nhân Chứng Giê-hô-va đến các trại tập trung và chia cách cha mẹ Nhân Chứng khỏi con cái họ.

Chị Helen và tôi đã được chuẩn bị để đối phó với những thử thách sắp đến. Cha mẹ giúp chúng tôi nhớ những câu Kinh Thánh để hướng dẫn chúng tôi. Cha mẹ dạy: “Nếu các con không biết phải làm gì, hãy nhớ Châm-ngôn 3:5, 6. Nếu các con sợ hãi trước thử thách tại trường, hãy suy ngẫm 1 Cô-rinh-tô 10:13. Còn nếu các con bị chia cách khỏi cha mẹ, hãy nhớ lại Châm-ngôn 18:10”. Tôi đã thuộc lòng bài Thi-thiên 23 và 91, tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn bảo vệ tôi.

Năm 1940, Đức Quốc Xã đã sát nhập vùng Alsace-Lorraine. Chế độ mới đòi hỏi mọi người trưởng thành phải gia nhập Đảng Quốc Xã. Cha từ chối và cơ quan mật vụ của Đức Quốc Xã (Gestapo) dọa bắt ông. Khi mẹ không chịu may đồng phục cho binh lính, Gestapo cũng đe dọa mẹ.

Đối với tôi, đi học là một cơn ác mộng. Mỗi ngày, lớp tôi bắt đầu bằng lời cầu nguyện cho Hitler, tung hô “Heil Hitler”, rồi hát quốc ca với nghi thức giơ thẳng cánh tay phải. Thay vì nói tôi không được tung hô Hitler, cha mẹ giúp tôi rèn luyện lương tâm của mình. Nhờ thế, tôi tự quyết định không tung hô Đức Quốc Xã. Các giáo viên đánh và đe dọa đuổi học tôi. Khi được bảy tuổi, có lần tôi đã phải kiên định trước tất cả 12 giáo viên của trường. Họ cố ép tôi tung hô Hitler. Thế nhưng, nhờ Đức Giê-hô-va giúp sức, tôi đã trung thành.

Một giáo viên bắt đầu đánh vào tâm lý của tôi. Cô ấy nói rằng tôi là một học sinh gương mẫu, cô rất mến tôi và sẽ tiếc nếu tôi bị đuổi học. Cô bảo: “Em không cần phải giơ thẳng cánh tay, chỉ cần giơ ra một chút. Và không cần phải nói “Heil Hitler!”. Chỉ giả bộ cử động môi thôi”.

Khi tôi kể cho mẹ những gì cô giáo nói, mẹ nhắc tôi nhớ trường hợp trong Kinh Thánh về ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ đứng trước pho tượng do vua Ba-by-lôn xây. Mẹ hỏi: “Họ sắp phải làm gì?”. Tôi trả lời: “Dạ, cúi lạy ạ”. Mẹ nói tiếp: “Giả sử lúc đó họ cúi mình trước pho tượng chỉ để buộc dây giày, điều đó có đúng không? Vậy, con hãy quyết định, và làm điều gì con cho là phải”. Như Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, tôi quyết định chỉ trung thành với Đức Giê-hô-va.—Đa 3:1, 13-18.

Các giáo viên đuổi học tôi nhiều lần và đe dọa tách tôi khỏi cha mẹ. Tôi cảm thấy rất lo lắng, nhưng cha mẹ vẫn khích lệ tôi. Khi tôi chuẩn bị đi học, mẹ cùng cầu nguyện với tôi và xin Đức Giê-hô-va che chở tôi. Tôi biết Ngài sẽ ban thêm sức để tôi đứng vững trong lẽ thật (2 Cô 4:7). Cha nói rằng nếu gặp quá nhiều áp lực ở trường, tôi đừng do dự mà hãy trở về nhà. Cha nói: “Cha mẹ yêu con. Con luôn là con gái yêu của cha mẹ. Quyết định thế nào là việc giữa con và Đức Giê-hô-va”. Những lời ấy giúp tôi muốn giữ lòng trung kiên.—Gióp 27:5.

Mật vụ Gestapo thường đến nhà chúng tôi để lục soát, tìm các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va và tra hỏi cha mẹ. Họ đem mẹ đi hàng giờ, và bắt cha cùng chị tại nơi làm việc. Tôi không bao giờ biết khi đi học về liệu có gặp mẹ không. Đôi khi, hàng xóm nói với tôi: “Họ mới bắt mẹ cháu đi đấy”. Lúc ấy, tôi trốn trong nhà và tự hỏi: “Họ có tra tấn mẹ không? Mình sẽ được gặp lại mẹ không?”.

Bị trục xuất

Ngày 28-1-1943, mật vụ Gestapo đánh thức chúng tôi lúc 3 giờ 30 sáng. Họ nói nếu chúng tôi gia nhập Đảng Quốc Xã thì sẽ không bị trục xuất. Chúng tôi có ba tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Mẹ tôi liệu trước tình huống này nên đã xếp cho mỗi người một ba lô, gồm bộ quần áo và một cuốn Kinh Thánh. Nhờ thế, chúng tôi có thời gian cầu nguyện và khích lệ lẫn nhau. Cha nhắc nhở chúng tôi rằng không gì ‘có thể phân-rẽ chúng tôi khỏi sự yêu-thương của Đức Chúa Trời’.—Rô 8:35-39.

Mật vụ Gestapo quả đã trở lại. Tôi không bao giờ quên hình ảnh một chị lớn tuổi tên Anglade đã vẫy chào chúng tôi trong nước mắt. Gestapo đưa chúng tôi đến ga xe lửa ở Metz. Sau ba ngày trên tàu, chúng tôi đến Kochlowice, một trại phụ của trại Auschwitz, Ba Lan. Hai tháng sau, chúng tôi bị chuyển đến Gliwice, một nữ tu viện được đổi thành trại lao động. Lính Quốc Xã cho biết nếu mỗi người ký tên vào giấy từ bỏ đức tin thì họ sẽ phóng thích và trả lại tài sản cho chúng tôi. Khi cha mẹ tôi từ chối, những người lính nói rằng: “Bọn mày sẽ không bao giờ được trở về nhà”.

Vào tháng sáu, chúng tôi bị chuyển đến Swietochlowice. Ở đấy, tôi bị nhức đầu, và căn bệnh này kéo dài cho đến nay. Các ngón tay tôi bị nhiễm trùng, và một bác sĩ đã rút ra vài móng tay mà không gây tê. Tuy nhiên, lúc này các lính gác thường sai tôi làm những việc vặt và đi đến một tiệm bánh mì. Người phụ nữ ở đấy đã cho tôi một ít thức ăn.

Trong các trại này, gia đình chúng tôi bị giam riêng, tách khỏi những tù nhân khác. Tuy nhiên, tháng 10-1943, chúng tôi bị đưa đến trại tập trung ở thành phố Ząbkowice. Chúng tôi ngủ trên những chiếc giường tầng trong gác mái, có khoảng 60 người khác gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ con. Lính SS chỉ cho chúng tôi ăn những đồ hôi thối và hầu như không ăn được.

Bất chấp khó khăn, chúng tôi vẫn nuôi hy vọng. Chúng tôi đã đọc một Tháp Canh nói về công việc rao giảng ở tầm mức rộng lớn sẽ được thực hiện sau chiến tranh. Vì thế, chúng tôi hiểu tại sao mình phải chịu đau khổ và chẳng bao lâu nữa những khó khăn sẽ chấm dứt.

Tin tức về sự tiến đến của quân Đồng Minh cho chúng tôi biết rằng Quốc Xã đang bại trận. Đầu năm 1945, lính SS quyết định bỏ trại của chúng tôi. Ngày 19 tháng 2, họ bắt chúng tôi phải đi bộ gần 240km. Sau bốn tuần, chúng tôi đến thị trấn Steinfels, Đức. Tại đây, lính gác dồn các tù nhân vào một hầm mỏ. Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị giết. Tuy nhiên, ngày ấy quân Đồng Minh đến, lính SS bỏ chạy và chúng tôi được tự do.

Đạt được mục tiêu

Ngày 5-5-1945, sau gần hai năm rưỡi, chúng tôi trở về nhà ở Yutz, nhếch nhác và đầy chí rận. Chúng tôi đã không thay quần áo kể từ tháng hai, vì vậy, chúng tôi quyết định đốt hết những quần áo cũ này. Tôi nhớ mẹ bảo rằng: “Hãy xem đây là ngày đẹp nhất trong đời các con. Chúng ta chẳng có gì. Thậm chí, quần áo chúng ta đang mặc cũng không phải là của chúng ta. Tuy nhiên, bốn người chúng ta đã trở về cách trung thành. Chúng ta đã không thỏa hiệp”.

Sau ba tháng dưỡng bệnh ở Thụy Sĩ, tôi đi học lại và không còn lo sợ bị đuổi. Giờ đây, chúng tôi có thể gặp gỡ anh chị em đồng đạo và tự do rao giảng. Ngày 28-8-1947, lúc 13 tuổi, tôi công khai biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va mà tôi đã hứa nguyện vài năm trước. Cha đã làm báp têm cho tôi ở sông Moselle. Tôi muốn trở thành tiên phong ngay, nhưng cha khuyên tôi nên học một nghề. Vì thế, tôi học nghề thợ may. Năm 1951, lúc 17 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong và phụng sự ở xã Thionville gần nhà.

Năm đó, tôi đi dự hội nghị ở thành phố Paris và nộp đơn xin làm giáo sĩ. Tôi chưa đủ tuổi nhưng anh Nathan Knorr nói anh sẽ giữ đơn của tôi để xét sau. Tháng 6-1952, tôi nhận được thư mời theo học khóa thứ 21 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở South Lansing, New York, Hoa Kỳ.

Trường Ga-la-át và cuộc đời sau này

Tham dự trường Ga-la-át quả là tuyệt vời! Tôi thường ngại nói trước nhiều người, dù bằng tiếng mẹ đẻ. Nhưng giờ đây, tôi phải nói tiếng Anh. Tuy nhiên, các giảng viên đã yêu thương giúp đỡ tôi. Một anh đã đặt cho tôi biệt danh liên quan đến nụ cười của tôi khi mắc cỡ.

Ngày 19-7-1953, lễ tốt nghiệp được tổ chức tại sân vận động Yankee ở New York. Tôi và chị Ida Candusso được bổ nhiệm đến Paris. Rao giảng cho dân Paris giàu có là điều khiến tôi e ngại, nhưng tôi đã giúp nhiều người khiêm nhường tìm hiểu Kinh Thánh. Năm 1956, chị Ida kết hôn và đi châu Phi, còn tôi vẫn ở Paris.

Năm 1960, tôi kết hôn với một anh phụng sự ở nhà Bê-tên, chúng tôi làm tiên phong đặc biệt ở Chaumont và Vichy. Năm năm sau, tôi mắc bệnh lao phổi nên phải ngưng công việc tiên phong. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng vì từ lúc còn thơ ấu, mục tiêu của tôi là theo đuổi sự nghiệp tiên phong suốt đời. Một thời gian sau, chồng tôi bỏ tôi để theo người đàn bà khác. Các anh chị em đồng đạo đã hỗ trợ tôi trong suốt những năm đen tối ấy, và Đức Giê-hô-va luôn gánh lấy gánh nặng của tôi.—Thi 68:19.

Hiện nay, tôi sống ở Louviers, Normandy, gần văn phòng chi nhánh Pháp. Dù sức khỏe không tốt, tôi hạnh phúc vì đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va trong đời. Đến nay, sự dạy dỗ mà tôi nhận được từ cha mẹ vẫn giúp tôi duy trì quan điểm đúng đắn. Cha mẹ dạy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng có thật, Đấng tôi có thể yêu thương, trò chuyện, và là Đấng nhậm lời cầu nguyện của tôi. Thật thế, “tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?”.—Thi 116:12.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Tôi hạnh phúc vì đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va trong đời”

[Hình nơi trang 5]

Lúc tôi sáu tuổi với mặt nạ chống khí độc

[Hình nơi trang 5]

Lúc 16 tuổi, tôi cùng với các giáo sĩ và tiên phong ở Luxembourg tham gia đợt rao giảng đặc biệt

[Hình nơi trang 5]

Với cha mẹ tại hội nghị năm 1953