Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Chúa Giê-su đã đi rao giảng khắp nước Y-sơ-ra-ên. Vậy, làm sao sứ đồ Phi-e-rơ có thể nói rằng “vì không hiểu biết” nên dân Do Thái và các nhà lãnh đạo đã đòi hành hình Chúa Giê-su?—Công 3:17, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Khi nói chuyện với một nhóm dân Do Thái về việc họ đã góp phần trong cái chết của Đấng Mê-si, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Ta biết anh em và các quan của anh em, vì lòng ngu-dốt [“vì không hiểu biết”, GKPV] nên đã làm điều đó” (Công 3:14-17). Một số người Do Thái có lẽ không hiểu về Chúa Giê-su và các dạy dỗ của ngài. Còn những người khác chối bỏ Đấng Mê-si vì một số lý do, chẳng hạn họ không có ước muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời, thành kiến, đố kỵ và ghen ghét.

Hãy xem xét việc không có ước muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của nhiều người về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su thường dạy bằng minh họa, sau đó ngài giải thích cho bất cứ ai muốn hiểu thêm. Tuy nhiên, một số người nghe Chúa Giê-su dạy, rồi bỏ đi mà không muốn biết rõ hơn. Vào dịp nọ, thậm chí một số môn đồ đã khó chịu về lời nói mang nghĩa bóng của Chúa Giê-su (Giăng 6:52-66). Những người ấy không nhận ra ngài dùng minh họa để thử xem họ có sẵn lòng thay đổi lối suy nghĩ và hành động hay không (Ê-sai 6:9, 10; 44:18; Mat 13:10-15). Họ cũng lờ đi lời tiên tri về việc Đấng Mê-si dùng minh họa để dạy dỗ.—Thi 78:2.

Những người khác chối bỏ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su vì thành kiến. Khi ngài giảng dạy tại nhà hội ở quê nhà là Na-xa-rét, người ta “lấy làm lạ” về lời dạy của ngài. Nhưng thay vì chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, họ nêu lên những câu hỏi về gốc gác của ngài: “Người bởi đâu được những điều nầy?... Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư?” (Mác 6:1-3). Người dân ở Na-xa-rét coi thường sự dạy dỗ của Chúa Giê-su vì ngài xuất thân tầm thường.

Còn các nhà lãnh đạo tôn giáo thì sao? Đa số họ ít chú ý đến Chúa Giê-su vì các lý do tương tự (Giăng 7:47-52). Họ cũng chối bỏ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su do ghen tị với ngài, là người được dân chúng chú ý (Mác 15:10). Chắc hẳn, nhiều người có địa vị đã phản ứng mạnh khi ngài quở trách họ về sự giả hình và lừa dối (Mat 23:13-36). Chúa Giê-su có lý do chính đáng để lên án họ vì đã cố tình không hiểu biết. Ngài nói: “Khốn cho các ngươi, là thầy dạy luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự biết, chính mình không vào [Nước Trời], mà người khác muốn vào, lại ngăn-cấm không cho!”.—Lu 11:37-52.

Trong ba năm rưỡi, Chúa Giê-su đã rao giảng tin mừng khắp xứ. Ngài cũng huấn luyện hàng chục môn đồ làm công việc này (Lu 9:1, 2; 10:1, 16, 17). Chúa Giê-su và các môn đồ đã làm việc hữu hiệu đến mức người Pha-ri-si than phiền: “Kìa, cả thiên-hạ đều chạy theo người!” (Giăng 12:19). Vậy, không phải là đa số người Do Thái chẳng biết gì. Tuy nhiên, về cơ bản, họ “không hiểu biết” Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Họ có thể hiểu biết sâu sắc và yêu thương Đấng Mê-si nhiều hơn, nhưng họ không làm thế. Một số người đã đồng lõa trong việc hành hình Chúa Giê-su. Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên nhiều người trong số họ: “Các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Jêsus” (Công 3:19, 20). Điều đáng lưu ý là hàng ngàn người Do Thái, kể cả “rất nhiều thầy tế-lễ”, bắt đầu chú ý đến tin mừng về Chúa Giê-su. Họ không còn hành động “vì không hiểu biết”. Thay vì thế, họ đã ăn năn và được Đức Giê-hô-va ban ân huệ.—Công 2:41; 4:4; 5:14; 6:7.