Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi gương Chúa Giê-su—Dạy bằng tình yêu thương

Noi gương Chúa Giê-su—Dạy bằng tình yêu thương

Noi gương Chúa Giê-su—Dạy bằng tình yêu thương

“Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!”.—GIĂNG 7:46.

1. Người ta phản ứng thế nào trước cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?

Hãy hình dung người ta phấn khích biết bao khi nghe Chúa Giê-su dạy dỗ! Kinh Thánh cho chúng ta biết lời dạy của Chúa Giê-su tác động thế nào đến những người ngài gặp. Chẳng hạn, người viết Phúc âm là Lu-ca cho biết những người đồng hương với Chúa Giê-su “lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra”. Ma-thi-ơ tường thuật rằng những người nghe Chúa Giê-su nói Bài giảng trên núi “lấy đạo Ngài làm lạ”. Còn Giăng cho biết những người lính được phái đi bắt Chúa Giê-su đã trở về tay không và nói: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!”.—Lu 4:22; Mat 7:28; Giăng 7:46.

2. Chúa Giê-su đã dùng những phương pháp dạy dỗ nào?

2 Những người lính nói như thế quả không sai. Chắc chắn, Chúa Giê-su là Thầy vĩ đại nhất đã từng sống. Ngài dạy rõ ràng, đơn giản và hợp lý đến mức không ai bác bỏ được. Ngài khéo léo dùng minh họa và câu hỏi. Ngài điều chỉnh cách dạy dỗ cho phù hợp với người đối thoại, dù họ thuộc tầng lớp cao sang hay thấp hèn. Lẽ thật ngài dạy tuy dễ lĩnh hội nhưng rất sâu sắc. Song, Chúa Giê-su là Thầy vĩ đại không chỉ nhờ vào những điều này.

Tình yêu thương, đức tính quan trọng nhất

3. Là thầy giảng dạy, Chúa Giê-su khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó như thế nào?

3 Chắc chắn trong số các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, có người thông minh, hiểu biết và có khả năng truyền đạt sự hiểu biết ấy. Tại sao cách dạy dỗ của Chúa Giê-su khác biệt với họ? Những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó không yêu thương người dân. Họ khinh bỉ, coi những người này như “dân đáng rủa” (Giăng 7:49). Trái lại, Chúa Giê-su động lòng thương xót thường dân vì họ “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Mat 9:36). Ngài là người nồng ấm, cảm thông và nhân từ. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo tôn giáo không thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời (Giăng 5:42). Tuy nhiên, Chúa Giê-su yêu Cha ngài và vui mừng làm theo ý muốn của Cha. Những nhà lãnh đạo tôn giáo bóp méo lời Đức Chúa Trời vì lợi ích riêng, nhưng Chúa Giê-su yêu “lời Đức Chúa Trời”. Ngài dạy dỗ, giải nghĩa, bênh vực và sống theo lời ấy (Lu 11:28). Thật vậy, tình yêu thương đã thấm sâu vào lòng Chúa Giê-su, chi phối những điều ngài dạy, cách ngài cư xử và dạy dỗ người khác.

4, 5. (a) Tại sao dạy bằng tình yêu thương là quan trọng? (b) Tại sao sự hiểu biết và khả năng cũng quan trọng trong việc dạy dỗ?

4 Còn chúng ta thì sao? Là những người theo Chúa Giê-su, chúng ta muốn noi gương ngài trong thánh chức và trong đời sống (1 Phi 2:21). Vì thế, mục tiêu của chúng ta không chỉ là truyền đạt sự hiểu biết về Kinh Thánh mà còn phản ánh những đức tính của Đức Giê-hô-va, đặc biệt là tình yêu thương. Dù hiểu biết nhiều hay ít, khéo dạy dỗ hay không, tình yêu thương chúng ta thể hiện sẽ giúp mình động đến lòng người nghe. Để hữu hiệu trong công việc đào tạo môn đồ, chúng ta phải noi theo Chúa Giê-su qua việc dạy bằng tình yêu thương.

5 Dĩ nhiên, để trở thành người dạy giỏi, chúng ta cần hiểu biết về đề tài và có khả năng truyền đạt sự hiểu biết đó. Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ đạt được hai điều này, và ngày nay Đức Giê-hô-va cũng giúp chúng ta làm thế qua tổ chức của Ngài. (Đọc Ê-sai 54:13; Lu-ca 12:42). Thế nhưng, chúng ta nên cố gắng dạy dỗ bằng tấm lòng chứ không chỉ bằng trí óc. Khi kết hợp sự hiểu biết, khả năng và tình yêu thương, chúng ta sẽ đạt hiệu quả tối đa. Vậy, khi dạy dỗ, chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương qua những cách nào? Chúa Giê-su và các môn đồ đã dạy bằng tình yêu thương như thế nào? Chúng ta hãy xem.

Chúng ta phải yêu thương Đức Giê-hô-va

6. Chúng ta nói về người mình yêu thương như thế nào?

6 Chúng ta thích nói về những điều chúng ta yêu mến. Khi nói về những điều mình thích, chúng ta trở nên sôi nổi, biểu lộ sự nhiệt tình và nồng ấm qua cử chỉ. Điều này đặc biệt đúng khi nói về một người mà chúng ta yêu thương. Chúng ta thường háo hức nói với người khác những điều chúng ta biết về người ấy. Chúng ta khen, tán dương và bênh vực người đó. Chúng ta làm thế vì muốn người khác cũng yêu thích và quý những đức tính của người ấy.

7. Tình yêu thương Chúa Giê-su dành cho Đức Chúa Trời đã thôi thúc ngài làm gì?

7 Trước khi giúp người khác vun trồng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, chính chúng ta phải hiểu biết và yêu thương Ngài. Sự thờ phượng thật phải dựa trên tình yêu thương với Đức Chúa Trời (Mat 22:36-38). Chúa Giê-su đã nêu một gương hoàn hảo. Ngài đã yêu Đức Giê-hô-va hết lòng, hết trí, hết linh hồn và hết sức. Ngài đã trải qua có lẽ hàng tỉ năm ở trên trời với Cha, vì thế Chúa Giê-su hiểu rõ Cha ngài. Do đó, Chúa Giê-su nói: “Ta yêu-mến Cha” (Giăng 14:31). Tình yêu thương ấy đã phản ánh trong mọi hành động và lời nói của Chúa Giê-su. Tình yêu thương ấy thúc đẩy ngài luôn làm điều đẹp lòng Đức Chúa Trời (Giăng 8:29). Nó cũng thôi thúc ngài vạch trần những nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình, những người tự nhận mình đại diện cho Đức Chúa Trời. Vì tình yêu thương, Chúa Giê-su phải nói về Đức Giê-hô-va, giúp người khác hiểu biết và yêu mến Đức Chúa Trời.

8. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời đã thôi thúc môn đồ Chúa Giê-su làm gì?

8 Như Chúa Giê-su, các môn đồ ngài vào thế kỷ thứ nhất yêu thương Đức Giê-hô-va. Tình yêu thương này đã thôi thúc họ can đảm và sốt sắng rao giảng tin mừng. Dù bị các nhà lãnh đạo tôn giáo đầy quyền lực chống đối, sự dạy dỗ của họ đã lan truyền khắp thành Giê-ru-sa-lem. Các môn đồ không thể không nói về những điều họ đã thấy và nghe (Công 4:20; 5:28). Họ biết rằng Đức Giê-hô-va ở với họ và sẽ ban phước cho họ. Ngài quả đã làm thế! Thật vậy, chưa đầy 30 năm sau khi Chúa Giê-su hy sinh, sứ đồ Phao-lô có thể viết rằng tin mừng đã được giảng ra “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô 1:23.

9. Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua những cách nào?

9 Nếu muốn là người dạy dỗ thật hữu hiệu, chúng ta cũng phải tiếp tục củng cố tình yêu thương với Đức Chúa Trời. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Bằng cách thường xuyên nói với Ngài qua lời cầu nguyện. Chúng ta cũng làm vững mạnh tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua việc học Lời Ngài, đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và tham dự các buổi nhóm họp. Khi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời gia tăng, lòng chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu thương với Ngài. Lúc ấy, chúng ta sẽ biểu lộ tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua lời nói và hành động. Khi người khác thấy điều đó, họ có thể muốn đến gần Đức Giê-hô-va.—Đọc Thi-thiên 104:33, 34.

Chúng ta phải yêu mến những điều mình dạy

10. Dấu hiệu để nhận ra một người thầy giỏi là gì?

10 Dấu hiệu để nhận ra một người thầy giỏi là ông yêu mến những gì mình dạy. Ông phải tin điều mình dạy là đúng, quan trọng và có giá trị. Nếu người thầy quan tâm đến những điều mình dạy, sự nhiệt tình của ông sẽ được thấy rõ và tác động mạnh mẽ trên học viên. Trái lại, nếu không thật sự quý trọng những gì mình dạy, làm thế nào người thầy có thể mong mỏi học viên quý trọng những điều họ nghe? Vậy, đừng bao giờ xem nhẹ gương mẫu của bạn với tư cách là người dạy Lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói: “Nếu [môn đồ] được dạy dỗ đầy đủ thì sẽ như thầy mình”.—Lu 6:40, Bản Dịch Mới.

11. Tại sao Chúa Giê-su yêu mến những gì ngài dạy?

11 Chúa Giê-su yêu mến những gì ngài dạy. Ngài biết ngài có điều quý giá để chia sẻ với người khác: lẽ thật về Cha trên trời, “lời của Đức Chúa Trời”, và “những lời của sự sống đời đời” (Giăng 3:34; 6:68). Giống như tia sáng chói lọi, lẽ thật mà Chúa Giê-su dạy phơi bày điều gì là xấu, và cho thấy rõ điều gì là tốt. Lẽ thật ấy mang lại hy vọng và an ủi cho những người khiêm nhường, những người bị các nhà lãnh đạo tôn giáo sai lầm lừa dối và bị Ma-quỉ áp bức (Công 10:38). Tình yêu thương Chúa Giê-su dành cho lẽ thật không chỉ thể hiện trong sự dạy dỗ mà còn trong mọi điều ngài làm.

12. Sứ đồ Phao-lô cảm thấy thế nào về tin mừng?

12 Như Chúa Giê-su yêu mến lẽ thật, các môn đồ ngài yêu mến và quý trọng lẽ thật về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đến mức những người chống đối không thể làm họ nản lòng và ngưng chia sẻ lẽ thật ấy với người khác. Phao-lô viết cho những tín đồ ở thành Rô-ma: ‘Tôi cũng sẵn lòng rao tin mừng. Thật vậy, tôi không hổ-thẹn về tin mừng đâu, vì là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin’ (Rô 1:15, 16). Phao-lô xem việc rao truyền lẽ thật là một vinh dự. Ông viết: “Ân-điển đó đã ban cho tôi... để rao-truyền cho dân ngoại sự giàu-có không dò được của Đấng Christ” (Ê-phê 3:8). Không khó để hình dung sự nhiệt tình của Phao-lô khi ông dạy người khác về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài.

13. Chúng ta yêu mến tin mừng vì những lý do nào?

13 Tin mừng được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta hiểu về Đấng Tạo Hóa và có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Tin mừng ấy cung cấp những câu trả lời thỏa đáng về các thắc mắc quan trọng, giúp thay đổi đời sống, mang lại hy vọng và làm vững mạnh chúng ta trong những lúc gian truân. Hơn nữa, nó giúp chúng ta tìm được một cuộc sống bất tận, đầy ý nghĩa. Không có sự hiểu biết nào quý giá và quan trọng hơn tin mừng ấy. Đó là một món quà vô giá và mang lại niềm vui khôn tả cho chúng ta. Chúng ta hạnh phúc hơn khi chia sẻ tin mừng ấy cho người khác.—Công 20:35.

14. Làm thế nào chúng ta có thể củng cố lòng yêu mến đối với những điều chúng ta dạy?

14 Bạn có thể làm gì để củng cố hơn nữa lòng yêu mến đối với tin mừng? Trong khi đọc Lời Đức Chúa Trời, đôi lúc hãy ngừng lại để suy ngẫm những điều mình đọc. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn đồng hành với Chúa Giê-su trong thời gian ngài làm thánh chức trên đất hoặc cùng đi với sứ đồ Phao-lô. Hãy hình dung bạn sống trong thế giới mới và nghĩ đến đời sống khi ấy sẽ khác biệt ra sao. Hãy suy ngẫm về những ân phước bạn nhận được nhờ vâng theo tin mừng. Nếu bạn giữ được lòng yêu mến mạnh mẽ đối với tin mừng, những học viên của bạn sẽ cảm nhận được lòng yêu mến ấy. Vậy, chúng ta có lý do chính đáng để nghiêm túc suy ngẫm về những điều mình đã học và chú tâm đến những điều mình dạy.—Đọc 1 Ti-mô-thê 4:15, 16 *.

Chúng ta phải yêu thương người khác

15. Tại sao người thầy phải yêu thương học viên?

15 Một người thầy giỏi làm cho học viên cảm thấy thoải mái, nhờ thế họ hăng hái trong việc học tập và cởi mở phát biểu ý kiến. Người thầy có tình yêu thương truyền đạt sự hiểu biết cho học viên vì thành thật quan tâm đến họ. Ông điều chỉnh phương pháp dạy nhằm đáp ứng nhu cầu và trình độ của học viên. Ông biết rõ khả năng và hoàn cảnh của họ. Khi người thầy biểu lộ lòng yêu thương như thế, các học viên sẽ nhận ra điều đó. Nhờ vậy, việc dạy và học trở nên thú vị.

16. Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương với người khác qua những cách nào?

16 Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương như thế. Sự thể hiện tình yêu thương lớn nhất của ngài là hy sinh mạng sống hoàn toàn để cứu người khác (Giăng 15:13). Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su luôn sẵn sàng giúp người khác về mặt thể chất và đặc biệt về mặt thiêng liêng. Thay vì chờ đợi người ta đến với ngài, Chúa Giê-su đã đi bộ hàng trăm cây số để chia sẻ tin mừng cho họ (Mat 4:23-25; Lu 8:1). Ngài tỏ ra kiên nhẫn và cảm thông. Khi cần sửa sai các môn đồ, ngài cũng thể hiện tình yêu thương (Mác 9:33-37). Ngài khuyến khích họ bằng cách cho thấy ngài tin họ sẽ rao giảng tin mừng một cách hữu hiệu. Chưa bao giờ có người nào dạy dỗ một cách yêu thương như Chúa Giê-su. Tình yêu thương ngài dành cho các môn đồ đã thôi thúc họ yêu mến và vâng giữ các điều răn của ngài.—Đọc Giăng 14:15.

17. Các môn đồ Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu thương với người khác như thế nào?

17 Như Chúa Giê-su, các môn đồ ngài biểu lộ tình yêu thương và trìu mến sâu xa với những người họ rao giảng. Dù chịu sự ngược đãi và thậm chí liều sự sống, họ vẫn phục vụ người khác và đạt kết quả trong công việc rao giảng. Họ yêu thương biết bao những người được họ giúp về thiêng liêng! Những lời của sứ đồ Phao-lô thật xúc động, ông viết: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những [tin mừng] Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”.—1 Tê 2:7, 8.

18, 19. (a) Tại sao chúng ta sẵn lòng hy sinh để thực hiện công việc rao giảng? (b) Hãy kể một trường hợp cho thấy tình yêu thương mà chúng ta thể hiện được người khác chú ý.

18 Tương tự thế, trong thời hiện đại, Nhân Chứng Giê-hô-va đã đi khắp đất để tìm kiếm người có lòng khao khát muốn biết và phụng sự Đức Chúa Trời. Thật ra, trong 17 năm qua, chúng ta đã dành hơn một tỉ giờ mỗi năm cho công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Chúng ta vẫn tiếp tục làm việc ấy. Chúng ta sẵn lòng rao giảng dù công việc này đòi hỏi phải hy sinh thời gian, năng lực và của cải. Như Chúa Giê-su, chúng ta biết Cha yêu thương trên trời muốn người ta có sự hiểu biết dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3; 1 Ti 2:3, 4). Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta giúp những người có lòng thành hiểu biết và yêu mến Đức Giê-hô-va, như chúng ta.

19 Tình yêu thương mà chúng ta thể hiện được người khác chú ý. Chẳng hạn, một chị tiên phong ở Hoa Kỳ viết thư an ủi những người có thân nhân qua đời. Một người đàn ông đã phúc đáp: “Thoạt tiên, tôi rất ngạc nhiên vì có người đã cố gắng viết thư cho một người hoàn toàn xa lạ chỉ nhằm mục đích giúp người ấy chịu đựng nỗi đau buồn. Tôi phải kết luận rằng cô làm thế vì có lòng yêu thương với người đồng loại và với Đức Chúa Trời, Đấng hướng dẫn người ta trong đời sống”.

20. Dạy dỗ với lòng yêu thương quan trọng như thế nào?

20 Có người nói rằng khi phối hợp tình yêu thương và khả năng, bạn có thể đạt được thành quả cao nhất. Trong việc dạy dỗ, chúng ta cố gắng giúp học viên nhận biết Đức Giê-hô-va và thật lòng yêu thương Ngài. Thật vậy, muốn là người dạy dỗ hữu hiệu, chúng ta cần yêu thương Đức Chúa Trời, yêu mến lẽ thật và yêu thương người khác. Khi vun trồng tình yêu thương như thế và thể hiện qua thánh chức, chúng ta không chỉ trải nghiệm niềm vui ban cho mà còn thỏa lòng, vì biết rằng chúng ta noi gương Chúa Giê-su và làm hài lòng Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 14 1 Ti-mô-thê 4:15, 16 (Trần Đức Huân): “Con hãy suy gẫm về những việc đó và hiến trót mình con cho ơn phước nầy, để mọi người đều thấy rõ con tiến bộ. Con hãy tự giữ mình và hãy chăm lo lời mình dạy. Hãy cương quyết như vậy—điều đó sẽ khiến con tự cứu rỗi mình và những ai nghe lời con nữa”.

Bạn trả lời thế nào?

• Khi chúng ta dạy người khác về tin mừng, tại sao điều quan trọng là phải có...

tình yêu thương với Đức Chúa Trời?

lòng yêu mến những gì chúng ta dạy?

tình yêu thương với người mình dạy?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Điều gì làm cho cách dạy dỗ của Chúa Giê-su khác với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?

[Hình nơi trang 18]

Dạy dỗ hữu hiệu bao gồm sự hiểu biết, khả năng và trên hết là tình yêu thương